(CAO) Ngày 13/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.Phan Thiết (Bình Thuận) cho biết, qua đấu tranh với các đối tượng trong đường dây làm giả giấy xét nghiệm COVID-19 vừa triệt phá, đơn vị tiếp tục bắt giữ 5 đối tượng thuộc 2 đường dây khác.
Theo thông tin ban đầu từ Cơ quan điều tra, các đối tượng này ở 2 đường dây làm giả phiếu xét nghiệm COVID-19 khác nhưng có liên hệ qua lại với nhóm làm giả giấy xét nghiệm COVID-19 được Công an TP.Phan Thiết triệt phá vào ngày 10/10/2021. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành khám xét nhà các đối tượng, thu giữ nhiều máy tính, tài liệu có liên quan trong vụ án. Công an cũng xác định nhóm này đã làm giả hàng trăm giấy xét nghiệm với kết quả âm tính giả.
Trước đó, vào chiều 10/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.Phan Thiết (Bình Thuận) đã bắt giữ, khám xét nhà 4 đối tượng trong đường dây làm giả giấy xét nghiệm COVID-19 gồm: Trần Xuân Đạt (SN 1987, trú phường Phú Trinh); Diệp Từ Hiếu (SN 1977, trú phường Phú Trinh); Phùng Thành Tài (SN 1993, trú phường Lạc Đạo, cùng TP.Phan Thiết) và Nguyễn Minh Tiến (SN 1987, trú xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận).
Tiệm photocopy liên quan đường dây làm giả giấy xét nghiệm của Trần Xuân Đạt, Diệp Từ Hiếu...
Tại nơi ở của các đối tượng, Cơ quan công an thu giữ 27 giấy xét nghiệm test nhanh COVID-19 có kết quả âm tính giả mang tên các phòng khám, bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn thành phố Phan Thiết và nhiều vật dụng có liên quan phục vụ làm giả giấy xét nghiệm.
Làm việc với Cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, nhận thấy nhu cầu rất lớn của người dân về giấy xét nghiệm COVID-19, tháng 9/2021, các đối tượng đã nảy sinh ý định làm giả. Để thực hiện việc này, Trần Xuân Đạt đã đặt Diệp Từ Hiếu làm giả 100 giấy xét nghiệm, sau đó bán cho người có nhu cầu với giá 70.000 đồng/giấy.
Bên cạnh việc mở rộng điều tra vụ án, Công an TP.Phan Thiết đã cử lực lượng đi thu hồi các giấy xét nghiệm giả đã được bán ra. Công an thành phố Phan Thiết cũng đề nghị người dân đang sử dụng các giấy xét nghiệm giả đã mua của các đối tượng trên thì nhanh chóng đến Công an các phường, xã cung cấp thông tin phục vụ cho công tác điều tra.
Trường hợp người dân cố tình không đến khai báo có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
(CAO) Qua thời gian theo dõi, phát hiện nhiều giấy xét nghiệm giả được sử dụng để qua chốt kiểm dịch, sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, lực lượng công an đã bắt các đối tượng chủ mưu.