Làm nghệ sỹ là công việc thiêng liêng, chứ không đơn thuần là giải trí

Thứ Năm, 16/03/2017 09:56  | Đồng Thần

|

(CAO) Có rất nhiều nhận xét xuất hiện trong thời gian vừa qua về thái độ của không ít nghệ sỹ trẻ với khán giả. Chia sẻ chuyện này, NSƯT Thành Lộc đã dành nhiều cảm nhận về mối “thâm tình” giữa nghệ sỹ với khán giả.

Anh có thể cho biết cảm nhận của mình về khán giả khi mới bước vào nghề, lần đầu tiên đứng trước sân khấu. Anh đã bao giờ thay đổi cảm nhận của bản thân đối với khán giả? Và có lúc nào khán giả xử sự khiến anh chưa hài lòng? Khi đó anh xử trí ra sao?

Hãy tính thời điểm lần đầu tôi bước lên sân khấu chuyên nghiệp là từ sau khi tôi tốt nghiệp trường sân khấu. Đó là khoảng năm 1982, thời hoàng kim của sân khấu sàn diễn với nhiều thật nhiều những tác phẩm sân khấu mang tính nghệ thuật cao về nội dung và hình thức trình diễn, những sản phẩm văn hóa tử tế đầy tự trọng của người nghệ sỹ.

Lúc đó, dù là nghệ sỹ lão thành hay diễn viên trẻ, mỗi khi bước ra sân khấu thì ai cũng hồi hộp và thận trọng trong từng chi tiết diễn xuất, lời thoại, ca ngâm,… mọi thứ đều là lao động thật sự cật lực, ca diễn thật chứ không hát nhép, chiêu trò,...

Bước ra sân khấu là cảm giác giống như mình bước vào lễ đường cầu nguyện, không đơn giản chỉ là diễn cho khán giả mà còn là diễn cho các vị Thánh Tổ của mình xem, đó là một công việc thiêng liêng chứ không đơn thuần là giải trí. Ngay cả khán giả thời đó cũng rất quí thương và trân trọng đúng mực nghệ sỹ chúng tôi, chứ không đánh giá chúng tôi như "phường con hát rẻ rúng", theo cách nghĩ lạc hậu mông muội của thời phong kiến xa xưa!

Bởi vậy mà chúng tôi cũng trân trọng đúng mực, tương quan khán giả của mình, như một cách thọ ơn thì phải trả ơn: “Khán giả nuôi sống mình mà?”. Đã bước ra sân khấu là phải vắt kiệt sức, vậy thôi! Vì khi diễn sai, diễn bậy thì khán giả sẽ phật lòng, sẽ không ủng hộ nữa, thì khổ chứ?

Nhưng ở đời đâu phải lúc nào cũng hoàn hảo, cũng như ý mình! Nghệ sĩ có người hay người dở, khán giả cũng có khác nhau về trình độ thưởng thức vì kiến thức cũng chênh lệch không giống nhau. Muốn làm nghệ thuật lý tưởng thì nghệ sĩ cũng ao ước có những khán giả lý tưởng.

Thời tôi còn là diễn viên tại sân khấu 5B Võ Văn Tần, tôi đã từng chứng kiến một đàn anh của tôi đang diễn mà dưới hàng ghế người xem có một nữ khán giả cứ để điện thoại di động của cô réo inh ỏi liên tục. Bao nhiêu người ngồi xung quanh chặc lưỡi ra hiệu cho cô giữ trật tự nhưng cô vẫn thản nhiên lấy điện thoại ra và trả lời cuộc gọi như chỗ không người, như không gian nơi đó chỉ có mỗi mình cô và người đối thoại bên kia đầu dây!

Ông anh đồng nghiệp của tôi phải ngưng ngang phần diễn xuất của mình lại và chỉ thẳng vào cô gái nói luôn: "Yêu cầu chị tắt ngay máy điện thoại của chị thì chúng tôi mới diễn tiếp, còn không thì mời chị đi ra ngoài để cho quí khán giả khác xem vở kịch của chúng tôi!".

Nói thật là tôi thì tôi không đủ bản lĩnh để làm như anh, nhưng tôi tán thành cách phản ứng của anh như vậy. Đôi khi nghệ sĩ chúng tôi cũng biết phẫn nộ khi thấy lao động của mình không dược tôn trọng và cần phải tỏ thái độ chứ không phải chỉ có nhẫn nhịn rồi về nhà buồn một mình, như vậy là không công bằng với chúng tôi.

Khán giả luôn nghiêm khắc và đòi hỏi nghệ sĩ phải tôn trọng họ qua sản phẩm của mình thì nghệ sĩ chúng tôi cũng vậy, cũng cần mình được trân trọng đúng mực, văn minh.

 
Anh cho rằng: "Muốn làm nghệ thuật lý tưởng thì nghệ sĩ cũng ao ước có những khán giả lý tưởng"

Khán giả thời nay so với khán giả thời xưa có sự thay đổi nhiều không thưa anh? (cảm thụ nghệ thuật, tình cảm dành cho nghệ sỹ, đòi hỏi từ các tiết mục,…).

Khán giả thời nào cũng vậy thôi, ai cũng thích thưởng thức nghệ thuật hay. Còn thế nào mới gọi là hay thì còn tuỳ vào trình độ thẩm mỹ của mỗi người, mỗi thành phần. Tuy vậy, người xưa có câu này tôi thấy rất đúng với mọi thời đại: "Người làm sao thì chiêm bao làm vậy!".

Khán giả như thế nào thì sẽ có một loại sản phẩm nghệ thuật và nghệ sỹ trình diễn cùng thể loại với đối tượng khán giả đó, và đẳng cấp của nghệ sỹ thế nào thì cũng sẽ hình thành một lượng khán giả tương đương cùng song hành với họ để thưởng thức những sản phẩm đó.

 
Đã bước ra sân khấu là phải vắt kiệt sức, vậy thôi!

Bởi vậy mà người nghệ sỹ có lòng “trọng nghệ”, phải là những người luôn có ý thức tự nâng cao chính mình về mọi mặt của kiến thức để góp phần nâng cao dân trí. Đó cũng là trách nhiệm, là sứ mạng của họ nên người ta mới nhận định người nghệ sỹ chính là người “kỹ sư tâm hồn” là vậy!

Chỉ có những người kiến thức kém cõi mới đánh giá họ là "xướng ca vô loài", một quan điểm theo kiểu hiểu biết lạc hậu hẹp hòi từ thời phong kiến để lại mà thôi. Nhưng vì nghệ sỹ là người của công chúng, là người đứng trong “vùng sáng” cho thiên hạ ngắm nhìn, cho nên nói trước, nói sau thì khán giả không trọng mình là tại mình trước, chứ không đổ thừa cho ai được.

 

Ngày xưa nghệ sỹ lên sân khấu khi trao đổi gì với khán giả thường rất câu chữ (xin, thưa,…) nhưng nghệ sỹ hiện tại nhiều người lại coi mình là tâm điểm, chứ không phải khán giả, anh nghĩ sao về vấn đề này thưa anh?

Tôi quan niệm về mối quan hệ giữa nghệ sỹ và khán giả là mối quan hệ tương hỗ nhau và cùng tồn tại bình đẳng. Đó là lẽ công bằng, không phải ai ban ân huệ cho ai mà là cùng tôn trọng nhau trong một xã hội có văn minh.

Trình độ văn hoá của mỗi người thể hiện qua cách xưng hô trong giao tiếp, không chối cãi gì khi nghệ sĩ xưng hô từ ngữ với khán giả quá khuất tất, thô thiển,… thì dứt khoát đó là do sự kém cõi về văn hoá của người nghệ sỹ đó thôi.

 

Chính bản thân tôi cũng từng trải qua những tình huống, khiến tôi không tránh khỏi buồn phiền. Chẳnh hạn, có lần tôi đi trên phố thì bị một người phụ nữ nắm vai áo tôi giật mạnh ngược tôi lại, rồi sỗ sàng nói: "Nè Thành Lộc cho chụp hình cái coi!"… Rồi có lần tôi đi vào chợ mua sắm, một người đàn ông bán hàng ở đó la oang oang lên với mọi người: "Ê! Thằng Thành Lộc kìa! Ê Thành Lộc! làm cái gì hề hề cho ở đây tụi tui cười cái coi!"...

Dĩ nhiên, với những trường hợp như vậy, tôi không bao giờ đáp ứng. Tôi không thích cái kiểu suy nghĩ rằng, hễ là nghệ sỹ thì phải hòa đồng “bình dân” với mọi người! Điều đó, không có nghĩa là tôi đặt mình trên người khác. Mà đơn giản là hòa đồng và bình dân cần phải được hiểu cho đúng đắn, cho thấu đáo thì mới không mích lòng nhau. Ông bà ta cũng đã đúc kết chuyện này quá hoàn hảo trong câu: “Tiên trách kỷ hậu trách nhân” rồi.

 

Khi khán giả trở nên dễ dãi với nghệ sỹ, anh có nghĩ cái “tầm” của nghệ thuật sẽ giảm sút?

Tôi cho rằng khán giả trở nên dễ dãi với nghệ sỹ là do chính nghệ sỹ đã tự dễ dãi với chính mình trước! Họ thường hay đổ thừa cho khán giả chứ thật ra chính họ làm hỏng “gu” của khán giả trước.

 

Mối quan hệ giữa nghệ sỹ với khán giả theo quan niệm của NSƯT Thành Lộc: "Mối quan hệ giữa nghệ sỹ và khán giả là mối quan hệ tương hỗ nhau và cùng tồn tại bình đẳng"

Chức năng của nghệ thuật là khai phá mà nghệ sỹ là người mở đường, khi họ mở một con đường sai cho khán giả đi, thì khán giả mới lôi họ đi theo “vết sai” đó. Về vấn đề này thì tôi xin mạo muội nhận định vui như vầy: “Nghệ sĩ là "thủ phạm" lại cũng chính là "nạn nhân", và trong chuyện này khán giả vô can!” (Cười).

Anh có nhắn nhủ hay lời khuyên gì với các nghệ sỹ trẻ về việc xử sự với khán giả, về chuyện đời, chuyện nghề không thưa anh?

Một lời khuyên rất cổ điển như các tiền bối khuyên bảo thế hệ chúng tôi: “Thắng không kiêu, bại không nản”. Biết trọng danh dự của bản thân nhưng cũng không được xem thường người bạn song hành với sự nghiệp của đời mình, đó chính là công chúng. Nghệ thuật nâng cao tâm hồn con người, nhưng không có công chúng thì nghệ thuật sẽ không có lý do để tồn tại. Đừng quên!

 

Cảm ơn anh đã chia sẻ, chúc anh sức khỏe và nhiều thành công trong công việc!

Bình luận (1)

Bất cứ một ngành nghề nào, khi làm việc cần nghiêm túc

Nguyễn Thị Mai Phương - Thứ Sáu, 17/03/2017, 04:54 Trả lời | Thích
Lên đầu trang