Hai cựu cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam nhận hối lộ thế nào?

Bài cuối: Bị lừa "chạy án"

Thứ Bảy, 20/07/2024 12:10

|

(CATP) Theo cáo trạng, đây là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm (ĐK) phương tiện xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa. Hành vi phạm pháp xuyên suốt từ trên xuống dưới, kín kẽ và có quy mô khắp cả nước tồn tại trong thời gian dài, không chỉ lãnh đạo mà còn rất nhiều người có chuyên môn trong ngành ĐK đều không giữ được đạo đức, đã lợi dụng nghề nghiệp để làm tiền. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ, các phần mềm chỉnh sửa dữ liệu cũng được các bị cáo đưa vào nhằm quản lý, khai thác triệt để phục vụ cho hành vi bất chính của cả hệ thống mà rất khó phát hiện ra.

Lập công ty sân sau bao dịch vụ trọn gói đăng kiểm

Vụ án này, rất nhiều công ty tham gia làm dịch vụ bao trọn hồ sơ (HS) ĐK và đưa hối lộ. Điều đáng nói, để hành vi sai phạm lan rộng và tồn tại trong thời gian dài là nhờ hậu thuẫn từ các công ty sân sau do chính cán bộ và nhân viên Cục ĐK Việt Nam lập nên để "bao sân".

Theo đó, Lại Thái Phong - Phó chánh Văn phòng Cục ĐK Việt Nam đã cùng Nguyễn Minh Tuấn và Lê Đức Thiện tham gia thành lập, quản lý và điều hành hoạt động của Công ty TNHH dịch vụ thiết kế kỹ thuật ôtô Đức Thịnh và Công ty TNHH ôtô Nam Phát (cùng địa chỉ tại số 1 ngõ 63, Phú Đô, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội). Khi khách hàng có nhu cầu cơi nới, chỉnh sửa xe, hai nơi này sẽ thực hiện thiết kế cải tạo, thi công cũng như bao HS ĐK đạt. Phong, Tuấn, Thiện thỏa thuận ăn chia lợi nhuận theo tỷ lệ: Phong và Tuấn mỗi người hưởng 30%, Thiện hưởng 40% từ hai công ty này. Tuấn tham gia vào việc điều hành hoạt động từ cuối tháng 05/2019, để được thẩm định đạt tổng cộng 5.409 HS ĐK cho hai công ty. Từ 01/6/2019 - 30/9/2022, Phong, Thiện, Tuấn đã thống nhất để Thiện trực tiếp liên hệ đưa tiền hối lộ cho các ĐK viên Phòng VAR tổng cộng hơn 12,2 tỷ.

Đại diện viện kiểm sát tham gia phiên tòa

Bên cạnh đó, các ĐK viên Phòng VAR cũng không kém cạnh, đã tạo lập công ty sân sau để bao dịch vụ. Trong đó các ĐK viên Hoàng Xuân Thảo, Trịnh Bình Dương, Vũ Hồng Quang góp vốn thành lập Công ty dịch vụ ôtô An Bình và Công ty VCAR tại Hà Nội. Sau khi thành lập, 3 ĐK này thuê Lã Thu Chiền làm giám đốc. Từ 01/03/2019 - 30/9/2022 Công ty An Bình thẩm định đạt 4.242 HS và đưa hối lộ tổng số tiền hơn 10,6 tỷ. Công ty VCAR thẩm định đạt 277 HS và đưa hối lộ 554 triệu cho các ĐK viên... Ngoài ra, người quen có mối quan hệ trong lĩnh vực này cũng mở công ty thực hiện dịch vụ. Trong số 15 công ty trong vụ án này, nhiều công ty có HS ĐK đạt rất lớn như Công ty Tiên Phong 5.580 HS, số tiền đưa hối lộ hơn 11,3 tỷ...

Trong vụ án này, Cơ quan CSĐT đã tách hành vi và chuyển HS đến Công an các tỉnh, thành xử lý 10 công ty thiết kế cải tạo xe cơ giới theo thẩm quyền. Số lượng HS 10 công ty này ĐK đạt và số tiền đưa hối lộ cũng rất lớn.

Bị lừa vì tìm đường chạy án

Sau khi thu thập đầy đủ tài liệu và chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội, tháng 12/2022, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM khởi tố vụ án "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tham ô tài sản".

Cùng với việc khởi tố vụ án, nhiều bị can đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến đường dây ĐK sai phạm. Lo sợ hành vi sai phạm của mình bại lộ, Đặng Việt Hà đã gọi và đưa lại cho Trưởng Phòng VAR Trần Anh Quân 5 tỷ. Đồng thời, Hà cho người thân hữu dò la tin tức nội bộ vụ án.

Sau khi được Lại Thái Phong là Phó chánh Văn phòng Cục ĐK Việt Nam, một "đệ ruột" rỉ tai rằng có quen biết với Nguyễn Văn Chung (SN 1979, HKTT: Hà Nội) là người "nổ" có nhiều mối quan hệ với các cơ quan Công an. Khi biết được thông tin này, Hà gật đầu đồng ý ngay. Hà nói với Phong chuyển lời nhờ Chung đứng ra lo liệu việc "giải vây". Đặng Việt Hà đã trao đổi với Trưởng Phòng VAR Trần Anh Quân dùng 5 tỷ mà Hà đã đưa lại trước đó để lo việc này. Hà chỉ đạo Quân đổi thành 100 ngàn USD đưa đến phòng làm việc cho Hà để Phong mang đưa cho Chung.

Tuy nhiên, Chung không hề có mối quan hệ nào, hàng ngày chỉ theo dõi thông tin vụ án qua báo chí rồi hỏi lại Phong hành vi của Hà khi điều hành và những sai sót để nắm chi tiết rồi té nước theo mưa! Không có khả năng lo liệu việc "giải vây" cho Hà như thỏa thuận, Chung chiếm đoạt toàn bộ số tiền này. Khi biết Hà bị Công an triệu tập làm việc, Chung đã trả lại tiền. Cay cú vì bị "dắt mũi", ngày 29/8/2023, Hà có đơn tố cáo Nguyễn Văn Chung lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Biết thông tin, Chung cũng đến Cơ quan điều tra nộp đơn tự thú và trình bày toàn bộ nội dung vụ việc, thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Theo cáo trạng, đây là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước đối với hoạt động ĐK phương tiện xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa.

Các bị cáo được tại ngoại phải có mặt xuyên suốt tại tòa

Ngày 19/7, TAND TPHCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm đối với 254 bị cáo trong vụ đại án ĐK xảy ra tại Cục ĐK Việt Nam, các Trung tâm ĐK và Chi cục ĐK tại TPHCM và các địa phương khác. Do số lượng bị cáo quá đông nên phải mất hơn một ngày phần thủ tục và thẩm tra lý lịch đối với các bị cáo mới được hoàn tất. Trước khi đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng, chủ tọa phiên tòa Huỳnh Văn Trực thông báo, trong phần xét hỏi, mỗi ngày HĐXX sẽ tiến hành thẩm vấn đối với 15-30 bị cáo. Do hiện tại, phần lớn các bị cáo đang ở hội trường Trại tạm giam Chí Hòa (T30) nên khi thẩm vấn tới bị cáo nào, HĐXX sẽ có danh sách bị cáo cụ thể gửi cho trại giam để dẫn giải đến tòa. HĐXX lưu ý, tại phần xét hỏi các bị cáo tại ngoại và luật sư bào chữa cho các bị cáo này phải có mặt tại tòa. Nếu các bị cáo vắng mặt coi như vắng không lí do và nếu luật sư vắng mặt, HĐXX xem như không tham gia phần xét hỏi. HĐXX cũng thông báo, kết thúc phần xét hỏi đối với nhóm tội danh nào thì sẽ tiến hành tranh luận, đề nghị mức án đối với nhóm tội danh đó. Nếu luật sư vắng mặt thì HĐXX sẽ không quay lại phần tranh luận.

Bình luận (0)

Lên đầu trang