Ấm áp nghĩa tình mùa Trung thu

Chủ Nhật, 01/10/2017 16:02  | Mai Loan

|

(CAO) Trung thu năm nay, từ TP.HCM lên Bình Phước hay ngược về các tỉnh, mỗi tổ chức, cá nhân có cách làm riêng, song tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là mang lại đêm hội thật ấm áp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Ngày 30-9, tại Trường tiểu học Nguyễn Huệ (xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), Tổ chức hoạt động xã hội Người Việt Trẻ miền Nam – được Trung tâm Công tác Thanh thiếu niên Việt Nam bảo trợ - đã tổ chức Gian hàng trò chơi và Vui Tết Trung thu với chú Cuội, chị Hằng cùng những chiếc lồng đèn ông sao nhỏ xinh cho 626 học sinh của trường.

Niềm vui của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (Bình Phước) khi nhận được quà nhân Tết Trung thu

14 giờ chương trình mới bắt đầu, nhưng chưa tới 13 giờ, sân trường đã rộn tiếng học trò. Các em tỏ ra hào hứng khi nhìn thấy anh, chị là thành viên, tình nguyện viên Người Việt Trẻ miền Nam dựng sân khấu, kết lồng đèn, thổi bong bóng... Chỉ một lúc sau, sân chơi ném bóng, bịt mắt đập lon, kéo co, nhảy bao bố... thu hút hàng trăm học sinh. Nhiều phụ huynh lúc đầu lặng lẽ đứng nhìn con chơi, về sau bỗng trở thành cổ động viên, vừa vỗ tay vừa reo hò khích lệ tinh thần các “vận động viên nhí”. Chị Thạch Thị Mộng (SN 1985, ngụ thôn Bình Đức 2, xã Đức Hạnh) phấn khởi: “Có các bạn ở Sài Gòn lên làm Trung thu to. Con gái vui, mình cũng vui”.

16 giờ, trời đổ mưa lớn và kéo dài đến tận 22 giờ đêm, sân trường lênh láng nước. Dù vậy, Ban tổ chức lẫn thầy, trò Trường Tiểu học Nguyễn Huệ vẫn ở lại, cùng nhau hòa nhịp trong những tiết mục “cây nhà lá vườn” hết sức vui nhộn. Em Nguyễn Thị Xuân Phương (SN 2007, ngụ thôn 19/5, xã Đức Hạnh) thỏ thẻ: “Anh chị làm hay lắm, con chưa muốn về”.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Huệ hào hứng tham gia các gian hàng trò chơi do nhóm người việt trẻ miền nam tổ chức

Trường Tiểu học Nguyễn Huệ có 626 học sinh, trong đó 65% thuộc diện hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng, Kh’mer. Ngoài điểm trường chính, còn có hai phân hiệu ở thôn Sơn Trung và thôn Bù Kroai. Do hoàn cảnh khó khăn nên việc mua cho con hộp bánh, cái lồng đèn đôi khi cũng là chuyện gây đau đầu các bậc phụ huynh. Bởi vậy, gắn với chương trình Cùng em đến lớp năm 2017 mà hoạt động chính là sơn sửa phòng học, xây nhà vệ sinh cho phân hiệu Trường tiểu học Nguyễn Huệ ở thôn Bù Kroai, Người Việt Trẻ miền Nam còn mang lên 626 phần quà (bánh trung thu, lồng đèn) cùng nhiều tập trắng, bút, thước kẻ tặng học sinh nơi đây. Điều đáng trân trọng là để có kinh phí tổ chức hoạt động nhân văn này, bên cạnh vận động Mạnh Thường Quân, thành viên nhóm còn chia nhau bán kẹo vào buổi tối và nuôi heo đất tiết kiệm.

Tại TP.HCM, trong hai ngày 29 và 30-9, Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam (VNP+) chi nhánh phía Nam tổ chức chương trình “Trăng yêu thương” lần 5 - năm 2017 cho 400 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV trên địa bàn thành phố. Ngoài nhận các quần quà, tham gia trò chơi, các bé còn được thưởng thức tiệc buffet, lễ hội rước đèn. Anh Nguyễn Anh Phong – đại diện VNP+ chi nhánh phía Nam - chia sẻ: “Trăng yêu thương không chỉ nhằm mang đến cho các bé một ngày hội ấm áp mà qua đây VNP+ còn muốn gửi đi thông điệp mong cộng đồng xã hội hãy dang rộng vòng tay yêu thương, tránh phân biệt đối xử, kì thị trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV. Tình yêu thương, cảm thông sẽ giúp các bé có điều kiện hòa nhập xã hội, được học tập và vui chơi lành mạnh như bạn bè cùng trang lứa”.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Huệ biểu diễn văn nghệ trong đêm vui Tết Trung thu

Là cảnh sát khu vực (CSKV) phụ trách khu phố 1, phường 6, quận 6 (TPHCM), thấy trẻ nghèo ở đây nao nức mong Trung thu, thượng úy Lê Thị Thu Tâm (SN 1986) quyết định bỏ tiền ra làm một đêm hội cho các em. Biết dự định này của chị, Ban điều hành khu phố ủng hộ 5 triệu đồng. Mấy hôm nay, cứ rảnh giờ nào là chị lại tất bật chạy tìm mua lồng đèn, bánh kẹo để chuẩn bị 150 phần quà cho chương trình tối ngày 1-10 diễn ra trước trụ sở Ban điều hành khu phố.

Từ tháng 4/2012 – 12/2016, thượng úy Tâm là CSKV ô 12, phường 14, quận 6. Mới chuyển về phường 6 chừng 9 tháng nay, nhưng cái nếp “bám” cơ sở, làm “dân vận” bằng hành động đã giúp chị nắm bắt nhanh hoàn cảnh của từng hộ dân trong khu phố. “Trẻ em mà, bạn có bánh, có lồng đèn, còn mình không có thì cũng tủi thân chớ. Nghĩ vậy nên tôi muốn mang niềm vui nhỏ nhỏ đến cho trẻ em nghèo nơi địa bàn mình phụ trách” – thượng úy Tâm chia sẻ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang