TPHCM: Tiếp sức ngăn doanh nghiệp phá sản, phục hồi sản xuất, dịch vụ

Thứ Ba, 05/05/2020 17:01

|

(CAO) Các ý kiến khuyến nghị TPHCM cần tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng chương trình phục hồi hậu Covid-19, cũng như có các chính sách hỗ trợ tránh để DN phá sản.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM năm 2020” do UBND TPHCM tổ chức vào sáng nay (5/5), các ý kiến đã khuyến nghị TPHCM cần tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng chương trình phục hồi hậu Covid-19, cũng như có các chính sách hỗ trợ DN tránh để DN đi vào con đường phá sản.

Tái cơ cấu kinh tế

Tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Chu Tiến Dũng kiến nghị chính quyền TP đồng hành cùng DN ổn định thị trường, tiếp cận thị trường mới, mở rộng thị trường nội địa, chuẩn bị sẵn sàng cho xuất khẩu và các thị trường ngoại khi các nước nới lỏng cách ly.

Cụ thể, cần từng bước nới lỏng cách ly xã hội, nhanh chóng phục hồi lại môi trường sản xuất kinh doanh trong nước bình thường giúp DN phục hồi lại thị trường trong nước. Khai thông khâu vận chuyển lưu thông hàng hóa đặc biệt là tại cảng.

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại tọa đàm

Đồng thời, đối với DN tham gia các lĩnh vực sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm phục vụ phòng chống dịch, các cấp các ngành tập trung giải quyết nhanh các thủ tục xác nhận điều kiện hợp quy sản phẩm cũng như các thủ tục để xuất khẩu sang các nước có nhu cầu về khẩu trang, bảo hộ y tế, máy thở.

Mặt khác, tổ chức nhiều chương trình kết nối cung cầu, kết nối DN, kết nối sản xuất với các kênh tiêu thụ truyền thống, hiện đại và cho phép các hiệp hội DN cũng được tổ chức chương trình riêng để tăng thêm hiệu quả xúc tiến thương mại của TP.

Ngoài ra, TP chú trọng chuẩn bị cơ sở hạ tầng giúp đẩy nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước khác sang Việt Nam do dịch covid-19. Ngân hàng cần ưu tiên cho vay đủ vốn và tạo thuận lợi cung cấp vốn cho các DN có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, sản phẩm, thị trường…

Còn Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM Trần Hoàng Ngân cho rằng: Năm 2020, kinh tế TPHCM chắc chắn sẽ suy giảm, nhưng điều quan trọng là phải nhìn về tương lai để làm sao từ năm 2021 trở đi TP phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Đây là cơ hội để TP tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghệ cao, đô thị xanh, hiệu quả, giảm thâm dụng lao động.

Chống dịch vẫn là mục tiêu quan trọng, nhưng biện pháp thực hiện phải có sự điều chỉnh cho phù hợp đạt mục tiêu “kép” là kết hợp sự phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường trong nước trở nên quan trọng hơn đối với sự phục hồi kinh tế của Việt Nam và TPHCM.

Các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ là rất quan trọng trong khi triển khai thực hiện các gói giải pháp tài khóa nhằm kích thích kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với đó là các giải pháp của TP nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng của thị trường trong nước, không chỉ là thị trường trên địa bàn TPHCM.

Các yếu tố nội tại cơ bản của TP phải được đảm bảo để hướng đến sự phục hồi kinh tế, năng suất của hoạt động kinh tế, phải có các giải pháp cải thiện sản phẩm và tạo ra sản phẩm mới nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng của thị trường trong nước.

Mặt khác, tiếp tục theo dõi tiến trình phục hồi và sự phát huy tác dụng của các gói chính sách hỗ trợ tại các nước có nền kinh tế lớn trên thế giới, cũng là các đối tác kinh tế chủ yếu của TP. Khơi thông các điểm nghẽn ảnh hưởng đến sự lưu thông các nguồn lực kinh tế của TP là quan trọng.

Ngoài ra, các biện pháp chính sách được triển khai thực hiện nhằm vượt qua thách thức hiện tại cũng cần tính đến các yếu tố mang tính chất cơ cấu ảnh hưởng đến sự phát triển trong trung hạn, dài hạn của kinh tế TP và với xu hướng chuyển đổi của kinh tế thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất ngoài 4 nhóm giải pháp mà Chính phủ triển khai hiện nay TP đang làm thì TP cần bổ sung thêm các chính sách về an sinh xã hội để kích thích tổng cầu. Đồng thời, xem lại toàn bộ gói hỗ trợ 162.000 tỷ đồng; gói 300.000 tỷ đồng của ngân hàng, trong đó TP cần ngồi lại với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Thương mại để khoanh nợ vay cho DN. Về đối tượng hỗ trợ DN nên chọn DN tham gia chuỗi sản xuất và chuỗi lưu thông dễ đỗ vỡ như du lịch, vận tải, ẩm thực, giải trí… và những DN vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, TP cần xây dựng chương trình phục hồi hậu Covid-19 chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, Việt Nam kiểm soát tốt được dịch nhưng vẫn còn thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội, sống chung với dịch, hoạt động kinh tế từng bước được bình thường hóa. Giai đoạn 2 là gắn với phục hồi, tái cơ cấu kinh tế nhất là cơ cấu thị trường; trong đó lồng ghép với kế hoạch 5 năm tới.

Ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp

Ở góc độ khác, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, giảng viên của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright khuyến nghị TPHCM nên tính toán, xem xét việc huy động và phát hành trái phiếu chính quyền địa phương ngắn hạn để bổ sung nguồn lực ngân sách sẵn sàng hỗ trợ DN nhằm ngăn chặn sự phá sản của DN; gói trái phiếu chính quyền địa phương trung và dài hạn phục vụ cho đầu tư công.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đã nêu ra một số giải pháp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững hơn. Đó là tiếp tục phòng dịch quyết liệt, phục hồi sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường mới như thực hiện hành vi phòng dịch chuẩn với cá nhân, tập thể; phát hiện và kiểm soát kịp thời tất cả người nhập cảnh mang nguy cơ nhiễm Covid-19.

Đồng thời, ngăn chặn phá sản của DN bằng sự hỗ trợ thu nhập cho người lao động để DN không mất lao động; hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của DN; hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa gần 100 triệu dân.

Cùng với đó, hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu. Dự báo kịp thời, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế với từng nước, vào thời điểm phù hợp (tháng 5 đến 12/2020).

Mặt khác, thúc đẩy số hóa tài nguyên của các DN và hình thành cơ sở số của các ngành kinh tế, hạ tầng TP như thông tin về du lịch TP, công nghệ thông tin, ngành cơ khí… Từ đó, DN khai thác và lập kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu số của từng DN, từng ngành. Trên cơ sở đó, thực hiện quản trị thông minh ở các DN, cơ quan quản lý nhà nước. Đẩy mạnh đầu tư công của TP, phấn đấu đến tháng 10/2020 giải ngân trên 80% giá trị các dự án.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng Khu công nghiệp mới, Khu công nghệ cao giai đoạn 2, phê duyệt quy hoạch cục bộ và kêu gọi đầu tư Khu đô thị sáng tạo tương tác cao TPHCM, đẩy mạnh đầu tư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hỗ trợ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, vượt qua thách thức lớn hiện nay. Hỗ trợ đẩy mạnh các chương trình đề án khởi nghiệp sáng tạo.

Ngoài ra, phát huy trí tuệ, nguồn nhân lực của TP, cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng các đề án, quy hoạch cụ thể của 3 chương trình đột phá (đổi mới quản lý TPHCM, phát triển hạ tầng TPHCM, phát triển nhân lực và văn hóa TPHCM) và chương trình trọng điểm (phát triển DN, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TPHCM) giai đoạn 2020 - 2025, định hướng 2030 để phát triển mạnh mẽ từ năm 2021.

TPHCM mong muốn được nghe các kế sách giúp phục hồi kinh tế
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang