Áp thấp nhiệt đới còn cấp 6 - 7, trên vùng biển ven bờ Bạc Liêu, Cà Mau

Thứ Hai, 25/12/2017 10:32

|

(CAO) Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (26-12) bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi qua vùng ven biển Bạc Liêu, Cà Mau, sau đó sẽ vào vịnh Thái Lan và tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp.

Cập nhật đến 6 giờ sáng 26-12:

Theo bản tin trên, hồi 4 giờ ngày 26/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ngay trên vùng biển ven bờ Bạc Liêu, Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển 15-20km/h, đến 16 giờ ngày 26/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Bão số 16 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới với sức gió cấp 6-7. Người dân Nam bộ có thể thở phào. Tuy nhiên không được chủ quan vì hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới có thể gây gió to, mưa lớn. Nguồn: TTDBKTTVTW

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu thành một vùng áp thấp trên Vịnh Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/h).

Trong ngày hôm nay (26/12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau và trên đất liền các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau còn có gió giật cấp 6.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ở Nam Bộ tiếp tục có mưa vừa; ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.

Cập nhật đến 23 giờ 30:

Bão suy yếu nhanh, đến sáng 26-12 thành áp thấp nhiệt đới

Theo bản tin, dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới, tốc độ di chuyển 15-20km/h, đến 10 giờ ngày 26/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển Cà Mau-Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu thành một vùng áp thấp, tốc độ di chuyển khoảng 20km/h, đến 22 giờ ngày 26/12, vị trí trung tâm vùng áp thấp trên khu vực vịnh Thái Lan, cách Thổ Chu khoảng 140km về phía Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/h).

Trong đêm nay (25/12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão đi qua cấp 7-8, giật cấp 9.

Cập nhật đến 22 giờ:

Bão tiếp tục yếu dần, đến sáng 26-12 dự báo còn cấp 8

Theo bản tin trên, hồi 19 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão cách Côn Đảo khoảng 130km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 130km về phía Tây Bắc, khoảng 70km về phía Đông Nam tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu thêm, tốc độ di chuyển 15-20km/h, đến 07 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ngay trên vùng ven biển từ Trà Vinh đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.

Theo dự báo, bão số 16 đã suy yếu dần và di chuyển lệch xuống phía Nam, nhiều khả năng tâm bảo không vào đất liền. Tuy nhiên hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn và gió mạnh, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, thành Nam bộ. Nguồn: TTDBKTTVTW

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, tốc độ di chuyển khoảng 20km/h, đến 19 giờ ngày 26/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,9 độ Vĩ Bắc; 102,8 độ Kinh Đông, trên khu vực vịnh Thái Lan, cách Thổ Chu khoảng 120km về phía Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong đêm 25/12, vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11.

Trên đất liền các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang có gió giật cấp 8. Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ có gió giật cấp 7, riêng các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận do kết hợp với không khí lạnh nên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Ven biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có khả năng nước biển dâng do bão khoảng 0,5 mét, sóng biển cao 3-5 mét.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ tiếp tục có mưa to; từ đêm 25-12 ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.

Cập nhật đến 19 giờ 50:

Cà Mau: Sẽ đánh chìm lồng cá để giảm nhẹ thiệt hại

* Tại Cà Mau: Chiều tối 25/12, UBND tỉnh Cà Mau cho biết tại các địa phương trong tỉnh, số người dân trong kế hoạch di dời vào nơi tránh trú bão an toàn đã nâng lên 126.300 người, tăng hơn so với kế hoạch vào sáng 25/12 là 98.000. Hiện nay, các huyện đã và đang tiến hành di dời được 55.000 người. Bên cạnh đó, đã thực hiện chằng chống nhà cửa được 89.361/104.074 nhà thuộc diện phải bảo vệ.

Cà Mau có tổng số có 28 hộ nuôi với 186 lồng với trên 21.000 con cá bớp. Hiện, ngành chức năng tại đảo Hòn Chuối đã cùng với người dân thu hoạch 2 lồng của 2 hộ với 500 con. Qua đó, số lồng còn lại sẽ áp dụng phương pháp đánh chìm vào thời điểm thích hợp để giảm nhẹ thiệt hại.

Lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau tuần tra trên sông nhắc nhở, yêu cầu tàu thuyền vào vị trí an toàn tránh trú bão. Ảnh VGP/Xuân Tuyến

* Tại Long An: Đến 17 giờ ngày 25/12 đã di dời an toàn hơn 1.300 người dân, đây là những người dân sống ở những nơi xung yếu, ngoài đê của các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành,...

Tỉnh đã cũng đã chuẩn bị các vật tư phương tiện như : Áo phao, máy phát điện, loa cầm tay, đèn pin, dụng cụ sơ cấp cứu.... bằng nguồn lực sẵn có của địa phương và trong nhân dân; hợp đồng với các chủ phương tiện vận tải (Cano, tàu thuyền, xe ôtô, xe gắn máy...) để sẵn sàng cơ động ứng cứu, hỗ trợ nhân dân di dời và khắc phục hậu quả.

* Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có công điện khẩn thông báo cho cán bộ công nhân viên, người lao động (trừ lực lượng trực ứng cứu phòng chống bão) được nghỉ 2 ngày từ 25 đến 26/12. Các cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp bố trí lực lượng giữ gìn bảo vệ tài sản, an ninh trật tự ứng trực phòng chống bão.

Đến chiều 25/12, tỉnh Sóc Trăng đã di dời được hơn 30.000 người vào hàng trăm điểm trú tránh bão an toàn, lực lượng vũ trang đã hỗ trợ người dân kịp thời, cung cấp nước, thức ăn, thuốc men, khám chữa bệnh cho người bệnh tại chỗ. Đến chiều tối 25/12, tất cả lãnh đạo chủ chốt tỉnh Sóc Trăng vẫn chia địa bàn ứng trực, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống lụt bão tại các địa phương vùng xung yếu ven biển…

* Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang cho biết: Đến chiều 25/12, mọi công tác ứng phó bão số 16 đã hoàn thành và sẵn sàng theo phương án đề ra, kiên quyết không để thiên tai gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản cũng như sản xuất và đời sống nhân dân.

Tiền Giang đã tổ chức sơ tán được gần 35.000 dân ven biển đến nơi an toàn và hiện còn 70 phương tiện với 581 ngư dân đang hoạt động trên biển nhưng nằm trong vùng không nguy hiểm và vẫn giữ được liên lạc. Tỉnh đã huy động hàng ngàn lượt cán bộ chiến sĩ và các ngành, các cấp hỗ trợ gia cố khẩn cấp 4 đoạn đê xung yếu thuộc đê biển Gò Công; chằng chống trên 5.300 căn nhà, cắt tỉa cành nhánh gần 1.200 cây xanh.

* Chiều 25/12, UBND thành phố Cần Thơ có công văn số 4975 yêu cầu Giám đốc Sở và Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố; Thủ trưởng cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố; Chủ tịch UBND quận, huyện và Giám đốc các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cho phép nữ công chức, viên chức, người lao động có con dưới 15 tuổi đang công tác tại đơn vị được nghỉ làm việc từ chiều ngày 25/12 đến hết ngày 26/12 để yên tâm chăm sóc con, do Cần Thơ cho tất cả các sinh viên và học sinh nghỉ học từ chiều ngày 25/12 đến hết ngày 26/12.

* Sáng 25/12, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đã kiểm tra công tác ứng cứu bão số 16 ở một số đơn vị trên địa bàn Vũng Tàu. Ông Sang yêu cầu, các đơn vị Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu bảo đảm an toàn hàng hải, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để phối hợp ứng cứu tìm kiếm cứu nạn khi cần thiết.

Hiện nay, hơn 100 tàu neo đậu ở vùng nước Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu quản lý đã được di chuyển về khu vực neo đậu, bố trí ở sông Gò Gia. Chỉ còn duy nhất tàu Nasico Lion neo ở khu vực Bãi Trước do động cơ tàu không hoạt động từ lâu.

Ở Trà Vinh, các tàu thuyền đã vào khu vực sông Hậu neo trú bão, chỉ còn một tàu chở than trọng tải 22.000 tấn do mớn nước lớn và không dỡ được hàng. Hiện tàu đã vào neo đậu trong khu vực cảng phía trong các đê chắn sóng Bắc - Nam, đảm bảo an toàn.

* Ông Nguyễn Văn Trưởng, Chánh phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trà Vinh cho biết: Đến 16 giờ ngày 25/12, các địa phương trong tỉnh cùng lực lượng Quân sự, Công an đã hoàn thành việc giúp dân sinh sống tại các vùng ven biển, ven sông lớn, xã đảo, vùng cù lao di dời về nơi tránh bão an toàn.

Các địa phương có đông người dân phải di dời như: Thị xã Duyên Hải 2.605 người, huyện Châu Thành 1.058 người, huyện Trà Cú 2.252 người... Tại các điểm tránh bão, người dân được cung cấp đầy đủ vật dụng, lương thực, thực phẩm và thuốc men…

* Ông Đinh Khoa Toàn, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, Kiên Giang cho biết: Ngày 25/12, huyện đã thông báo cấm tàu thuyền ra khơi và cho trên 20.000 học sinh 3 cấp nghỉ học từ ngày 25/12 đến hết ngày 27/12. Ngoài ra, huyện còn cử nhiều đoàn công tác đến các xã, thị trấn giám sát, hỗ trợ người dân ứng phó với bão. Bên cạnh đó, kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền, gia cố bè cá, chằng chống nhà cửa và thống kê số người dân sống ven biển lên phương án di dời dân đến nơi ở an toàn...

Tính đến chiều 25/12, Phú Quốc đã tổ chức di dời 3.000 người dân về nơi trú bão an toàn; khoảng 2.600 tàu đánh cá trên vùng biển đã vào nơi trú ẩn.

* Tính đến 17 giờ ngày 25/12, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành công tác phòng, chống bão số 16. Theo thống kê sơ bộ, tỉnh đã sơ tán khoảng 3.600 hộ với trên 18.000 người dân vào nơi trú ẩn an toàn, tổ chức chằng chống trên 14.500 căn nhà, thức ăn, nước uống đảm bảo cho người dân tại các nơi trú ẩn; các bến đò ngang, đò dọc đã ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn.

Hiện nay, các lực lượng quân đội, công an tỉnh Hậu Giang đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện gồm xe thiết giáp, xe tải, xuồng cao tốc để sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu người dân khi có lệnh.

Cập nhật đến 17 giờ:

Xã Đất Mũi, Cà Mau: Còn tàu thuyền neo đậu xa bờ, không an toàn

Chiều 25-12, ông Nguyễn Long Hoai, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh còn 8 tàu cá/60 ngư dân đang trên trên đường về đất liền tránh bão. Ngoài ra 142 tàu với 1.017 ngư dân xin trú tránh bão tại Malaysia và Thái Lan. Ông Hoai cho biết, lực lượng chức năng thường xuyên liên lạc với chủ tàu để thông báo tình hình bão số 16 để phòng tránh. Tại các bến bãi, khu neo đậu và sông rạch trong đất liền đang sắp xếp, hướng dẫn cách neo đậu an toàn và cấm người ở trên tàu cá khi bão vào. Tỉnh đã di dời 55.600 dân, chằng 89.361 căn nhà; tổ chức kêu gọi 3.315 tàu trong tỉnh với 20.982 ngư phủ vào bờ trú bão; bố trí 1.330 tàu với 7.998 ngư phủ tỉnh bạn trú bão.

 
Tàu thuyền được neo đậu tránh trú bão

Trong ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã thị sát tình hình thực tế việc di dời người dân sinh sống ven các tuyến biển cũng như công tác vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng tránh và chằng chống nhà cửa đảm bảo an toàn. Đồng thời, chỉ đạo xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển - nơi dự kiến chịu ảnh hưởng của bão nặng nề tại Cà Mau, cần sắp xếp lại trật tự các phương tiện khai thác, đánh bắt thuỷ sản trên địa bàn huyện, kêu gọi chủ phương tiện neo đậu an toàn theo quy định, hạn chế việc phương tiện bị va đập nhau.

Ông Hải lưu ý, xã Đất Mũi hiện còn các phương tiện neo đậu cách cửa biển Đất Mũi khoảng 1,5km, như vậy không đảm an toàn, cần vận động, tuyên truyền ngư dân đưa tàu vào nơi tránh trú bão an toàn. Đến nay, xã Đất Mũi đã vận động được 650 hộ dân vào tránh trú bão tại các trường học, nhà sinh hoạt văn hoá, trụ sở UBND xã; đồng thời hỗ trợ hộ nghèo 50 thùng mì, 15 triệu đồng mua dây chằng chống nhà cửa. Đặc biệt, lực lượng Công an huyện, Quân sự huyện, Dân quân tự vệ địa phương khẩn trương chằng chống nhà cửa cho hộ dân được 85%, khoảng 3.718 hộ.

Cập nhật đến 15 giờ:

Biển Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau: Vùng gần tâm bão gió cấp 9, giật cấp 12

Hồi 13 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13.

Từ chiều nay (25/12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 12.

Trên đất liền các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 11. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang có gió cấp 6-7, giật cấp 9. Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ và các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Ven biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có khả năng nước biển dâng do bão khoảng 0,5 mét, sóng biển cao 3-5 mét.

*Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải kêu gọi nhân dân trong tỉnh không chủ quan với bão, khẩn trương chằng néo nhà ở, chặt tỉa tán cây xanh để ngăn đổ ngã nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, tai nạn khi có bão.

Chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng tránh bão; tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân về kỹ thuật chằng chống nhà ở an toàn; đồng thời khẩn trương thực hiện công tác sơ tán, di dời dân đến địa điểm trú bão an toàn.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, đến trưa 25/12, toàn tỉnh đã có hơn 40.000 trong số 73.528 nhà ở của dân được chằng chống.

* Các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre khẩn trương đưa các hộ dân sống ở vùng nguy hiểm, vùng cù lao đến nhà tránh trú bão, điểm trường học hoặc nhà người thân trước khi bão số 16 đổ bộ vào đất liền.

Tỉnh chủ động di dời trên 22.100 người ở các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại, Giồng Trôm và Chợ Lách. Trong đó, huyện Ba Tri có gần 930 hộ với 2.600 người cần di dời, sơ tán khi bão đổ bộ. Bến Tre cũng tuyên truyền, vận động gần 55.500 người dân có nhà ở tạm bợ, không đảm bảo an toàn tự di chuyển sang tránh trú nhờ nhà kiên cố, chắc chắn trong khu vực.

Lực lượng chức năng tỉnh Bến Tre giúp dân di dời dân đến nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu

Đến 14 giờ ngày 25/12, địa phương phải hoàn tất công tác di dời dân trong vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú bão an toàn và di dời người dân đang cư trú ở những ngôi nhà không an toàn có nguy cơ đổ sập sang nơi an toàn. Sau thời điểm này, nếu còn hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp cần di dời nhưng còn chần chừ hoặc không thực hiện sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế di dời.

* Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng kiểm tra nghiêm ngặt các tuyến đò dọc, đò ngang đảm bảo ngưng hoạt động từ 11 giờ ngày 25/12; tổ chức di dời dân đến nơi trú bão; vận động người dân hoàn thành công tác chằng chống nhà cửa, phát quang cây cối, khai thông dòng chảy trước 17 giờ ngày 25/12. Các cơ quan, đơn vị chuẩn bị tốt phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng tránh, ứng phó với bão.

UBND tỉnh cũng yêu cầu tập trung công tác di dời dân với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng con người. Theo đó, trong ngày 25/12, các ngành, các cấp chỉ đạo địa phương di dời người dân đến nơi an toàn, đặc biệt chú ý di dời người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai...

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, tính đến 10 giờ ngày 25/12, tỉnh Hậu Giang sơ tán 830 hộ dân; chằng chống trên 9.500 căn nhà tại các địa phương.

* Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, vào lúc 11 giờ ngày 25/12, trên địa bàn tỉnh An Giang đã có mưa nhiều nơi nhưng lượng mưa ít. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách để phòng chống bão số 16.

Các địa phương chú trọng công tác chằng chống bảo vệ nhà cửa của nhân dân; sẵn sàng bơm tiêu chống úng, bảo vệ diện tích thu hoạch vụ Thu Đông năm 2017 và diện tích mới xuống giống vụ Đông Xuân 2017-2018; triển khai các giải pháp bảo vệ lồng bè, ao nuôi thủy sản.

* Sáng 25/12, trên địa bàn Long An có mưa diện rộng, các cấp chính quyền tổ chức trực 24/24h để xử lý và ứng phó kịp thời với bão số 16. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Trần Văn Cần chỉ đạo cấp chính quyền vận động, khuyến cáo và giúp nhân dân chằng chống nhà cửa; có biện pháp bảo vệ các vuông nuôi, ao nuôi thủy sản, nhất là các vuông nuôi thủy sản nằm ngoài đê. Sở Giao thông Vận tải và chính quyền các địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra nghiêm ngặt các bến phà đang hoạt động, cử người túc trực tại các bến phà, đò ngang, đò dọc, đảm bảo an toàn cho người dân qua lại trên sông, kênh, rạch; tuyệt đối cấm các bến phà hoạt động trong suốt thời gian mưa to, gió lớn.

Các huyện phía Nam như Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành xác định khu vực cần di dời, sơ tán dân khi có yêu cầu, vận động người dân ra khỏi vùng xung yếu, có thể đe dọa đến tính mạng của nhân dân

Cập nhật đến 13 giờ chiều:

Gần 1.000 ngư dân Cà Mau xin trú bão tại Malaysia, Thái Lan

Trưa 25-12, ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống Thiên tai, Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh còn 352 tàu cá với 2.493 ngư phủ đang hoạt động trên biển; trong đó có 101 tàu hoạt động khai thác xa bờ và 115 tàu hoạt động gần bờ.

Ông Hoai nói: “Hiện nay, phần lớn tàu di chuyển vào bờ, vượt ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong đó có 136 tàu với 968 ngư phủ xin trú tránh bão tại Malaysia và Thái Lan. Chúng tôi sử dụng mạng thông tin liên lạc với 352 tàu cá đang hoạt động”.

-Ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các đơn vị liên quan cho toàn bộ cán bộ công nhân viên chức trên địa bàn tỉnh nghỉ làm việc từ trưa nay cho đến hết ngày 26/12 để cùng gia đình ứng phó bão số 16. Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường đồng thời huy động mọi lực lượng có thể để ứng phó với cơn bão Tembin được xác định là rất nguy hiểm. Thời điểm này, công tác chuẩn bị ứng phó bão được đảm bảo tốt, các lực lượng được bố trí 24/24, các phương án ứng cứu, khắc phục sự cố, sơ tán dân cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng…

Trưa 25/12, tại địa bàn huyện Duyên Hải, Trà Vinh mưa bắt đầu to dần, gió mạnh lên. Chính quyền cùng ngành chức năng huy động lực lượng đang khẩn trương di dời hơn 2.000 hộ dân ở vùng nguy hiểm thuộc xã Long Vĩnh và Đông Hải vào nơi an toàn.

Tàu thuyền neo đậu tránh bão tại Kiên Giang

*Tại xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, Kiên Giang, hiện thời tiết đã có thay đổi. Trời nhiều mây, có mưa, sóng đã mạnh dần lên cấp 5. Địa phương huy động gần 500 tàu thuyền của địa phương và các tỉnh bạn đã neo đậu vào hướng tây Nam của đảo. Lực lượng quân đội cũng đang giúp dân neo chằng cá lồng bè, đưa ngư phủ lên bờ. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng cho biết: “Việc sơ tán hơn 200.000 ngưới ở các vùng nguy cơ ảnh hưởng như: Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, An Minh, Hòn Đất… đã bắt đầu được triển khai từ sáng nay. Tỉnh huy động toàn lực, trong đó có công an, quân đội, dân quân, dự bị động viên giúp dân sơ tán, neo chằng nhà cửa, gặt lúa chạy bão…”.

Cập nhật đến 12 giờ trưa:

Lãnh đạo Chính phủ vào Nam bộ, khẩn trương di dời dân

*Sáng 25-12, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo TW về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường có buổi làm việc với tỉnh Kiên Giang. Tại đây, Bộ trưởng yêu cầu địa phương tuyệt đối không được chủ quan vì diễn biến của bão rất phức tạp khi vào gần bờ. Bộ trưởng cùng đoàn công tác đi kiểm tra phòng chống lụt bão tại cảng Tắc Cậu và huyện An Minh.

Ông Nguyễn Xuân Cường làm việc tại tỉnh Kiên Giang

Ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Đến nay đã có 6841 tàu thuyền đánh cá trên vùng biển tỉnh Kiên Giang đã về nơi tránh trú bão an toàn. Tỉnh cũng đã lên kế hoạch sơ tán 213.385 người ở các vùng nguy cơ ảnh hưởng như: Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, Rạch Giá, An Minh, Hòn Đất… Khoảng 2.800 chiếc cá lồng bè trên biển và quanh các đảo đã được gia cố, neo chống bão. Gần 120 ngàn ha tôm cũng đã được chính quyền vận động nhân dân gia cố bờ ao để bảo vệ. Đáng chú ý có trên 20 ngàn ha lúa mùa ở khu vực U Minh Thượng đang vào vụ thu hoạch nếu bão vào thì rất đáng lo ngại. Cũng theo ông Nhịn, các tuyến tàu khách ra đảo Phú Quốc, quần đảo Nam Du... tạm ngưng hoạt động từ sáng 25/12.

*Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến kiểm tra công tác phòng chống bão tại tỉnh Sóc Trăng. Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đã bố trí các điểm di dời dân và dự kiến di dời hàng chục ngàn hộ dân đến nơi tú bão an toàn. Cụ thể, thị xã Vĩnh Châu di dời trên 12.000 người, huyện Cù Lao Dung di dời 5.535 người, huyện Trần Đề di dời 3.063, huyện Kế Sách di dời 3.036 người, huyện Long Phú di dời khoảng 2.551 người dân.

 
Người dân Sóc Trăng gia cố nhà cửa chống bão

*Cũng trong sáng nay, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh trực tiếp chỉ đạo các ngành, các cấp và địa phương khẩn trương triển khai công tác di dân. Đảm bảo hoàn thành công tác này trước 10 giờ sáng nay. Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh thông tin với phóng viên tỉnh này đang có mưa trên diện rộng. Tuy nhiên, mới chỉ là mưa nhỏ và gió nhẹ. Hiện, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trà Vinh đang có mặt tại Duyên Hải và Cầu Ngang để kiểm tra các vùng biển xung yếu. Tỉnh đã có thông kế số liệu các hộ dân cần phải di dời là 51.000 hộ và trong hôm qua các địa phương báo cáo đã di dời được hơn 17.000 hộ. Hôm nay, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ di dời tất cả các hộ còn lại.

Tàu cập bến ở Trà Vinh để tránh bão Tembin

*Tỉnh Bến Tre cho biết sẽ hỗ trợ sơ tán dân với số lượng khoảng 22.154 người và tuyên truyền, vận động 55.493 người dân có nhà ở tạm bợ, không đảm bảo an toàn tự di chuyển tránh trú nhờ nhà kiên cố, chắc chắn trong khu vực. Đồng thời, tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo tạm hoãn các cuộc họp, công việc chưa cần thiết để tập trung công tác phòng tránh, ứng phó với bão; Chỉ đạo các ngành, địa phương sẵn sàng phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”.

Người dân Bến Tre được di dời tránh bão

*Tại Cần Thơ, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiêm Phó Trưởng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai – Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) thành phố đề nghị các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố dừng các hội họp tập trung triển khai phương án ứng phó với bão một cách nhanh nhất, nhân dân biết và chủ động cùng ứng phó với các cấp chính quyền. Đồng thời, đề ra các phương án ứng phó với bão, trong đó, trường hợp bão mạnh có sức gió trên cấp 10 sẽ sơ tán dân tại chỗ trên 137 nghìn người đến địa điểm an toàn trú bão.

Cập nhật đến 9 giờ 30 sáng:

Quân khu 9 lập Sở Chỉ huy phía trước tại Trà Vinh

*Sáng 25/12, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã thành lập Sở Chỉ huy phía trước đóng tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Trà Vinh, do Thiếu tướng Nguyễn Hồng Hải, Phó Tư lệnh Quân khu 9 làm Chỉ huy trưởng, sẵn sàng ứng phó bão số 16.

Ngay sau khi thành lập, Sở Chỉ huy phía trước khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão, kết nối thông suốt các phương tiện thông tin liên lạc, tổ chức họp khẩn với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nắm tình hình, triển khai các phương án ứng phó phù hợp.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Hải yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, tiếp tục theo dõi, triển khai và kiểm tra các phương án, biện pháp phòng ngừa thiệt hại do mưa lớn, lốc xoáy gây tốc mái, sập nhà cửa; kiểm tra bảo đảm an toàn các kho tàng, nhất là các kho vũ khí, đạn; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, liên tục thông báo cho lực lượng vũ trang và nhân dân diễn biến của bão...

Ông Nguyễn Văn Trưởng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Trà Vinh cho biết, đến 9 giờ ngày 25/12, mọi công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 16 đã cơ bản hoàn tất. Các địa phương trong tỉnh di dời gần 1.700 người dân sống tại các vùng có nguy cơ ảnh hưởng nặng về nơi tránh bão ao toàn. Thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, lực lượng Quân sự đã giúp dân và vận động dân thu hoạch xong hơn 60.000 ha lúa Đông Xuân, đạt hơn 85 % diện tích lúa của toàn tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho học sinh trong tỉnh nghỉ học 2 ngày 25 và 26/12 để đảm bảo an toàn. Trường hợp địa phương xảy ra sự cố gây thiệt hại tính mạng và tài sản của người dân, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Tỉnh Trà Vinh có 17.335 hộ dân ở những khu vực giáp biển, xã đảo, xã bãi ngang có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão số 16 cần di dời. Hiện chính quyền địa phương cùng lực lượng vũ trang, tổ chức đoàn thể đã hỗ trợ di dời được 1.628 hộ dân đến khu vực an toàn.

Hình ảnh về bão Tembin lúc 9h sáng nay 25-12 - Nguồn: Windy.com

*Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, tính đến 8 giờ ngày 25/12, tỉnh đã di dời được gần 2.000 người trong tổng số gần 62.440 người dự kiến di dời vào nơi tránh, trú bão an toàn. Trong đó, huyện Thới Bình di dời 45/12.681 người, huyện Ngọc Hiển di dời 113 người, huyện Phú Tân di dời 1.635/8.949 người, huyện Trần Văn Thời di dời 115/8.707 người. Ngoài ra, các huyện U Minh dự kiến di dời trên 7.710 người, huyện Năm Căn dự kiến di dời trên 10.300 người, huyện Cái Nước dự kiến di dời trên 13.570 người.

UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị khá tốt kế hoạch, phương án di dời dân đến các điểm trường học, cơ quan... để tránh, trú bão số 16 . Tuy nhiên, từ số liệu ban đầu cho thấy, tỷ lệ di dời dân tại các địa phương trong toàn tỉnh còn thấp, mới chỉ đạt hơn 3%. Ông Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, chính quyền các địa phương liên tục tuyên truyền, vận động người dân ở khu vực nguy hiểm vào nơi tránh bão an toàn trước khi bão số 16 đổ bộ vào tỉnh Cà Mau. Song một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, không thực hiện việc chằng chống nhà cửa chắc chắn, chưa đồng ý di dời tránh bão. Trước thực trạng này, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân, trong trường hợp khẩn cấp có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau chỉ đạo các UBND các huyện, thành phố huy động lực lượng, đẩy mạnh các các hình thức tuyên truyền đến người dân về sự nguy hiểm của cơn bão; đồng thời triển khai tốt công tác di dời dân ở vùng ven biển, vùng nguy hiểm vào nơi tránh, trú bão an toàn.

Chính quyền P.1, TP Cà Mau tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer nâng cao ý thức phòng tránh bão. Ảnh: Kim Há

* Sáng 25/12, bão số 16 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thời tiết tỉnh Tiền Giang. Mưa nhỏ và dai dẳng kéo dài trên diện rộng, tuy nhiên không có gió to.

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, trong ngày 25/12, Tiền Giang bắt đầu sơ tán khoảng 40.000 người dân sinh sống tại những địa bàn nguy hiểm, chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 16.

* Trước diễn biến phức tạp của bão số 16, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV (thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, trụ sở tại Cần Thơ) đã có văn bản chỉ đạo đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có thành phố Cần Thơ chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của cơn bão, tập trung đình chỉ hoạt động cảng bến, không cấp phép cho các phương tiện tàu thuyền rời bến cho đến khi có thông báo mới nhất.

Theo đó, Cảng vụ Đường thủy nội địa Cần Thơ đã ra thông báo đình chỉ hoạt động cảng bến, không cấp phép cho các phương tiện tàu thuyền rời bến cho đến khi có thông báo mới nhất. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn tính mạng cho khách du lịch, sáng 25/12, thành phố Cần Thơ đã cấm các tàu, thuyền đưa khách tham quan chợ nổi Cái Răng và ngưng tất cả các hoạt động đưa, đón khách du lịch trên sông tham quan Chợ Nổi Cái Răng.

UBND thành phố Cần Thơ có quyết định cho học sinh nghỉ học từ 11 giờ 30 phút ngày 25/12 đến ngày 26/12 để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp bão mạnh có sức gió trên cấp 10 khi đổ bộ vào đất liền, Cần Thơ sẽ tiến hành sơ tán dân.

Hiện thành phố Cần Thơ đã xây dựng, triển khai công tác chuẩn bị ứng phó bão số 16, như: tích trữ nước, thuốc, thức ăn… Bên cạnh đó, thành phố Cần Thơ cũng đã lên kịch bản chống bão. Đặc biệt, nếu trong trường hợp bão mạnh có sức gió trên cấp 10 khi đổ bộ vào đất liền Cần Thơ sẽ tiến hành sơ tán dân tại chỗ trên 137 nghìn người tại 9/9 quận, huyện đến địa điểm an toàn trú bão.

* Sáng 25-12, theo báo cáo của các huyện ven biển tỉnh Bạc Liêu gồm Đông Hải, Hòa Bình và thành phố Bạc Liêu, đến thời điểm này, các địa phương đã cơ bản chuẩn bị đủ nơi trú bão để di dời, sơ tán dân tránh bão an toàn. Dự kiến trong ngày 25/12, các địa phương sẽ hoàn thành công tác di dời dân với hơn 64.000 hộ, khoảng 350.000 người, chiếm khoảng 1/3 dân số của toàn tỉnh. Các địa phương chỉ đạo lực lượng bộ đội, công an và các ngành, đoàn thể trực tiếp tham gia xử lý các tình huống, giúp dân sơ tán, đối phó bão, nhất là các xã vùng ven biển, người dân sống ngoài đê rừng phòng hộ, khu vực dễ xảy ra sạt lở, ngập úng.

Sơ tán dân đi tránh bão tại huyện Đông Hải, Bạc Liêu

* Tỉnh Bến Tre cũng đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để chỉ đạo công tác ứng phó, phòng chống bão trong thời gian tới. Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đề nghị các ngành, các cấp chỉ đạo cho công nhân ở các doanh nghiệp và cán bộ, nhân viên nhà nước được nghỉ (trừ những người được phân công trực) từ chiều 25/12 đến hết ngày 26/12.

UBND tỉnh Bến Tre cũng chỉ đạo sơ tán trên 22.100 người tránh bão số 16. Theo đó các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại, Giồng Trôm và Chợ Lách đều có người dân nằm trong diện sơ tán. Huyện Bình Đại là huyện có người dân phải sơ tán nhiều nhất (gần 13.400 người).

Tỉnh Bến Tre đã tuyên truyền, vận động gần 55.500 người dân có nhà ở tạm bợ, không đảm bảo an toàn tự di chuyển sang tránh trú nhờ nhà kiên cố, chắc chắn trong khu vực. Thời gian hoàn thành công tác di dời, sơ tán dân đến nơi tránh trú an toàn trước 12 giờ ngày 25/12.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo đề nghị các địa phương trong tỉnh ứng phó bão phải linh hoạt, trong đó phải đảm bảo an toàn về người là trên hết. Đồng thời, phương án di dời phải được triển khai trực tiếp đến người dân, sau 16 giờ ngày 25/12, nếu người dân nào trong diện di dời, chưa di dời thì phải cưỡng chế.

* Ngày 24/12, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lữ Văn Hùng đã ký Công văn hỏa tốc số 180/TB-UBND thông báo cho học sinh, sinh viên nghỉ học tránh bão số 16.

Theo dự báo, đến rạng sáng 26/12, bão số 16 có khả năng đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đường đi của tâm bão là hướng từ tỉnh Sóc Trăng đến thị trấn Trà Lồng, xã Long Phú (thị xã Long Mỹ), xã Phương Phú, xã Phương Bình (huyện Phụng Hiệp), xã Thuận Hưng, xã Thuận Hòa, xã Xà Phiên, xã Vĩnh Thuận Đông (huyện Long Mỹ) và xã Vĩnh Thuận Tây (huyện Vị Thủy) rồi đi qua xã Hỏa Lựu, xã Tân Tiến, xã Vị Tân (thành phố Vị Thanh).

Các địa phương cũng rà soát lại những địa điểm trú ẩn an toàn để di dời người dân vùng tâm bão vào hoặc vào hầm trú ẩn mà hội nông dân và hội chữ thập đỏ đã chuẩn bị. Về hậu cần, ngành công thương tỉnh đã chuẩn bị sẵn những nhu yếu phẩm thiết yếu với hơn 3.000 thùng mì gói, 5.000 chai nước; ngành giao thông chuẩn bị 20 phương tiện có sẵn để điều tiết, hỗ trợ cho khoảng 1.000 hộ dân di dời khỏi vùng tâm bão. Ngành y tế cũng dự trữ thuốc men tại các trạm, trực 24/24 giờ để ứng phó kịp thời; ngành quân sự, công an thì sẵn sàng lực lượng dân quân cơ động, ứng chiến tại địa phương, cổng rào an ninh và luôn trên tinh thần ứng phó.

* Ứng phó với bão số 16, đến tối 24/12, tỉnh Sóc Trăng đã cơ bản di dời xong hàng ngàn hộ dân ở ngoài đê vùng ven biển, ven sông lớn thuộc địa bàn các huyện Cù Lao Dung, Long Phú, Trần Đề, Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu vào nơi trú ẩn an toàn.

Tỉnh cũng đã bố trí các điểm di dời dân để tùy tình hình cấp độ bão nếu trên cấp 10 có thể di dời cao nhất lên tới 140.000 dân đến nơi trú bão an toàn tại các điểm trường học, trụ sở cơ quan, nhà dân kiên cố. Trong ngày 24/12 tỉnh đã sơ tán được hơn 20.000 dân vào nơi trú tránh an toàn.

Lực lượng vũ trang, quân đội, Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Sóc Trăng cũng đã huy động lực lượng tối đa sẵn sàng ứng trực, trước mắt đã điều động hơn 2.000 người là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ tới các địa bàn xung yếu, sẵn sàng thực hiện các biện pháp di dời nhân dân đến các khu vực an toàn.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành giáo dục thông báo cho học sinh nghỉ học 2 ngày 25 và 26/12.

Bình luận (0)

Lên đầu trang