TPHCM: Kiến nghị lập khu thu dung tại các KCX-KCN có trên 11.000 lao động

Thứ Ba, 23/11/2021 22:58

|

(CAO) TPHCM có 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao với trên 330.000 lao động. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có một khu chế xuất được bố trí khu thu dung, điều trị COVID-19 tầng 1, trong khi số ca nhiễm trong các nhà máy có xu hướng tăng.

Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM (HBA) vừa có văn bản kiến nghị UBND TP thành lập khu thu dung, điều trị COVID-19 tầng 1 căn cứ trên quy mô lao động ở từng khu.

Cụ thể, trong 18 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) và khu công nghệ cao thì chỉ có Khu chế xuất Tân Thuận với trên 62.000 lao động đã được cơ quan y tế Quận 7 bố trí bệnh viện 600 giường là khu thu dung, điều trị COVID-19 và có Trạm y tế lưu động nhằm chủ động thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Tuy nhiên, còn 10 khu khác có quy mô trên 11.000 lao động nhưng chưa được bố trí khu thu dung. Trong khi đó, tại KCX Linh Trung 2, các doanh nghiệp đã đóng góp thành lập khu thu dung tầng 1 nhưng đang phải chờ văn bản hướng dẫn chính thức từ TP nên vẫn chưa đi vào hoạt động. Còn KCN Đông Nam đang xây dựng cơ bản khu thu dung tầng 1.

Do vậy, HBA đề nghị thành lập khu thu dung, điều trị COVID-19 tầng 1 tại các KCX-KCN có trên 11.000 lao động để tiếp nhận F0 bệnh nhẹ hoặc chưa có biểu hiện. Các khu thu dung tầng 1 sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng bóc tách công nhân F0 ra khỏi vị trí làm việc, bảo đảm an toàn cho nhà máy.

Đồng thời, HBA đề nghị UBND TPHCM và các sở liên quan có văn bản và quy chế y tế cụ thể trong hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ và thuốc điều trị tại khu thu dung điều trị COVID-19 tầng 1.

Ảnh minh hoạ

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA cho biết, HBA sẵn sàng vận động kêu gọi tài trợ từ các nhà máy trong các KCX-KCN này đóng góp các chi phí khác.

Đối với 7 KCN còn lại có quy mô dưới 10.000 lao động, HBA kiến nghị chỉ nên xây dựng khu cách ly tập trung (tiếp nhận công nhân F0 chưa có biểu hiện hoặc tự điều trị). Các doanh nghiệp trong các KCX-KCN sẽ đầu tư cơ sở vật chất.

Trước đó, HBA cũng đã có văn bản kiến nghị sớm có hướng dẫn cơ chế hoạt động đối với các khu cách ly tập trung trong khu công nghệ cao và KCX Linh Trung 2.

Doanh nghiệp bị động và chậm xử lý khi phát hiện F0

Cho đến nay, đã có 1.440/1.497 nhà máy tại 18 KCX-KCN và khu công nghệ cao khôi phục hoạt động. Hiện có trên 2.800 công nhân F0 đang điều trị tại nhiều nơi với tỉ lệ chiếm khoảng 0,8%. Xu hướng F0 trong các nhà máy tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, các nhà máy/doanh nghiệp đang lúng túng khi tiếp nhận công nhân là F0. “Doanh nghiệp trong các khu đang lâm tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, rất bị động và chậm xử lý khi phát hiện F0 trong nhà máy”, ông Bé nêu vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Bé cho biết thêm, trong quá trình tuyển dụng, khi doanh nghiệp phát hiện công nhân dương tính với SARS-CoV-2, nếu để những người này trở lại nhà trọ thì điều kiện để họ tự chữa trị là không phù hợp, trong khi doanh nghiệp chưa có quyết định tuyển dụng nên chưa thể đưa các công nhân này đến các bệnh viện đã ký kết.

Ngoài ra, ông cho biết thêm, cũng có tình trạng cơ quan phòng, chống dịch địa phương đùn đẩy qua lại trong việc tiếp nhận F0.

Một vấn đề nữa là mặc dù các doanh nghiệp đã ký kết với bệnh viện nhưng bệnh viện quá tải nên chậm trễ trong việc tiếp nhận, F0 thường lưu lại nhà máy nhiều ngày.

Theo ông Nguyễn Văn Bé, các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI đều sẵn sàng đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu để thành lập khu cách ly tập trung.

Tuy nhiên, chính quyền TP cần phải đầu tư đội ngũ y, bác sĩ điều hành và thuốc điều trị, đồng thời ban hành quy chế y tế hoạt động khu cách ly tập trung do các KCN-KCX thành lập nhằm xác lập rõ ràng trách nhiệm của y tế Nhà nước và sự hỗ trợ của nhà đầu tư. Vì theo ông Bé, nếu không có quy chế rõ ràng thì các khu cách ly tập trung đã hoàn thiện như tại Khu CNC TPHCM cũng chỉ có thể duy trì trong 6 tháng.

TPHCM có khoảng 1,5 triệu công nhân lao động tại 30 cụm công nghiệp và hàng trăm ngàn tổ hợp, nhà máy lớn nhỏ. 18 KCX-KCN và khu công nghệ cao chỉ có 320.000 công nhân với hàng rào khép kín. Hiện nay, theo thống kê, công nhân là F0 tại các KCN-KCX chỉ chiếm tỉ lệ 0,8%. Như vậy, ông Bé cho rằng không thể coi các KCN-KCX, các nhà máy, doanh nghiệp là nguyên nhân chính gây lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.

Đồng thời, HBA cũng kiến nghị sớm tiêm mũi vaccine tăng cường cho khoảng 320.000 người lao động trong 18 KCX-KCN này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang