Mai anh đào Đà Lạt mùa này không nở, mùa sau ra sao? Liệu thời tiết Đà Lạt có khắc nghiệt đến mức hoa anh đào không thể nở? là những câu hỏi khiến chúng tôi trăn trở đi tìm.
Mai anh đào – quà tặng của thiên nhiên với Đà Lạt
Chúng tôi đến khu du lịch (KDL) hồ Tuyền Lâm – Đà Lạt, nơi đáng lẽ sẽ diễn ra lễ hội hoa anh đào. Thực tế, hầu hết những cây hoa anh đào ở đây không nở, cứ trơ ra như cây củi khô, đến cái nụ cũng không có. Thỉnh thoảng mới bắt gặp một vài cây hoa nở lác đác. Có cây đang đâm chồi, nảy lộc lá non xanh biếc. Kỳ lạ là tại một số nơi như khu vực Cầu Đất – Xuân Trường, Suối Vàng, xã Tà Nung (TP.Đà Lạt) những cây mai anh đào ở đây vẫn nở hoa, tuy không sai bông nhưng vẫn có hiện tượng hoa nở và hứa hẹn sẽ còn nở nhiều vì có nhiều nụ.
TS.Phó Đức Đỉnh. Ảnh: Ngọc Hà
Tại hồ Xuân Hương, nơi có nhiều cây hoa anh đào cổ thụ và cả số cây chừng 9-10 năm tuổi, đẹp nổi tiếng bởi những dáng, thế tự nhiên ngả xuống hồ, nhưng mùa này thì tuyệt nhiên không hoa, không nụ. Trước hiện tượng lạ này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ (TS) Phó Đức Đỉnh (SN 1944) – kỹ sư lâm nghiệp, nhà nghiên cứu lâm - nông học, nhân vật quan trọng trong Hội đồng điều tra, thẩm định của Ban tổ chức Ngày hội hoa anh đào, dẫn đến quyết định phải dừng ngày hội. Qua TS. Đỉnh, chúng tôi biết rõ thêm về loài hoa đặc trưng này trên xứ hoa Đà Lạt.
TS.Phó Đức Đỉnh cho biết, mai anh đào nguồn gốc là cây rừng, cây tự nhiên. Một số cây cổ thụ, cây có tuổi, được đưa về trồng tại khu vực hồ Xuân Hương – Đà Lạt, đường Trần Hưng Đạo từ những năm 1962 đến khoảng đầu những năm 2000. Theo ông Đỉnh, chính tổng thống Ngô Đình Diệm vào năm 1962 đã cho mang từ rừng về rất nhiều cây hoa anh đào, trồng ven hồ Xuân Hương.
Năm 1963, ông Diệm bị đảo chính, người ta đã chặt những cây mai anh đào do ông cho trồng, đến nay chỉ còn sót lại vài cây. Sau này, chính quyền TP.Đà Lạt cũng cho bứng gốc nhiều cây mai anh đào từ rừng về trồng. Hiện nhiều cây đã già cỗi, bị mối ăn rỗng thân cây. Đặc điểm của mai anh đào là sức sống của nó rất mãnh liệt. Thân càng già cỗi, càng bị mối ăn thì hoa càng đậm màu, kết chùm, rực rỡ. Những cây hoa mới trồng màu sắc sẽ nhạt hơn rất nhiều.
PV: Thưa TS, vì sao hoa mai anh đào ở Đà Lạt năm nay có hiện tượng nơi này nở nơi khác không. Khí hậu Đà Lạt có khắc nghiệt đến mức khiến hoa không thể nở?
TS.Phó Đức Đỉnh: Theo chu kỳ phát triển của loài hoa mai anh đào, cứ vào độ tháng 11 lá sẽ rụng hết, tháng 12 kết nụ, tháng 1 trổ bông, quy luật đó lặp đi lặp lại nhiều năm nay. Ở Đà Lạt, cứ sau tháng 10 là hết mưa. Nắng ấm, mai anh đào sẽ trổ bông. Tuy nhiên, thời tiết năm nay bất thường, do ảnh hưởng khu vực thế giới, Đà Lạt cũng không thoát khỏi quy luật đó. Sau gần 30 năm nay, Đà Lạt và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước đón một khí hậu thời tiết bất thường, mưa muộn và mưa nhiều, đến tháng 2 vẫn mưa, nhiều cơn mưa xối xả.
Mưa nhiều, nụ bị thối nên không thể ra hoa. Một số cây có hiện tượng đâm chồi, nảy lộc. Những cây mai anh đào ở khu vực Cầu Đất – Xuân Trường, Suối Vàng hầu hết là cây tự nhiên, do điều kiện sống phù hợp với môi trường tự nhiên, chịu được sự biến đổi của thời tiết nên vẫn có thể trổ bông, nhưng không nhiều. Đến tháng 3, gặp thời tiết nắng ấm, khả năng hoa sẽ nở rộ. Những cây mai anh đào ở hồ Tuyền Lâm và những cây nhỏ quanh hồ Xuân Hương, đường Trần Hưng Đạo là do ươm giống, trồng sau này, chỉ khoảng dưới 10 năm tuổi, thậm chí có nhiều cây mới chỉ 3-4 năm tuổi, thích ứng với thời tiết kém.
Một số cây khác dù trồng lâu hơn, nhưng vì nguyên gốc là loài cây rừng, được đưa từ rừng về đô thị nên khá “khó tính”, nhạy cảm với thời tiết. Bởi lẽ đó nên có hiện tượng những cây mai anh đào nằm trong khu vực cây rừng phân bố vẫn có thể trổ bông, những cây được nhân giống, trồng trong đô thị, còn non tuổi sẽ không thể cưỡng lại được áp lực từ thời tiết, khí hậu. Một điều đáng lưu ý khác là hiện tượng “tiểu thời tiết” - nơi này mưa, nơi khác không nên có hiện tượng hoa nở không đồng đều. Ngoài ra, còn do chu kỳ sai hoa. Năm được, năm mất mùa, giống như cây trái. Tôi cho rằng, để tổ chức lễ hội hoa mai anh đào Đà Lạt, cần phải có lộ trình dài hơi, có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ càng, bài bản, nắm vững thời điểm, thời tiết, quy luật hoa nở… Việc này không hề đơn giản.
Thiếu nữ tạo dáng bên hoa mai anh đào Đà Lạt trong phố. Ảnh: Hà Hữu Nết
PV: Ông được Ban tổ chức Ngày hội hoa anh đào mời tham gia vào việc thành lập Hội đồng nghiên cứu, điều tra… về hoa mai anh đào khi nào, thưa ông?
TS.Phó Đức Đỉnh: Tôi nhớ chính xác vào ngày 24-12-2016, khi đó tôi có ý kiến, nếu thời tiết đẹp, không mưa, tháng 1 hoa anh đào nở. Nhưng suốt tháng 1 rồi qua tháng 2, vẫn mưa nên hoa đào không nở, dẫn đến việc Ban tổ chức cho dừng ngày hội.
Để những mùa Festival hoa Đà Lạt không thể thiếu hoa mai anh đào
Được biết, để nhân giống cây mai anh đào, các nhà nông học đã lấy những quả mai anh đào chín từ rừng về ươm giống và cho kết quả khả quan. Mai anh đào Đà Lạt thuộc dạng cây thân gỗ, cao tầm trung. Vì là cây rừng, cây tự nhiên hoặc dù được nhân giống nhưng vì nguồn gốc là cây tự nhiên nên phát triển tự do, không tạo dáng, thế… như hoa mai, hoa đào Nhật Tân (Hà Nội). Hoa có 5 cánh, to và nhạt màu hơn hoa đào Nhật Tân với những sắc hồng điểm trắng khá đẹp mắt.
Hoa mai anh đào. Ảnh: Ngọc Hà
Cấu tạo và kiểu dáng đóa hoa trông vừa giống hoa đào vừa giống hoa mai nên có tên gọi mai anh đào. Đà Lạt là thành phố độc nhất của Việt Nam thích hợp phát triển diện tích loài hoa mai anh đào. Theo TS.Phó Đức Đỉnh và những người sống lâu năm ở Đà Lạt, đến gần 40 năm nay, do ảnh hưởng khí hậu thời tiết bất thường nên mới có hiện tượng mai anh đào Đà Lạt không nở.
Đà Lạt không nhất thiết phải cạnh tranh, đua theo Nhật Bản để tổ chức lễ hội hay ngày hội hoa mai anh đào mà hãy để mai anh đào được góp mặt vào các kỳ Festival hoa Đà Lạt, tô điểm cho mùa Festival hoa thêm phong phú, lộng lẫy. Nếu muốn tránh sự nhàm chán, lặp lại, cũng có thể tổ chức Festival hoa sớm hơn, để du khách chứng kiến và thưởng lãm mùa hoa dã quỳ đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên - tháng 11 nở vàng rực khắp núi đồi hoặc những mùa hoa dại, độc đáo, như: cỏ hồng, bìm bìm, bồ công anh, Pensée, mimosa, phượng tím…
Trước đó, Ban tổ chức Ngày hội hoa anh đào Đà Lạt lần thứ nhất đã công bố thời gian tổ chức diễn ra trong 3 ngày, từ 11 đến 13-2-2017. Kế hoạch tổ chức ngày hội này đã một lần hoãn lại từ tháng 1 rời sang tháng 2-2017. Ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Ban quản lý KDL hồ Tuyền Lâm - Trưởng ban tổ chức Ngày hội hoa anh đào Đà Lạt, cho biết: “Khi xin ý kiến đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh để tổ chức buổi họp báo công bố dừng lễ hội hoa anh đào, đây thực sự là một quyết định rất khó khăn với chúng tôi. Vì lý do bất khả kháng, không ai mong muốn, chúng tôi xin cáo lỗi cùng du khách gần xa, bởi nếu tổ chức Ngày hội hoa mà không có hoa thì sẽ làm mất uy tín của ngày hội, lừa dối du khách. Đến nay, KDL hồ Tuyền Lâm đã trồng trên diện tích 25ha hoa mai anh đào quanh KDL, từ năm 2009. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có hệ thống khách sạn, resort tại đây cũng trồng nhiều hoa mai anh đào quanh khuôn viên. Trong khi đó, tại trung tâm TP.Đà Lạt và các vùng lân cận, hoa được trồng rải rác, không tập trung. Vì lẽ đó nên Ban tổ chức đã trình xin ý kiến UBND tỉnh Lâm Đồng cho tổ chức lễ hội hoa anh đào ở KDL hồ Tuyền Lâm. Tuy nhiên, thời tiết bất thường năm nay tại TP.Đà Lạt đã khiến mọi việc không đúng kế hoạch”. – ông Thành cho biết thêm. |