Lá thư cảm động của một người cha

Chủ Nhật, 12/02/2017 16:44

|

Các con sống có tư cách, chăm chỉ làm ăn, thương yêu nhau và quan tâm đến mọi người- đó là món quà lớn nhất mà ba hằng mong mỏi và dõi theo để phù trợ.

Các con thương yêu,

Trước, trong và sau Tết nguyên đán vừa qua, ba vô cùng xúc động trước sự quan tâm sâu sắc của các con đối với ba.

Thằng Hai công tác ngoài Hà Nội sắm cho ba một chiếc xe Lexus đời mới, lại kèm thêm mấy chục ngàn đô để ba tiêu vặt.

Thằng Ba ở Sài Gòn tậu thêm cho ba một căn biệt thự hoành tráng, thấy chưa an tâm lại gửi thêm mấy trăm triệu để chi tiêu.

Con Tư ở Đà Nẵng thì sắm cho ba vô số áo quần, giày dép hàng hiệu, kèm một chiếc đồng hồ Ra- đô mạ vàng đời mới nhất. Sợ ba ở biệt thư rộng vắng người chăm sóc, con Tư còn chu đáo “tiến cử” cho ba một cô ô- xin trẻ trung, xinh như mộng.

Thật lòng, sự quan tâm to lớn của các con làm ba rơi nước mắt, cảm thấy ấm lòng trong những ngày Tết hiu quạnh, vắng bóng người thân.

Tuy nhiên, ba cũng nói để các con hiểu hơn tâm trạng của ba. Cuộc đời ba như các con đã biết, tuổi thanh xuân trải qua thời chiến tranh bom đạn, sống cận kề cái chết.

Những năm hòa bình lập lại, có gia đình, ba cùng má trải qua thời bao cấp đầy khó khăn, vất vả, nhịn ăn nhịn mặc nuôi các con ăn học, khôn lớn.

Ở cương vị công tác của mình, ba từng nhiều lần từ chối những món “bổng lộc” mà người ta đem đến biếu xén để nhờ vả, cầu cạnh. Nếu ba cũng tham lam, bán rẻ lương tâm, danh dự như một số quan chức thì nhà mình đã không thiếu gì biệt thư, xe hơi, đất đai, tiền của…

Nhưng như các con đã biết, nhà mình xưa nay vẫn giữ nếp sống thanh bạch, trọng danh dự. Ba má tự hào đã để lại cho các con tài sản quý giá nhất trên đời này là vốn liếng tri thức và lối sống trong sạch, cần kiệm, nghĩa tình.

Vì thế, ba cũng không thật hài lòng khi dịp tết vừa qua, các con đua nhau cùng thiên hạ sắm sửa cho ba những thứ lộng lẫy, xa hoa, đắt tiền như thế.

Chắc các con nghĩ rằng cả cuộc đời ba đã vất vả cống hiến, hy sinh, chịu thiệt thòi về vật chất, giờ đây cần phải được chăm sóc và bù đắp thỏa đáng? Rằng điều đó thể hiện tấm lòng hiếu thảo, biết ơn của con cái đối với bậc sinh thành?

Nếu nghĩ thế thì e rằng các con đã lầm. Đời ba trước sau như một, ngày còn sống ba đã chẳng màng những bả hư danh, vật chất; lẽ nào nay đã sang thế giới bên kia của những người hiền, đã thoát khỏi vòng “tham, sân, si” của cõi trần, ba lại cần đến những thứ phù du, vô nghĩa như thế?

Vì vậy rằm tháng giêng năm nay và tất cả những dịp lễ tết, giỗ chạp từ nay về sau, ba dặn các con chớ mua sắm những thứ hàng mã xa hoa như vậy để “hóa” cho ba, vừa vô nghĩa, tốn kém vừa dễ gây hỏa hoạn, ô nhiễm môi trường.

Các con sống có tư cách, chăm chỉ làm ăn, thương yêu nhau và quan tâm đến mọi người- đó là món quà lớn nhất mà ba hằng mong mỏi và dõi theo để phù trợ.

Nếu muốn theo một chút phong tục ngày giỗ tết, thay vì đốt hàng đống hàng mã nhà lầu, xe hơi, đô la, vàng bạc, áo quần, ô- sin…như thế, các con hãy “hóa” vài thứ mà ngày còn sống ba thích như đĩa rau muống luộc, đậu hũ chiên, lẩu măng chua cá lóc, ly rượu thuốc; kèm thêm vài tờ báo như Nhân Dân, Sài Gòn giải phóng… mà ba thường đọc.

Được như thế là ba đã mãn nguyện lắm rồi!

Thư đã dài, ba tạm dừng và cầu chúc các con, cháu luôn mạnh khỏe, giữ tấm lòng trong, sống có ích cho đời.

Cõi âm, ngày Rằm tháng giêng năm Đinh Dậu.

Ba thân thương của các con ( đã ký)

Bình luận (0)

Lên đầu trang