(CAO) Từ 27-5 đến 30-5-2025, hơn 100 văn nghệ sĩ tiêu biểu của TPHCM sẽ cùng tham gia hành trình đặc biệt về nguồn năm 2025 với chủ đề “Theo dấu chân Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975”.
Chương trình do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy tổ chức nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của thành phố và đất nước: kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025); kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025).
Hành trình về nguồn “Theo dấu chân Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975” có sự tham gia của khoảng 115 đại biểu là: Văn nghệ sĩ lão thành đặc biệt tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975; văn nghệ sĩ tiêu biểu, xuất sắc của các Hội văn học, nghệ thuật thành phố, của các đơn vị nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố; văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp trong việc phát huy và giữ gìn nghệ thuật dân tộc, văn hóa truyền thống, tích cực tham gia chương trình chính trị - xã hội thành phố, phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo…

Hội trường Bộ chỉ huy miền tại căn cứ cách mạng Tà Thiết
Hành trình về nguồn dự kiến diễn ra trong 4 ngày, từ 27-5 đến 30-5-2025, tại tỉnh Kon Tum, tỉnh Gia Lai, tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Bình Phước với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Tại tỉnh Kon Tum đoàn sẽ tổ chức tìm hiểu về chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh, Sân bay Phượng Hoàng; thực hiện Lễ chào cờ tại Cột cờ cửa khẩu Bờ Y; tặng quà cho gia đình chính sách, bà con đồng bào và gia đình chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức tham quan Ngục Kon Tum – Nơi giam giữ các cán bộ chính trị của ta dưới thời thực dân Pháp…
Tại tỉnh Gia Lai đoàn tổ chức Lễ dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh; tham quan Quảng trường Đại Đoàn Kết, thắp hương Đền thờ Bác. Tổ chức chương trình Văn nghệ tri ân và tặng quà cho 100 gia đình chính sách, bà con đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo hiếu học, gia đình cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Ia Grai.
Tại tỉnh Đắk Lắk đoàn tổ chức tham quan và tìm hiểu về di tích: Nhà Đày Buôn Ma Thuột, bảo tàng tỉnh, xem sa bàn chiến thắng Buôn Ma Thuột, trận chiến then chốt dẫn đến thắng lợi của cuộc tổng tiến công vào ngày 30/4/1975. Tổ chức Chương trình giao lưu văn nghệ sĩ từng tham gia kháng chiến, kết nối văn nghệ sĩ giữa các thế hệ.
Tại tỉnh Bình Phước đoàn sẽ tham quan di tích lịch sử Quốc gia: căn cứ cách mạng Tà Thiết là căn cứ Quân ủy - Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam Việt Nam…
Theo Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM, hành trình về nguồn nhằm giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền sâu rộng trong lực lượng văn nghệ sĩ về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của chiến thắng mùa xuân năm 1975.
Qua đó động viên, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố tiếp tục cống hiến cho sự phát triển văn học, nghệ thuật của thành phố; tích cực sáng tác và biểu diễn tác phẩm văn học, nghệ thuật để thiết thực kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, về các đề tài ngợi ca sự lãnh đạo của Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống yêu nước, cách mạng; ca ngợi sự phát triển của thành phố, đất nước; xây dựng hình ảnh những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác, hình ảnh con người mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, giúp văn nghệ sĩ trẻ hiểu rõ hơn giá trị của hòa bình, độc lập, tự do và khơi dậy lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm, ý chí giữ gìn chủ quyền lãnh thổ quê hương; tập hợp và tạo nguồn văn nghệ sĩ nòng cốt chính trị để tuyên truyền, thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.