Truyện vui đầu năm:

Nói dóc siêu đẳng

Chủ Nhật, 05/02/2023 17:20

|

Trong ấp có ông Tám Năng, nhà cửa, con cháu đề huề. Tuổi ông ngoài 70, gương mặt hiền lành, thoáng chút hóm hỉnh, thời trẻ từng đi đây đó nhiều nơi, thông hiểu sự đời. Ông là một "cây thời sự", đồng thời cũng là "vua... nói dóc". Ấy vậy mà trong xóm ai cũng yêu mến. Trong những câu chuyện do ông sáng tác, ông thường dùng danh xưng "tao", bất kể người nghe đủ mọi lứa tuổi. Nhân vật chính thường là ông hoặc người thân trong gia đình ông, còn đối tượng thì thuộc vào số đông, cơ quan, đoàn thể, chớ không nhằm vào cá nhân nào. Sự cường điệu của ông vượt quá sức tưởng tượng, nhưng tình tiết vẫn hợp tình, hợp lý, giống như nhà văn viễn tưởng người Pháp Jules Verne.

Hãy nghe ông Tám Năng kể: "Bữa đó, tao coi truyền hình, thấy phát động phong trào hiến máu nhân đạo với khẩu hiệu "Cứu một mạng người bằng xây bảy ngôi chùa"...". Cử tọa xung quanh nhìn nhau cười mỉm, hứa hẹn trận cười sắp tới như bắp rang. Ông Tám tiếp lời: "Tao muốn lắm, nhưng người ốm yếu lấy máu đâu mà hiến? Tao mới nghĩ tới thằng cháu, thằng này to con, mập mạp. Dạo này nó thường hay than bị váng vất, nhức đầu. Nghe qua là biết thằng này dư máu. Tao mới khuyên nó nên đi hiến máu, trước là cứu người, sau thì có lợi cho bản thân. Sáng hôm sau, nó xăng xái tới bịnh viện. Người ta hướng dẫn nó đến phòng số 12. Cô y tá chẳng nói chẳng rằng, đưa tay chỉ cái giường, biểu nó lên đó nằm chờ. Mà tụi bây biết, thời đó làm gì có máy móc hiện đại như bây giờ, toàn làm thủ công không hà!".

"Thủ công là sao bác Tám?", một cử tọa hỏi. Ông Tám Năng nói: "Là làm bằng tay đó. Đầu tiên, cô y tá lấy một cái chai, cho chất gì đó vào trỏng, một ống hút bằng nhựa cỡ ngón tay út dài chừng thước rưỡi, kiểu ống dây của mấy ông thợ hồ lấy mực nước, đem tới bên thằng cháu tao, biểu nó vén tay áo qua khỏi cùi chỏ. Cổ lấy sợi dây thun buộc vào đó cho nổi đường gân lên rồi rút trong túi áo bờ-lu-dông ra một mũi kim gần bằng đầu đũa, dài cỡ nửa gang tay. Cổ nhét đít kim vào một đầu ống nhựa, tay phải cầm kim đâm vô động mạch, tay trái đưa đầu ống nhựa còn lại vô miệng rồi hút nghe... "một cái rột". Máu chảy vào đường ống, cổ với tay lấy cái chai, đút đầu ống vào, động tác thành thạo như bà bán xăng lậu".

Lúc đó, có một cô y tá khác ló đầu vào, nói: "Ê, Thủy! Có má mày ở quê lên thăm". Cô y tá mừng rỡ, đưa tay chỉ cái chai, rút cục phấn vạch một đường trên đó, dặn dò thằng cháu tao: "Nè, nghiêng qua coi nè... Canh chừng nào máu chảy tới cái vạch này thì bẻ gập cái ống lại, đừng cho nó chảy nữa. Nhớ nghe. Tui xuống thăm má tui một chút rồi tui vô”. Cô y tá đi rồi, thằng cháu tao nằm suy nghĩ miên man, thỉnh thoảng nhìn cái chai. Từng giọt máu nhỏ xuống đều đều, khiến nó bị hoa mắt, cộng thêm giường nệm êm ru, tiếng quạt trần ro ro, cơn buồn ngủ ập đến. Nó cố cưỡng lại. Càng cưỡng thì mí mắt nó càng ríu lại. Chẳng bao lâu, tiếng ngáy của nó còn lớn hơn tiếng gọi đò qua sông.

Còn cô y tá, lâu ngày gặp lại nên hai mẹ con cổ hàn huyên tâm sự đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, cho tới khi trưa trờ trưa trật. Hồi lâu sực nhớ ra, cổ gấp gáp nói: "Má ngồi đây chờ con. Con vô "rút ống" cho người ta về rồi con với má xuống căn-tin ăn cơm nghen má!". Cổ ba chân bốn cẳng chạy vô phòng. Vừa đẩy cửa bước vào, cổ sững người lại rồi kêu lên một tiếng kinh hoàng, ngã xuống bất tỉnh. Nghe tiếng kêu, mọi người xung quanh chạy tới thì thấy một cảnh tượng hãi hùng: sàn nhà lênh láng máu. Thì ra thằng cháu tao ngủ quên, đâu có nhớ tới cái vụ "bẻ ống", thành ra máu chảy đầy chai rồi tràn ra nền nhà... (Đám đông có tiếng người rủa cô y tá). Người ta vội vàng sơ cứu cho cổ và đưa thằng cháu tao vào phòng hồi sức cấp cứu đặc biệt. Chừng tháng sau thì nó xuất viện.

Đám đông tiu nghỉu, thất vọng: "Vậy thôi hả anh Tám?". "Hết rồi hả bác Tám?". Ông Tám Năng nâng chén trà lên chiêu một ngụm, thủng thẳng nói: "Nếu chỉ có vậy thì tao kể cho bây nghe làm chi?". Đợi cho cử tọa mất kiên nhẫn, ông Tám mới chậm rãi: "Bữa đó đi chợ, tao gặp con vợ của thằng cháu tao là con Én. Nó xách một giỏ hột gà đi bán. Tao mới hỏi: "Bộ nhà mày nuôi gà nhiều lắm hả?". Nó trố mắt: "Dạ, con đâu có nuôi con gà nào". "Vậy sao mày có hột gà đem bán?". Nó trả lời đầy hãnh diện: "Dạ, chồng con nó đẻ đó!". Tao mới nạt: "Bộ mày muốn giỡn mặt tao hả?". Con nhỏ hết hồn: "Dạ, con đâu dám. Con nói thiệt tình đó”. "Là sao? Mày kể rõ đầu đuôi tao nghe coi!".

Nó mới kể: "Dạ, từ bữa xuất viện về nhà, ảnh vẫn khỏe mạnh, ăn uống, sinh hoạt bình thường. Nhưng hễ trời chạng vạng thì ảnh lên giường ảnh ngủ, rồi chừng 3 giờ sáng, ảnh thức dậy, đứng trên giường, hai tay vỗ đùi đồm độp, ngửa cổ gáy "ò... ó... o...".

Thiên hạ cười rân trời: "Rồi sao nữa bác Tám?". Ông Tám Năng làm bộ tức giận: "Thì làm ăn kiểu đó chịu đời sao thấu? Con vợ nó khiếu nại lên cơ quan hữu trách thì được trả lời rằng: "Đây là sự việc vô cùng đáng tiếc. Cơ quan chúng tôi tìm mọi cách vô máu cho bệnh nhân, nhưng đây là trường hợp có một không hai trên thế gian này. Máu của chồng cô hoàn toàn không tương ứng với bất cứ loại máu nào hiện có trên thế giới. Coi như "bó tay". Nhưng với y đức của người thầy thuốc, đội ngũ y tế chúng tôi quyết tâm phải cứu sống mạng người và cũng để chuộc lại lỗi lầm mà nhân viên của chúng tôi vấp phải. Với sự lao động cần cù, đầu óc sáng tạo, chúng tôi đã phát minh ra một hỗn hợp máu thích nghi được với cơ thể của chồng cô, mà thành phần chủ yếu là... máu gà. Vì vậy, ít nhiều cũng bị... ảnh hưởng".

Một tràng cười nổ ra. Ông Tám điềm nhiên giải thích: "Tao nghĩ họ nói cũng đúng, ảnh hưởng là cái chắc. Tụi bây coi, trong xóm mình có thằng Quấy hung dữ vô cùng. Vậy mà khi nó bị tai nạn mất nhiều máu, bịnh viện vô máu cho nó. Bây giờ, nó hiền khô đó. Chắc vô nhầm máu của... người hiền. Rồi thằng Lợi đó, nào giờ có biết cờ bạc gì đâu, bịnh viện vô máu cho nó xong, không biết máu của thằng nào mà bây giờ nó trở thành "thần bài", hên xui...".

Ông Tám kể tiếp: "Tao mới hỏi con Én: "Người ta nói như vậy rồi mày tính làm sao?". Con Én ra chiều tức tối: "Con mới cự: "Tui hổng biết, mấy ông làm sao thì làm, miễn chồng tui đừng có gáy nữa". "Rồi, mấy ổng...?". Tao hỏi chưa dứt thì nó dịu giọng lại: "Mấy ổng lắc đầu, coi như khó còn hơn lên trời. Con mới hiến kế: "Vậy sao mấy ông không vô máu gà mái, ổng làm sao gáy được? Cũng phải để cho người ta ngủ nghê gì chớ". Nghe vậy, mấy ổng mừng rỡ, lập tức kêu chồng con vô, rút máu gà trống ra, bơm máu gà mái vào". Rồi con Én nó kết luận: "Nghĩ lại thương và mang ơn mấy ổng vô cùng. Kể từ đó, chồng con hết gáy, bù lại ngày nào ổng cũng... đẻ một trứng. Riết rồi... ăn đâu có hết!".

Thiên hạ cười nghiêng ngả, đến nỗi vầng trăng lơ lửng trên không trung cũng phải... cười theo!

Bình luận (0)

Lên đầu trang