Nhận xét của ông như thế nào?", tôi không đáp vì thấy khó diễn đạt quá... Rồi một người bạn vong niên hỏi qua điện thoại: "Ông thấy họ giàu không?", tôi đáp ngay: "Quá giàu!", người bạn tiếp: "Ông thấy họ sang không?", tôi nói theo suy luận của mình: "Người ta thường ghép hai tính từ này đi đôi chớ thật ra ý nghĩa của nó thì hoàn toàn độc lập. Giàu chưa phải đã sang, nghèo chưa hẳn đã hèn. Cái sự sang hay sự hèn đều do cách sống của con người mà ra cả...".
Tôi viết bài này vào giữa tháng 5-2021 thời điểm mà dịch Covid-19 hoành hành ở Ấn Độ, đang quay trở lại đe dọa cuộc sống của nhiều quốc gia ở vùng Đông Nam Á, một bối cảnh làm cả nhân loại đảo điên dù các phương tiện y khoa hết sức tân tiến, dồi dào hơn bất cứ thời đại nào. Thời tiết miền Nam không thuận lợi, cái nắng đổ lửa và không khí hầm hập đè lên vạn vật làm con người cảm thấy bức bối, khó chịu. Ấy vậy mà, nhiều người vẫn không quên bàn tán câu chuyện bà tỷ phú nọ khoe mình giàu, mình giỏi, mình đẹp, có viên hạt xoàn "bự tổ chảng", có tài sản mênh mông, bất tận... Người cầm bút không muốn nhắc lại những ngôn từ mà có lẽ những người theo dõi Facebook vẫn còn nhớ như in, mà chỉ muốn bộc bạch những suy nghĩ xung quanh chuyện nhân tình thế thái, tự đặt ra một vấn đề "Ta đứng đâu giữa cuộc đời này" và bỗng nhớ "nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh".
Châu Nhuận Phát, một tỷ phú nằm trong "ngũ hổ tướng" của điện ảnh Hồng Kông, mới đây đã quyết định hiến tặng 90% số tài sản của mình cho các quỹ từ thiện (hơn 700 triệu USD), bởi theo ông: "Tôi trả lại những gì mà xã hội đã cho tôi, nó không phải của tôi mà của khán giả, những người yêu mến điện ảnh đóng góp cho sự phát triển của lãnh vực này. Những cái gì cần thiết để một con người sống cho có ý nghĩa trên cõi đời này thì tôi đã nỗ lực hành động suốt mấy chục năm qua. Tôi không biết mình sẽ ra đi lúc nào, chẳng mang theo được gì ngoài một tâm thức mà tôi đang thiền tịnh để nhẹ nhàng, thanh thản...".
Steve Jobs, ông vua trong lãnh vực công nghệ số, đồng sáng lập, Chủ tịch điều hành của hãng Apple, ra đi ở tuổi 56 do ung thư tuyến tụy, để lại bao niềm tiếc thương cho cả nhân loại. Trong những ngày cuối đời, ông than thở do đam mê làm việc không quan tâm đến sức khỏe bản thân nên dẫn đến sự thể. Giờ đây số tài sản kếch xù (8 tỷ đôla Mỹ) cũng không giúp cho ông được sự sống, ngay cả một ước muốn hết sức bình thường là được ngồi cùng bàn ăn với vợ con cũng không thực hiện được... Rõ ràng, con người tạo ra của cải, chớ vật chất không dựng lên được con người...".
Cuộc chiến chống dịch Covid-19, sự hy sinh cao cả
Hình ảnh của vài nhân vật vừa có tiền vừa có tiếng trên đây cho chúng ta thấy, dù con người có đạt đến đỉnh nào trong cuộc sống, danh vọng hay tiền bạc, cuối cùng cái giá trị cần thiết nhất cho cuộc đời chính là sự bình yên, là những gì đơn giản nhất như bản chất "Nhân chi sơ vi bản thiện". Một ngôi nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười có giá trị hơn một cung điện đầy nước mắt (ngạn ngữ Do Thái)! Nhân loại từng chứng kiến không ít biến cố đầy nước mắt ở một số hoàng tộc, hoàng gia và cũng biết không ít những vĩ nhân, anh hùng sống an vui trong mái ấm đơn sơ, thanh đạm của họ. Không thể phủ nhận giàu là người giỏi, người có trí, có mưu lược và theo thuyết Phật giáo, đó là người có phước, có đức, do biết tu hành, làm nhiều việc tốt mà nên.
Tuy nhiên, ở bất cứ xã hội nào cũng có loại người giàu do cơ hội, do "có gan", do liều mạng, do biết tận dụng sơ hở của luật pháp, luồn lách theo những biến động về xã hội, kinh tế. Hạng người này thăng tiến không theo qui luật, thậm chí chẳng học hành, chuyên môn gì, gây ra biết bao nhũng nhiễu trong đời sống, phá hỏng các lễ nghi, ứng xử, giao tiếp trong cộng đồng. Giàu mà có ích cho người nghèo, tạo nơi chốn sinh nhai như ông Quách Đàm thì đáng được nhiều người tri ân; Giàu mà biết dang tay đùm bọc người dưng, cứu giúp bao mảnh đời bất hạnh như ông Trần ở Long Sơn thì thật đáng ngưỡng mộ; Giàu mà biết góp sức phát triển quốc gia, đưa uy danh đất nước ra bốn bể, năm châu như ông Phạm Nhật Vượng thì sử sách lưu danh muôn thuở... Giàu mà dương dương tự đắc, tự phong cho mình là kẻ có quyền đè ép, phỉ báng người khác, dùng tiền để khoe siêu xe, siêu ngựa và cả siêu gái, thì cái sự giàu ấy đã ngày càng "nhai" mất nhân cách, tâm hồn con người rồi.
Người ta nói "Phú quý sinh lễ nghĩa"? Điều này đúng! Càng giàu sống càng phải có chuẩn mực? Điều này chưa hẳn! Đồng tiền đến đâu, văn hóa đến đó? Điều này hoàn toàn không đúng! Tôi quen biết không ít gia đình quyền chức, giàu có, nhưng thật đáng ngạc nhiên, bên trong ngôi nhà kiêu kỳ, trang bị rất nhiều thứ xa hoa, là một sự hỗn độn về cách sống và cư xử. Có những đôi vợ chồng cãi vã nhau thường xuyên, dùng những ngôn từ "chợ búa" ăn trả, thậm chí lôi ra cả cha mẹ, họ hàng để "trút cơn bực dọc... Ăn sang, mặc đẹp nhưng nghèo về tri thức, mục rỗng tâm hồn, cạn cùng trong cách đối xử với đồng loại.
Trong cuộc sống, nhất là vào thời đại khoa học tiến như vũ bão, cái nghèo luôn làm cho con người dập tắt những ước mơ, giới hạn nhiều nhu cầu cả vật chất lẫn tinh thần, phơi bày những hình ảnh khổ đau, tiêu cực trong xã hội; tuy nhiên họ không phải là thành phần thừa thải, không phải là "tượng đá” trước vòng quay nhật nguyệt và lại càng không phải là kẻ ngồi chờ ơn mưa mốc... Một sinh viên sắp ra trường hy sinh cả tính mạng để cứu ba cô gái đang bị sóng biển cuốn trôi; đôi vợ chồng già mua ve chai trả lại cho người đánh rơi gần một tỷ bạc; anh chạy xe ôm mang đến thùng ATM tình thương 20 ký gạo giúp cho người khổ hơn mình; một bà bán xôi gởi đến bệnh viện 10 gói quà "mồ hôi nước mắt" chia sẻ nỗi gian lao với nhân viên chống dịch Covid-19... Những hình ảnh ấy nói lên điều gì, nếu không phải là cái giàu, cái sang của tâm hồn, sự cao cả trong cách cư xử giữa người với người, cái giá trị thiện mỹ mà nhân loại có lương tri đang nỗ lực xây dựng?!
Người được trời ban cho nhan sắc là diễm phúc, chiếm một phần ưu thế ở đời, dễ được tình cảm trong quan hệ, giao tiếp. Hàng năm, xã hội đều tổ chức nhiều chương trình "Miss" để tìm ra những người đẹp nhất và trao cho họ những điều kiện tiến thân vượt trên mọi điều mơ ước. Dĩ nhiên, đây là những nhan sắc có linh hồn, chớ không phải qua xử lý nhân tạo, dao kéo, chỉnh sửa của các nhà thẩm mỹ học. Một người phụ nữ đẹp không có bông hoa nào có thể sánh bằng, có thể làm "nghiêng thành đổ nước", khiến "chim sa, cá lặn", mà tiêu biểu có thể kể đến những mỹ danh mà nhiều người biết đến: Cléopatre - nữ hoàng của Ai Cập cổ đại, Tây Thi - hình tượng không phai mờ của văn học Trung Quốc, Aishwarya Rai - người Ấn, hoa hậu của một thời đại... Còn ai có thể tự cho mình có dung nhan "thay đổi cả thế giới" này?!
Trong xã hội chúng ta, từ ngàn xưa cũng đã có những tên tuổi làm rạng danh nước Việt, như Bùi Thị Xuân, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm... Họ là những phụ nữ tài trí thật sự, đã để lại cho đời một dung - nhan - bất - tử, bởi cái đẹp đã vượt qua khuôn khổ của phận "yếm vận quần thoa". Ta tri ân những người này, bởi cái đẹp của họ đã lan tỏa vào bao con tim lòng yêu nước, yêu quê hương, xứ sở của mình.
Cuối cùng rồi, cái nết sẽ đánh chết cái đẹp. Không ai chịu nổi một nàng "hoa hậu" ăn mặc diêm dúa, suốt ngày cứ ăn chơi, nhảy múa, miệng mồm tục tằn, thô lỗ, tự khoe mình giàu, mình đẹp. Người đàn bà, nếu không phải là "hồng nhan bạc phận", là bất hạnh trên đường tình duyên, thì hẳn là... một bà Phó Đoan trong tác phẩm Số Đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Nhân loại không ai ca n gợi gã đàn ông có lắm vợ hoặc người đàn bà có nhiều chồng, mà chỉ quí trọng lòng chung thủy, trung trinh tiết liệt, biết thượng tôn giá trị của tình yêu, tình vợ chồng.
Hình ảnh của nàng Tô Thị, của chị Dậu (trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố), Lê Thị Điền (vợ Nguyễn Đình Chiểu), Phạm Thị Mẫn (vợ Tú Xương)... sẽ không bao giờ phai tàn với thời gian. Trong xã hội hiện nay, có không ít người phụ nữ làm chuyện lớn lao, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, nhưng họ không quên "công, dung, ngôn, hạnh". Cái đẹp tâm hồn mới chính là thứ không có vàng bạc, đá quý nào đánh đổi được. Mai cốt cách, tuyết tinh thần - đại thi hào Nguyễn Du đã miêu tả cái đẹp của chị em nàng Kiều như thế. Và đây là lời thuyết trình tại Miss Universe của Andrea Meza, Hoa hậu Hoàn vũ lần thứ 69 vào ngày 17-5-2021: "Chúng ta đang sống trong một xã hội ngày càng tiến bộ hơn. Ngày nay vẻ đẹp không phải là những gì chúng ta nhìn thấy bên ngoài, đối với tôi, vẻ đẹp không chỉ tỏa ra ở tâm hồn, mà còn ở trái tim và cách chúng ta ứng xử...".
Điều cũng đáng nói, trong lúc vợ chồng kia chửi bới, thách thức nhiều người, trong đó có cả một số nghệ sĩ tên tuổi, thì một kẻ xưng danh (hay mạo danh) luật sư "hùa" theo gọi các nghệ sĩ là đồ "xướng ca vô loại". Có thể để lấy lòng thân chủ mà sẵn sàng bôi đen cả... danh dự, có thể đây là dịp để chứng tỏ năng lực cãi vã của mình và cũng có thể tự cho ta là "cao quí” hơn tất cả mọi người có quyền áp đặt những ngôn từ phỉ báng, xấu xa lên kẻ khác... Dù thế nào đi nữa, nếu là luật sự... có giấy chứng nhận, thì sự hiểu biết của con người này quá kém cỏi, nhận thức về nhân sinh quan quá tệ hại, trình độ làm nghề chắc chắn không thể chí công vô tư. Người được giao cán cân công lý phải biết phò chính trừ tà, phải có lương tâm chức nghiệp, đạo đức là yếu tố không thể tách rời trong quá trình tác nghiệp.
Cuộc sống của con người không chỉ xoay quanh chuyện ăn ở, thụ hưởng vật chất, mà chính những phương tiện về tinh thần mới nâng cao giá trị của cộng đồng có tri thức, gợi mở trong tâm hồn những xúc cảm về vẻ đẹp của trời đất, của đất nước, của tình yêu đôi lứa, của huyết thống gia đình. Jimmy Carter, Tổng thống thứ 39 của Mỹ từng nói: "Giống như âm nhạc và mỹ thuật, tình yêu thiên nhiên là thứ ngôn ngữ chung có thể vượt qua các ngăn cách chính trị hoặc xã hội".
Do những quan niệm sai lầm từ thuyết Nho giáo, những người cầm quyền của các chế độ phong kiến đã phân chia giai cấp, thành phần trong xã hội, tạo nên định kiến, bất công trong sinh hoạt cộng đồng. Người làm nghề đờn ca, hát xướng bị liệt vào thứ "vô loại" vì họ không thuộc tầng lớp "ngư, tiều, canh, mục" hoặc "sĩ, nông, công thương". Có vị vua còn qui định con cái "bọn hát xướng" không được đi thi và hạn chế các quyền lợi xã hội của họ. Sự áp đặt này không khác gì cái đạo lý bất di bất dịch: "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung - Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu"... Chính sự hiểu biết ấu trĩ đó mà hàng ngàn năm đất nước ta cứ mãi nghèo nàn, lạc hậu, đời sống tinh thần chỉ giới hạn trong một số lĩnh vực kinh sách, thơ phú...
Nghệ sĩ ngày nay đã khác, không chỉ làm công việc giải trí, cho người mua vui, mà họ còn được xem là người lính công tác trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần giáo dục lòng yêu nước, yêu đồng loại, yêu lẽ phải, yêu gia đình, yêu nghề nghiệp... Giới nghệ sĩ nói chung đang gánh vác một nhiệm vụ hết sức vinh quang nhưng cũng nhiều thử thách ấy.
Ngoài sự ưu ái, ngưỡng mộ của đông đảo công chúng, giới nghệ sĩ nói chung được Nhà nước trọng vọng, tạo mọi điều kiện cần thiết để biểu diễn, sáng tác, giành nhiều danh hiệu cao quý tặng thưởng cho những tập thể, cá nhân có bề dày hoạt động, những tài năng cống hiến những sản phẩm nghệ thuật phát triển trí tuệ, văn minh cộng đồng.
Trong xã hội, có không ít người ngộ nhận về mình, tự cho mình tài, mình đẹp, mình giàu, mình khôn ngoan... tất cả những cái "ta" thấy chỉ là giọt nước, còn những cái ta không thấy, không biết, không hiểu, không làm được... là cả một đại dương. Ở thời đại này, ta không thể sống như Robinson (sống ở đảo hoang 11 năm - tiểu thuyết của nhà văn Anh Daniel Defoe), mà có những mối quan hệ không thể tách rời: cộng đồng - gia đình - cá nhân. Giá trị về sự sống của mỗi con người là như nhau, nên phải có ý thức tôn trọng, phải cư xử tử tế, phải nhìn nhận sự đóng góp của mỗi cá thể, dù nhỏ, để cuộc sống con người ngày càng tiến bộ, hạnh phúc hơn. Người có tiền của, có địa vị càng phải chứng tỏ giá trị qua lối sống, suy nghĩ và hành động với nhân quần.
(Tháng 5-2021)