Phần Lan tăng cường hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục với TPHCM

Thứ Sáu, 13/09/2024 22:49

|

(CAO) Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Phần Lan, ngày 13/9 (giờ địa phương), đoàn đại biểu HĐND TPHCM do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Cơ quan Giáo dục quốc gia Phần Lan. Giám đốc quan hệ quốc tế, Cơ quan giáo dục quốc gia Phần Lan Samu Seitsalo tiếp đoàn.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Phần Lan không ngừng phát triển trên các lĩnh vực, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay (1973 – 2024). Trong đó, có lĩnh vực giáo dục với các chương trình hợp tác và liên kết giảng dạy giữa các trường đại học của Việt Nam và Phần Lan.

Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Phần Lan là nhóm sinh viên quốc tế lớn thứ hai tại đây, với hơn 2.500 sinh viên. “Đây là quan tâm của các bạn trẻ Việt Nam đối với nền giáo dục tiên tiến của Phần Lan, góp phần phát huy vai trò cầu nối hữu nghị và hợp tác giữa hai nước” - Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ tặng quà lưu niệm đến ông Samu Seitsalo

Riêng tại TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan đã được thành lập tại TPHCM và hoạt động 5 năm. Đây là trường quốc tế đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng triết lý giáo dục của Phần Lan. Ngoài ra, Trung tâm dạy nghề Phần Lan KONE đã và đang hoạt động hiệu quả đã góp phần đưa nền giáo dục chất lượng cao của Phần Lan gần hơn với thế hệ tương lại của Việt Nam.

Trao đổi thêm về lĩnh vực giáo dục tại TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, hiện TP có 115 trường đại học và cao đẳng, hơn 600.000 sinh viên và gần 20.000 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ. TPHCM đang phối hợp Đại học Quốc gia TPHCM và các đối tác quốc tế để đào tạo hàng ngàn nhân lực chất lượng cao trong đa dạng ngành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, trọng tâm là các ngành công nghệ tiên tiến, dịch vụ.

Ngoài ra, Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp TPHCM (SIHUB) đã và đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, và phát triển doanh nghiệp công nghệ cao. “Các chương trình này hướng đến xây dựng một môi trường học tập và nghiên cứu năng động; đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ và phát triển bền vững, đóng góp vào mục tiêu chung xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh và trung tâm khởi nghiệp sáng tạo hàng đầu trong khu vực” - Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết.

Nhằm phát triển nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế, hướng đến xây dựng đô thị thông minh và hội nhập quốc tế, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa cơ quan Phần Lan và các sở, ngành TPHCM trong việc xây dựng chiến lược đổi mới giáo dục, chương trình đào tạo liên kết, trao đổi cho sinh viên và giáo viên…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Giám đốc quan hệ quốc tế, Cơ quan giáo dục quốc gia Phần Lan Samu Seitsalo đã giới thiệu với đoàn về nhiệm vụ, chức năng của Cơ quan giáo dục quốc gia Phần Lan; các chính sách và phương pháp giáo dục; và về vai trò của giáo viên trong quá trình giảng dạy và công tác biên soạn sách giáo khoa; chuyển đổi số trong giáo dục tại Phần Lan. Theo ông Samu Seitsalo, hiện Phần Lan đang nghiên cứu và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam nếu hiệu quả.

Ông Samu Seitsalo bày tỏ, dân số Phần Lan đang già hóa, do đó Chính phủ luôn mong muốn người trẻ sau khi học tập xong sẽ ở lại Phần Lan sinh sống và làm việc. Hiện Chính phủ Phần Lan có chính sách thúc đẩy nhân tài, khuyến khích những người đã có kinh nghiệm làm việc, chuyên môn cao và thu hút sinh viên ở lại. Ngoài ra, Phần Lan còn có hệ thống hỗ trợ sinh viên tìm việc làm và sau khi tốt nghiệp 2 năm, sinh viên có quyền ở lại Phần Lan để tìm việc. Ông Samu Seitsalo cho biết Phần Lan xác định Việt Nam là một trong bốn quốc gia trọng điểm để thu hút nhân tài.

Trước các đề xuất của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, ông Samu Seitsalo khẳng định sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục.

Bình luận (0)

Lên đầu trang