(CAO) “Đến hẹn lại lên”, cứ sau dịp Tết Nguyên Đán, nhiều địa phương trên cả nước lại tất bật một bước vào một mùa
lễ hội kéo dài đến tận tháng 3 Âm lịch.
Lễ hội là phải vui, phải độc, lạ theo kiểu có văn hóa, có bản sắc để đi vào hồn người, vậy nhưng, nhiều cảnh rùng rợn, mất văn hóa, phản cảm, kệch cỡm, xuyên tạc lịch sử. Cần phải mạnh tay, dứt khoát với những loại lễ hội lạc hậu, bạo lực, phi văn hóa kiểu này.
Những lễ hội tào lao, bạo lực, dã man
Những lễ hội bị dư luận chỉ trích là dã man, rùng rợn phải kể đến lễ hội chém lợn (làng Ném Thượng, Bắc Ninh), lễ hội cầu trâu (xã Hương Nha, Tam Nông – Phú Thọ) và lễ treo trâu tế Mẫu (làng Đông Cuông, Văn Yên – Yên Bái). Trong lễ hội cầu trâu (diễn ra vào ngày 9 tháng Giêng ÂL hàng năm), người ta chọn lấy một con trâu đẹp nhất trong làng, tắm rửa sạch sẽ rồi đem cột vào một cây cọc chôn sẵn giữa đình làng. 12 thanh niên trai tráng được làng tuyển trọn thay phiên nhau dùng búa đập vào đầu con trâu cho đến khi con vật ngã gục mới thôi. “Khi con trâu ngã, quay về hướng nào thì sẽ ban phước cho dân làng hướng đó” – người trong ban tổ chức cho biết. Lễ treo trâu tế Mẫu, người ta buộc dây thừng vào cổ con trâu tế và đưa đến gốc cây, sau đó nhiều người cùng góp sức kéo chú trâu treo lơ lửng trên cây cho đến chết.
Cướp “lộc” hoa tre trong hội Gióng
“Lễ hội gì mà man rợ quá, nhìn như cảnh hành quyết, treo cổ người thời trung cổ. “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, quý nó đâu không thấy, thấy hành vi quá nhẫn tâm, độc ác”. “Những cảnh này thì nét đẹp văn hóa ở đâu?” - Nhiều người bức xúc thốt lên như vậy.
Những thanh niên trai tráng khỏe mạnh nhất làng, những bậc cao niên, sao không có hành động gì phô trương sức mạnh, mẫn trí như giảng đạo, đấu võ, đấu vật, bơi thuyền, sáng tạo… như trong những lễ hội nhân văn ở các vùng miền khác mà dồn sức tấn công một con vật chết đến thê thảm, thật là bất nhẫn, phản cảm. Thật may, sau khi nhận hàng loạt những chỉ trích, phẫn nộ của dư luận, những nhà văn hóa và sự can thiệp của Tổ chức bảo vệ động vật Châu Á vào tháng 1-2015, kể từ năm nay, những lễ hội phản cảm này đã bị ngăn chặn, sẽ không còn những hình ảnh chém lợn, hành quyết trâu trong lễ hội. Thay vào đó, trong lễ chém lợn, người ta sẽ chỉ đâm son vào cổ con vật. Lễ treo trâu đến chết được thay bằng những con trâu giả hình nộm, lễ cầu trâu thì dùng vồ giấy tượng trưng… Nhưng vẫn duy trì việc giết mổ lợn, trâu để làm cỗ tế lễ.
Tại Tây Nguyên, lễ hội đâm trâu đến nay vẫn tồn tại. Người được tuyển chọn để đâm trâu phải có nghề là dùng vật nhọn (xiên, giáo) nhắm thẳng vào tử huyệt của con trâu và đâm một nhát chí mạng gây cái chết thật nhanh cho con vật. Đã đến lúc các ngành chức năng phải can thiệp mạnh, triệt hẳn những hành vi sát hại động vật kiểu này.
Một lễ hội khác mà thoạt nghe tên thôi, đã ngao ngán về “độ” nhảm của nó, đó là lễ hội “con đĩ đánh bồng” (hay còn gọi múa bồng), diễn ra ở hội làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội (mùng 9 Tết ÂL hàng năm). Trong ngày hội, các chàng trai trong làng được tô son thoa phấn, chít khăn, mặc áo mớ ba mớ bảy, sắc màu sặc sỡ, đeo trống trước bụng rồi đưa mắt lúng liếng, nhảy múa, lắc lư theo nhịp điệu để bà con tán thưởng.
Để được múa bồng trong ngày hội làng, những thanh niên trong làng phải được tuyển chọn kỹ càng, lý lịch trong sạch, mặt mũi khôi ngô, thành đạt và phải dành cả tháng trời để các nghệ nhân trong làng dạy kỹ lưỡng những điệu múa. Trong khi nhiều người dân ở làng Triều Khúc say sưa nói về những cái “hay” cái độc đáo của lễ hội có một không hai này, thì những bạn trẻ, du khách quay mặt, ngán ngẩm: “Ngày hội, ngày vui của làng, cả năm mới có một lần, những thanh niên tốt nhất của làng để làm cái việc đó sao? Trông phản cảm quá. Có giả gái thì cũng phải chọn những thanh niên nữ tính, có duyên giả gái chứ để trai tráng khoác áo “nền bà”, uốn éo thế kia, kệch cỡm, phản cảm lắm. Thật là thảm thọa văn hóa”.
Giải thích về lễ hội này, các cụ cao niên làng Triều Khúc cho biết, điệu múa “Con đĩ đánh bồng” có từ thời Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đánh thắng giặc Đường tại thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Sau đó, Phùng Hưng chọn đình làng Triều Khúc làm nơi khao quân, cho những chàng trai đóng giả gái nhảy múa để khích lệ quân lính. Đó là nguồn gốc của một trong những điệu múa cổ nhất Thăng Long, còn tồn tại đến ngày hôm nay.
Nhố nhăng, phản cảm nhất phải kể đến lễ hội Ná Nhèm, hay còn gọi bằng tên khác là lễ hội phồn thực hay lễ hội linh tinh tình phộc của dân tộc Tày ở huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn. Trong khi lễ hội này ở Nhật Bản và nhiều nước khác, vật trưng bày lễ hội chỉ làm tượng trưng hoặc che đi phần nhạy cảm, kín đáo thì trong lễ hội ở ta, nó phải được làm cho thật giống với đồ thật rồi các vị bô lão, mũ áo chỉnh tề, cờ rong trống mở cùng trai tráng trong làng nghễu nghện công kênh diễu hành. Rõ là phản cảm chứ không phải thứ văn hóa lễ hội.
Một con trâu bị hành quyết dã man trong lễ hội cầu trâu (năm 2015)
Lạ nữa là trong khi từ nhiều năm nay, nhà nước ta có lệnh cấm đốt pháo, do đó, cũng cấm những hành vi mua, bán, tàng trữ, sử dụng pháo dưới mọi hình thức. Việc này nhận được sự ủng hộ của đông đảo tầng lớp nhân dân vì tránh được những rủi ro, hiểm họa từ quả pháo mang lại, như chống lãng phí, gây thương tật, chết người… Vậy nhưng, làng Đồng Kỵ (huyện Từ Sơn - tỉnh Bắc Ninh) nhiều năm nay vẫn tồn tại lễ rước pháo. Pháo rước gồm hai quả khổng lồ, chiều dài 6m, được trang trí hình tứ linh long, ly, quy, phượng, được sơn son thiếp vàng, trị giá hàng trăm triệu đồng. Đám rước pháo khổng lồ đi đến đâu cũng được người dân trong làng và du khách hò reo, tán thưởng. Nhiều bạn đọc trên các trang mạng Facebook thốt lên: “Cấm đốt pháo sao lại rước pháo?” “Lễ hội sao thấy xàm xàm quá?”. Lợi dụng việc rước pháo giả này, tại huyện Từ Sơn – Bắc Ninh, những ngày tết, nhiều gia đình đã tổ chức đốt pháo thật, bất chấp những quy định cấm.
Khi lịch sử bị xuyên tạc, biến tướng
Trong gần 7.000 lễ hội diễn ra ở nước ta hàng năm, thực chất có nhiều lễ hội có ý nghĩa nhân văn, giá trị tâm linh không thể phủ nhận, như: lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), hội lim (Bắc Ninh), lễ hội cầu mưa (Tây Nguyên), lễ hội cầu ngư (dọc các tỉnh miền Trung), hội đền Gióng (Sóc Sơn – Hà Nội), hội thơ nguyên tiêu (diễn ra khắp cả nước), lễ hội của các tôn giáo… Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều lễ hội có nguồn gốc rất hay, ý nghĩa trở nên biến tướng, bành trướng, làm át hết các lễ hội có ý nghĩa. Thêm vào đó, nhiều lễ hội “chẳng giống ai”, bỗng mang danh “khôi phục” xuất hiện khiến những lễ hội trở nên bát nháo.
Điển hình như hội Gióng (được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng tiêu biểu nhất là hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc Sơn - Hà Nội), xuất phát từ quan niệm tưởng nhớ đến vị Thánh Gióng trong truyền thuyết có công giúp nước, gắn với biểu tượng cây tre Việt Nam khi ông nhổ tre, cưỡi ngựa đuổi đánh giặc Ân xâm lược. Vậy nhưng, những năm gần đây, lễ hội này lại xuất hiện cảnh cướp… hoa tre. Theo giải thích của Ban tổ chức lễ hội, khi ông Gióng đánh giặc trở về, cây tre dập nát tơi bông, nhuộm màu bụi đường biến thành màu vàng, ông Gióng đã nói đây là hoa tre. Làm hoa tre cúng dâng lên ông Gióng là để tưởng nhớ công ơn ông, để ông ban lộc phù hộ độ trì cho mọi người. Mỗi người đều muốn có được một phần lộc hoa để mang về. Chính vì vậy trong hội Gióng mới có tục cướp lộc hoa tre này.
Thế nhưng, trong truyền thuyết Thánh Gióng, tuyệt nhiên chẳng có chữ nào, dòng nào nói đến hoa tre. Năm nay, lễ hội Đền Gióng – Sóc Sơn dù đã được các lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt nhưng vẫn xảy ra cảnh tượng hàng ngàn người tranh cướp ”lộc” hoa tre ngay trước cửa đền, xuýt gây cảnh hỗn chiến giữa các du khách, khiến lực lượng an ninh vất vả ngăn chặn. Quả thực, với hình tượng “lộc” hoa tre (là những bó sợi dây vàng, đỏ lòe loẹt), những người tổ chức lễ hội đã chứng tỏ sự hư cấu vượt xa truyền thuyết! Ông Nguyễn Nam Nho – Giám đốc khu di tích đền Gióng nói “Vụ cướp hoa tre đúng như kịch bản. Đây là nét đẹp văn hóa cần bảo tồn”. Nhiều độc giả phải thốt lên: “Chúc mừng Khu di tích đền Giống có ông giám đốc như ông Nguyễn Nam Nho”. “Khi tuyển cán bộ phụ trách lễ hội văn hóa cần kiểm tra kiến thức lịch sử và năng khiếu “hư cấu”.
Lễ hội đả cầu cướp phết (tại làng Hiền Quan, Tam Nông - Phú Thọ và huyện Lập Thạnh - Vĩnh Phúc) thực chất là một lễ hội rất vui, rất hay. Vật chính của lễ hội là một quả phết làm bằng gỗ quý, đường kính 35 cm (có nơi đến 6 quả). Tương truyền, ai chạm được tay vào sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Lễ hội nhằm tưởng nhớ người xưa rèn sức khỏe cho binh sĩ. Sau này, trở thành trò chơi dân gian trong lễ hội truyền thống hàng năm của thanh niên trong làng. Vậy nhưng, giờ đây đã bị biến tướng. Người ta đem những quả phết ra bờ sông, bãi cát, chủ tế ném, hàng ngàn thanh niên trong làng giẫm đạp lên nhau cướp phết gây cảnh hỗn loạn, mất an ninh trật tự, cát bụi mịt mù. Nhiều thanh niên quá khích lợi dụng cơ hội đám đông, đánh lộn hoặc đem những ấm ức năm cũ ra đánh trả thù lẫn nhau. Năm 2015, cơ quan công an đã tạm giữ, xử lý giáo dục với đối tượng Đặng Văn T. (30 tuổi, ở xã Đồng Ích, Lập Thạch) về hành vi vung dao dọa chém người trong lễ hội cướp phết.
Ban tổ chức lễ hội cướp phết tại làng Hiền Quan, huyện Tam Nông – Phú Thọ lại cho rằng, “lễ hội tưởng nhớ và tôn vinh công lao của nữ tướng Thiều Hoa công chúa – Đức Thánh Mẫu Đại Vương, người giúp Hai Bà Trưng đánh giặc”…
(Còn nữa)