Nhiều lễ hội lớn, nhỏ ngày càng trở nên biến tướng với những trò tranh, cướp lộc, chen lấn, xô đẩy, thậm chí đánh nhau, bói toán, cờ bạc trá hình… rất phản cảm, kéo dài từ năm này sang năm khác khiến nhiều người không thể hình dung tín ngưỡng văn hóa tâm linh, nét “đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc” ở đâu trong đó? Có quá nhiều trò nhố nhăng, phản cảm không thể chấp nhận được.
Văn hóa biến tướng
Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử - cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo và gần 30 lễ hội du nhập. Chưa kể một số lễ hội “mới” mang tính chất ngành nghề, địa phương chưa được thống kê, bổ sung như: lễ hội bánh tét, lễ hội hoa, hội làng, hội thơ...
Tính ra, trung bình mỗi ngày trên đất nước ta diễn ra khoảng 22 lễ hội. Tức hơn một giờ, ở Việt Nam lại có một lễ hội diễn ra. Liệu rằng, trên thế giới, có nước nào, dân tộc nào “yêu” lễ hội như Việt Nam chúng ta không? Và có nhất thiết phải tồn tại nhiều lễ hội đến thế không?
Nhìn lại, nhiều năm qua, tại hầu hết các lễ hội đã diễn ra, từ những lễ hội lớn, mang tầm quốc gia, như: lễ hội Đền Trần (Nam Định), lễ hội chùa Hương, hội Đền Gióng (Hà Nội)… hay những lễ hội vừa, hội nhỏ diễn ra khắp nơi, như: lễ hội chợ Viềng (Vụ Bàn – Nam Định), hội hoa xuân, chọi trâu (Đồ Sơn – Hải Phòng, Yên Bái), chém lợn (làng Ném Thượng, Bắc Ninh), đúc Bụt (Vĩnh Phúc)… xuất hiện nhan nhản những hình ảnh xấu xí, phản cảm, bạo lực đến chướng tai gai mắt, như: tranh giành cướp lộc, cướp cả trên điện thờ, trên kiệu thánh, đánh nhau, giành giật lộc, chen lấn xô đẩy, ném tiền tung bay cho mọi người nhặt, trống chiêng ầm ĩ, máu me tung tóe, thật không hiểu nổi nghi lễ, văn hóa ở chỗ nào?.
Mới chỉ qua mấy ngày đầu năm 2017 - bắt đầu mùa lễ hội, vậy mà chúng ta phải chứng kiến, phải đọc, nghe nhan nhản trên các phương tiện truyền thông, báo, đài, tin tức về những trò nhố nhăng, phản cảm này, lại ở những lễ hội lớn, quy mô tầm quốc gia với tính chất, mức độ ngày càng “kinh dị” hơn mọi năm, thật là ngao ngán.
Hình ảnh sư thầy rải lộc gây phản cảm ở chùa Hương ngày 2-2-2017 (mùng 6 Tết Đinh Dậu) - Ảnh: Zing.vn
Một trong những hình ảnh khó coi nhất mùa lễ hội năm nay phải kể đến hình ảnh ở chùa Hương trong ngày khai hội, một sư thầy đứng trên cao, ném lộc xuống cho mọi người gây nên cảnh tranh cướp lộc giữa các du khách đi lễ, trông không khác gì cảnh cho – nhận đồ bố thí. Lạ là có đến hàng trăm, hàng ngàn người nhốn nháo, tranh nhau cướp “lộc, bát nháo, phản cảm không thể tả.
Nói về cảnh tượng này, những vị sư thầy chân chính đều cho rằng, người tu hành phải biết giới hạn việc nên làm, việc không nên làm mà cư xử với mọi người cho đúng mực. Có như thế mới mong Phật tử, người đi lễ chùa biết phân biệt phải, trái, những phép tắc, nghi lễ nhà chùa.
Chẳng hiểu từ đâu, từ bao giờ lại có cảnh người đi lễ chùa thi nhau nhét tiền lẻ vào tay, chân, các kẽ hở trong bức tượng Phật để cầu lộc, cầu may. Rồi cảnh mua bán thịt thú rừng, cờ bạc trá hình, buôn bán tiền lẻ, người người thi nhau đội mâm cao cỗ đầy, giò, thủ lợn đến nguyên con lợn quay, con gà luộc đến cửa Phật.
Chốn tâm linh gắn với những giá trị tinh thần, nhà chùa vốn ăn chay niệm Phật mà mang nặng tính vật chất, sát sanh như vậy, thử hỏi Phật nào chứng giám?. Rồi nhiều cảnh tượng bát nháo, bạo lực, phi văn hóa không tả nổi, như: lễ hội chém lợn, đâm trâu, đá gà… Những con vật bị đem ra làm trò mua vui, bị chém, bị ép đá, húc nhau đổ máu, lòi ruột, đổi lấy tiếng hò reo vô cảm của con người. Chứng kiến cảnh ấy, nhiều người cảm thấy rùng mình, ghê sợ, lo sợ một sự cổ súy ngầm cho bạo lực phát sinh.
Trong khi rất nhiều người bất bình, lên án, đòi triệt tiêu những hình ảnh nhố nhăng, phản cảm diễn ra trong các lễ hội, như: tranh giành cướp lộc; đâm trâu, chém lợn đầy tính bạo lực… có nhiều người lại đứng ra bảo vệ, cổ súy việc này. Trong đó, nhiều vị là cán bộ địa phương nơi diễn ra các lễ hội.
Mới đây, trả lời phỏng vấn trên VTC News, GS.TS Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đã đưa ra quan điểm của mình về việc giẫm đạp, tranh cướp nhau tại các lễ hội, ông Thịnh cho rằng, việc tranh cướp trong lễ hội đôi khi là thông lệ. Ví dụ, việc tranh cướp lộc trong hội Gióng vì người ta tin rằng vật đó rất thiêng liêng, tất cả những người đi hội ai cũng muốn có và chỉ có được thông qua việc tranh cướp lẫn nhau.
Một hình ảnh không lấy gì làm đẹp mùa lễ hội - Ảnh: Chí Toàn
Trong cuộc sống đời thường, tranh cướp nhau như thế là xấu nhưng trong lễ hội tranh cướp nhau lại là một thông lệ. Đấy là niềm tin của mỗi người. Cái gì không phù hợp nữa, sẽ bị loại bỏ theo sự phát triển tự nhiên của xã hội.
Đồng quan điểm với GS.TS Thịnh, ông Nguyễn Nam Nho - Giám đốc Trung tâm Quản lý khu Di tích đền Gióng - Sóc Sơn, Hà Nội – nơi ngày mùng 2-2 mới đây (mùng 6 Tết ÂL) vừa xảy ra vụ tranh cướp lộc tre, xuýt xảy ra hỗn chiến đánh nhau giữa các du khách, trước màn tranh cướp lộc tre gây phản cảm với nhiều người, ông Nho khẳng định với báo chí, màn tranh lộc hoa tre trong ngày khai hội đền Gióng diễn ra theo “đúng kịch bản, là một nét đẹp văn hóa cần bảo tồn!”.
Tuy nhiên, những ý kiến ủng hộ kiểu này chỉ là số ít, người phát ngôn Văn phòng Chính phủ cho rằng, những biến tướng văn hóa kiểu này cần phải xem xét, điều chỉnh lại.
TS Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo cùng nhiều vị GS.TS, nhà giáo, khẳng định: không thể xem hành động “cướp lộc” là một phần của việc thực hành nghi lễ tôn giáo. Không có thần linh, văn hóa nào chấp nhận được…
(Còn nữa...)