(CATP) Từng là nhân viên của một công ty tài chính, sau khi nghỉ việc, nhóm đối tượng còn trẻ tuổi đã bàn bạc, cùng nhau kiếm tiền bất chính. Nạn nhân mà nhóm này nhắm đến là những người già gặp khó khăn, cần vay vốn. Sau gần một tháng điều tra, Công an Q11 đã lần ra được nhóm đối tượng trên.
Thủ đoạn lừa đảo mới
Khoảng giữa tháng 8/2023, ông Lý T.T (SN 1968, ngụ P11, Q11) được người xưng tên Lực tự giới thiệu là nhân viên của một công ty tài chính, gọi điện hỏi ông có muốn vay vốn không để Lực hỗ trợ làm thủ tục vay. Ông T. nói muốn vay 10 triệu đồng thì Lực tư vấn khoản vay ít nhất phải là 60 triệu đồng. Nghe ông T. thở dài, đối tượng trấn an rồi bảo nếu muốn vay 10 triệu đồng thì cứ làm hợp đồng vay 60 triệu đồng, sau đó làm thủ tục trả lại 50 triệu đồng cho công ty, coi như chỉ còn vay 10 triệu đồng. Tưởng thật, ông T. đồng ý.
Khoảng 20 giờ ngày 22/8, Lực gọi điện cho ông T., bảo đến cửa hàng Thế Giới Di Động trên đường Lãnh Binh Thăng (P8, Q11), sẽ có nhân viên hỗ trợ làm thủ tục vay tiền. Đến nơi, ông T. cùng vợ gặp 2 nam thanh niên tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng, yêu cầu vợ chồng ông sang quán trà sữa sát cửa hàng Thế Giới Di Động để hướng dẫn làm thủ tục vay. Tại đây, nam thanh niên xưng tên Thắng bảo ông T. đưa sim điện thoại để lắp vào ĐTDĐ của mình rồi gọi cho công ty tài chính làm thủ tục đăng ký vay tiền online. Hơn 15 phút sau, nam thanh niên còn lại dẫn ông T. vào cửa hàng Thế Giới Di Động làm thủ tục vay vốn, giải ngân. Tiếp theo, nam thanh niên này bảo ông T. đến quầy thu ngân, ký vào giấy tờ để nhận 60 triệu đồng tiền mặt. Lúc này, nhân viên nữ của cửa hàng Thế Giới Di Động đưa một tờ giấy liên quan đến việc vay tiền cho ông T. thì nam thanh niên đi cùng chụp lấy, không cho ông T. xem.
Từ trái qua: Tân, Bách, Duy và Uyên
Sau khi ông T. nhận 60 triệu đồng, ông cùng người thanh niên trên quay lại quán trà sữa để gặp Thắng. Thắng đưa một bộ hồ sơ, nói đó là "hồ sơ đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng bằng phương tiện điện tử" đã chuẩn bị từ trước để ông T. ký tên. Thắng giải thích trong hợp đồng có 2 nội dung ở phần cuối hợp đồng, gồm: số tiền khách hàng nhận thực tế và số tiền ngân hàng thu về. Thắng bảo ông T. ghi vào mục "số tiền khách hàng nhận thực tế" là 10 triệu đồng, mục "số tiền ngân hàng thu về" là 50 triệu đồng. Sau khi ông T. ghi xong, Thắng bảo ông đưa 50 triệu đồng cho mình để nộp lại công ty tài chính. Như vậy, số tiền ông T. thực nhận chỉ có 10 triệu đồng.
Ngày 18/9/2023, ông T. cùng vợ đến phòng dịch vụ khách hàng của công ty tài chính trên tại Q4 để thanh toán hợp đồng thì mới biết khoản vay của mình là 50 triệu đồng chứ không phải 10 triệu đồng. Phía công ty tài chính xác định không có nhân viên nào tên Lực ở bộ phận hỗ trợ khách hàng vay vốn. Liên lạc với Lực nhưng không được, ông T. nghi ngờ mình bị lừa đảo nên đến cửa hàng Thế Giới Di Động xin trích xuất dữ liệu camera rồi trình báo vụ việc đến cơ quan công an.
Hành trình truy bắt
Công an P11, Q11 tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của vợ chồng ông T. và lập tức vào cuộc xác minh, đồng thời báo cáo Ban Chỉ huy Công an Q11. Đội Cảnh sát hình sự - Công an Q11 được giao điều tra vụ việc. Theo chứng cứ mà nạn nhân cung cấp và dữ liệu camera của cửa hàng ghi lại, Công an Q11 tiếp tục làm việc với phía công ty tài chính thì được cho biết gần đây có vài nhân viên nghỉ việc. Trong đó có Nguyễn Xuân Bách (SN 1996, ngụ Q.Tân Phú) và Quãng Thị Phương Uyên (SN 2000, ngụ Ninh Thuận), vì liên quan đến hành vi lừa đảo khách hàng.
Từ thông tin thu thập, Công an Q11 xác định Phương và Bách có liên quan đến vụ lừa đảo trên nên mời về trụ sở để đấu tranh, làm rõ. Ban đầu, hai đối tượng tỏ vẻ như mình không liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, trước chứng cứ rõ ràng, cả hai đã thừa nhận hành vi phạm tội. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn xác định Nguyễn Thành Tân (SN 1979, ngụ H.Củ Chi) và Mai Nguyễn Khánh Duy (SN 1996, ngụ H.Bình Chánh) là đồng phạm trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của ông T.
Tại cơ quan điều tra, Uyên khai lo khâu nắm thông tin khách hàng và chọn khoản vay tối đa rồi gửi toàn bộ thông tin cho Tân. Tân sẽ liên hệ với khách hàng, đề nghị làm thủ tục vay tiền online và lấy sim của khách hàng để khi nhân viên thẩm định gọi tới thì Tân sẽ trả lời xác nhận để được duyệt vay số tiền tối đa. Sau đó, Tân sẽ đưa khách hàng đến các cửa hàng liên kết của Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động nhận tiền giải ngân, đồng thời cho khách hàng ký vào hợp đồng giả do Tân chuẩn bị trước. Số tiền chiếm đoạt được sẽ chia đôi cho Uyên và Tân.
Còn Tân khai từng làm nhân viên tài chính nên quen Bách là nhân viên tư vấn khách hàng. Đến khi Bách nghỉ việc, Tân vẫn giữ liên lạc và nhờ Bách gặp khách hàng để làm hợp đồng vay tiền online. Sau khi làm xong hợp đồng, khách hàng cho tiền hoa hồng thì Tân sẽ chia cho Bách. Giữa tháng 8/2023, Uyên gửi thông tin ông T. cho Tân. Tân liên hệ Duy và Bách để bàn bạc cùng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của ông này. Tân sử dụng file mẫu "đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng bằng phương tiện điện tử" rồi chỉnh sửa thêm dòng chữ "số tiền khách hàng nhận thực tế; số tiền ngân hàng thu về" ở cuối trang, gửi cho Duy để Duy đi lừa đảo ông T.
Ngoài ra, nhóm đối tuợng trên khai còn thực hiện khoảng 10 vụ lừa đảo khác tại các địa bàn thuộc TPHCM và các tỉnh, thành lân cận. Công an Q11 đã xác định được một số vụ tại Q11, H.Bình Chánh (TPHCM), các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai... Công an Q11 thông báo: Ai là nạn nhân của nhóm đối tượng trên liên hệ Đội CSĐTTP về TTXH - Công an Q11 để được làm rõ.