Sinh viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam:

Giao lưu với 3 nhà văn Dạ Ngân, Lưu Vĩ Lân, Lại Văn Long

Thứ Bảy, 25/11/2023 08:26

|

(CATP) Sáng 20/11/2023, GS.TS Hà Mạnh Quân (Đại học Montana - Hoa Kỳ, là dịch giả nhiều tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Anh, xuất bản ở Mỹ, đang được mời giảng dạy tại Trường Đại học Fulbright Việt Nam) chủ trì buổi giao lưu giữa sinh viên Lớp dịch thuật văn học (LIT310) với ba nhà văn: Dạ Ngân, Lưu Vĩ Lân và Lại Văn Long.

Đề tài của buổi gặp mặt, trao đổi này là "lịch sử và ký ức chiến tranh trong văn học đương đại", mà ba nhà văn trên đã có một số tác phẩm được dịch ra tiếng Anh. Các sinh viên đã đặt nhiều câu hỏi thú vị về chiến tranh và hòa hợp, hòa giải dân tộc để các nhà văn trả lời. Nhà văn Lưu Vĩ Lân (tác giả bộ 3 tiểu thuyết: Mật Đạo, Ngẫu Tượng, Nghiệp Chướng, đạt nhiều giải thưởng văn học và được dư luận quan tâm những năm gần đây) cho rằng, công việc hòa giải sẽ khó thực hiện nếu một bên vẫn ảo tưởng về chế độ Việt Nam cộng hòa (VNCH). "...Tôi sống ở miền Nam trước năm 1975, thấy rằng chế độ VNCH đầy rẫy những điều không tốt; nên nhìn thẳng sự thật, đừng ảo tưởng nữa...".

Nhà văn Dạ Ngân (tác giả của Miệt vườn xa lắm, Gia đình bé mọn - được dịch ra tiếng Anh năm 2008, Cõi nhà, Ngày của một đời...) quan tâm một số vấn đề hậu chiến như: "học tập cải tạo", "đánh tư sản"... Đồng thời, nhà văn Dạ Ngân đánh giá nền văn học nghệ thuật ở miền Nam trước năm 1975 cũng có nhiều tác phẩm hay.

Nhà văn Lại Văn Long thì cho rằng "vĩ tuyến 17" và các cuộc chiến tranh đều do ngoại bang áp đặt. Vết thương chiến tranh trong lòng dân tộc Việt Nam cũng từ ngoại bang xâm lược gây ra. Trong muôn vàn khó khăn của một nước nhỏ trên bàn cờ của các nước lớn mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn lèo lái, đấu tranh để thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân và uy tín của đất nước được như hôm nay là một kỳ tích.

Vấn đề "học tập cải tạo", "đánh tư sản"... cũng là đối sách trước những âm mưu của nước lớn muốn thôn tính Việt Nam, trước những nhóm tàn binh VNCH muốn dựa vào ngoại bang để chống phá chế độ mới và phá hoại an ninh trật tự. (Trong gần 1.400 vụ cướp tài sản, giết người xảy ra từ ngày 01/5/1975 đến tháng 10/1979 tại Sài Gòn - TPHCM, có đến 23% số vụ là do các tàn binh VNCH gây ra. Khoảng 50 - 75% đối tượng trong các băng cướp tàn bạo đều là lính, hạ sĩ quan, sĩ quan chế độ cũ. Còn nếu tính luôn hàng trăm tổ chức phản động thì số đối tượng thuộc diện này rất lớn, lên đến hàng vạn! Đây là một trong những lý do kéo dài chương trình "học tập cải tạo").

Khách mời chụp ảnh cùng giảng viên, sinh viên của trường

Các sinh viên trẻ đã hiểu thêm nhiều vấn đề về lịch sử, chiến tranh, thời hậu chiến và hòa hợp, hòa giải dân tộc... Điều đó gây hứng thú và rất bổ ích cho công việc tương lai là dịch thuật văn học đương đại Việt Nam và phổ biến ra nước ngoài. GS.TS Hà Mạnh Quân (sinh năm 1979 tại Đà Lạt, từng là sinh viên xuất sắc với 13 học bổng nghiên cứu sinh của những trường đại học danh tiếng ở Mỹ.

Ông được phong giáo sư ở Mỹ khi mới 40 tuổi) nhận xét: "Buổi nói chuyện về lịch sử Việt Nam hôm nay rất có ý nghĩa đối với các em sinh viên. Các em chia sẻ rằng cảm xúc sau buổi nói chuyện và những thông tin hôm nay làm các em phải suy nghĩ rất sâu sắc và suy nghĩ có tính biện chứng. Những gì quý nhà văn nói hôm nay không nằm trong sách sử, dù là phía bên nào viết; và điều này rất cần thiết đối với các em khi phải nhìn nhận lại những gì mình đã học hay đọc...".

Sau buổi giao lưu, các nhà văn đã tặng sách cho thư viện Trường Đại học Fulbright Việt Nam.

Nhà văn Lại Văn Long tặng thư viện Trường Đại học Fulbright Việt Nam bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa

Bình luận (0)

Lên đầu trang