"Sập bẫy" vì mê vợ Việt
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Lào Cai, đàn ông Trung Quốc sử dụng Evisa sang Việt Nam tìm vợ thường tự làm quen, tìm hiểu qua các phần mềm chat, app hẹn hò trực tuyến như Wechat, Yueliao để nói chuyện; hoặc thông qua các tổ chức môi giới hôn nhân cả hợp pháp và bất hợp pháp... Vì thế, có trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điển hình là vụ án Lường Văn Tuân (tên gọi khác là Tuấn, SN 1986, trú huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ).
Liên quan đến vụ án trên, đầu tháng 11/2024, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện KSND tỉnh Lào Cai đề nghị truy tố 6 đối tượng. Theo đó, do có nhu cầu lấy vợ người Việt Nam nên Hoàng Trung Sơn (SN 1980), Phương Vũ Quân (SN 1986), Thịnh Vân Hoa (SN 1985) và Hoàng Dịch Khải (SN 1992, cùng ngụ Trung Quốc) thông qua Yang Ming Jun (SN 1972), Trần Tiểu Linh (SN 1981, đều trú TP.Đông Dương, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) liên hệ và móc nối được với Lương Văn Tuân và Vi Thị Vĩnh (tên gọi khác là Hoa, SN 1997, trú xã Phúc Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) để giới thiệu, làm thủ tục cho những người đàn ông Trung Quốc lấy vợ người Việt Nam.
Sau khi nhận lời, Tuân và Vĩnh bàn bạc, thống nhất về số tiền được hưởng sau khi môi giới hôn nhân. Qua trao đổi, các đối tượng thấy rằng, nếu làm theo đúng thủ tục quy định thì số tiền hưởng lời không được nhiều. Vì thế, Tuân bàn với Vĩnh tìm phụ nữ Việt Nam đưa cho Tuân. Tiếp đến, Tuân sẽ thông qua hình thức môi giới hôn nhân, chiếm đoạt tiền của những người Trung Quốc có nhu cầu lấy vợ người Việt Nam.
Từ tháng 3/2024 đến cuối tháng 4/2024, với thủ đoạn tìm và thuê những ngôi nhà ở khu hẻo lánh thuộc các thôn, xã của huyện Bảo Thắng (Lào Cai); thuê người trung tuổi đứng ra đóng giả làm bố mẹ của những người phụ nữ được giới thiệu xem mắt và đưa ra yêu cầu cho những người Trung Quốc phải đưa tiền để làm giấy tờ, thủ tục đăng ký kết hôn và tổ chức lễ cưới..., Tuân - Vĩnh đã chiếm đoạt 160 nghìn NDT của 4 người đàn ông Trung Quốc.
Công an tỉnh Lào Cai bắt 4 đối tượng trong đường dây mua bán người
Để thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân, Tuân - Vĩnh bố trí cho nạn nhân Sơn gặp em gái của Vĩnh là Vi Thị Dự (SN 2000, trú huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) để xem mặt và ra mắt gia đình nhà gái. Với phương thức và thủ đoạn như trên, Tuân cùng các đối tượng đã chiếm đoạt của Sơn 40 nghìn NDT (trong đó có 20 nghìn NDT tiền sính lễ, 10 nghìn NDT tiền làm thủ tục, giấy tờ đăng ký hôn và 10 nghìn NDT tiền tổ chức lễ cưới). Tương tự, Tuân - Vĩnh đã bố trí cho Hoa gặp Vi Thị Nghĩa (SN 2005, trú huyện Sơn Động); bố trí cho Quân gặp Hoàng Thị Khánh (SN 2003, ngụ tỉnh Bắc Giang); Khải gặp Vi Thị Ngân (SN 2003, trú Bắc Giang) để xem mặt và ra mắt gia đình nhà gái...
Khi đã nhận đủ các khoản tiền do bị hại đưa, khoảng 20 giờ ngày 23/4, Tuân - Vĩnh bố trí xe đưa Trần Tiểu Linh và 4 người đàn ông Trung Quốc về TP.Yên Bái với lý do chuẩn bị cho lễ cưới vào ngày hôm sau. Khi những người Trung Quốc đã ổn định chỗ nghỉ ngơi, như đã bàn bạc, Tuân - Vĩnh liền bỏ về và để những người Trung Quốc ở lại, không thực hiện các nội dung như cam kết về việc làm thủ tục liên quan đến đăng ký kết hôn, cũng như tổ chức lễ cưới cho những người Trung Quốc nhằm chiếm đoạt số tiền mà họ đã đưa.
