(CATP) Với người trẻ, tiếp bước con đường nghệ thuật truyền thống hiện tại không hề dễ dàng. Nhưng vì yêu nghề, quý tinh hoa trong từng giai điệu, câu ca mà họ vẫn đang tìm mọi cách vượt qua khó khăn. Có cả những khát khao, hoài bão, họ mong được tiếp sức để đi đến tận cùng cái đẹp của nghệ thuật dân tộc...
"Tiếp thị” cho nghệ thuật truyền thống
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm là gương mặt trẻ năng động của làng Cải lương. Anh tham gia khá nhiều lĩnh vực và luôn khéo léo "tiếp thị” cho cải lương, khiến các bạn trẻ cảm thấy gần gũi và yêu mến Cải lương hơn. Anh tâm sự, thế hệ diễn viên trẻ hiện nay ít có cơ hội được diễn trọn vở như các cô chú ngày xưa. Mà không diễn trọn vở, không rèn luyện sao có thể giỏi nghề được. "Cải lương càng khó khăn, mình phải càng gắn bó cho nên tôi luôn ưu tiên những cơ hội được trau dồi nghề nghiệp. Ngoài cải lương, tôi còn tham gia chương trình truyền hình, phim truyền hình, ca nhạc, MC... để học hỏi, tăng thêm sự đa năng của mình. Mà học ở đâu rồi tôi cũng sẽ đem về phục vụ cải lương, để mong nó có thêm hơi thở mới chinh phục được khán giả hôm nay" - Võ Minh Lâm nói.
Chọn loại hình âm nhạc mà có những bạn trẻ còn xa lạ nhưng Mỹ Linh - giảng viên trẻ bộ môn đàn Tranh của Nhạc viện TPHCM chia sẻ, cô luôn tự hào với tiếng đàn dân tộc mình đang theo đuổi. "Khi tôi trình diễn ở những lần giao lưu quốc tế, khán giả rất yêu thích, quý mến khiến mình cảm thấy xúc động. Rồi nghĩ, mình là nghệ sĩ nhạc dân tộc sao mình không cố gắng làm cho các bạn trẻ Việt Nam yêu thích và nâng niu tiếng đàn của dân tộc mình" - Linh tâm sự. Chính vì những trăn trở đó nên trong những tác phẩm biểu diễn, Linh và chồng (Vũ Ngọc Long - giảng viên Nhạc viện TPHCM) luôn thích mày mò, nghiên cứu để tác phẩm vừa truyền thống vừa mang hơi thở thời đại để... chiêu dụ các bạn trẻ.
Các nghệ sĩ trẻ Điền Trung, Tú Sương, Lê Thanh Thảo biểu diễn tiết mục Bão táp nguyên phong
Như con tằm vương tơ, đã lỡ mê con đường khó này rồi nên Bảo Châu, diễn viên trẻ của Nhà hát nghệ thuật Hát Bội TPHCM, tự hứa với lòng sẽ không bỏ nghề. Và anh đã tìm kiếm thêm công việc kinh doanh bên ngoài để không quá lao đao vì "cơm áo gạo tiền", để tâm trí không bị vướng víu mà tiếp tục một lòng với con đường nghề mà anh đã chọn. Những năm gần đây, một số trường đại học có môn học cho sinh viên tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống. Nhân "cơ hội" đó, khi tiếp xúc với các bạn sinh viên, Bảo Châu đã tranh thủ giới thiệu cặn kẽ với các bạn về cái hay cái đẹp của Hát Bội. Mời các bạn đến với những buổi hát chầu. Khuyến khích các bạn dẫn thêm bạn bè, người thân đến xem.
Mong mỏi được đầu tư cho nghệ thuật truyền thống
Năm 2016, Mỹ Linh được sang Hàn Quốc giao lưu chương trình Người bạn đồng hành văn hóa. Cô bất ngờ khi thấy các bạn nhỏ rất yêu mến âm nhạc dân tộc. Tìm hiểu thì cô được biết bộ môn âm nhạc dân tộc đã được đưa vào học đường từ rất sớm, từ đó các bé có sự am hiểu và một khi đã hiểu thì các em có nhu cầu được xem. Đó không chỉ là môi trường tốt để âm nhạc truyền thống có đất sống mà còn là cách hữu hiệu để họ giữ được hồn cốt của dân tộc. Nhà nước có những chính sách ưu đãi cho người học âm nhạc dân tộc và khi ra làm nghề có những ưu đãi về lương, cát sê biểu diễn...
Từ sự trải nghiệm đó, vợ chồng Mỹ Linh - Ngọc Long cũng nuôi một khao khát chúng ta có kế hoạch đào tạo khán giả cho nghệ thuật dân tộc từ rất sớm, cho các bé tiếp cận âm nhạc dân tộc từ những bài vỡ lòng để các em yêu quý từng tiếng đàn, lời ca. Và một khi khao khát đó còn ngoài tầm tay của họ, thì trong khả năng của mình Long - Linh đang cố gắng truyền lửa đam mê cho các bạn trẻ đang theo học âm nhạc dân tộc tại Nhạc viện, cho họ niềm tự hào về vốn quý của dân tộc để không vì những khó khăn trong thời điểm hiện tại mà rời xa những bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Nghệ sĩ trẻ Thiên Lâm trình diễn Sáo trúc trong cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020
Ở cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2020, chương trình được dàn dựng mới mẻ, trẻ trung của Nhạc viện TPHCM đã nhận được phản hồi tích cực. Nhiều khán giả đã có lúc muốn đứng lên nhún nhảy theo những giai điệu dân tộc được làm mới. Lượt view của chương trình khi đưa lên mạng thuộc hàng top so với các đơn vị khác. Đã có khán giả gọi về bảo muốn xem lại lần nữa. Sự nồng nhiệt của khán giả là động lực hết sức tuyệt vời để các nghệ sĩ chơi nhạc cụ truyền thống tiếp tục niềm đam mê, tiếp tục hành trình sau một năm u ám bởi sự hoành hành của đại dịch Covid-19. Các nghệ sĩ trẻ lại có thêm động lực để tin rằng, khi chúng ta cố gắng và biết cách khai thác, nghệ thuật dân tộc hoàn toàn có thể hòa nhập cùng hơi thở thời đại nhưng vẫn giữ được những giá trị rất riêng.
Hầu hết các nghệ sĩ trẻ gắn bó với nghệ thuật truyền thống đều có chung mơ ước sẽ có nhà hát riêng dành cho nghệ thuật dân tộc, âm nhạc dân tộc. Họ mong nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để mỗi tháng có một chương trình nghệ thuật dân tộc, âm nhạc dân tộc định kỳ được dàn dựng một cách công phu, như là điểm hẹn để khán giả yêu mến tìm đến. Những giây phút thật sự thăng hoa trên sân khấu ngày càng hiếm đi, và người làm nghề đặc biệt là người trẻ luôn mong muốn cháy bỏng được hạnh phúc khi trình tấu một giai điệu đẹp, được hóa thân thành những nhân vật sâu sắc. Những giây phút đó không chỉ làm dầy thêm hành trình nghệ thuật của họ mà cho họ cảm giác được thực sự sống với nghề, được đốt cháy đam mê với ngọn lửa nghệ thuật truyền thống mà họ dành cả thanh xuân để trao trọn.
(Còn tiếp...)
(CATP) Hình ảnh vợ chồng cùng yêu và mong muốn giữ gìn âm nhạc dân tộc thật đáng quý trong thời buổi loại hình âm nhạc này đang bị các loại hình giải trí thời thượng khác có phần lấn át. Có 2 cặp vợ chồng trẻ như thế ở Nhạc viện TPHCM, đó là: Ngọc Long - Mỹ Linh và Thiên Lâm - Khánh An.