Từ thuở mang gươm mở cõi đến thời đại Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 03/05/2025 10:02

|

(CATP) Nếu tính từ năm 1698, khi chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất đi kinh lược Đồng Nai và đã lấy đất Đồng Nai đặt làm phủ Gia Định thì vùng đất này đã có hơn 300 năm hình thành và phát triển.

Tuy nhiên, sự phát triển đó không hề đơn giản. Để có được thành tựu rực rỡ như ngày hôm nay, thành phố này đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ. Hơn 300 năm qua, Sài Gòn - TPHCM đã đứng đầu sóng ngọn gió mà đọ sức với đủ loại, đủ cỡ quân xâm lược: Pháp, Nhật, Mỹ... 

Chỉ tính từ ngày 10/02/1859, là ngày những tên lính Pháp đầu tiên nổ súng đánh vào cửa biển Cần Giờ cho tới 30/4/1975, ngày Đại sứ Mỹ Martin chui vội vô trực thăng rút chạy, thì Sài Gòn đã phải bỏ ra 116 năm dài dằng dặc đấu tranh không ngừng để giành lấy độc lập, tự do. 

Nhìn lại những ngày đầu kháng Pháp, nếu không đủ ý chí kiên cường và quật khởi, Sài Gòn sao có nổi cuộc kháng chiến lừng lẫy của cha con Trương Định. Nhân dân Sài Gòn ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước, đã bác bỏ “thiên tử chiếu” và đứng ra làm lễ phong tướng cho người lãnh tụ của mình: “Bình Tây Đại nguyên soái”. Có lẽ đó là chuyện có một không hai trong lịch sử dân tộc. 

Nam kỳ khởi nghĩa

Nếu không đủ dũng khí và niềm tin vào tương lai, Sài Gòn sao có nổi người thợ máy Ba Son Tôn Đức Thắng dám kéo lá cờ đỏ trên chiến hạm Pháp ở biển Hắc Hải để chào mừng và bảo vệ nước Nga Xô Viết - vùng đất hy vọng của nhân loại cần lao - giữa những ngày cách mạng vô sản còn trứng nước (1919). 

Nếu không đủ sức nhạy cảm và tinh thần giác ngộ cách mạng, Sài Gòn sao có được những phong trào đấu tranh rất sớm của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Trong cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã ca ngợi cuộc bãi công của công nhân Sài Gòn: “Lần đầu tiên một phong trào như thế nhóm lên ở thuộc địa. Chúng ta hãy ghi lấy dấu hiệu đó của thời đại”. 

Công lao to lớn thời kỳ này ở Sài Gòn thuộc về đồng chí Tôn Đức Thắng. Chính Tôn Đức Thắng đã tổ chức Công hội đỏ đầu tiên ở nước ta vào năm 1920 tại Sài Gòn. Còn nhiệm vụ giáo dục giai cấp công nhân từ chỗ đấu tranh tự nó đến chỗ đấu tranh cho nó, lịch sử giao cho thầy giáo Nguyễn Tất Thành. 

Nếu như Nghệ An có niềm tự hào là nơi sinh ra Người; Huế có niềm tự hào là nơi đã từng in dấu chân Người trong những ngày Người học tại Trường Quốc học, thì Phan Thiết tự hào là đã được nghe Người giảng dạy, còn Sài Gòn tự hào đã xếp chỗ cho Người nghỉ chân và được đưa tiễn Người xuất dương tìm con đường cứu nước cho dân tộc. Sau này, vào những năm đầu thế kỷ 20, Sài Gòn lại là nơi đầu tiên nhận được những số của tờ báo Người cùng khổ mà Người đã từ Paris gửi về, qua tay những người thủy thủ cách mạng.

Năm 1859 Pháp liên quân với Tây Ban Nha tấn công Gia Định

Sài Gòn cũng không bao giờ quên những ngày sôi nổi của thời kỳ thành lập Đảng (1930), thời kỳ hoạt động công khai (1936 - 1939) và thời kỳ Nam Kỳ khởi nghĩa (1940). Chính nơi đây đã vinh dự được đăng cai cuộc họp đầu tiên của Trung ương Đảng và nhận vào lòng mình đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng với lời nhắn nhủ chí tình “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!” và người thanh niên anh hùng Lý Tự Trọng đã giữ trọn vẹn bí mật của Đảng trước mọi đòn tra tấn khủng khiếp của quân thù. Tiếng anh hát bài Quốc tế ca trước giờ hy sinh vẫn còn vang vọng mãi trong lòng người Sài Gòn. Tấm gương hy sinh của anh trở thành niềm tự hào của thanh niên Sài Gòn. 

Có lẽ thời kỳ Đảng Cộng sản hoạt động công khai (1936 - 1939) trước Thế chiến thứ hai đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất đối với nhân dân Thành phố. Qua mặt bọn đế quốc, không thèm xin cấp giấy phép ra báo công khai, tờ Dân chúng của Đảng do đồng chí Nguyễn Văn Cừ chủ đạo với một tòa soạn công khai có các đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Văn Trấn... 

Nên nhớ rằng, lúc bấy giờ, làm báo cách mạng là rất dễ đi tù, đọc báo cách mạng cũng không tránh khỏi lôi thôi. Nhưng dân ta không những mua báo Đảng, đọc báo Đảng mà còn góp thêm từng đồng xu, cắc bạc dành dụm của mình để Đảng có thêm vốn mà đấu tranh. Trong việc này, Sài Gòn cũng có niềm tự hào riêng của mình. 

Dân ta yêu Đảng và đùm bọc Đảng như thế đó. Nên nhớ rằng đây là thời kỳ kinh tế khủng hoảng và nhân dân lao động đang sống rất cơ cực thì ta càng thấu hiểu thêm lòng dân đối với cách mạng. Đây chính là một mối quan hệ tình cảm kiểu mới chưa từng thấy trong lịch sử. 

Đời Trần mới chỉ có mối tình “chủ - tớ” gắn bó mà Thoát Hoan, đứa con trai tài giỏi của hoàng đế nhà Nguyên đã vội chui vào ống đồng mà bỏ chạy (hắn cưỡi ngựa có xoàng đâu). Đời Lê chỉ mới có mức “bốn phương manh lệ một nhà” và “tướng sĩ một lòng phụ tử” đã đủ cho danh tướng Liễu Thăng bay đầu và kẻ sống sót thì quỳ gối xin hàng… Cho nên, nếu tướng De Castries có phải giơ hai tay đầu hàng ở Điện Biên Phủ vào chiều 07/5/1954 và vào sáng 30/4/1975, Đại sứ Martin có phải vội vã chui vô trực thăng để thoát ra biển Đông tưởng cũng không có gì đáng ân hận. Số phận của tất cả kẻ xâm lược dù ở phương Bắc tràn xuống hay từ phương Tây kéo đến đều kết thúc giống nhau như vậy thôi. Việt Nam chiến thắng, đó là sự thật hiển nhiên.

Nhớ lại 50 năm trước, khi lá cờ chiến thắng của chúng ta phấp phới tung bay trong gió, hầu như tất cả bạn bè ta, tất cả những người có lương tri trên hành tinh đều hân hoan reo mừng:

Sài Gòn đã giải phóng

Việt Nam đã chiến thắng!”.

Người dân Sài Gòn vẫy chào bộ đội năm 1975

Cái tin đó trước hết đưa lại cho chúng ta hương vị của một bầu không khí trong lành. Nó thổi vào tâm hồn chúng ta một luồng gió mát để xua đi những cát bụi do cuộc chiến tranh lâu ngày để lại. Với niềm tin yêu và tự hào, chúng ta tiếp tục xây dựng một cuộc đời mới. Không tự hào sao được khi chúng ta đang được sống giữa lòng một thành phố là nơi khởi đầu biết bao sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, đồng thời cũng là nơi kết thúc số phận xâm lược của một đế quốc hùng mạnh vào bậc nhất ở thế kỷ 20 bằng một trận quyết chiến chiến lược lừng lẫy “chấn động địa cầu”, nối dài thêm chuỗi chiến công oanh liệt của tổ tiên.

Sự kết thúc này lại có ý nghĩa khởi đầu những trang mới trong lịch sử đấu tranh của nhân loại còn sống buồn đau trong xiềng xích nô lệ. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tìm hiểu và suy nghĩ về lịch sử phát triển thăng trầm của Sài Gòn - TPHCM để càng thêm tự hào về vùng đất và con người nơi đây có lẽ cũng là một điều cần thiết. Vì hơn bao giờ hết, lúc này chúng ta đang nhớ về công lao cha ông chúng ta đã khai phá, xây dựng, phát triển vùng đất này, và cũng để cho chúng ta ôn lại những truyền thống vinh quang của Sài Gòn - TPHCM.

Bình luận (0)

Lên đầu trang