Cán bộ thôn nhận tiền đền bù thay dân với tỷ lệ “ăn chia” 80:20

Thứ Bảy, 19/12/2015 12:08  | Xuân Hoài

|

(CAO) Ban đầu, cán bộ xã Bình Chánh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) lập phương án đền bù là đất khai hoang để thực hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhưng khi dân nhận tiền đền bù lại không cho vì lí do “làm sai hồ sơ, giờ rút lại vì đất 5% của xã”.

Kỳ lạ thay, khi cấp đất tái định cư, người dân nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) gần 6 tháng nhưng chưa có đất thực tế vì cấp nhầm trên đất người khác. Điều lạ nữa, khi biết người dân không nhận được số tiền đền bù đó, các vị đại diện thôn lại viết “giấy cam kết” nhận tiền thay, nhưng tỷ lệ “ăn chia” thôn 80%, người dân 20%...

Những khuất tất cần làm rõ

Anh Trần Thanh Hùng (SN 1980) và chị Nguyễn Thị Thịnh (SN 1980, trú tổ 4, thôn Mỹ Trà, xã Bình Chánh) trình bày, có mảnh đất 554m2, trong đó có diện tích có sổ đỏ là 248m2, còn lại đất khai hoang từ năm 2001 là 270m2, đến năm 2007 mở kinh doanh thêm. Hiện mới đền bù đất có sổ đỏ và nhà ở 720 triệu đồng (làm tròn số). Còn 270m2 đất khai hoang, thì cơ quan chức năng chỉ đồng ý đền bù 107m2, số còn lại khai hoang sau năm 2004 thì không được đền bù theo quy định. Gia đình đang khiếu nại nên việc đền bù 270m2 trên vẫn chưa giải quyết.

Ngoài ra, vợ chồng anh Hùng có 4 mảnh đất trên 1.700m2 khai hoang để làm ruộng trước năm 2004. UBND xã Bình Chánh kiểm tra, thống kê trình lên huyện đền bù cho bốn mảnh đất này 207 triệu đồng.

Chị Thịnh đã bàn giao nhà, giờ không biết khi nào mới xây nhà

Ngày 8-7-2015, khi hỏi khoản 207 triệu đồng, Trung tâm phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) huyện Thăng Bình cho rằng UBND xã Bình Chánh đề xuất ngưng chi trả mà không có lí do xác đáng nào. Nhưng thực tế, đến ngày 10-8-2015 UBND xã Bình Chánh mới có tờ trình về việc ngưng chi trả, đến ngày 4-9 UBND huyện ra quyết định hủy chi trả đền bù số tiền 207 triệu đồng với lí do 4 mảnh đất đó là đất 5% của xã, trong khi đó không có cái gì để chứng minh.

“Trước đó, một số cán bộ thôn có đến nói với gia đình là tất cả trong thôn những hộ nào có đất ruộng kiểu như gia đình tôi nếu hộ gia đình nhận thì không được giải quyết mà để cho thôn nhận thì được, nhưng phải có tỷ lệ “ăn chia”: thôn 80% và gia đình 20%. Chúng tôi nghĩ nếu là quyền lợi chung, nếu ai cũng như thế thì chúng tôi chấp nhận”, chị Thịnh cho hay.

Ngày 18-5-2015, ông Trần Thế Vinh (trưởng thôn) và ông Ngô Văn Minh - Ban Mặt trận thôn Mỹ Trà có làm “Bản cam kết” với nội dung: “… Ông Trần Thanh Hùng thống nhất ký ủy quyền cho Ban nhân dân thôn nhận tiền, Ban nhân dân, Ban Mặt trận thôn… có trách nhiệm trả tiền cho ông Hùng sau khi nhận tiền (tại Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình-PV) không quá 3 ngày với tỷ lệ 20%/tổng số tiền”.

Bản cam kết tỷ lệ “ăn chia” của ông Vinh, ông Minh với người dân

Được biết, ngoài trường hợp vợ chồng anh Hùng thì ông Vinh, ông Minh có làm “Bản cam kết” tỷ lệ “ăn chia” 80: 20 với nhiều hộ khác như hộ Phan Đình Chung, Phạm Khánh… “Tuy nhiên, các hộ khác có đất ruộng gần chúng tôi như Trương Nghĩa, Lê Văn Diên, Trần Thúy, Lê VănTrận, Trương Văn Lên thì giải được giải quyết nhận tiền, không hiểu lý do vì sao? Trong khi đó, gia đình tôi, ông Phan Đình Chung, Phạm Khánh thì lại không được nhận khoản tiền đó, liệu có khuất tất gì trong vấn đề này?”, chị Thịnh bức xúc.

Ngoài ra, một điều hết sức nực cười, khi UBND xã tham mưu cho UBND huyện cấp sổ đỏ 300m2 đất tái định cư cho anh Trần Thanh Hùng - Nguyễn Thị Thịnh đất tái định cư đã gần 6 tháng nhưng hiện vẫn chưa có đất thực tế (vì xã cấp sổ đỏ trên đất của hộ ông Huỳnh Chí đã ở từ năm 1990).

Thôn làm, xã “vờ” không biết?

Chúng tôi liên lạc ông Vinh về mấy bản cam kết “ăn chia” 80:20 với người dân, ông cho này thừa nhận: “Có viết cam kết với dân nhưng là để trích lại xây nhà văn hóa thôn”.

Chiều 15-12, chúng tôi làm việc với ông Huỳnh Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bình Chánh về những vấn đề bức xúc của dân. Khi hỏi đối với một số hộ như ông Hùng, ông Chung, ông Khánh lúc đầu đề xuất đền bù đất khai hoang, nhưng sau lại hủy, ông Hoàng cho rằng: “Khi kiểm tra lại thì thấy nhầm, đây là đất 5% của xã. Đây là sai sót của xã nên đã làm tờ trình khắc phục sai phạm”.

Ông Hoàng: “Thừa nhận xã sai phạm”

Khi hỏi về hợp đồng, giấy tờ thu thuế đất 5% của hộ ông Hùng, ông Hoàng nói “có” nhưng không đưa tài liệu vì “cán bộ phụ trách đi vắng” (trong khi đó ông Hùng khẳng định không có).

Còn việc tham mưu cấp sổ đỏ cho ông Hùng trên đất ông Huỳnh Chí thì ông Hoàng thừa nhận: “Cán bộ địa chính đã tham mưu sai, hiện chúng tôi sửa sai bằng cách đang đề xuất cấp lại lô đất khác tương tự”.

Việc thôn “ăn chia” 80:20 với người dân, ông thì Hoàng biện hộ: “Chúng tôi hoàn toàn không có chủ trương đó, mấy cán bộ ở thôn tự ý làm việc đó chứ xã không biết”.

Hỏi cán bộ xã, thôn để xảy ra sai phạm có hệ thống nhiều tháng qua, xã đã họp xử lý trách nhiệm hay chưa?, ông Hoàng: “Chúng tôi thừa nhận có sai, hiện chưa họp, việc xử lý phải có họp thường vụ xã và các cấp của huyện Thăng Bình”.

Hỏi theo ông với sai phạm của ông Vinh, ông Minh như thế, nếu đề xuất thì xử lý mức nào, ông Hoàng: “Làm điều sai trái như vậy thì buộc thôi việc”.

Chậm bàn giao gây thiệt hại việc thi công đường cao tốc

Chiều 15-12, ông Nguyễn Đình Chi, Giám đốc TTPTQĐ huyện Thăng Bình cho biết: “TT không chi trả số tiền cho vợ chồng anh Hùng và hộ ông Chung, ông Khánh là do xã gửi tờ trình đề nghị ngưng việc này. TT có đi kiểm tra lại, thấy có cơ sở nên đã đề nghị UBND huyện hủy quyết định bồi thường”.

Khi hỏi về việc cán bộ thôn viết giấy cam kết nhận tiền, liệu có nhận được không, ông Chi: “Nếu ai đi nhận thay phải có giấy ủy quyền được UBND xã xác nhận, còn viết giấy cam kết kiểu đó thì không chấp nhận được. Một số cán bộ thôn làm vậy là quá sai rồi. Về vụ việc này, hiện Công an huyện Thăng Bình đang vào cuộc xác minh làm rõ".

Thiết nghĩ, để kịp tiến độ bàn giao cho đơn vị thi công đường cao tốc đồng thời để đảm bảo quyền lợi người dân, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ những sai phạm tại xã Bình Chánh!

Ông Nguyễn Châu Trường, đại diện Chủ đầu tư Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tại huyện Thăng Bình than thở: “Việc giữa xã giải quyết với dân như thế nào chúng tôi không nắm rõ, nhưng công tác bàn giao mặt bằng chậm, người dân bức xúc với xã ra cản trở thi công làm mất tình hình an ninh trật tự, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Nửa tháng nay công tác thi công đình trệ, trong khi đó thuê máy móc để thi công một tháng 200 triệu đồng khiến thiệt hại rất lớn".

Bình luận (0)

Lên đầu trang