(CAO) Nhằm mong muốn nâng cao nhận thức và sự quan tâm của công chúng về ca trù, từ 0 giờ ngày 23-2-2020, Google đã thay đổi tạm thời hình nền trên trang chủ để tôn vinh ngày giỗ ca trù Việt Nam.
Biểu tượng ca trù được minh họa bằng hình ảnh của một chầu hát điển hình với 3 thành viên gồm: nữ ca sĩ (thường gọi là "đào" hay "ca nương") vừa hát vừa gõ bộ phách lấy nhịp; một "kép" nam đệm đàn đáy và một "quan viên" đánh trống chầu.
Ca trù (còn gọi Hát cô đầu, Hát nhà trò) là loại hình diễn xướng bằng âm giai nhạc thính phòng rất thịnh hành từ thế kỷ 15 tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đây từng là loại ca cung đình và được giới quý tộc và trí thức yêu thích bởi sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc.
Ngày 1-10-2009, ca trù được ghi danh là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là danh hiệu UNESCO có vùng ảnh hưởng lớn tại Việt Nam. Ngoài ra, ca trù còn là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.
Nghệ thuật ca trù từng được khai thác trong nhiều bộ phim và các chủ đề âm nhạc. Năm 2005, lần đầu tiên Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức liên hoan ca trù. Sau đó, loại hình âm nhạc này được tổ chức định kỳ nhằm mục đích thực hiện công tác bảo vệ di sản văn hoá thể giới. Hiện tại, nghệ thuật ca trù không chỉ dành riêng cho nữ giới mà nam giới (kép đàn) ngày nay cũng có thể vừa diễn tấu đàn vừa hát thay ca nương hoặc làm nhạc công đệm đàn.
Đến nay, có khoảng 15 tỉnh, thành phố phía Bắc đã thành lập hàng chục câu lạc bộ ca trù và hoạt động thường xuyên đến nay. Các tỉnh có nhiều câu lạc bộ như: Hà Nội, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Bắc Ninh,...
Trong đó, một số bài hát nổi tiếng phải kể đến như: Tự tình, hơn nhau một chữ thì, phận hồng nhan có mong manh, nhân sinh thấm thoát của Cao Bá Quát; Kiếp nhân sinh, ngày tháng thanh nhàn của Nguyễn Công Trứ; Hồng hồng tuyết tuyết của Dương Khuê; Gặp xuân, xuân tình, chưa say của Tản Đà;...
Ngoài ra, còn có làn điệu cổ điển rất nổi tiếng là "Tỳ bà hành" vẫn "sống" bất tử đến ngày nay.