Ông Hoàng Văn Thắng chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó với
bão số 16Bạc Liêu - nơi dự kiến tâm bão đi qua, di dời hơn 365.000 dân
Sáng 24/12, tỉnh Bạc Liêu họp khẩn, bàn giải pháp, nhiệm vụ phòng tránh, ứng phó bão số 16 Tembin. UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo triển khai di dời dân ở những nơi xung yếu, có nguy cơ ảnh hưởng nhiều bởi bão đến nơi tránh trú an toàn ngày từ ngày 24/12.
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đề nghị: Trước mắt, các huyện ven biển gồm: Đông Hải, Hòa Bình, thành phố Bạc Liêu cần di dời, sơ tán dân từ 24/12. Công tác di dời dân đến nơi an toàn cần tránh xáo trộn, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất. Các lực lượng chức năng cần vận động, khuyến khích người dân sơ tán nhất là người già, trẻ em. Lực lượng trong độ tuổi lao động, thanh niên sơ tán sau cùng khi thật sự cần thiết...
Ông Dương Thành Trung nêu rõ: Các địa phương cần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, chú ý công tác vệ sinh môi trường, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, an ninh trật tự khi di dời dân.
Bão số 16 dự kiến đổ bộ vào đất liền khu vực Nam bộ vào chiều tối mai (25-12) với cấp bão 12, giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10 mét. Hướng đi dự báo của bão. Nguồn: TTDBKTTVTW
Theo tính toán của Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Bạc Liêu sẽ sơ tán hơn 85.000 hộ dân, tương đương hơn 365.700 người, với tổng số 31.000 điểm sơ tán. Để làm tốt công tác này, tỉnh huy động lực lượng gồm hơn 12.000 người, 24.000 phương tiện…; đồng thời triển khai các giải pháp bảo vệ hơn 33.000 ha lúa- tôm, 35.000 ha lúa Thu Đông, hơn 11.000 ha lúa Đông Xuân và hơn 76.000 ha nuôi trồng thủy sản.
Theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, mặc dù biết bão số 16 sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương, nhưng một số ban ngành, địa phương, người dân vẫn rất chủ quan, nhất là một số tàu đánh bắt thủy sản trên biển không muốn vào đất liền tránh bão. Các cơ sở kinh doanh, người sản xuất chưa chủ động gia cố, chằng néo, bảo vệ nhà cửa, trụ sở, diện tích sản xuất…
Ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho hay: Thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải là cửa biển lớn của tỉnh, có khả năng ảnh hưởng lớn do bão. Tuy nhiên, đến thời điểm này người dân nơi đây còn rất chủ quan, lơ là phòng tránh bão dù địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn. Điều đáng lo nhất là nếu sóng biển đánh cao 7-9m khi bão vào, thì tuyến đê kè Gành Hào cùng hơn 15.000 dân ở thị trấn này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Toàn bộ người dân thị trấn phải di dời, sơ tán.
Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly cũng lo lắng nêu rõ: Do cán bộ, nhân dân thành phố chưa có kinh nghiệm phòng tránh, ứng phó bão, nên triển khai công tác ứng phó bão ở đây còn rất lúng túng, cần được sự hỗ trợ. Thành phố Bạc Liêu có nhiều hộ dân sinh sống ngoài đê rừng phòng hộ, ven biển... cần được di dời, bảo vệ khi xảy ra bão.
Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương nhấn mạnh, để giảm bớt thiệt hại về người, tài sản nếu bão đổ bộ, các địa phương phải khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó bão. Các ngành, các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai phương án di dời, sơ tán dân; chằng néo nhà cửa, bảo vệ diện tích sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự, lương thực, chăm sóc sức khỏe, môi trường, dịch bệnh…
Hậu Giang: Hoãn họp để tập trung phòng, chống bão
Sáng 24/12, UBND tỉnh Hậu Giang cũng họp khẩn, triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 16 (bão Tembin).
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lữ Văn Hùng yêu cầu các lực lượng phải đảm bảo chỉ huy, phương tiện, lực lượng, thông tin liên lạc thông suốt, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ"; các phương tiện thông tin đại chúng thông báo thường xuyên về diễn biến của bão để người dân biết. Đặc biệt, tỉnh Hậu Giang hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng, chống bão.
Ông Lữ Văn Hùng nhấn mạnh, ngoài những địa phương được dự báo là nơi tâm bão đi qua, các địa phương khác cũng không được chủ quan, lơ là, phải sẵn sàng ứng phó mọi diễn biến bất thường của bão. Các lực lượng chức năng phải kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở; cương quyết di dời người dân khi bão đổ bộ để đảm bảo an toàn tính mạng; các điểm để người dân di dời đến phải đảm bảo chắc chắn, không tập trung đông người dân vào một điểm...
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang: Tâm bão số 16 sẽ hướng từ tỉnh Sóc Trăng đến thị trấn Trà Lồng, xã Long Phú (thị xã Long Mỹ); xã Phương Phú, xã Phương Bình (huyện Phụng Hiệp); xã Thuận Hưng, Thuận Hòa, Xà Phiên, Vĩnh Thuận Đông (huyện Long Mỹ); xã Vĩnh Thuận Tây (huyện Vị Thủy); xã Hỏa Lựu, Hỏa Tiến, Tân Tiến, Vị Tân (thành phố Vị Thanh) của tỉnh Hậu Giang.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang đã đề nghị các địa phương nơi tâm bão đi qua có kế hoạch cụ thể di dời an toàn người dân đến nơi an toàn. Các địa phương còn lại chịu ảnh hưởng của bão nhanh chóng rà soát các cơ quan, trường học, trụ sở, nhà văn hóa và nhà kiên cố của người dân để đưa người dân vào trú ẩn, đảm bảo an toàn, không để người dân ở trong nhà tạm. aMọi công tác tổ chức phòng, chống cơn bão số 16 phải hoàn thành trước 16 giờ ngày 25/12.
Sóc Trăng: Hướng dẫn tàu thuyền, di dời người dân đến nơi an toàn
Đến sáng 24/12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng đã thông tin, hướng dẫn được hầu hết các tàu khai thác của ngư dân trên vùng ngư trường biển Sóc Trăng, các phương tiện tàu thuyền của tỉnh Sóc Trăng đánh bắt trên biển biết vị trí hướng đi của cơn bão số 16 để chủ động tránh trú bão.
Ngay trong sáng 24/12, lãnh đạo tỉnh cùng các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Sóc Trăng đã về các địa phương ven biển, ven sông lớn để chỉ đạo công tác triển khai phòng chống bão.
Hiện các địa phương ven biển của Sóc Trăng như thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, Long Phú, Cù Lao Dung đang tập trung triển khai các phương án ứng phó với bão.
Lãnh đạo huyện Trần Đề, trên địa bàn huyện dự báo sẽ có 4 đơn vị hành chính gần cửa biển bị ảnh hưởng nặng nếu như bão đổ bộ trực tiếp vào; đặc biệt, trong đó có 2 địa phương trực tiếp bị ảnh hưởng là xã Trung Bình và thị trấn Trần Đề. Huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng thông báo cho các phương tiện khai thác biển về nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, huyện đã bố trí 48 điểm an toàn để di dân tránh trú khi có bão xảy ra.
Cù Lao Dung là một trong những địa bàn xung yếu của tỉnh vì giáp với Biển Đông lại nằm giữa hạ nguồn sông Hậu, bốn bề sông nước nên nếu bão vào, sóng to thì nguy cơ rất lớn. Trước tình hình đó, UBND huyện đã có kế hoạch di dời hơn 6.470 người trong vùng xung yếu đến 28 điểm kiên cố trú bão. Phần lớn, các địa phương sẽ tận dụng điểm trường học, chùa, nhà thờ để làm nơi trú bão cho người dân…
Cần Thơ: Chủ động sơ tán dân, chằng chống nhà cửa
Sáng 24/12, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai – Tìm kiếm Cứu nạn thành phố Cần Thơ chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 16 - Tembin đang diễn biến phức tạp ở Biển Đông.
Dự kiến Cần Thơ có trên 137.000 người cần phải di dời, đồng thời khi bão vào sẽ gây ảnh hưởng đến nhà cửa, cơ sở hạ tầng, diện tích lúa Đông Xuân, nuôi trồng thủy sản...
Trước tình hình trên, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ chỉ đạo các địa phương có người dân phải sơ tán, tổ chức đưa dân sơ tán và quản lý người sơ tán trong suốt quá trình tránh bão. Các đơn vị tiếp nhận sơ tán thành lập các ban tiếp nhận để sắp xếp, bố trí nơi ăn, ở chăm sóc sức khỏe cho người sơ tán, hoàn thành trước 12 giờ so với thời điểm dự báo bão sẽ đổ bộ vào thành phố. Bên cạnh đó, ngành chức năng khẩn trương rà soát những vùng có nguy cơ sạt lở, đảm bảo về hệ thống điện, thông tin liên lạc...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố về việc chủ động, tăng cường công tác ứng phó với bão Tembin, nhất là tập trung thực hiện các hoạt động chằng chống nhà cửa, kho tàng, bè nuôi cá trên sông, nhằm hạn chế tốc mái, sập khi có gió lớn; cắt tỉa cây xanh trên vỉa hè, gần nhà cửa, trường học... hạn chế đổ gãy.
Lãnh đạo Cần Thơ cũng chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố tiếp tục theo dõi diễn bão để kịp thời thông báo và cho học sinh các cấp nghỉ học; các quận, huyện triển khai các biện pháp chủ động ứng phó, khẩn trương hỗ trợ người dân phòng chống bão Tembin.
Cà Mau: 250.000 giáo viên, học sinh nghỉ dạy và học
Ngày 24/12, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cà Mau đã họp khẩn về công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão Tembin.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đã cho dừng các cuộc họp để tập trung chỉ đạo, kiểm tra tình hình ứng phó với bão số 16, không loại trừ bão tăng tốc đến đất liền sớm hơn và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Cà Mau.
Ông Hải yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương thực hiện túc trực 24/24, tăng cường các biện pháp giữ gìn an ninh trật tự, kiểm soát chặt chẽ biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo an toàn điện, hệ thống thông tin liên lạc thông suốt...; đặc biệt là phải có phương án chuẩn bị huy động lực lượng, phương tiện cần thiết, kịp thời phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu qủa bão Tembin.
Để chủ động ứng phó với cơn bão Tembin, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân gia cố nhà cửa, bờ bao, bảo vệ sản xuất để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai. UBND các huyện, thành phố không được chủ quan, lơ là, sẵn sàng các phương án ứng phó theo tình huống bão ảnh hưởng trực tiếp đến Cà Mau.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp cơ quan chức năng kiểm đếm, quản lý chặt chẽ tàu thuyền, bố trí nơi neo đậu tránh, trú bão an toàn. Đặc biệt đối với các cửa biển lớn, có nhiều phương tiện tránh trú. Tỉnh Cà Mau đã thông báo cấm tàu cá ra biển kể từ 16 giờ ngày 23/12/2017.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cần rà soát đội tàu cứu hộ; phối hợp Hải quân Vùng 5, Vùng 4, Cảnh sát Biển để chủ động bố trí phương tiện, lực lượng sẵn sàng ứng phó với bão; có kế hoạch bảo vệ hạ tầng ven biển, gia cố các tuyến đê xung yếu...
Hiện toàn tỉnh có 8.114/17.401 căn nhà dân được gia cố an toàn; 87.964 dân ven biển sẽ được sơ tán, di dời ra khỏi vùng nguy hiểm theo phương án đã dự kiến trước khi bão Tembin đổ bộ vào tỉnh Cà Mau.
Ngày 24/12, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo ngành Giáo dục khẩn trương triển khai cho toàn bộ giáo viên, học sinh được nghỉ trong hai ngày 25 và 26/12, để đảm bảo an toàn nếu cơn bão số 16 (bão Tembin) đổ bộ vào tỉnh Cà Mau.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau cho biết, toàn tỉnh có khoảng 250.000 giáo viên, học sinh, sinh viên được nghỉ tránh bão. Trong đó, có đến hàng chục ngàn giáo viên, học sinh đang giảng dạy và học tập ở các điểm trường thuộc các huyện ven biển U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn, Ngọc Hiển...
Đến trưa 24/12, Sở đã có Công văn yêu cầu Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố, thủ trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp khẩn trương thông báo đến giáo viên, học sinh thời gian nghỉ tránh bão số 16. Đồng thời chỉ đạo thủ trưởng, hiệu trưởng các điểm trường phân công lãnh đạo, viên chức trực 24/24, thực hiện tốt chế độ báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai; bảo quản tốt cơ sở vật chất, tài sản, tài liệu của nhà trường.
Hiện bão số 16 đang mạnh lên, nhận định cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Cà Mau, do vậy, ngoài việc chủ trương cho học sinh nghỉ học, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp, nhà máy chế biến thủy sản bố trí lại khâu sản xuất, giải quyết cho công nhân, người lao động trong tỉnh nghỉ việc từ ngày 25/12, nhưng phải đảm bảo công tác trực ứng phó với cơn bão.
Đồng Tháp: Nhiệm vụ hàng đầu là đảm bảo tính mạng người dân
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: Các sở, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương cần dừng các cuộc họp không cần thiết, trực tiếp xuống địa phương, bám sát địa bàn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc khi triển khai kế hoạch ứng phó với bão số 16. Dân quân tự vệ, lực lượng vũ trang tại địa phương phải là lực lượng nòng cốt, luôn sẵn sàng, túc trực thường xuyên để ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Đặc biệt, các cấp phải lấy tiêu chí đảm bảo tính mạng người dân làm nhiệm vụ hàng đầu, giảm thiệt hại về vật chất, tài sản. Riêng với các phương tiện giao thông đường thuỷ, đò ngang phải đảm bảo an toàn tuyệt đối; trên các tuyến sông lớn như sông Tiền, sông Hậu phải hướng dẫn người dân neo đậu thuyền tàu an toàn, ngưng các hoạt động trên sông sau 18h trong những ngày bão đổ bổ.
Ông Khương Lê Bình, Giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Đồng Tháp phân tích, đây là cơn bão muộn, mạnh và di chuyển nhanh, có khả năng hoàn lưu bão sẽ bao trùm cả Đồng Tháp. Thời gian ảnh hưởng bão tại Đồng Tháp là từ đêm 25, rạng sáng 26/12. Khi bão đến, có thể xảy ra mưa to kèm theo gió cấp 8, cấp 9, giật cấp 11, cấp 12.
Chiều tối và đêm 24/12 bão duy trì sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 16, ở quần đảo Trường Sa đang có mưa bão, ở đảo Huyền Trân ( thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và đảo Trường Sa Lớn đang có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Hồi 10 giờ ngày 24/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc; 114,2 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h), như vậy chiều tối và đêm 24/12 bão số 16 duy trì sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển cao 10m sẽ đi qua khu vực đảo Trường Sa Lớn và đảo Huyền Trân; cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở huyện đảo Trường Sa cấp 4 (rủi ro thiên tai rất lớn).
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h). Đến 10 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10 mét.
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 105,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h). Đến 22 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,9 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14, sóng biển cao 7-9 mét. Cấp độ rủi ro thiên tai ở vùng biển gần bờ (bao gồm cả huyện đảo Côn Đảo) và đất liền ven bờ: cấp 4.
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 220km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 130km tính từ vùng tâm bão.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 đến 36 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,5 đến 12,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 104,0 độ Kinh Đông.
Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h), đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.
Đến 10 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,3 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển Cà Mau và Kiên Giang. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11, sóng biển cao 5-7 mét. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông và Vịnh Thái Lan trong 24 đến 48 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,5 đến 12,0 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 107,0 độ Kinh Đông.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h) và suy yếu thêm.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo, trong ngày và đêm mai (25/12), do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ có mưa to; từ đêm 25/12 ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.