(CAO) Trên đường đi làm, nam công nhân may bỗng ngất xỉu, được đưa đi cấp cứu trong tình trạng mạch huyết áp không đo được. Hiện anh đang hôn mê, chi phí điều trị đã gần 300 triệu đồng nhưng gia đình quá khó khăn.
Ngất xỉu trên đường đi làm vì bệnh mà không dám nghỉ
Đó là hoàn cảnh của anh Trần Văn Em (26 tuổi, ngụ tại Bình Thuận). Em hiện đang là công nhân may tại Bình Thuận.
Trước đó, Em bị cảm cúm nhưng vẫn không dám nghỉ làm. Trên đường đi làm, Em bỗng dưng ngất xỉu giữa đường, được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Bình Thuận trong tình trạng mạch và huyết áp không đo được.
Tại BV đa khoa Bình Thuận, bệnh nhân được hồi sức tích cực, tim có dấu hiệu hoạt động trở lại và nhanh chóng được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tiếp tục điều trị.
BS Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân Trần Văn Em được chuyển đến BV Chợ Rẫy trong tình trạng ngưng thở, mạch và huyết áp không đo được. Qua kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị viêm cơ tim cấp.
BS Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết, qua kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị
viêm cơ tim cấp. Ảnh: NĐ
Ngay lập tức, bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp tim, nhưng tình trạng bệnh nhân không có dấu hiệu cải thiện. Bệnh nhân suy thận, phù phổi, phải lọc máu liên tục. Lúc này các bác sĩ phải tính đến phương án chạy máy ECMO (là phương pháp ôxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể trong điều trị hội chứng nguy ngập suy hô hấp cấp và viêm cơ tim cấp. Đây được xem là kĩ thuật cứu cánh cuối cùng cho những ca bệnh nặng).
Bệnh nhân được
chạy ECMO mới mong thoát được nguy kịch. Ảnh: NĐ
"Sau 4 ngày chạy máy ECMO, cơ tim có dấu hiệu phục hồi. Hiện tại bệnh nhân có cơ hội sống rất cao, tuy nhiên thận vẫn còn suy, nên phải tiếp tục điều trị ít nhất 2 tuần nữa", BS Linh cho hay.
Vay nợ để lo viện phí
BS Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết, gia cảnh bệnh nhân rất khó khăn, nên hiện vấn đề lo viện phí đã vượt quá khả năng chi trả của gia đình.
Anh Trần Ngọc Anh, anh ruột của bệnh nhân chia sẻ, Em là con trai út trong gia đình 6 anh chị em. Cha mất, mẹ thì nay đạ 70 tuổi, anh chị em trong nhà ai cũng khó khăn, người làm rẫy, người làm công nhân chỉ đủ sống qua ngày, nên khi Em ngã bệnh, phải chạy vay mượn khắp nơi được 150 triệu đồng để lo viện phí. Tuy nhiên, hiện số tiền điều trị cho Em đã lên gần 300 triệu, gia đình không biết lấy tiền ở đâu để lo chạy chữa.
Được biết, bệnh nhân Trần Văn Em vừa mới đón đứa con trai đầu lòng chào đời, hiện vừa tròn 5 tháng tuổi. Niềm vui chưa trọn thì nay anh đã ngã bệnh. Vợ anh cũng làm công nhân, hiện phải gửi con ngoài quê để vào bệnh viện lo cho chồng.
BS Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: NĐ
BS Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết, từ lúc nằm viện đến nay, chi phí điều trị cho bệnh nhân đã lên 281 triệu, trong đó BHYT chi trả được khoảng 150. Số tiền còn lại gia đình đã vay mượn để đóng viện phí. Tuy nhiên, hiện tại bệnh nhân vẫn tiếp tục phải điều trị, ít nhất 2 tuần, có khi hơn với chi phí mỗi ngày khoảng 5 triệu đồng, đó là con số không nhỏ. Do đó, các y bác sĩ đã phải nhờ đến Phòng Công tác Y xã hội BV Chợ Rẫy kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ cho bệnh nhân để bệnh nhân sớm vượt qua bệnh cảnh.
BS Linh chia sẻ thêm hầu hết các bệnh nhân chạy ECMO tại khoa đều có hoàn cảnh rất khó khăn, thường thì BV phải lo cứu bệnh nhân trước rồi chi phí mới tính sau. Nếu quá khó khăn thì bệnh viện lại hỗ trợ bằng cách kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ. Có những trường hợp, số tiền kêu gọi ủng hộ không đủ chi trả, thì bệnh viện dùng vào số tiền quỹ một ngày lương, do nhân viên y tế đóng góp.
Ths Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác Y xã hội BV Chợ Rẫy cho biết, đối với các trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh viện phải tìm cách kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ. Với những bệnh nhân có BHYT còn đỡ, còn những bệnh nhân không có BHYT thì số tiền thật sự quá lớn. Do đó, Phòng Công tác Y xã hội BV Chợ Rẫy lại phải làm luôn công tác vận động thân nhân bệnh nhân mua BHYT. Đặc biệt là các bệnh nhân tại khoa phỏng, quá trình chữa trị rất lâu dài và tốn kém nhưng đau lòng là hầu hết các bệnh nhân đều không có BHYT.
Ths Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác Y xã hội BV Chợ Rẫy khuyến khích người dân nên có BHYT để khi có bệnh tật thì giảm được gánh nặng. Ảnh: NĐ
Mong các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ để gia đình bệnh nhân Trần Văn Em sớm vượt qua giai đoạn bệnh cảnh khó khăn. Mọi đóng góp xin gửi về Phòng công tác Xã hội BV Chợ Rẫy.
(CAO) Một bác sĩ 29 tuổi của Bệnh viện đa khoa Hóc Môn TP.HCM phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Hiện đang trong tình trạng hôn mê.