TPHCM: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng chống tội phạm

Thứ Sáu, 13/05/2022 07:00  | Mai Anh

|

(CAO) Ngày 12-5, tại hội trường UBND TPHCM đã diễn ra Hội nghị triển khai công tác phòng chống tội phạm (PCTP), xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2022 trên địa bàn TP và sơ kết công tác quý I/2022 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 138/TP.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 22 điểm cầu tại UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Ông Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Về phía Công an TPHCM, dự hội nghị có Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng - Phó Giám đốc CATP.

Năm 2021, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP, sự nỗ lực quyết tâm cao của các cơ quan chức năng và sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo nhân dân, TPHCM đã phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản của năm 2021 với nhiều dấu ấn nổi bật trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, công tác bảo đảm TTATXH tiếp tục đạt những kết quả quan trọng.

Số vụ phạm tội về trật tự xã hội được kéo giảm 9,93% so với cùng kỳ, các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều được tập trung điều tra, khám phá, truy bắt nhanh đối tượng gây án; thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa PCTP vừa phòng chống dịch Covid-19, phục vụ tích cực, hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của TP.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Tội phạm xâm phạm sở hữu vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" còn xảy ra; tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe có tính chất, cường độ bạo lực tăng, xảy ra một số vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng xuất phát từ mâu thuẫn gia đình...

Dự báo trong thời gian tới, tình hình hoạt động tội phạm trên địa bàn TP sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều yếu tố mới, đặc biệt những khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 vẫn sẽ là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tội phạm.

Đại diện Công an TPHCM thăm hỏi, trao tặng kinh phí cho gia đình có bảo vệ dân phố mất do dịch Covid-19.

Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng - Phó Giám đốc CATP đã nêu lên những nội dung trọng tâm trong công tác PCTP; phòng, chống mua bán người và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn TP năm 2022, trong đó xác định công tác phòng, chống các loại tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, gắn với các chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của TP.

Công tác đấu tranh PCTP, phòng chống mua bán người và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phải đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; không ngừng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia PCTP, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt.

Bằng mọi nỗ lực, quyết tâm và tổng hợp sức mạnh của mọi nguồn lực, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng cho biết trong thời gian tới Công an TP  đặt ra chỉ tiêu phải đạt được là thực hiện kéo giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội so với năm 2019 (khi chưa xảy ra dịch Covid-19); tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm đạt trên 75%, các tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố; đồng thời bảo đảm 100% các tố giác, tin báo về tội phạm đều được tiếp nhận, phân loại, xử lý; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%...

Hội nghị cũng đã nghe các ý kiến thảo luận, đóng góp, đề xuất các giải pháp thiết thực để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022; từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cho từng ngành, địa phương, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác PCTP góp phần vào sự phát triển chung của toàn TP.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng BCĐ 138/TP đánh giá, từ đầu năm 2022 đến nay, công tác đảm bảo ANTT nói chung và đấu tranh PCTP trên địa bàn TP đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, TPHCM cũng sẽ đương đầu với nhiều nguy cơ, thách thức mới. Tình hình thế giới, trong nước tiếp tục có nhiều thay đổi, diễn biến nhanh chóng và khó đoán.

Các thế lực thù địch, tổ chức phản động, đối tượng cực đoan tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước; xuất hiện nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống với nguy cơ mới, tác động đa chiều từ quá trình hội nhập quốc tế như: an ninh mạng, khủng bố, an ninh năng lượng, lương thực, môi trường, dịch bệnh...

Sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ khả năng sẽ xuất hiện nhiều loại tội phạm mới với thủ đoạn tinh vi hơn dưới nhiều vỏ bọc hợp pháp; tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia câu kết trong và ngoài nước sẽ gia tăng hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn ra phức tạp với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt...

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khó lường sẽ tác động tiêu cực đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là nhóm lao động tự do, lao động nhập cư; thực hiện việc “tái mở cửa” và điều chỉnh chiến lược để sống chung an toàn với Covid-19, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế; Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, TTATXH.

Đồng chí Ngô Minh Châu đề nghị các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị, đoàn thể và chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng CATP cần tập trung nhận diện sớm những nguy cơ, thách thức, chủ động xây dựng khả năng ứng phó an toàn, linh hoạt, phù hợp và thận trọng, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai các phương án, kế hoạch phòng ngừa, xử lý hiệu quả, ngăn chặn từ đầu và ngay từ cơ sở các tình huống phát sinh trong công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn TP.

Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cụ thể như sau: Tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động của BCĐ 138 các cấp. Trong quý II/2022, Cơ quan Thường trực BCĐ 138/TP tham mưu xây dựng Kế hoạch kiểm tra, khảo sát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác PCTP; công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm về TTATXH; quản lý, sử dụng kinh phí PCTP tại một số địa phương, báo cáo kết quả thực hiện cho Thường trực BCĐ 138/TP. BCĐ 138 các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo công an cấp huyện trên cơ sở rà soát các điểm, tụ điểm phức tạp về hình sự, ma túy trên địa bàn tham mưu BCĐ 138 cấp huyện kế hoạch đấu tranh triệt xóa; qua đó, huy động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể có liên quan cùng tham gia thực hiện.

Trong thời gian tới, chính quyền TP tiếp tục thực hiện đẩy nhanh tiến độ triển khai các chính sách an sinh xã hội, chính sách tài khóa, tiền tệ, tăng trưởng tín dụng, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công trong các dự án trọng điểm về giao thông, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước... để phục hồi kinh tế sau thời gian bị đình trệ do dịch bệnh Covid-19.

Những vấn đề nêu trên sẽ tác động đến tình hình tội phạm theo chiều hướng phức tạp, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, hoạt động tinh vi, xảo quyệt, có xu hướng quốc tế hóa. Do đó, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường triển khai, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa xã hội nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực được giao, đặc biệt chú ý tới các lĩnh vực công nghệ thông tin, thương mại điện tử, bất động sản, tài nguyên môi trường, chứng khoán, xuất nhập khẩu, thực hiện các gói an sinh xã hội, đấu thầu cung ứng vật tư y tế, thuốc điều trị Covid-19... để hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trên các lĩnh vực này.

Các đơn vị chức năng cần quan tâm, triển khai sớm, kịp thời các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể để nhanh chóng sản xuất kinh doanh trở lại, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM tham mưu, báo cáo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; cung cấp thông tin minh bạch, rõ ràng trong chính sách, lãi suất cho vay để doanh nghiệp, người dân, nhất là dân nghèo có điều kiện tiếp cận được các nguồn vốn vay.

Công an TP trao tặng kinh phí hỗ trợ lực lượng bảo vệ dân phố bị nhiễm Covid-19

Đồng thời, lực lượng hữu trách cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, thẩm định tài sản cho vay để chủ động phát hiện, ngăn chặn các hành vi sai phạm, kịp thời chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.

Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam Chi nhánh TPHCM và các Quỹ xóa đói giảm nghèo nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền mở rộng diện đối tượng và giảm thủ tục vay vốn, tạo điều kiện cho người lao động vay vốn tái sản xuất, kinh doanh, không vay mượn tín dụng đen hoặc bị các đối tượng hình sự lôi kéo tham gia các hoạt động phạm tội.

Các biện pháp tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân thông tin về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm cần phải được đẩy mạnh để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; có nhận thức đúng đắn, có hành vi ứng xử chuẩn mực và không để bị kích động, lôi kéo vào các hành vi “lệch chuẩn”, cổ súy bạo lực trên không gian mạng.

Lực lượng CATP tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng Công an phường điển hình, kiểu mẫu về ANTT và văn minh đô thị tại TPHCM”; công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, TTATXH.

Đồng thời, lực lượng Công an, đặc biệt là ở cấp cơ sở cần tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp huy động các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc để xây dựng phường, xã, thị trấn là nơi thực sự an toàn, lành mạnh, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân; xây dựng lực lượng công an xã, phường, thị trấn vững mạnh, bảo đảm giải quyết từ đầu, từ sớm các vấn đề phức tạp về ANTT.

Ngoài ra, CATP phát huy vai trò nòng cốt trong phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm; chú trọng các giải pháp phòng ngừa xã hội để hạn chế nguyên nhân, điều kiện làm gia tăng tội phạm hình sự; xây dựng và thực hiện các kế hoạch chuyên đề và các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; nâng cao hiệu quả công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ hành khách nhập cảnh vào TP.... 

Bên cạnh đó, Thành ủy, UBND TP tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương của 6 tỉnh giáp ranh TPHCM để chỉ đạo lực lượng Công an 7 tỉnh, thành tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp đảm bảo ANTT địa bàn giáp ranh; chủ động hơn nữa trong công tác phối hợp đấu tranh PCTP, không để bị động trước mọi tình huống; nghiên cứu, lựa chọn những vấn đề, chuyên đề nổi lên có tính phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương để phối hợp, hiệp đồng, thống nhất và có giải pháp chung trong đấu tranh ngăn chặn tội phạm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang