Tối 5/2 (mùng 5 tháng Giêng), Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TPHCM tổ chức chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 233 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789-2022) tại sân khấu trước Nhà hát thành phố với chủ đề "Vang mãi hào khí Tây Sơn."
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã ôn lại chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa lịch sử, đồng thời nhấn mạnh trong thời khắc thiêng liêng này, tinh thần, ý chí, sức mạnh đoàn kết, sức sống cội nguồn đang vọng về trong mỗi trái tim người dân Việt.
Nhạc cảnh 'Dưới cờ Tây Sơn.' (Ảnh: TTXVN)
Non sông, đất nước và mỗi người dân Việt Nam xin nguyện tri ân các anh hùng hào kiệt, các bậc tiền nhân, các liệt sỹ đã ngã xuống cho Tổ quốc mãi mãi được trường tồn, cho hồn thiêng dân tộc được rạng danh muôn thuở.
Bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh trong năm 2021 vừa qua, giữa tâm bão của đại dịch COVID-19 lần thứ tư với những tổn thất nặng nề, TPHCM vẫn nhận được tình yêu thương từ đồng bào khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và ở nước ngoài, đã kịp thời động viên, chia sẻ về vật chất lẫn tinh thần. Trong gian khó, sự tử tế của đồng bào càng được thắp lên, lan toả tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Thay mặt nhân dân thành phố, bà Tô Thị Bích Châu gửi lời cảm ơn các chiến sỹ đang ngày đêm chắc tay súng nơi biên cương, hải đảo làm tròn nhiệm vụ canh giữ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, những chiến sỹ tuyến đầu sẵn sàng chấp nhận hy sinh những giây phút riêng tư để gìn giữ cho sự bình yên, mang về trọn vẹn những mùa Xuân yêu thương cho đất nước.
Chương trình sân khấu hóa "Vang mãi hào khí Tây Sơn" quy tụ sự tham gia của hơn 100 diễn viên, ca sỹ, vũ công, nhạc sỹ... đến từ Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP như: Thanh Ngân, Thoại Mỹ, Lê Tứ, Tú Sương, Trung Thảo, Lê Thanh Thảo, Điền Trung, Lê Hồng Thắm, Minh Trường...
Các nghệ sỹ đã cùng phối hợp biểu diễn 15 tiết mục ca, múa, kịch được dàn dựng bài bản, sáng tạo, đầy tính thẩm mỹ và đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc.
Các nghệ sỹ trong trích đoạn 'Trảm tướng an dân.' (Ảnh: TTXVN)
Với 4 chương gồm: "Tây Sơn Tam Kiệt," "Áo vải cờ đào," "Vương triều Tây Sơn - Binh hùng tướng mạnh" và "Đất nước rồng bay," chương trình được tổ chức một mạch cảm xúc liên tục, đi vào phát triển, phân tích và ca ngợi những đức tính cao cả của người anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ, đặc biệt đi sâu vào đặc tả cái tài, cái tâm, cái đức mà ông để lại cho dân tộc hơn 230 năm lịch sử.
Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa đánh tan 20 vạn quân Mãn Thanh, giải phóng Kinh thành Thăng Long, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc được tái hiện sinh động qua các nhạc cảnh, tiết mục như: "Tây Sơn địa linh nhân kiệt - Tây Sơn miền đất võ," "Dưới cờ Tây Sơn," "Thủy binh Tây Sơn," "Bài thơ Thăng Long," "Trảm tướng an dân," "Vó ngựa xâm lăng - Nỗi lòng Nguyễn Thiếp," "Hoàng đế Quang Trung," "Hậu lai kỳ tổ."
Đặc biệt, năm nay chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 233 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử dành riêng một tiết mục để tri ân sâu sắc sự hy sinh thầm lặng của những chiến sỹ tuyến đầu, đã lao mình vào tâm dịch, đã hy sinh quả cảm giữa thời bình, đồng thời, hòa chung cùng hồn thiêng sông núi để cúi đầu bái vọng tưởng niệm hơn 2 vạn đồng bào đã mất vì đại dịch.
Diễn ra trong thời điểm dịch COVID-19 đã phần nào được kiểm soát nhưng Ban tổ chức vẫn tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh; thực hiện 5K; thực hiện đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn thường xuyên cho các nghệ sỹ, đại biểu và khán giả.
Theo lãnh đạo TPHCM, sau 233 năm, hào khí của ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu năm 1789 xưa vẫn không thôi thúc giục. Từ chiến thắng lịch sử của quân đội Tây Sơn, non sông thu về một mối, đã đánh dấu một mốc son chói ngời của lịch sử chủ quyền và độc lập dân tộc. Chiến thắng lưu danh người anh hùng Nguyễn Huệ áo vải cờ đào mà làm nên đại nghĩa; vị hoàng đế chân đất ấy cũng chính là người đã xóa đi cái ranh giới Đàng Trong, Đàng Ngoài đã in hằn qua hai thế kỷ.
Đoàn đại biểu TP.Hà Nội dâng hương tưởng nhớ Hoàng đế Quang Trung
Sáng 5/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại diện Thường trực Thành ủy Hà Nội đã tới dâng hương tại Tượng đài Quang Trung-Nguyễn Huệ và Đền thờ Hoàng đế Quang Trung tại Di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa, nhân kỷ niệm 233 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2022).
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các lãnh đạo thành phố dâng hoa, dâng hương nhân kỷ niệm 233 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa.
Trước anh linh người Anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ, các lãnh đạo thành phố kính cẩn dâng hương, thành tâm tưởng nhớ công lao người thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn cùng các tướng lĩnh, chiến sỹ nghĩa quân Tây Sơn với những chiến công vang dội chống thù trong, giặc ngoài, mà đỉnh cao là chiến công hiển hách đại phá 20 vạn quân Mãn Thanh trận Ngọc Hồi-Đống Đa lịch sử vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789.
Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa lịch sử là một trong những chiến công chống ngoại xâm nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam và là chiến công oanh liệt nhất của Hoàng đế bách chiến bách thắng Quang Trung.
Cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ đã đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn, chấm dứt cuộc nội chiến phân tranh giữa nhà Trịnh ở phía Bắc và nhà Nguyễn ở phía Nam kéo dài suốt 2 thế kỷ.
Năm Kỷ Dậu 1789 cũng là năm đã đi vào lịch sử dân tộc và lòng người Việt Nam. Đó là một trong những mùa xuân kỳ diệu nhất, tiêu biểu cho ý chí quật cường, cho sức mạnh tinh thần đại đoàn kết của dân tộc, tiêu biểu cho sức mạnh phi thường, ý chí kiên cường, lòng quả cảm và sự sáng tạo phong phú của dân tộc ta.
Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa là nghệ thuật chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc của nghĩa quân Tây Sơn, là nghệ thuật tác chiến chiến lược và trong từng trận đánh. Đó cũng chính là nghệ thuật “chính, kỳ” cổ điển.
Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo thiên tài của Hoàng đế Quang Trung đã đập tan mộng xâm lược của quân Thanh, giải phóng đất nước, giữ vững nền độc lập dân tộc.
Sau nghi thức dâng hương, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại diện Thường trực Thành ủy Hà Nội đã trồng cây trong khuôn viên Đền thờ Hoàng đế Quang Trung tại Di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa.