Xóa bỏ độc quyền để bình ổn thị trường vàng trong dài hạn

Thứ Ba, 14/05/2024 17:46

|

(CATP) Giá vàng những ngày qua đã tăng phi mã từng ngày, vượt qua ngưỡng 90 triệu đồng cho một lượng vàng miếng. Hiện so với thế giới, giá vàng trong nước đã cao hơn gần 20 triệu đồng/lượng. Dự kiến trong thời gian tới, độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ còn được nới rộng.

Gần như ngay lập tức, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan phải vào cuộc không chậm trễ để thực hiện thanh tra, kiểm tra theo chức năng. Mục đích là tìm hiểu, xác định tổ chức, cá nhân nào có hành vi lũng đoạn thị trường vàng để có biện pháp xử lý chế tài theo quy định của pháp luật.

Người dân ghi nhận nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc ổn định thị trường vàng. Tuy nhiên niềm tin vào tính hiệu quả của biện pháp can thiệp hành chính không cao lắm. Lý do là tình trạng khó kiểm soát, hay đúng hơn nữa là không thể được kiểm soát theo ý muốn của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường vàng đã tồn tại dai dẳng từ nhiều năm. Rất nhiều biện pháp hành chính đã được triển khai, nhưng rồi sự việc vẫn đâu vào đó. Đáng nói nữa là cách nay ít lâu, để ứng phó với cơn "sốt giá”, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp bằng cách "bơm vàng" đang được Nhà nước nắm giữ vào thị trường nội địa để giảm nhiệt, thông qua các đợt đấu thầu vàng miếng. Rốt cuộc kết quả không được như ý, nếu không muốn nói là thất bại: sau mỗi lần đấu thầu, giá vàng miếng lại tăng vọt. Sự việc diễn ra kiểu như có ai đó đang thách thức nhà quản lý về năng lực kiểm soát giá vàng.

Điều gì đang xảy ra trên thị trường vàng ở Việt Nam? Cần làm gì để chấm dứt "cơn sốt" liên quan đến thứ kim loại quý này.

Cần xóa bỏ độc quyền đối với sản xuất, nhập khẩu vàng miếng

Giá vàng trên thế giới đang biến động ở mức cao, nhưng chẳng có nước nào có nền kinh tế thị trường phải chịu "cơn sốt" vàng như ở Việt Nam. Điều đó có nghĩa là "cơn sốt" hiện tại có nguyên nhân từ bên trong chứ không phải do nhân tố ngoại lai.

Ở các nước tiên tiến, vàng được lưu thông tự do trên phạm vi lãnh thổ quốc gia. Tư nhân có quyền mua bán, trao đổi vàng không hạn chế số lượng. Không chỉ được lưu thông tự do trong nước, vàng cũng được di chuyển xuyên biên giới một cách tương đối thoải mái. Tư nhân có thể mang vàng đi qua các cửa khẩu; nếu khối lượng vàng mang theo lúc di chuyển vượt quá một mức nào đó thì phải khai báo; Nhà nước cho phép xuất khẩu, nhập khẩu, trên nguyên tắc, như đối với bất kỳ loại hàng hóa nào. Tất nhiên, không thể phủ nhận tính chất đặc biệt của vàng, đặc biệt là tính thanh khoản giống như tiền và tính có thể được bảo quản lâu dài; nhà chức trách luôn dành cho vàng sự quan tâm theo dõi cần thiết để ngăn chặn việc sử dụng loại tài sản này trong các hoạt động phi pháp. Nhưng điều đó không ngăn cản việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tích trữ, xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến vàng. Phải ghi nhận một phần nguyên nhân của sự ổn định thị trường vàng ở các nước tiên tiến là do người dân không có xu hướng coi nắm giữ vàng là cách tích trữ của cải được yêu thích, kể cả trong giai đoạn khủng khoảng. Nhưng chính việc nhà chức trách đối xử với vàng một cách bình thường, không gây sự chú ý theo hướng quan ngại của người dân, đã giúp thị trường vàng được bình ổn ngay cả trong trường hợp có biến động chính trị, kinh tế, xã hội.

Riêng tại Trung Quốc và Ấn Độ, các quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới và cũng là những nơi mà người dân có tâm lý sính vàng tương tự như ở Việt Nam, Nhà nước có chính sách đặc biệt để quản lý, kiểm soát việc nắm giữ và lưu thông vàng. Tư tưởng chủ đạo là một mặt, người dân có quyền nắm giữ vàng với số lượng hợp lý, mặt khác, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm việc đáp ứng nhu cầu nắm giữ vàng hợp lý của người dân. Từ tư tưởng chủ đạo đó, Nhà nước xây dựng khung pháp lý điều chỉnh hành vi ứng xử của con người và các tổ chức trong khuôn khổ giao dịch liên quan đến vàng. Trong điều kiện nền sản xuất vàng nội địa không đủ để đáp ứng nhu cầu giữ vàng của người dân, Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng với số lượng lớn.

Ở Việt Nam, vì nhiều lý do, vàng từ lâu được xếp vào loại hàng hóa đặc biệt. Có thời kỳ nền kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng do những sai lầm trong hoạch định chính sách: sản xuất đình đốn, lưu thông ách tắc, hàng hóa khan hiếm, đồng tiền mất giá với tốc độ chóng mặt. Trong bối cảnh đó vàng được người dân coi là cách giữ tài sản không bị mất giá; người dân cũng sử dụng làm phương tiện thanh toán trong các giao dịch liên quan đến những tài sản quan trọng như nhà đất, xe, do mối quan hệ giá trị ổn định giữa vàng và các tài sản này. Bây giờ người dân không còn dùng vàng để thanh toán thay tiền khi mua bán nhà đất nữa; nhưng nhu cầu giữ vàng vẫn còn y nguyên. Đặc biệt, trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, người dân có xu hướng coi vàng là nơi trú ẩn an toàn của sản nghiệp tư; nhu cầu mua vàng do đó càng tăng.

Trong khi đó, hơn 10 năm nay, Nhà nước không cho phép nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng; tư nhân cũng không được phép mang vàng về nước bằng con đường tiểu ngạch dù chỉ một miếng nhỏ. Trong chừng mực nào đó, có thể hình dung các quy định về xuất nhập khẩu và lưu thông vàng tạo thành một chiếc lồng nhốt chặt thị trường vàng bên trong theo kiểu ngăn sông cấm chợ, nội bất xuất, ngoại bất nhập. "Sinh hoạt" vàng trong nước bị cách ly, cô lập với phần còn lại của thế giới. Hậu quả tất yếu là nguồn cung vàng không bao giờ đủ cầu khiến sự chênh lệch giá vàng giữa Việt Nam và thế giới trong bối cảnh biến động chính trị, kinh tế khó lường là không thể tránh khỏi.

Để bình ổn thị trường vàng, rõ ràng chỉ cần gỡ bỏ chiếc lồng ngăn cách Việt Nam và thế giới. Rõ hơn, cần xóa bỏ độc quyền đối với việc sản xuất, nhập khẩu vàng miếng. Trên cơ sở kiểm soát chặt nguồn ngoại tệ không để xảy ra hiện tượng "chảy máu" ngoại tệ bất thường, cần cho phép tư nhân nhập khẩu vàng miếng. Cũng cho phép tư nhân mang vàng miếng vào trong nước với điều kiện khai báo đầy đủ tại các cửa khẩu; sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử, dịch vụ công chứng,... để kiểm soát việc lưu thông vàng miếng của tư nhân mang về nước. Trong ngắn hạn và trung hạn, để lượng vàng lưu thông trong nước không bị hao hụt, có thể cấm xuất khẩu vàng miếng; cấm tư nhân mang vàng miếng ra khỏi lãnh thổ quốc gia.

Để tránh "vàng hóa" nền kinh tế, chính Nhà nước phải là người đi đầu, nêu gương. Một mặt, Nhà nước phải coi vàng như một loại tài sản tương tự các tài sản khác và điều chỉnh việc lưu thông vàng bằng các quy phạm linh hoạt, thông thoáng. Mặt khác, Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán bằng đồng nội tệ, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt; bảo đảm dòng tiền thông suốt, bảo đảm thanh khoản trong giao dịch qua ngân hàng. Một khi đồng tiền được sử dụng dễ dàng, thuận tiện, cộng với sức mua ổn định nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn sôi động, thì tâm lý sính vàng sẽ bị đẩy lùi.

Sáng nay, tiếp tục đấu thầu vàng lần 6, giá cọc tới 88 triệu đồng/lượng

Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, sáng nay (14/5) sẽ tiếp tục thực hiện đấu thầu 16.800 lượng vàng với giá cọc được nâng lên 88 triệu đồng/lượng, cao hơn 2,7 triệu đồng/lượng so với giá cọc của cuộc gọi thầu lần 5.

Trong phiên đấu thầu diễn ra hôm nay, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu còn 5 lô (tương đương 500 lượng vàng), giảm 2 lô so với gọi thầu lần 5 và giảm 9 lô so với các phiên trước. Khối lượng đấu thầu tối đa 40 lô (tương đương 4.000 lượng vàng).

Từ khi tái khởi động hoạt động đấu thầu vàng đến nay, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ tổ chức thành công 2 phiên đấu thầu, trong khi đó một số phiên đấu thầu khác dự kiến tổ chức đã không thực hiện được do không đủ số thành viên đăng ký và đặt cọc hoặc có phiên chỉ có một thành viên nộp phiếu dự thầu.

Sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại càng tăng

Qua 2 phiên đấu thành công, chỉ mới cung được 6.800 lượng vàng ra thị trường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cứ sau mỗi phiên đấu thầu thì giá vàng miếng SJC lại tăng vọt. Với mức giá cọc gọi thầu lần 6 chỉ thấp hơn so với giá bán ra thị trường khoảng 2 triệu đồng/lượng, theo như giá niêm yết của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn đối với vàng miếng SJC từ 87,5 - 90 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu đấu thầu vàng để thị trường bình ổn giá sẽ khó thực hiện được.

Theo nhiều chuyên gia, việc đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, giải pháp căn cơ cho các vấn đề của thị trường vàng vẫn là sửa đổi Nghị định 24 với quy định bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, độc quyền nhập khẩu nguyên liệu vàng của Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan này chỉ nên quản lý nhà nước về chính sách tiền tệ, không nên trực tiếp gánh trách nhiệm cân bằng cung - cầu thông qua xuất, nhập khẩu và điều tiết thị trường vàng. Thị trường vàng nên trả lại cho các doanh nghiệp được quyền nhập khẩu vàng và Nhà nước quản lý bằng thuế.

MINH DUY

Bình luận (0)

Lên đầu trang