Ngăn chặn hiệu quả
Đây chỉ là một trong các vụ việc được Công an tỉnh Lào Cai phát hiện trong thời gian qua. Lãnh đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Lào Cai cho biết, là tỉnh vùng cao biên giới, nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lào Cai có đường biên giới dài 182,086km, cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sắt và nhiều lối mòn, lối mở thông thương với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Cùng với sự phát triển kinh tế, Lào Cai cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong công tác bảo vệ ANTT trên địa bàn, nhất là tình trạng công dân Việt Nam nhập cảnh bằng thị thực điện tử (Evisa) với mục đích du lịch, tìm cơ hội kết hôn trái phép với người Việt Nam.
Tại Lào Cai, người Trung Quốc sang Việt Nam thường khai mục đích du lịch hoặc làm việc nhưng thực chất để tìm vợ. Từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam với mục đích tìm vợ tăng đáng kể so với thời điểm trước kia. Theo lãnh đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Lào Cai, để dụ dỗ phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc lấy chồng, các đối tượng tìm cách tiếp cận, thuyết phục, hứa hẹn với nạn nhân về viễn cảnh cuộc sống giàu sang và sẽ nhận được số tiền hồi môn từ 20 - 120 triệu đồng. Sau đó, bọn chúng nhận tiền đặt cọc, tổ chức xem mặt...
Tiếp đến, bọn chúng hoàn thiện các thủ tục hộ chiếu, visa, giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận tình trạng độc thân rồi đưa phụ nữ Việt Nam xuất cảnh bàn giao cho người bên Trung Quốc và nhận tiền. Trong trường hợp này, ban đầu việc sang Trung Quốc kết hôn của một số phụ nữ Việt Nam là tự nguyện nhưng khi sang đến nơi, nhiều nạn nhân bị giam lỏng, kiểm soát, thu hết hộ chiếu, điện thoại; bị yêu cầu phải kết hôn theo chỉ định của nhóm đối tượng này. Vì không có tiền trả cho các đối tượng, nhiều phụ nữ đã phải kết hôn trên cơ sở không có tình cảm.
Mới đây, tháng 9/2024, Công an tỉnh Lào Cai đã triệt phá thành công đường dây mua bán người xuyên quốc gia, bắt giữ 4 đối tượng gồm: Ma Seo Sẻ (SN 1994), Sùng Seo Dìn (SN 1996, cùng trú xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà); Ly Seo Nủ (SN 1995, trú xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương), Cư Seo Đồng (SN 1997, trú thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai).
Trong vụ án này, các đối tượng lợi dụng hoạt động môi giới hôn nhân để tìm kiếm, dụ dỗ những phụ nữ Việt Nam đồng ý đi xem mặt, chọn vợ, lấy chồng Trung Quốc. Sau đó, chúng bàn giao nạn nhân cho những kẻ môi giới phía Trung Quốc để các đối tượng này bán vào sâu trong nội địa cho những người có nhu cầu lấy vợ. Bước đầu, Cơ quan Công an xác định, từ tháng 5/2023 đến tháng 7/2023, các đối tượng có hành vi mua bán 4 nạn nhân sang Trung Quốc, gồm: M.T.T (SN 2005, trú huyện Mường Khương), S.T.H (SN 2006, trú huyện Bảo Thắng), T.T.M (SN 1993, trú tại tỉnh Cao Bằng) và V.T.S (SN 2003, trú tỉnh Sơn La).
Nói về những khó khăn trong quá trình phá án, cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Lào Cai cho biết: Hoạt động kết hôn trái phép (không có sự tự nguyện của bên nữ) diễn ra ở nước ngoài nên việc ngăn chặn, xử lý của cơ quan chức năng Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Một số nạn nhân ban đầu bị kết hôn ép buộc nhưng sau một thời gian chung sống, sinh con đã chấp nhận cuộc sống như vậy và không muốn thay đổi... Vì thế, nếu có trở về Việt Nam họ cũng không đứng ra tố cáo các đối tượng đã lừa đảo. Cùng với đó, các trường hợp lấy chồng Trung Quốc, trong đó có số bị lừa đảo chưa trở về Việt Nam nên cơ quan chức năng chưa có căn cứ để xử lý do không có bị hại.