Cục máu đông

Thứ Bảy, 22/08/2020 11:41

|

(CATP) Bà Binh cuốn tờ báo quăng vào góc nhà, miệng lẩm bẩm: "Gớm! Giờ này mà còn bàn chuyện tự trọng với tự triu... Tự trọng là tự tròng vào cổ cái thua thiệt, tròng trành, tổn thất, tự ti... chớ được cái khỉ mốc gì...?".

Như ông chồng bà nè, suốt hai mươi năm cứ cắm cúi với nghề giáo viên, bảo dạy thêm thì sợ vi phạm qui chế, bảo đổi trường thì sợ đồng nghiệp cười chê, bảo đổi nghề thì... thấy thương bọn trẻ quá, cứ nhớ mấy cây phượng hổè tr bông đỏ rực, nhớ tiếng trống nhắc giờ lên lớp, nhớ tiếng gọi thầy sao quá đỗi thân thương... Cứ vậy mà lương không đủ mua sách, nách đeo hai, ba chứng bệnh, thức khuya dậy sớm mòn mỏi cả thể xác lẫn tinh thần. Mô phạm mãi, đến khi nhận được quyết định giữ chức Hiệu phó thì căn bệnh ung thư phổi bộc phát, giã từ dương thế.

Bà vẫn nhớ, một người bạn nổi tiếng sống chuẩn mực, chữ liêm, chữ sĩ dường như đã thấm sâu vào máu thịt, lúc nào cũng giữ tư cách, sống thanh cao. Mặc dù nhiều năm nắm chức phó phòng ở một đơn vị kinh tế dồi dào tiền của, mặc dù am hiểu chuyên môn, thông thạo cả Anh lẫn Pháp ngữ, nhưng do không ăn cánh với đám "gù lưng", ông ấy bị hất văng ra khỏi đơn vị. Khi chuyển đến một vài cơ quan khác, ông vẫn giữ lối sống như thế cho đến ngày về hưu.

Tội nghiệp lắm, suốt 40 năm vật lộn với cuộc sống, tài sản cuối cùng ông giữ được là căn hộ chỉ rộng gần 60 mét vuông ở một chung cư dành cho người thu nhập thấp. Bệnh tật hoành hành, thiếu trước hụt sau, một khung trời ảm đạm vây lấy cuộc sống của ông ở độ tuổi 70... Rồi lại thêm một con người được đặt cho biệt danh "Shakespeare Việt Nam". Vốn là biên tập viên của một cơ quan văn hóa, suốt cả đời cứ dán mắt vào tài liệu, sách báo, chữ nghĩa, ai xui gì cũng không làm, cơ hội ngờ ngờ cũng không nắm bắt, cả ngày có thể thao thao bất tuyệt với Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, với nguyên nhân ra đời bài thơ Tây tiến của Quang Dũng, với những chi tiết đặc sắc trong Đất rừng Phương Nam của Đoàn Giỏi...

Ngày trở về nhà, sự "thông thái" của ông ta được đáp trả bằng một tầng lầu trong khu tập thể nhỏ hẹp, phòng khách phải kê cả chiếc giường ngủ, phòng ăn kiêm luôn nơi làm việc, học hành của con cháu. Trong khi không ít đồng nghiệp của ông sống theo phương châm "Thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ", mà họ có nhà cao cửa rộng, cuộc sống sung túc, sinh hoạt thảnh thơi.

Nói đâu xa vời, ngay như bản thân bà cũng là một "bài học lớn" cho những ai muốn lập nghiệp, tiến thân. Từ một nhân viên giao nhận văn thư ở cấp phường, bà "chạy" lên quận làm cán bộ tư pháp, được ba năm bà trưng ra cái bằng Cử nhân luật và được chuyển về tòa án, thấy việc đọc hồ sơ nhức đầu, mỏi mắt, bà "tương kế tựu kế" chạy lên thành phố nhận chức phó phòng thanh tra ở Sở Nhà đất. Trong thời kỳ bao cấp, với chức danh đầy uy lực ấy, bà được các quận duyệt cấp hai căn nhà với lý do "hoàn cảnh khó khăn, không có chỗ ở nhất định". Thời gian sau, hai căn nhà đó được hóa giá, chuyển sở hữu, bà gấp rút bán đi, ôm tiền tỷ bỏ vào ngân hàng.

Thử nghĩ, nếu cứ sống thẳng thắn, thật thà như hai ông bạn "mắc dịch" kia, thì giờ này người ta đâu coi bà Binh là kẻ thức thời, tài giỏi nữa. Bà quan niệm, tất cả mọi hoạt động trên cõi đời này, có lên trời xuống biển, có tên lửa hay tàu ngầm, tất cả cuối cùng cũng phục vụ cho đời sống của con người. Máu chảy về tim thôi! Mỗi lần làm được điều gì theo ý nguyện, bà thường mở miệng có hai cái răng dư, thốt lên một câu như thế. Đó là chân lý do bà tự chế, thách đố những kẻ học cao, hiểu rộng xem có từ ngữ nào bóng bẩy hơn không?!

Mối lo lớn nhất của bà chính là thằng con trai đã ngoài ba mươi tuổi mà chưa làm nên "cơm cháo" gì. Bà phải làm cho nó từng chút một. Từ việc xin điểm vào trường Đại học, tậu cho cái bằng thạc sĩ kinh tế đến tổ chức lấy vợ và sinh sôi hai đứa con, đều phải nhờ sự cưu mang của người phụ nữ sắp bước vào tuổi hưu. Bà đã "chạy" cho nó đến ba đơn vị, chỗ nào cũng ngon ăn, nhưng nó không biết cất đầu lên, cứ mãi chịu làm lính lác, lãnh lương lọc cọc. Bà không ngờ nó nhiễm tánh tình của ông chồng sâu đậm, nên chỉ chú tâm làm nghề chớ không tìm nổi cách kiếm tiền hoặc... leo lên.

Có quyền sẽ có tiền, có tiền thì "tiên" cũng mua được. Ở cái xã hội đất chật người đông, ghế ít như thế này, nếu không chen lấn, giẫm đạp thì đến bao giờ mới tiến thân? Nhiều lần bà khuyên răn nó không thể sống hiền lành như thế, nó cứ hứa "Con sẽ cố", sau đó thì mèo cứ hoàn mèo. Có hôm, tức giận bà thét lên: "Mày là cục máu đông trong huyết quản của tao!", nó lại ngơ ngác: "Cục đó là... cục gì?". Bà nghẹn họng: "Cục đó... mày đi hỏi mấy ông... mắc bệnh tim sẽ biết... khờ khạo quá!".

Nhưng rồi người mẹ nào mà không thương con, bà Binh cũng có cách thương kiểu... gấu ó. Qua giới thiệu của một vị có quyền chức, một buổi sáng trời nắng rực, bà tìm đến tòa soạn tờ báo được xem là ăn khách nhất thành phố, gặp ngay ông Phó tổng biên tập phụ trách nội dung. Sau vài câu chào hỏi xã giao, thấy người chủ cơ quan có vẻ cởi mở, hiếu khách, bà Binh đặt ngay vấn đề muốn gởi đứa con trai vào làm ký giả chuyên nghiệp. Khi được hỏi quá trình học vấn, sở trường, bà tuôn một hơi: "Úi, ông khỏi phải lo, thằng con tôi nó chăm ngoan lắm. Từ bé nó tỏ ra là thần đồng, có năng khiếu viết văn, do thời thế đẩy đưa hiện nay nó mới tạm làm cho công ty cung ứng hàng hóa. 

Ông nghĩ xem, lúc học lớp 5, một bài văn của nó miêu tả hay đến mức cô giáo xúc cảm, hạ bút cho nó 9 điểm, văn mà đạt điểm như thế thì chỉ có cỡ ông Tô Hoài, ông Nguyễn Tuân mới làm nổi thôi!". Ông Phó tổng biên tập thích thú: "Hay quá! Tả cái gì?", bà Binh sôi nổi hơn: "Nó miêu tả trận An Dương Vương dùng nỏ thần đánh tan tác quân của Triệu Quang Phục... Ông có giỏi sử không?". Chủ cơ quan trợn mắt: "Bà nói cái gì? Triệu Quang Phục là quân ta mà! Nếu tôi nhớ không lầm, hai vị này ở hai triều đại cách xa đến... 800 năm, bà nói sao vậy?", người đàn bà bèn vỗ trán: "Úi cha, tôi nhầm! Đánh quân Triệu Đà... Già rồi, cái gì cũng hay chồng chéo, ông thông cảm nhé!".

Nghĩ ngợi một lúc, ông Phó tổng biên tập đứng lên: "Thôi được. Hy vọng là bà nhầm chớ không phải cháu nó tả. Ngày mai bảo nó đến đây, tôi sẽ cho nó thử việc...", người đàn bà miệng mồm dẻo quẹo nắm tay người nhờ cậy: "Ôi! May mắn lắm mới gặp người dễ thương, tử tế như ông. Nếu nó siêng năng, ông cất nhắc cháu nhé. Ơn càng lớn thì trả càng sâu. À mà, ông đi Nga chưa, lúc nào thu xếp được, mình mời gia đình ông một chuyến, xứ sở của tình sử Kachiusa, của búp bê Matroska, những lâu đài đẹp hơn giấc mơ hoa...".

Thấy cuộc giao tiếp diễn ra trơn tru ngoài mong đợi, vừa ra khỏi cổng cơ quan, theo thói quen, bà Binh nở nụ cười thỏa mãn, miệng lẩm bẩm: Máu chạy về tim thôi! Bà biết báo chí là ngành có "quyền lực", giao tiếp rộng, dễ tiếp cận với những nhân vật cấp cao về chính trị lẫn kinh tế, nếu biết "làm ăn" sẽ mau giàu có, đổi thay số phận, có thể từ bệ phóng này thằng con của bà sẽ "bay" trên mặt đất.

Thời gian trôi như qui luật ngàn đời. Ba tháng sau, thằng con bà mang về một công văn có đóng dấu của tòa soạn, chữ ký của ông Phó tổng biên tập mà bà cho là... dễ tính đến ngu ngơ: "Thưa bà, sau một thời gian thử việc, mặc dù đã thuyên chuyển nhiều bộ phận chuyên môn, mặc dù tòa soạn đã cử nhiều phóng viên có tay nghề kèm cặp, nhưng người con trai dễ mến của bà không thể làm nghề ký giả được. Bà nói An Dương Vương đánh quân Triệu Quang Phục, còn anh ta lại nghĩ vị tướng (Thục Phán) nổi tiếng trước Công nguyên của nước nhà "đánh nhau" với quân Dương Triệu Vũ.

Anh ta có vẻ thích giới showbiz nên cứ nhớ cái tên chàng ca sĩ điển trai này, bà thử đưa con yêu quý sang lãnh vực ca múa xem sao?! Riêng cái bằng thạc sĩ kinh tế, chúng tôi cho xác minh, thì không có hồ sơ gốc, thưa bà. Mấy lời thông báo, có thể bà sẽ không vui lòng, nhưng không thể làm gì khác hơn. Kính chúc gia đình bà sức khỏe, an khang!".

Bà Binh ngã vật trên chiếc ghế sofa bọc nhung màu tím, một lúc sau bà thốt lên: "Trước đây, mày có đưa cái phong bao đựng 50 triệu cho ông ấy không?", thằng con lắp bắp: "Có! Nhưng... ông cho người lập biên bản rồi trả lại... Số tiền đó con mang... đổi chiếc xe đời mới 150 phân khối... mẹ không thấy sao?". Bà Binh gào lên: "Ối trời! Tôi cứ ngỡ nó vô mánh, dè đâu nó chĩa mánh của tôi đem mua xe... Đồ chết tiệt!". Không khí căng thẳng trong ngôi nhà có giàn thiên lý kéo dài cho đến ngày người đàn bà nhận được thông báo nghỉ chờ hưu.

Vốn là người nhiều mưu mẹo, bà không thể để cho thằng con chuốc từ thất bại này đến vô duyên khác, cũng qua mối thân quen, bà quyết định "binh" ván bài cuối cùng trước khi rời bỏ chiếc ghế. Sau nửa tháng chạy vạy, bà lại đưa được thằng con vào ngành Hải quan, cấp trên ưu ái bố trí ngay khâu kiểm tra hàng hóa nhập cảnh tại một phi cảng nổi tiếng sầm uất. Bà thở phào nhẹ nhõm cho dù đã tốn khá nhiều vật chất, nhậu nhẹt đến bò lê bò lết năm, ba phen. Đến lúc này thằng con của bà có vẻ đã "tỉnh giấc mơ hoa", thấy nó mang về nhà nhiều món hàng đắt giá, biết tích lũy tiền bạc để cho hai đứa con có điều kiện vào trường quốc tế.

Một chiều mưa rơi tầm tã, chiếc xe cảnh sát đỗ xịch trước cửa nhà, thằng con bà bị bắt về tội nhiều lần tiếp tay cho bọn buôn hàng cấm. Với hiểu biết của người từng làm việc ở tòa án, bà đoán núm ruột duy nhất sẽ ngồi tù không dưới mười năm, tan tác cuộc đời. Qua một giờ làm thủ tục khám xét, nhân viên công vụ đưa kẻ phạm tội về trại giam, chiếc xe lao trong màn đêm giá buốt.

Sau mấy phút nằm vật trên nền nhà, bà Binh trở dậy, miệng phều phào như muốn nói: Mình chính là "cục máu đông" làm tắc nghẽn cuộc đời của nó!!!

Tháng 8-2020.

Bình luận (0)

Lên đầu trang