Liên tục truy bắt các băng cướp giật
Áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, ngày 4-6 Đội Hình sự đặc nhiệm (HSĐN) thuộc Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) - Công an TPHCM (CATP) đã bắt giữ Võ Cự Ngọc Bảo (SN 1988, ngụ Q12) và Đặng Hoài Ân (SN 1990, ở H.Bình Chánh) để điều tra về hành vi "cướp giật TS". Đây là 2 đối tượng thực hiện nhiều vụ cướp giật TS tại các quận Tân Phú, Tân Bình... thời gian gần đây.
Khoảng 10 giờ 30 ngày 1-6, Bảo điều khiển xe Exciter chở Ân rảo qua nhiều tuyến đường tìm người nào sơ hở để ra tay. Khi đến đường Lê Trọng Tấn (P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú), phát hiện anh T. đang dừng xe nghe điện thoại di động (ĐTDĐ), Bảo cho xe áp sát để Ân ngồi sau giật chiếc iPhone 11 rồi tăng tốc bỏ chạy. Sau đó 20 phút, trong lúc tiếp tục "săn hàng", đến đường Hiền Vương (P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú), Bảo - Ân lại dùng chiêu cũ giật ĐTDĐ iPhone 12 của 1 thanh niên đang ngồi trên lề đường, tẩu thoát.
Phạm Trương Hùng Cường
Nắm được thông tin, trinh sát Đội HSĐN đã khẩn trương truy xét, bắt được Bảo - Ân. Tại cơ quan CA, hai đối tượng khai đã bán TS của 2 vụ cướp giật trên được hơn 27 triệu đồng, chia nhau tiêu xài và sử dụng ma túy. Xác minh nhanh cho thấy, Bảo - Ân từng có tiền án, tiền sự, thực hiện hành vi cướp giật chuyên nghiệp và dùng nhiều thủ đoạn ma mãnh để che giấu hành vi khi tiêu thụ TS phạm pháp nhằm tránh bị CA lần ra.
Trước đó không lâu, băng cướp gồm 16 đối tượng do Phạm Trương Hùng Cường (SN 1991, ngụ H.Hóc Môn) cầm đầu cũng đã bị Đội HSĐN triệt xóa sau một thời gian lập án đấu tranh. Băng này phần lớn đều là trẻ vị thành niên nhưng gây án rất liều lĩnh, manh động, có khi vụ trước cách vụ sau chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, cùng trên tuyến đường hoặc 1 khu vực phường, xã.
Sau khi bị bắt, nhóm cướp trẻ khai gây ra 15 vụ cướp giật trên địa bàn TPHCM và 9 vụ ở H.Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh). Phòng CSHS - CATP đã thu giữ tang vật, phương tiện, gồm: 10 xe máy (XM) và 8 ĐTDĐ. Phương thức hoạt động của nhóm này là đi XM rảo quanh các tuyến đường, khi phát hiện có người sử dụng ĐTDĐ, đeo túi xách, bóp tiền để sơ hở thì giật ngay và tăng tốc bỏ chạy.
Căn cứ hành vi phạm tội, Cơ quan Cảnh sát điều tra - CATP đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ đối với: Hùng Cường, Đặng Chí Hải, Hồ Chí Tính (SN 1999, cùng quê An Giang), Nguyễn Minh M., Lê Tuấn H., Lê Tuấn K. Đồng thời, Phòng CSHS cũng chuyển hồ sơ và các đối tượng Huỳnh Nhựt Em (SN 2002, ngụ TP.Cần Thơ, tạm trú H.Hóc Môn), Huỳnh Văn Tiến, Nguyễn Kim Bảo cho CAH.Gò Dầu điều tra theo thẩm quyền. Ngoài ra, cho gia đình bảo lãnh một số đối tượng chưa đủ 16 tuổi, chờ xử lý sau.
Bên cạnh việc lập án đấu tranh hoặc quyết liệt truy xét, bắt giữ các nhóm cướp giật, công tác tuần tra giám sát địa bàn của CA các đơn vị cũng kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều nhóm cướp giật. Đứng trên vỉa hè đường Nguyễn Đức Cảnh (P.Tân Phong, Q7) nhận cuộc gọi bằng ĐTDĐ lúc 10 giờ 30 ngày 10-5, chị Trịnh Hồng Diễm (SN 1998, ngụ Q7) bị Đặng Văn Kỳ (SN 1999, ở Q10) và Trần Hạo Nam (SN 2006, ngụ Q8) điều khiển XM áp sát giật chiếc iPhone 7, tẩu thoát. Mang ĐTDĐ cướp được qua H.Bình Chánh tiêu thụ được 1,2 triệu đồng, Kỳ - Nam chia nhau tiêu xài. Sau đó, cả hai quay lại Q7 tìm xem người nào sơ hở thì tiếp tục ra tay. Trong lúc Kỳ - Nam đang rảo trên đường tìm kiếm "con mồi" thì bị Đội CSHS - CAQ7 tuần tra, phát hiện bắt giữ, xử lý.
Các đối tượng thực hiện hành vi cướp giật bị camera ghi hình
Những sơ hở tạo điều kiện cho tội phạm ra tay
Hiện nay, ĐTDĐ hầu như trở thành vật bất ly thân với nhiều người, dùng để liên lạc, kết nối công việc, quan hệ bạn bè, người thân, nhất là khi ra khỏi nhà... Nhưng bảo quản ĐTDĐ thế nào khi lưu thông trên đường, lúc nhận cuộc gọi, nhắn tin lại bộc lộ nhiều vấn đề cần cảnh báo. Từ nguồn tin của người dân qua nhiều vụ cướp giật gần đây cho thấy, phần lớn các vụ cướp giật ĐTDĐ xảy ra thuộc 2 dạng: dừng trên đường nhận cuộc gọi hoặc nhắn tin; để máy trong túi áo, túi quần chưa được che chắn kỹ và trở thành "mỡ treo miệng mèo"!
Để tiện cho việc liên lạc, nhiều người thường cất ĐTDĐ trong túi quần, túi áo khoác khi ra đường. Điều đáng nói là các loại túi này thường nhỏ, trong khi ĐTDĐ thông minh lại to nên thường tạo sơ hở để cướp giật manh động. Phát hiện em Huỳnh Thanh Duy (SN 2001, ngụ H.Hóc Môn) điều khiển XM lưu thông trên đường, trong túi áo khoác để ĐTDĐ iPhone (trị giá 25 triệu đồng) lấp ló như mời gọi, 2 đối tượng đi xe Sonic liền kè sát giật và tăng tốc bỏ chạy. Nghe tri hô, người dân xung quanh đuổi theo, tông vào đuôi phương tiện của 2 kẻ cướp khiến chúng ngã xuống đường, đành bỏ lại XM, chạy bộ thoát thân. Công an thu phương tiện, truy xét các nghi can để xử lý.
Dừng xe trên đường Vũ Huy Tấn (P3Q.Bình Thạnh) lúc 22 giờ 20 ngày 16-5, chị Lê Hoài Tú Anh (SN 2002, quê Tiền Giang) lấy ĐTDĐ Samsung A50 nhắn tin cho bạn. Lợi dụng thời cơ, Trương Nhựt Hào (SN 1995, ngụ Q.Bình Thạnh, có 2 tiền án về cướp giật, ra tù tháng 2-2021) điều khiển XM kè sát vào giật. Chị Tú Anh phản ứng nhanh, kịp nắm đuôi XM của Hào kéo lại, tri hô. Người đi đường kịp thời hỗ trợ bắt giữ đối tượng giao CAP xử lý.
Ngoài 2 phương thức trên, các nhóm tội phạm đường phố còn ra tay trong một số trường hợp khác, như khi phát hiện nạn nhân cất ĐTDĐ trong hộc XM, cầm ĐTDĐ nơi tay khi đi bộ qua đường hoặc trên vỉa vè, treo túi xách ngang eo hoặc máng trên XM, đeo dây chuyền vàng trên cổ không che chắn kỹ... Vì thế, người dân cần hết sức đề phòng với các phương thức cướp giật kể trên ở nơi công cộng, trước quán ăn, trên vỉa hè, thậm chí là trước cửa nhà..