Lên phương án nhắn tin đến cộng đồng diễn biến của bão Tembin

Thứ Bảy, 23/12/2017 15:58

|

(CAO) Trưa 23/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Uỷ ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 95.

Công điện này gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Nam đến Bình Thuận và các tỉnh Nam Bộ; các Bộ ngành liên quan.

Nội dung Công điện nêu rõ: Bão Tembin di chuyển nhanh theo hướng Tây vào biển Đông và tiếp tục mạnh thêm. Đây là cơn bão mạnh và còn diễn biến phức tạp, có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền trong thời điểm triều cường với cấp độ rủi ro thiên tai 4 (cường độ mạnh nhất chưa từng xảy ra trong khu vực).

Công điện yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành chỉ đạo thực hiện ngay một số nội dung sau:

1. Tăng cường cập nhật thông tin, tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền; quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để hướng dẫn di chuyển hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

2. Rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển, trên cù lao đang có nguy cơ sạt lở mạnh, vùng thấp trũng do ảnh hưởng của triều cường. Kiên quyết sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm không đảm bảo an toàn; trong đó đặc biệt đối với huyện đảo, xã đảo như Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu),…

3. Kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến (kể cả các tàu vận tải; tàu vãng lai trên sông, trên biển; các bến phà,…), khu vực neo đậu quanh các đảo, khu lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trên biển và đất liền nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Các địa phương thực hiện cấm biển chậm nhất trước 16 giờ ngày 23/12/2017…

Cơn bão số 16 di chuyển nhanh, có thể giật cấp 15, hướng vào Nam bộ. Nguồn: TTDBKTTVTW

Chuẩn bị sẵn sàng mọi lực lượng, phương tiện để ứng phó bão

Sáng 23/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tại cuộc họp trực tuyến ứng phó bão Tembin với các tỉnh từ Quảng Nam đến Cà Mau. Bộ trưởng yêu cầu phải chuẩn bị sẵn sàng mọi lực lượng và phương tiện để chủ động ứng phó hiệu quả, kịp thời với bão Tembin, tránh tư tưởng chủ quan, kiên quyết di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Để chủ động ứng phó với bão Tembin, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo nhanh, kịp thời phục vụ sự chỉ đạo, thông tin đối với Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ huy các tỉnh, thành phố ảnh hưởng bởi bão Tembin; chú trọng phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền các thông tin về bão đến các cấp chính quyền và người dân; trong đó cần quan tâm đến nhân dân sinh sống ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

"Tăng cường cập nhật thông tin, tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền; quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để hướng dẫn di chuyển hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; huy động tối đa các lực lượng để kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, khu vực neo đậu quanh các đảo, khu vực lồng bè nuôi trồng thuỷ, hải sản nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Đặc biệt chú ý đến các các tàu vãng lai". Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện công tác chỉ đạo, phối hợp trong công tác ứng phó với bão.

Ngay sau cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ phân công các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố triển khai các đoàn công tác đến địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó với bão theo phương châm "4 tại chỗ"; đặc biệt cần tăng cường công tác thông tin truyền thông ứng phó với bão, trong đó sẵn sàng phương án nhắn tin đến cộng đồng về diễn biến của bão và nước biển dâng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão xem xét hoãn các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung lực lượng ứng phó với bão.

"Đây là khu ít khi bị ảnh hưởng bởi bão, nên kinh nghiệm ứng phó hạn chế và còn tư tưởng chủ quan của một số chính quyền cơ sở, cộng đồng trong ứng phó với bão và có thể lặp lại kịch bản thiệt hại như ở Khánh Hoà trong cơ bão số 12. Trong đó điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng về tránh trú tàu thuyền, đê biển, nhà ở tàu thuyền, tập quán sinh sống, sản xuất, kinh nghiệm phòng tránh, đặc biệt gồm rất nhiều đảo…đều gặp rất nhiều bất lợi khi bão đổ bộ", Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài lưu ý.

Theo ông Trần Quang Hoài, đây là khu vực nhiều tàu thuyền hoạt động trên biển, đặc biệt nhiều tàu nhỏ hoạt động ven bờ có chất lượng không bảo đảm an toàn (riêng từ ngày 21 - 22/12/2017 đã có 9 vụ tai nạn, sự cố tàu thuyền trên biển). Tổng số tàu thuyền các tỉnh từ Quảng Nam đến Cà Mau – Kiên Giang là 67.507 tàu.

Bên cạnh đó, đây là thời kỳ vụ cá Bắc nên nhiều tàu thuyền đang hoạt động khai thác. Ngoài ra, đây cũng là khu vực tàu thuyền vào tránh trú cơn bão số 15 (có cấp gió không mạnh) nên các tàu mang tâm lý mong muốn được sản xuất dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

Theo báo cáo của các tỉnh, thành khu vực ven biển ở Nam bộ, số người dân có thể phải di dời đến nơi an toàn tránh trú bão lên đến gần 1 triệu người.

TP.HCM: Phương tiện, lực lượng đã sẵn sàng

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cho biết, thành phố đã họp và phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Thành phố. Hiện tại, Thành phố chuẩn bị mọi lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu với các tình huống do bão gây ra.

UBND TP cũng đã giao Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP tùy theo diễn biến của bão để quyết định thông báo cấm tàu thuyền hoạt động đánh bắt, đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng dừng hoạt động.

Thành phố cũng yêu cầu các quận huyện, phường xã, thị trấn triển khai ngay phương án chi tiết, huy động vật tư, phương tiện, các lực lượng giúp nhân dân chằng chống nhà cửa chắc chắn trước cơn bão, đặc biệt là khu vực ven biển, ven sông, các vùng trũng thấp, bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm; chuẩn bị ngay phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn, đảm bảo cung cấp các dịch vụ hậu cần trước hết là lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, ánh sáng, thuốc men, phòng ngừa dịch bệnh tại nơi tạm cư.

Đặc biệt, UBND huyện Cần Giờ chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông biển đến các địa điểm kiên cố ngay khi có lệnh của thành phố.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Chủ động lên phương án di dời dân

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Tuấn Quốc cho biết, tỉnh đã thực hiện lệnh cấm biển từ 15 giờ ngày 22/12; thực hiện việc phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy xuống các địa phương để chỉ đạo, đồng thời đã chủ động có phương án thực hiện sơ tán dân, di dân ra khỏi những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Bến Tre: Hoàn thành di dời dân trước trưa 25/12

Sáng 23/12, ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phát công văn thông báo đến các trường học chuẩn bị phương án phòng tránh, ứng phó với bão Tembin đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên và các trang thiết bị trường học; các trường cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ ngày 25 đến 26/12. Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo yêu cầu lãnh đạo các huyện, sở, ngành tạm ngưng các cuộc họp không cần thiết để chuẩn bị công tác ứng phó bão.

Các huyện cần rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân; nắm chắc lượng người cần di dời, sơ tán; khu vực, địa điểm bố trí sơ tán đến; lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán; chuẩn bị hậu cần tại các điểm bố trí sơ tán... Trong đó, ưu tiên di dời các đối tượng dễ bị tổn thương (người già, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ...); người dân các khu vực xung yếu, có nguy cơ cao bị ảnh hưởng. Thời gian hoàn thành công tác di dời, sơ tán dân trước 12 giờ ngày 25/12, đồng thời có biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp không chấp hành lệnh sơ tán.

Tiền Giang: Kiên quyết không để ảnh hưởng đến tính mạng

Ngày 23/12, ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương đang chủ động thực hiện các giải pháp tích cực nhằm ứng phó bão Tembin, kiên quyết không để ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản cũng như sản xuất, đời sống nhân dân.

Ông Lê Văn Hưởng cho biết thêm, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã phân công cụ thể và giao trách nhiệm cho từng thành viên để kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương lên phương án ứng phó hiệu quả. Tiền Giang cũng xây dựng phương án di dời khoảng 120.000 dân ở những nơi nguy hiểm đến các chỗ trú ngụ an toàn. Về tàu thuyền đánh bắt trên biển, Tiền Giang có 564 tàu với gần 4.500 ngư dân đã vào bờ an toàn. Tỉnh đang tiếp tục cập nhật thông tin diễn biến đường đi của bão để các phương tiện còn hoạt động trên biển biết, hướng dẫn phương tiện khẩn trương vào bờ hoặc tìm chỗ tránh trú an toàn, không để xảy ra thiệt hại về người và phương tiện.

Bình Thuận: Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện nay, tất cả các hồ chứa trên địa bàn đều đạt xấp xỉ mực nước dâng bình thường; có 3 hồ chứa đang tiến hành xả lũ điều tiết qua tràn để hạ thấp mực nước, đảm bảo an toàn cho công trình là các hồ Phan Dũng, Đá Bạc, Núi Đất.

Tính đến chiều tối 22/12, số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 683 chiếc với 3.432 lao động, trong đó tàu đánh bắt xa bờ là 56 chiếc với 348 lao động. Các tàu thuyền đang được kêu gọi vào bờ, tìm nơi trú an toàn và giữ liên lạc với các đồn biên phòng, các đài thông tin Duyên hải khu vực, thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng theo quy định. Rà soát các vùng trọng điểm, vùng trũng, ven biển để có kế hoạch di dời, sơ tán dân...

Ninh Thuận: Rà soát đê, kè biển

Sáng 23/12, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức họp khẩn cùng với các sở, ngành, lãnh đạo các huyện, thành phố lên phương án ứng phó với bão Tembin. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết: Theo dự báo, Ninh Thuận nằm trong vùng ảnh hưởng của bão Tembin, cơn bão có tốc độ di chuyển nhanh, phức tạp. Do đó, các địa phương phải chủ động lên các phương án cụ thể để phòng chống; tập trung chuẩn bị các phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó. Các đơn vị khẩn trương rà soát toàn bộ các tuyến đê, kè biển tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đang sạt lở do triểu cường, sóng to để khắc phục, tránh kéo rộng quy mô sạt lở.

Hiện tại, toàn tỉnh có 2.651 phương tiện nghề cá với 16.474 lao động hoạt động. Số tàu, thuyền đang hoạt động trên biển là 409 chiếc với 3.269 lao động đã liên lạc được, còn 2.242 chiếc tàu, thuyền đang neo đậu tại các bến, cảng.

Các tỉnh, thành khác ở khu vực Nam bộ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để ứng phó với bão Tembin.

Bình luận (0)

Lên đầu trang