Chào mừng Hội nghị văn hóa toàn quốc:

Nền văn hóa lấy hạnh phúc của đồng bào làm nền tảng mà Bác Hồ mong ước

Thứ Ba, 23/11/2021 12:28

|

(CATP) Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về văn hóa, sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 24-11, với hơn 600 đại biểu tham dự và trực tuyến tới các quận huyện trên toàn quốc. 

Hội nghị lần này diễn ra đúng vào ngày mà 75 năm trước đã diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24-11-1946) tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi".

Chủ tịch Hồ Chí Minh với khát vọng xây dựng một nền văn hóa mới

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến văn hóa. Chỉ một tháng ngay sau thành công của Cách mạng Tháng tám, dù công việc bộn bề, thù trong giặc ngoài đang sẵn sàng tấn công ta nhưng ngày 7-10-1945, chính quyền Cách mạng đã tổ chức Tuần lễ Văn hóa tại Hà Nội với hơn 200 đại biểu tham dự.

Tại sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có phát biểu rất ấn tượng: "...Văn hóa là một cấu trúc thượng tầng. Nhưng cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển. Ngày nay, trước khi đi đến sự kiến thiết nước nhà, chúng ta còn phải qua một thời kỳ tranh đấu cực kỳ khổ sở. Giới văn hóa cũng phải cùng các giới đồng bào đi qua chặng đường ấy. Mong rằng anh em văn hóa đã cố gắng, xin cố gắng mãi lên".

Chỉ hơn 1 năm sau đó, Hội nghị Văn hóa Toàn quốc được tổ chức (24-11-1946), và Hồ Chủ tịch là người đọc diễn văn khai mạc, cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính quyền cách mạng rất chú ý đến "kiến trúc thượng tầng" này, rất muốn xây dựng một nền văn hóa mới, về lâu dài để đất nước phát triển đúng hướng trên nền tảng văn hóa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm diễn viên Đoàn Văn công Nhân dân T.Ư sau buổi biểu diễn

Lúc đó Hồ Chủ tịch mới đi Pháp về, tình hình chiến sự rất căng thẳng. Lưu ý, ngày 23-11-1946, thực dân Pháp tấn công TP.Hải Phòng, khiến hơn 6.000 đồng bào ta bị tử nạn. Đó là lý do khiến hội nghị dự kiến tổ chức trong 3 ngày nhưng thu gọn lại còn 1 ngày.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, rất tiếc toàn văn bài phát biểu khoảng 40 phút của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại hội nghị này đến nay vẫn chưa tìm thấy. Ông Dương Trung Quốc dẫn bài tường thuật trên Báo Cứu Quốc, Cơ quan của Tổng bộ Việt Minh số ra ngày 25-11-1946, tức 1 ngày sau khi hội nghị diễn ra, tường thuật và bình luận hội nghị này.

Theo tường thuật của Báo Cứu Quốc, tại hội nghị, ông Đào Duy Anh đại diện Ban vận động hội nghị xác định rằng hội nghị này nhằm "để cho thế giới biết rằng trong khi dân tộc Việt Nam hăng hái chiến đấu, các nhà văn hóa vẫn thiết tha với công cuộc kiến thiết văn hóa, kiến thiết quốc gia".

Cũng theo Báo Cứu Quốc, trong bài phát biểu khoảng 40 phút của mình, Hồ Chủ tịch bày tỏ "thiết tha mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở". Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương rồi đặt câu hỏi "Ta nên theo văn hóa nào?".

Hồ Chủ tịch tự trả lời: "Đông phương hay Tây phương có cái gì tốt thì ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: "Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân. Nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa làm sao cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập...". Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Tôi tin rằng văn hóa Việt Nam sẽ có được một tương lai rực rỡ".

Nhà hát Lớn Hà Nội - nơi 75 năm trước đã diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất

"Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"

Tư tưởng chống tham nhũng của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất sâu sắc, lẫn thời sự cho đến tận hôm nay, dù phát biểu của Bác cách đây hơn 75 năm. Là tư tưởng cơ sở để xây dựng văn hóa liêm chính, quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội, xây dựng văn hóa liêm chính trong cơ quan Nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đó là hai phẩm chất đạo đức cơ bản của người cán bộ cách mạng: Đã là người cách mạng thì ai cũng phải liêm nhưng cán bộ, công chức - "những người trong công sở phải lấy chữ liêm làm đầu" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 1231). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh liêm trước hết là liêm khiết, không tham ô, luôn tôn trọng, giữ gìn của công và tài sản của nhân dân. Liêm còn là trong sạch, không tham lam.

Nếu có văn hóa, mỗi cá nhân cán bộ hiểu biết về văn hóa liêm chính, sẽ là hàng rào tự bảo vệ chính mình, để không sụp đổ trước cám dỗ tiền tài bổng lộc.

Thời gian qua, người dân đã chứng kiến nhiều cán bộ cấp cao, trong đó có nhiều trí thức - những "tinh hoa" của đất nước sa ngã, phải vào tù. Họ có thừa tri thức nhưng thiếu văn hóa liêm chính, cái hàng rào cuối cùng để bảo vệ mình nhưng họ tự dỡ bỏ hay cố tình coi thường nó. Và họ phải trả giá.

"Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi" - Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tư tưởng cốt lõi này. Văn hóa mang trong nó tính vượt trước hay tính tiên phong so với kinh tế - xã hội. Ở góc nhìn này, chúng ta thấy nổi bật lên những vấn đề về thế giới quan, về chính trị, về khoa học và công nghệ, về giáo dục, về mô thức ứng xử dân tộc... thuộc phạm trù văn hóa tinh thần, xét trong sự vận động tổng thể của toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Minh triết và minh triết của Hồ Chí Minh tiếp tục soi đường để chấn hung văn hóa nước nhà trong giai đoạn mới đầy thách thức.

Hội nghị khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc

Theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 được tổ chức sau 75 năm kể từ hội nghị lần thứ nhất, "nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc", hội nghị được tổ chức theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về văn hóa, được kỳ vọng sẽ mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề "chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam...".

Có 600 đại biểu sẽ tham dự hội nghị tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ngành; văn nghệ sĩ và đại diện lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội... Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và hầu hết các Ủy viên Bộ Chính trị sẽ tham dự hội nghị. Hội nghị còn được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành và có thể mở rộng đến tận các xã, phường, thị trấn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Nội dung trọng tâm của hội nghị là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa; tổng kết 35 năm đổi mới văn hóa, những thành tựu, khó khăn, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Các tham luận sẽ không đi vào báo cáo thành tích của ngành, địa phương mình mà tập trung nêu những yếu kém lâu nay để cùng bàn cách khắc phục.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, hội nghị cho thấy sự quan tâm rất lớn của Bộ Chính trị và Ban Bí thư với văn hóa, coi văn hóa là động lực của phát triển. Sự quan tâm, quan điểm này của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ lan tỏa tới các đại biểu để có nhận thức đúng về vai trò của văn hóa. Khi có nhận thức đúng thì sẽ có hành động đẹp, tất cả vì khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.

Hội nghị lần này cũng sẽ dành thời gian để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quán triệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Một trong những nhiệm vụ chiến lược này đặt ra là nâng cao nhận thức của người dân về phát triển văn hóa. Bộ sẽ rà soát các quy định, phát hiện điểm nghẽn để bổ sung, hoàn thiện theo cách tiếp cận xây dựng luật không chỉ là công cụ quản lý mà còn tạo ra động lực phát triển.

Theo kế hoạch, hưởng ứng Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, một số sự kiện dự kiến sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức như: Triển lãm với chủ đề "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" vào ngày 21-11-2021 tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ; Chương trình nghệ thuật chào mừng hội nghị với chủ đề "Việt Nam với khát vọng phát triển phồn vinh và hạnh phúc" vào ngày 23-11-2021 tại Nhà hát lớn Hà Nội...

Bình luận (0)

Lên đầu trang