Hôm nay, nhân dân cả nước tưng bừng đưa con em mình đến trường. Vợ chồng tôi cũng vui vẻ đưa hai cháu nội và một cháu ngoại đến trường.
Trong không khí hân hoan của ngày đầu tiên nhập học, thế hệ chúng tôi không thể quên không khí của ngày khai trường đầu tiên sau ngày Độc lập. Ngày ấy, tôi mới vừa 7 tuổi và được đón nhận thư của Bác Hồ. Bác viết chỉ 3 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập. Khi ấy tôi không hiểu được nội dung của bức thư có giá trị lịch sử này. Nhưng suốt những năm tháng qua cứ mỗi dịp khai trường, tôi đều đọc lại bức thư này như một niềm tưởng nhớ đến Bác.
Bác viết: “Hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp, tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng trời nghỉ học, sau bao nhiêu ngày chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy, gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này trở đi các em được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”.(*)
Thế hệ chúng tôi, những Ma Văn Kháng, Hồ Ngọc Đại, Phan Huy Lê, Vũ Đình Cự, Phan Đình Diệu... đã được hưởng trọn vẹn nền giáo dục Việt Nam ấy. Chúng tôi được học tất cả các môn hoàn toàn bằng tiếng Việt, từ tiểu học cho đến Đại học và sau Đại học. Tôi và Nguyễn Văn Hiệu tốt nghiệp Đại học khi mới 18 tuổi. Chúng tôi có những người Thầy giỏi giang và tâm huyết. Các Thầy ngay từ khi ấy đã gieo vào tâm trí chúng tôi lòng say mê khoa học và ý thức tự học, tự bồi dưỡng. Chúng tôi đã vượt qua biết bao khó khăn để tự học ngoại ngữ và giảng dạy cả những điều mà mình chỉ tự đào tạo qua sách vở. Chúng tôi đã có những thế hệ sinh viên giỏi hơn mình và họ đã có những đóng góp xứng đáng với đất nước.
Những năm gần đây, tôi được trao trách nhiệm đi nói chuyện với các em học sinh và sinh viên về kỹ năng sống. Câu hỏi đầu tiên của tôi với các em là Học để làm gì? Câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản ấy nhưng lại rất khó có sự trả lời chính xác. Đâu phải học chỉ để sau này đỡ khổ vì có công ăn việc làm. Đâu phải đi học chỉ để tỏ ra hiếu thảo với cha mẹ. Câu trả lời của các nhà tư tưởng trên thế giới hiện nay lại là Học để trở thành con người tự do.
Đó là tự do tư tưởng - có học mới có tư duy độc lập một cách đúng đắn, đón nhận khung nhận thức mới và diễn đạt công khai được các nhận thức ấy. Tự do lựa chọn con đường đi của mình và tự chịu trách nhiệm, tự làm chủ cuộc đời mình. Tự do trở thành con người xứng đáng với sự mong mỏi của cha mẹ và những người đã hy sinh cuộc đời vì hạnh phúc của muôn người. Tự do kiến tạo nên tương lai của chính mình và góp phần vào tương lai tươi sáng của cả dân tộc.
Có hiểu được điều ấy cũng chính là đáp ứng được lòng mong mỏi của Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Trong bức thư nói trên, Bác đã viết: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Mong mỏi của Bác đâu chỉ dừng ở hy vọng các em học tập để có việc làm, để đỡ khổ. Bác hy vọng lớn lao hơn rất nhiều: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Thật đúng như vậy, chúng ta đón đầu cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư hay thường gọi là cuộc cách mạng 4.0. Thế hệ trẻ hôm nay, không ai khác, chính là những người tiếp nhận cuộc cách mạng ấy. Hãy nhìn sang các nước mà cách đây không lâu họ còn khó khăn hơn chúng ta rất nhiều mà ngày nay nhờ cách mạng công nghệ họ đã vượt lên trước chúng ta khá xa.
Hàn Quốc thua chúng ta vì chưa thống nhất được giang sơn, nhưng bình quân GDP/PPP tính theo đầu người đã đạt tới 39.276USD, với kỷ lục tiêu biểu là cứ 10 giây có một xe Hyundai... xuất xưởng (!). Singapore quá nhỏ bé mà ngay cả nước lã cũng phải nhập khẩu, vậy mà bình quân GDP/PPP tính theo đầu người đã đạt tới 82.762USD. Chuyện gần đây nhất mà ai cũng thấy là các hãng Uber và Grab, chỉ với một phần mềm hoàn hảo họ đã thu được đến 20% thu nhập của mọi taxi, trong khi họ không hề tốn một xu để mua xe và thuê người lái...
Đoạn cuối bức thư Bác đã viết: “Tôi đã thành thực khuyên nhủ các em. Mong rằng những lời của tôi được các em luôn luôn ghi nhớ. Ngày hôm nay nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp”. Thật cảm động biết bao tấm lòng của người Cha già dân tộc, suốt đời chỉ nghĩ đến dân, đến nước và dành biết bao tình thương yêu cho thế hệ trẻ. Bác đã từng viết: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân, một đời khởi đầu từ Tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của Xã hội”.
Trong các buổi nói chuyện với các em học sinh cấp III, tôi thường kể lại cho các em nghe những tấm gương trở thành tỷ phú của những thanh niên nông thôn mà hàng tuần xuất hiện trong chương trình “Sinh ra từ làng” trên VTV. Tôi cũng kể đến những tấm gương của các bạn trẻ khuyết tật như Lê Thị Thắm không có cả hai tay mà trở thành sinh viên Đại học Hồng Đức, Trần Hồng Gian đánh máy tính bằng một chiếc đũa ngậm ở mồm mà trở thành nhà văn, nhà biên tập cho nhiều nhà xuất bản... Thật sự là khó khăn chỉ có thể bắt nạt những kẻ thấp hèn.
Tương lai rộng mở cho tất cả các em, nếu biết phát triển hết mức các chỉ số IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số trí tuệ của cảm xúc) và AQ (chỉ số về khả năng đối đầu với khó khăn). Người thành công chỉ là người biết quản lý cảm xúc, không bỏ chạy khỏi xung đột nhưng cũng không quá kỳ vọng vào sự hoàn hảo, không bỏ lỡ cơ hội để tỏa sáng, không thiếu can đảm, không sợ thất bại, không bao giờ mất bình tĩnh và nhất là không bao giờ bỏ cuộc. Phải khác biệt đến mức độ độc đáo thì mới có thể khoan thủng các bước tường chắn để dẫn đến thành công.