TPHCM tự hào là nơi Bác Hồ khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước

Thứ Tư, 26/05/2021 15:28

|

(CAO) Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM tự hào là nơi Bác Hồ khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước, tự hào là Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Cách đây 110 năm, ngày 5 tháng 6 năm 1911, từ bến cảng Nhà Rồng, Thành phố Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân. Hành trình của Người đã đem lại cho dân tộc Việt Nam một con đường cứu nước đúng đắn và chính Người đã tổ chức và lãnh đạo một chính đảng cách mạng chân chính, đưa Nhân dân, đưa dân tộc Việt Nam thoát cảnh lầm than, trở thành một nước tự do, độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thành phố Sài Gòn – TPHCM vinh dự là nơi tiễn Người ra đi năm ấy và Giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận định “Sài Gòn, nơi tuy Bác dừng chân ngắn nhất, lại có vai trò quyết định đối với sự lựa chọn con đường cứu nước”; từ đó đi đến kết luận: “Nếu Sài Gòn không phải là chỗ gợi ý thì cũng là nơi định đoạt dứt khoát thái độ của Bác”, để Bác quyết định dứt khoát phải sang Pháp và các nước phương Tây, chứ không phải hướng về phương Đông như một số nhà yêu nước tiền bối. Đây là một chân lý mang tầm nhìn thời đại.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tại hội thảo “Hồ Chí Minh với hành trình thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” ngày 26/5. Ảnh: Nguyễn Nam

Thực tiễn lịch sử ở Sài Gòn, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào yêu nước ở Sài Gòn diễn ra rất sôi nổi, của nhiều tầng lớp, chỉ rõ Sài Gòn là nơi hội tụ các phong trào - Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá là “dấu hiệu của thời đại”[1] như: những cuộc đấu tranh của công nhân xưởng Ba Son, học sinh Trường Bá Nghệ… sự ra đời tổ chức Công hội đầu tiên ở Sài Gòn do đồng chí Tôn Đức Thắng vận động thành lập; các cuộc đấu tranh vận động thả Nguyễn An Ninh; cuộc đưa tang cụ Phan Chu Trinh (1926) là cuộc biểu tình lớn của hơn trăm ngàn dân Sài Gòn; hoặc tờ báo La Cloche fêlée (Chuông Rè) là tờ báo đầu tiên đã công khai đăng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản giữa Sài Gòn. Cuối thập niên ấy, Sài Gòn trở thành một trong những trung tâm của phong trào công nhân xứ thuộc địa đang dấy lên xu hướng cách mạng vô sản… Sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, Chủ nghĩa Mác - Lê nin được truyền bá vào Việt Nam trước tiên qua bến cảng của Thành phố từ những năm 20 thế kỷ XX.

Ngay từ năm 1919, giới thanh niên và nhân dân tiên tiến đã biết và ngưỡng mộ Nguyễn Ái Quốc khi đọc báo Thư tín Sài Gòn đăng tải bản “Yêu sách của Nhân dân An Nam” và Thư gửi Tổng thống Mỹ đang tham dự Hội nghị Hoà bình Véc - xây. Từ năm 1927, người dân Sài Gòn đã đấu tranh dưới sự lãnh đạo của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đầu năm 1930, Đảng bộ Thành phố Sài Gòn ra đời, trực tiếp lãnh đạo nhân dân thành phố kiên trung đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.

Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định từ năm 1930 đến năm 1975, luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió, giữa sào huyệt của thực dân, đế quốc, vẫn một dạ kiên trung bất khuất, cùng với miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, “đi trước về sau” qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ mà vô cùng oanh liệt. Dựa vào dân, nhờ trí tuệ và sức mạnh lòng dân, 45 năm đấu tranh cách mạng của Đảng bộ Thành phố là những trang sử sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bản lĩnh, trí tuệ, đoàn kết, năng động, sáng tạo, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước bằng những sự kiện lịch sử cụ thể, đó là:

- Lãnh đạo Nhân dân giành thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn tháng 8 năm 1945 và ngay sau đó đã mở đầu cuộc kháng chiến của Nhân dân Nam Bộ chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

- Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ Thành phố hoạt động ngay trung tâm sào huyệt của địch, nhưng kiên cường bám trụ, năng động sáng tạo, thực hiện sự phối hợp chặt chẽ phong trào đấu tranh của công nhân và các tầng lớp Nhân dân ở đô thị với phong trào đấu tranh của nông dân ở vành đai và ở các tỉnh Nam Bộ, phối hợp giữa quân dân thành phố với quân chủ lực, tiến công địch liên tục về chính trị, vũ trang và binh vận, góp phần rất quan trọng vào công cuộc giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam.

- Đảng bộ Thành phố quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng căn cứ địa cách mạng, hệ thống các căn cứ đã hình thành và phát triển vững chắc nhờ dựa vào Nhân dân. Đảng bộ và Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã xây dựng, phát triển hàng loạt căn cứ kháng chiến lớn nhỏ, căn cứ ở vùng ven, lõm chính trị ở nội đô… tiêu biểu như: căn cứ Vườn Thơm - biểu tượng hào hùng của những tháng năm mở đầu cuộc kháng chiến; căn cứ Rừng Sác, mà sông rạch, thủy triều, rừng cây đã biến nơi này trở thành một “trận đồ bát quái”; căn cứ Củ Chi nổi tiếng với hệ thống địa đạo có độ dài hàng trăm ki-lô-mét tỏa rộng trong lòng đất, là một công trình đánh giặc độc đáo và vĩ đại của Việt Nam. Là hàng loạt căn cứ du kích, lõm du kích ở các vùng ven đô thị và trong nội đô, các cơ sở cách mạng, hầm bí mật. Nhờ vào những căn cứ kháng chiến vững chắc như thành đồng ấy mà Đảng bộ và Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian nguy, hiểm trở, kiên cường kháng chiến, liên tiếp giành được chiến công vang dội.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 2 tháng 7 năm 1976, Thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tự hào là thành phố mang tên Bác, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TPHCM tiếp tục đứng lên, nỗ lực khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, giữ vững thành quả cách mạng, ổn định chính trị, khôi phục và phát triển kinh tế. Với sự linh hoạt, năng động, sáng tạo của mình, nắm vững các chủ trương của Đảng và Nhà nước, bám sát tình hình thực tiễn của thành phố, vận dụng những bài học kinh nghiệm trong các thời kỳ kháng chiến, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với Trung ương và với Nhân dân, Đảng bộ, chính quyền TPHCM kiên trì từng bước để tháo gỡ, vượt qua những lực cản của cơ chế cũ, tiếp tục tìm tòi hướng đi đúng đắn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh gắn với giải quyết việc làm, chăm lo đời sống Nhân dân, làm sáng tỏ dần con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với cách làm mới, tư duy mới, góp phần tích cực vào việc xác định và hình thành đường lối đổi mới của Đảng.

TPHCM tiên phong phát triển nhiều mô hình mới trong kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa. Tìm tòi, sáng kiến xây dựng mô hình các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp sinh thái, hình thành trung tâm giao dịch chứng khoán, phát triển hệ thống ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư phát triển đô thị; xây dựng các chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xây dựng cơ chế thúc đẩy phát triển mạnh các loại hình thị trường hàng hóa - dịch vụ, thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường lao động. Những mô hình mới về phát triển kinh tế là sản phẩm lao động thể hiện trí tuệ, sự nhạy bén, thích ứng nhanh với quá trình và xu thế hội nhập kinh tế thế giới của TPHCM.

TPHCM là nơi khơi nguồn cho việc xây dựng thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Thành phố là địa phương đang triển khai phương thức quản lý đô thị thông minh và đang xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông - Thành phố Thủ Đức.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: Nguyễn Nam

TPHCM cũng là địa phương luôn nỗ lực suy nghĩ, tìm tòi, xây dựng và phát triển các phong trào lớn về văn hóa - xã hội, khởi xướng và thực hiện các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”; “xây dựng nhà tình nghĩa” “nhà tình thương”; chương trình “xóa đói giảm nghèo”; “bảo trợ bệnh nhân nghèo”; đem lại “nụ cười cho trẻ thơ”; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; phong trào ba giảm, đề án sau cai nghiện, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, phong trào thực hiện nếp sống văn minh đô thị, xây dựng quỹ vì người nghèo, bệnh viện cho người nghèo, chương trình nông thôn mới, thực hiện xã hội hóa y tế, giáo dục, phát triển mô hình bệnh viện, trường học với nhiều loại hình khác nhau phong phú, đa dạng… mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội rộng lớn, mang tính nhân văn cao cả, có sức lan tỏa mạnh mẽ thể hiện sinh động bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa mà thành phố cùng cả nước đang xây dựng.

Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM tự hào là nơi Bác Hồ khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước, tự hào là thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ và Nhân dân thành phố đã và đang vững bước trên con đường Bác Hồ, Đảng ta và Nhân dân ta đã sáng suốt lựa chọn, giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn tìm hướng đi mới, không chùn bước trước khó khăn, không trông chờ thụ động, lắng nghe ý kiến của nhân dân, của cán bộ đảng viên, nhà khoa học và nhà quản lý, tìm ra cái đúng, chỉ rõ cái sai, cùng đồng tâm hiệp lực tìm giải pháp cụ thể hợp lòng dân…, nhờ đó thành phố đã từng bước chuyển biến, đạt được nhiều thành tựu nhất định trên các lĩnh vực. Đó chính là thành quả của sự đoàn kết nhất trí, mối quan hệ máu thịt “Đảng tin dân, dân tin Đảng” tạo thành sức mạnh tổng hợp để thành phố vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ và phức tạp.

Đảng bộ và Nhân dân TPHCM càng tự hào với những thành tựu đã đạt được bao nhiêu thì càng phải nhìn thẳng vào những yếu kém trong phát triển thành phố hiện nay, kiên quyết khắc phục và sửa chữa khuyết điểm, yếu kém. Đồng thời, để tiến lên mạnh mẽ vững bước, cần nghiêm túc thực hiện những bài học kinh nghiệm đã được rút ra:

Thứ nhất, hết lòng, hết sức chăm lo đời sống Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tin dân, trọng dân, học dân, dựa vào dân, phát huy sức dân, tạo sự đồng thuận xã hội tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Thứ hai, luôn quán triệt, nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong từng thời kỳ, bám sát thực tiễn, nhận định sát đúng tình hình; đổi mới tư duy, mạnh dạn đột phá, phát hiện và nhân rộng nhân tố mới, cách làm mới, mô hình mới góp phần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển.

Thứ ba, tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý dứt điểm các vấn đề tiêu cực; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng.

Thứ tư, nhận thức đúng vị trí, vai trò của thành phố, giữ vững ổn định chính trị; đẩy mạnh hợp tác kinh tế - văn hóa - xã hội với các tỉnh, thành phố trong cả nước ngày càng thiết thực, hiệu quả, đồng thời tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.

Thứ năm, phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng con người với tiến bộ, công bằng xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc, từ thân phận một dân tộc nô lệ thành một dân tộc độc lập, tự do. Từ bước chân đầu tiên trên hành trình tìm đường cứu nước đến nay, cách mạng Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng, thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Vinh dự và tự hào là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Đảng bộ và Nhân dân thành phố càng quyết tâm hơn nữa để TPHCM “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng.

Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

---------------------------------

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 2, tr 16

Hành trình của Người đã mở ra những mốc son rực rỡ nhất trong lịch sử
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang