Festival hội tụ tinh hoa, giao thoa quốc tế nghề truyền thống

Thứ Năm, 27/04/2017 21:57  | Hoàng Quân

|

(CAO) Festival nghề truyền thống Huế năm 2017 với chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt” diễn ra từ ngày 28/4 – 2/5/2017 tại TP.Huế với sự tham dự của gần 400 nghệ nhân trong nước và quốc tế.

Đây là sự kiện văn hóa, kinh tế lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định, nâng cao vị thế của Cố đô Huế - Thành phố Festival của Việt Nam, Thành phố Văn hóa ASEAN.

Các nội dung chính gồm: Lễ khai mạc lúc 20 giờ ngày 28-4 với sự kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật với ngôn ngữ hiện đại, giới thiệu đất nước quê hương, Cố đô Huế, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ đặc trưng. Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên của Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia, Myanmar, Thái Lan.

Phần trình diễn tiết mục áo dài tại Festival nghề truyền thống Huế năm 2015

Điểm nhấn là Lễ hội Áo dài vào tối 30-4, hội tụ các nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam. Lễ hội ẩm thực giới thiệu các món ngon, đặc sản của Huế và mọi miền đất nước dưới sự chế biến của các nghệ nhân tài hoa. Một nghi lễ quan trọng là Lễ Tế Tổ bách nghệ và lễ rước nghề để tri ân và tôn vinh các giá trị nghề thủ công, ghi nhớ công lao tiền nhân, vinh danh các làng nghề, các nghệ nhân.

Lễ hội cũng diễn ra các buổi chiếu phim và giao lưu với diễn viên Hàn Quốc. Đây thực sự là tin vui đối với người dân, đặc biệt những bạn trẻ mê phim, diễn viên Hàn. Đặc biệt, Lễ hội khinh khí cầu được tổ chức lần đầu tiên trong Festival nghề truyền thống Huế 2017 diễn ra từ 28/4 – 1/5 nhằm giới thiệu về khinh khí cầu với các đội đến từ Việt Nam và nhiều quốc gia: Mỹ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippine. Tại đây, du khách sẽ được xem biểu diễn khinh khí cầu bay tự do với độ cao từ 300m-500m, bán kính 5-10km; khinh khí cầu mini neo đậu tại chỗ và bay lên ở độ cao 30-50m và ánh sáng khinh khí cầu.

Một góc không gian ẩm thực tại Festival nghề truyền thống Huế năm 2015

Người dân và du khách sẽ được xem các sản phẩm tinh xảo dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân về các nhóm nghề: thổ cẩm: dệt Zèng của dân tộc Tà Ôi (huyện A Lưới, Thừa Thiên – Huế) là di sản phi vật thể quốc gia; thổ cẩm của người H’Re (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi), đồng bào Chăm (Ninh Thuận); dệt Lanh từ sáp ong của người H’Mông (Hà Giang); lụa (TP.Hội An, Quảng Nam); nhóm nghề gốm: gốm Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), gốm Chăm (Ninh Thuận), gốm Bát Tràng (Gia Lâm, TP.Hà Nội)…

Festival còn hội tụ của các làng nghề, sản phẩm truyền thống của các thành phố đến từ các nước khác: nghề thêu, đồ thủ công gỗ, tre, trang phục truyền thống đến từ các thành phố Takayama, Saijo, Shizuoka (Nhật Bản); các sản phẩm mặt nạ Dongnae Yaryu, mặt nạ Hahoe là những di sản phi vật thể quốc gia đến từ thành phố Busan (Hàn Quốc); các sản phẩm thủ công Gyubang, nút thắt, vòng cổ, khảm xà cừ, sơn mài truyền thống, búp bê truyền thống của Hàn Quốc; Thành phố Nghi Hưng (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) với sản phẩm gốm sứ đặc sắc…

Nghề dệt lanh của người H’Mông (Hà Giang) tham gia Festival nghề truyền thống Huế năm 2015

Đến với lễ hội, người dân và du khách ngoài thưởng thức, chiêm ngưỡng các sản phẩm nghệ thuật, giao lưu với các nghệ nhân mà còn được thể hiện khả năng của mình thông qua các thao diễn, tạo hình và sử dụng sản phẩm. Dự kiến kinh phí tổ chức lễ hội khoảng 6-8 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đăng Thạnh - Phó Chủ tịch UBND TP.Huế nhấn mạnh, việc xã hội hóa là mọi người cùng tham gia, các nghệ nhân, làng nghề tự lo liệu; các doanh nghiệp, khách sạn tài trợ tham gia hỗ trợ cho lễ hội.

Từ năm 2005 đến nay, qua 6 lần tổ chức, Festival Nghề truyền thống đã đem lại hiệu quả, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân và du khách. Đó cũng là động lực to lớn cho những nghệ nhân, người trẻ gắn bó, đam mê với nghề truyền thống và giữ gìn, phát huy giá trị. Qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội, văn hóa, du lịch tại Huế. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang