Ngắm “Hoa đế vương”chốn Thần kinh dịp Tết

Thứ Hai, 30/01/2017 10:26  | Hoàng Quân

|

(CAO) Đến Cố đô Huế, du khách ngoài việc choáng ngợp với quần thể di tích, sẽ còn ngỡ ngàng trước di sản cảnh quan. Nhiều loại hoa, cây cảnh đặc trưng của triều đình, được mệnh danh là “Hoa đế vương” thường nở vào dịp Tết đến xuân về vẫn trường tồn cùng di tích.

Kiến trúc cảnh quan của triều Nguyễn

Trong quần thể Di tích Huế (đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới) có hệ thống các công trình kiến trúc với điện thờ, đền, đài, lăng tẩm… đồ sộ được xây dựng vào triều Nguyễn (1802 – 1945) và đã được UNESSO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1993. Một bộ phận cấu thành không thể thiếu cho các di tích đó là cảnh quan môi trường, được gọi là “Di sản cảnh quan”. Bất cứ một công trình kiến trúc nào cũng được kết hộ, sắp đặt bởi hệ thống cảnh quan phù hợp.

TS. Lê Công Sơn – Chánh văn phòng Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô (TTBTDTCĐ) Huế trong công trình nghiên cứu “Bảo tồn các giống cây trồng cho vườn cung đình Huế” cho biết: “Từ thời các chúa Nguyễn vào đàng trong lập nghiệp cho đến các vua Nguyễn sau này đã đưa nghệ thuật kiến trúc cung đình với các kiểu thành quách, lăng tẩm, cung điện, đền miếu… lồng ghép tinh tế, hài hòa vào trong cảnh sắc nên thơ, hữu tình xứ Huế càng làm cho mảnh đất Cố đô thêm cổ kính và quyến rũ.

Du khách nước ngoài thưởng thức mùi hương của một loại hoa trong Kinh thành Huế

Các di tích Huế trong mối tác động với môi trường, cảnh quan thiên nhiên theo dịch lý, phong thủy, âm dương ngũ hành... Các yếu tố tự nhiên của vùng đất được lựa chọn kỹ càng và vận dụng triệt để nhằm tạo ra kiểu kiến trúc cảnh quan đặc thù cho từng công trình.

Các vị vua triều Nguyễn đều giỏi thi ca, nhạc họa nên rất yêu cảnh đẹp thiên nhiên. Vì vậy mà khi xây dựng Kinh đô, các vua Nguyễn cố gắng tận dụng địa hình, địa thế, phong cảnh lý tưởng để biến Kinh đô Huế thành mô hình phong thuỷ lý tưởng - một kiểu kiến trúc cảnh quan, cùng với đó hàng loạt khu vườn Thượng uyển mang tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao được lập nên và huy động các loài hoa thơm, cỏ lạ, cây cảnh đẹp, độc đáo từ khắp cả nước để phục vụ cho nhu cầu trang trí cảnh quan chốn cung đình”.

Trong lối thiết kế kiến trúc cảnh quan thì các thành tố mặt nước, cây xanh, sân vườn, cây kiểng là những thành phần không thể thiếu để tạo nên bố cục cảnh quan chung của công trình và những nét riêng cho kiến trúc cung đình. Hệ thống cây xanh là nhân tố chính, tạo màu xanh, bóng mát, tăng tính thâm nghiêm, cổ kính cho các công trình và mang những ý nghĩa văn hóa lịch sử. Với hệ thực vật phong phú, đa dạng, cây xanh đóng vai trò tôn tạo cảnh quan, cải thiện môi sinh môi trường, điều tiết tiểu khí hậu vùng và bảo vệ cho di tích, hạn chế các tác động từ môi trường bên ngoài như tiếng động, độ rung, xói mòn, khói bụi… đến di tích.

Du khách nước ngoài tham quan cây cảnh, hoa trong vườn Cơ Hạ - Kinh thành Huế

Nghệ thuật trang trí cây, tiểu cảnh trong chậu thống sứ và chậu đá là hai loại hình trang trí cây kiểng độc đáo, chỉ xuất hiện trong chốn cung đình. Đỉnh cao nghệ thuật này vào thời vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị khi nhiều hoa thơm, cỏ lạ, cây cảnh đẹp của mọi vùng miền đất nước và ngoại quốc được đưa vào kinh đô cùng với việc chế tác chậu đá và du nhập các loại thống sứ.

Cây Thông cổ thụ dáng kỳ lạ ở khu vực Thế Miếu – Kinh thành Huế

Cây di tích là chứng nhân lịch sử

Các khu di tích vẫn tồn tại nhiều cây cổ thụ đặc trưng cho mỗi khu vực, thể hiện tính cách của các vị vua, đánh dấu mốc lịch sử, mối quan hệ bang giao... Và chúng được gọi là “cây di tích”. Điển hình như cây thông ở Thế Miếu với thế, dáng kỳ lạ. Hai cây Tếch ở sân phía tây điện Thái Hòa trải qua bao chiến tranh ác liệt và sự khắc nghiệt của thiên nhiên vẫn trường tồn. Hai cây ngô đồng ở sau điện Thái Hòa sừng sững là những cây ngô đồng cổ nhất Việt Nam. Cây ra hoa màu hồng phớt vào đầu năm. Cây có nguồn gốc từ Quảng Đông (Trung Quốc), được vua Minh Mạng cho đưa về trồng và cho chạm hình ảnh vào chiếc đỉnh đồng mang thụy hiệu của vua là Nhân đỉnh (1 trong 9 đỉnh của Cửu đỉnh Huế).

Hệ thống cây sứ cũng gắn liền với các công trình. Cây Vạn Niên Tùng hơn 100 năm tuổi ở cung Diên Thọ được xếp vào hàng cổ thụ bậc nhất Việt Nam; tượng trưng cho sự trường thọ và được trồng ở cung Diên Thọ (nơi sống, sinh hoạt của Thái Hoàng Thái Hậu) nên còn được gọi là cây Phật Bà. Hai cây Vải cổ thụ ngay ngắn trong bồn trước sân điện chính cung Diên Thọ. Tại các lăng vua cũng có nhiều cây cổ thụ là nhân chứng sống với công trình lăng như 2 cây Sakê ở lăng Gia Long, những cây Hàm tiếu tại lăng Minh Mạng, cây Vạn tuế có dáng lạ, độc được trồng tại lăng Thiệu Trị, lăng vua Đồng Khánh có cây Ngọc Lan cổ nở hoa thơm ngát…

Cây Mai vàng cổ thụ ở phía trước điện Thái Hòa

Cây ăn quả cũng được trồng ở nhiều di tích như Nhãn, Vải, Mít, Thị. Cây ăn quả đại diện cho cả 3 miền: Hồng, Lê, Vải (miền Bắc); Bứa, Chay, Dâu da, Khế, Me, Mít, Mùng quân, Nhãn (miền Trung); Măng cụt, Mãng cầu, Vú sữa, Xoài (miền Nam). Đây là nét độc đáo của hệ thống cây xanh ở các di tích Huế.

Các loài hoa đặc trưng được trồng từ thời các chúa, vua Nguyễn rất độc đáo và góp phần tạo nên điểm nhấn trong các khu vực di tích. Hoa Mộc cẩn được miêu tả: “Yểu điệu nhưng tươi màu xinh xắn/ Đài trang chỉ hiềm hương nhạt phai”. Hoa Sơn trà: “Muôn sắc gió thoảng phất phơ/ Đẫm sương ướt lạnh đem so tuyết trời”. Hoa có nguồn gốc từ nước ngoài được đưa về trồng ở Kinh thành Huế, biểu tượng cho niềm hy vọng, hàn gắn trái tim tan vỡ. Hoa hồng: “Rực rỡ thoảng hương xinh vạn vẻ/ Mong manh đậm nhạt đỏ đôi màu”. Hoa Giáp trúc đào có 5 cánh, cọng dài, cánh nhỏ màu đỏ nhạt, đẹp tựa hoa đào, lá hẹp dài như tre. Hoa nở từ mùa xuân đến mùa thu.

Hai cây ngô đồng ở phía sau điện Thái Hòa

Loại hoa không thể thiếu trong ngày Tết ở cung đình là hoa Cúc. Theo sách cũ, ở đầm cúc, nước ngon ngọt, trên đầm có giống đại cúc rụng vào trong nước, uống nước này sống thọ hơn 100 tuổi. Hoa Lục địa Kim Liên (Sen đất): “Sen ngát lan tràn khắp mọi nẻo/ Sen mà chẳng phát tự bùn nhơ”. Hoa Hồng quỳ: “Hướng trời thành khẩn nghiêng lòng tỏ/ Sáng trí nghĩ cách giữ gìn thân”. Hoa Hoàng mai (mai vàng): “Nhụy mai mới hưởng chút hơi xuân/ Cành chạm gió đông vẳng tiếng đàn”. Đặc biệt, Hoa Hải đường (thuộc họ Chè) quý đến nỗi vua Minh Mạng cho chạm khắc vào Nghị đỉnh trước Thế Miếu năm 1836. Hoa màu đỏ tươi, cánh hoa lớn và dày, nhụy hoa có màu vàng. Hoa đẹp lâu tàn, màu rực rỡ. Hoa thường được trồng trước sân nhà quyền quý, sân đình, chùa, nhà thời họ tộc…

Độc đáo các vườn thượng uyển trong kinh thành

Vườn Thượng uyển có từ thời chúa Nguyễn với hơn 400 năm trước. Giáo sĩ Jean Koffler - bác sĩ của chúa Nguyễn Phúc Khoát miêu tả: “Trong phủ chúa có một khu vườn lớn, một trong những khu vườn đẹp nhất của kinh thành. Vườn được trồng rất nhiều loại hoa, có nhiều loại hoa được đưa từ nước ngoài về cùng nhiều loại hoa khác. Chúng được trồng trên mặt đất, trong các chậu bằng đất sét có sơn hoặc trong các chậu sứ được chế tác tinh tế. Tất cả được sắp đặt cực kỳ công phu, tạo nên sự phong phú quyến rũ đặc biệt của khu vườn”…

Vườn Thượng uyển quy tụ nhiều loài hoa thơm, cỏ lạ, cây kiểng quý hiếm của nhiều vùng miền đưa về và có cả các loài do các nước ngoài dâng tặng (Sakê, Trầm hương tây dương, Tếch…). Các vườn Thượng uyển chốn cung đình có thể nói là nơi tập trung rất nhiều loài cây trồng bao gồm các loài cây xanh (cây tạo bóng mát), cây ăn quả, cây trồng làm cảnh, cây có hoa…

Một cây sứ cổ thụ trong Kinh thành Huế

Vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức rất hiểu biết và cùng chung sở thích yêu thiên nhiên. Dưới thời 3 vua, nở rộ những công trình phục vụ việc vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng như cung uyển, biệt cung và Ngự viên. Nghệ thuật kiến trúc vườn Cung đình Huế là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc vườn Việt Nam. Vườn Thưởng uyển dần hoàn thiện và phát triển rực rỡ nhất dưới thời vua Nguyễn. Riêng từ thời Minh Mạng đến Thiệu Trị (1820 - 1847), có gần 30 khu vườn rộng hàng trăm hécta đã làm nên vẻ lộng lẫy, quyến rũ, tạo nên một môi trường cảnh quan đặc sắc, nơi sinh hoạt giải trí, dạo chơi ngắm cảnh, thưởng ngoạn và góp phần cải thiện môi trường sinh thái. Trong 20 thắng cảnh của đất thần kinh giữa thế kỷ XIX thì đã có mặt đến 7 khu vườn Thượng uyển: Ngự Viên, Thiệu Phương, Hậu Hồ, Trường Ninh, Tịnh Tâm, Thư Quang, Thường Mậu.

Trong đó, vườn Thiệu Phương (xây dựng năm 1828), được vua Thiệu Trị bình chọn là cảnh đẹp thứ 2 trong 20 thắng cảnh Cố đô. Yếu tố cây trồng, thực vật phân bố trên vườn đa dạng mang nét đặc sắc, phù hợp với ý nghĩa “Thiệu Phương” (truyền mãi hương thơm).

Vườn Thiệu Phương là điển hình cho nghệ thuật kiến trúc vườn cung đình Huế vốn đặt sự tinh tế, hài hoà lên hàng đầu, làm nên một bức tranh quyến rũ. Năm 1841, vườn Thiệu Phương được sửa sang và xây dựng thêm nhiều. Năm 2014, dự án “Bảo tồn, phục hồi thích nghi vườn Thiệu Phương” bắt đầu triển khai khởi đầu cho chuỗi đánh thức các khu vườn Thượng uyển nối tiếng một thời chốn kinh kỳ.

Một trong hai cây Vải khổng lồ ở cung Diên Thọ

TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc TTBTDTCĐ Huế cho biết: “Trong chiến lược bảo tồn, trùng tu di tích, TTBTDTCĐ Huế xác định có ba nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm đầu tư thích đáng đó là Văn hóa phi vật thể, Văn hóa vật thể và cảnh quan môi trường. Trên lĩnh vực cảnh quan môi trường thì bên cạnh việc bảo tồn, chăm sóc hệ thống sân vườn hiện còn, đơn vị sẽ tập trung nghiên cứu bảo tồn, phục hồi các khu vườn Thượng uyển tiêu biểu nhăm tạo điểm tham quan hấp dẫn nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

Một trong những khó khăn của việc phục dựng các khu vườn Thượng uyển là việc xác định các chủng loại cây trồng đã từng xuất hiện ở các khu vườn này khi xưa và việc sưu tập các loài cây quý hết sức khó khăn vì số lượng không còn nhiều và nhiều loài hâu như đã mất giống”.

Nhiệm vụ chính của vườn là nghiên cứu, sưu tập, nhân giống các chủng loại cây quý để phục vụ cho công tác bảo tồn, tôn tạo cảnh quan di tích Huế, đặc biệt là các vườn Thượng uyển. Bên cạnh đó, đây còn là nơi sưu tập, lưu giữ, giới thiệu những loài thực vật có giá trị, ý nghĩa biểu trưng gắn liền với các khu di tích nên sẽ tạo ra địa điểm tham quan lý thú, thu hút khách; nghiên cứu học tập và tổ chức khai thác dịch vụ.

Hai cây Gỗ tếch khổng lồ ở sân phía Tây điện Thái Hòa

Năm 2014, TTBTDTCĐ Huế cho đầu tư lập “Vườn sưu tập nhân giống, bảo tồn các giống cây di tích”. Hiện vườn đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả và trong tương lai gần thì các giống cây quý từng gắn liền với các khu di tích Huế sẽ dần được phục hồi góp phần hồi sinh bộ mặt cảnh quan đặc sắc, độc đáo của Cố đô Huế mà không nơi nào có được”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang