Ông “trùm” thừa nhận rửa tiền
Bị cáo Huỳnh Trọng Văn - giám đốc Công ty ODS - tỏ ra thành khẩn, thừa nhận những hành vi mua bán hóa đơn trái phép.
Phan Sào Nam đã liên hệ với Huỳnh Trọng Văn để nhờ xử lý giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bằng cách mua hóa đơn đầu vào với chi phí 10% trên tổng giá trị ghi trong hóa đơn.
Sau khi được Văn đồng ý, Phan Sào Nam chỉ đạo Đỗ Bích Thủy - giám đốc Công ty Nam Việt - ký hợp đồng với Công ty ODS để thuê máy chủ và đường truyền. Nam cũng chỉ đạo Phan Anh Tuấn - giám đốc công nghệ Công ty VTC Online - ký hợp đồng với Công ty ODS cũng với nội dung thuê máy chủ và đường truyền.
Bị cáo Huỳnh Trọng Văn
Khi Công ty ODS xuất hóa đơn giá trị gia tăng và có giấy đề nghị thanh toán, Nam chỉ đạo Đỗ Bích Thủy và Phan Anh Tuấn cho kế toán chuyển tiền vào tài khoản của Công ty ODS. Có tiền, Văn chỉ đạo kế toán rút tiền từ tài khoản Công ty ODS nộp vào tài khoản cá nhân của Vũ Hà Phương (kiểm soát kế toán của Công ty Nam Việt) để chi theo chỉ đạo của Phan Sào Nam.
Bị cáo Văn khai theo thỏa thuận ban đầu với Phan Sào Nam bị cáo đã nâng giá trị hợp đồng, nâng số lượng máy chủ. Đối với Công ty Nam Việt, Văn đã nâng lên 85 máy chủ và với VTC Online là 8 máy chủ.
Văn thừa nhận tại tòa: “Trong hợp đồng, bị cáo nâng của Nam Việt lên thành 235 máy chủ, còn đối với VTC Onlina nâng lên thành 32 máy chủ. Giá trị hợp đồng nâng khống lên gấp 10 lần giá trị hợp đồng”.
Tuy nhiên, Văn giải thích mình “không được trích lại phần trăm cá nhân trong việc nâng khống này mà chỉ là công ty được nhận lại tiền đã thực hiện hợp đồng, đây là tiền giá trị thực”. Toàn bộ tiền nâng khống chuyển lại cho các công ty qua tài khoản của Vũ Hà Phương.
Văn giải thích khi bị quy kết công ty ODS hưởng lợi bất chính: “Bị cáo xác định công ty được hưởng 7,8 tỉ. Nhiều lần làm việc với cơ quan điều tra đề nghị xem xét số tiền được hưởng vì công ty đã bỏ ra cho Công ty Nam Việt và VTC Online thuê máy chủ là 7,6 tỉ đồng.
Số tiền thực chất Công ty ODS còn được lợi nhuận trong hợp đồng là 116 triệu và đến nay đã nộp khắc phục số tiền này. Đây là số tiền giao dịch bất hợp pháp. Xin HĐXX xem xét lại việc thực hiện hợp đồng đó”.
Phan Sào Nam thừa nhận 'rửa tiền".
Ngay sau đó, đại diện VKS đã đưa ra nhiều tài liệu chứng minh việc Công ty ODS hưởng lợi bất chính.
Nội dung nêu Huỳnh Trọng Văn đã bán cho Công ty Nam Việt 22 hóa đơn GTGT khống với tổng doanh số là 80 tỉ đồng, bán 14 hóa đơn GTGT khống cho Công ty VTC Online với doanh số là 5 tỉ đồng. Văn cho người rút ra và chuyển lại vào tài khoản Vũ Hà Phương 78 tỉ đồng, còn lại Công ty ODS hưởng lợi 7,8 tỉ đồng.
Bị cáo Văn tiếp tục giải thích về số tiền trên, đại diện VKS cho biết sẽ tiếp tục tranh luận trong phần tranh tụng.
Sau đó, HĐXX đã cho bị cáo Phan Sào Nam lên đối chất về những lời khai của Văn. Nam tỏ ra khá bình tĩnh trước HĐXX và xác nhận những thông tin mà Văn khai về việc thỏa thuận, thực hiện mua bán hóa đơn trái phép để “rửa tiền” từ đường dây đánh bạc là đúng. Một số thông tin khác, Nam nói “không nhớ”.
Phan Sào Nam khai: “Công ty ODS có bàn giao máy chủ, đường truyền cho hai công ty kia bị cáo không nhớ rõ chi tiết đó, nên không có ý kiến. Bị cáo không nhớ là có bàn giao hay không”.
Chị họ “ông trùm” khóc nức nở vì giúp sức cho em
Theo HĐXX, Phan Sào Nam gặp Đỗ Bích Thủy - con chị gái ruột mẹ Nam, đang làm Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH phát triển nhà và đất Nam Việt, trao đổi “cho Nam và Trung mượn pháp nhân Công ty Nam Việt để xây dựng phần mềm trò chơi trực tuyến”. Thủy đồng ý cho Nam và Trung mượn danh Công ty để tiến hành các công việc cần thiết.
Ngày 12-4-2015, Phan Sào Nam ký Hợp đồng với Đỗ Bích Thủy về việc “phát triển và khai thác kinh doanh phần mềm” dịch vụ mang tên “Win2All”, khai thác thương mại với tên gọi Rikvip.
Trong đó có nội dung: “Bên B (Công ty Nam Việt) là đối tác của bên A (Công ty VTC online) trong việc sản xuất, phát triển và điều hành dịch vụ trực tuyến trên Internet và mạng viễn thông.
Công ty VTC online chịu trách nhiệm phát hành, kinh doanh và khai thác thương mại các dịch vụ này; cung cấp hệ thống thống kê số liệu, để trao đổi thông tin và hỗ trợ Công ty Nam Việt triển khai những công việc trong phạm vi trách nhiệm của Công ty Nam Việt.
Công ty Nam Việt chịu trách nhiệm sản xuất và cung cấp sản phẩm dịch vụ hoàn chỉnh theo đúng kịch bản, tài liệu mô tả đã cung cấp cho Công ty VTC như thỏa thuận”.
Thỏa thuận mức phí bản quyền phần mềm là 600 triệu đồng và Công ty Nam Việt được hưởng 30% doanh thu phân chia là khoản doanh thu Công ty VTC online nhận được từ khách hàng.
Bị cáo Đỗ Bích Thủy trước đó đã khóc tại tòa khi nhắc tới Phan Sào Nam với mối quan hệ chị em.
Quá trình thực hiện, Phan Sào Nam bảo Thủy rút 50.000.000.000đ từ tài khoản Công ty Nam Việt để gửi tiết kiệm, sau đó Thủy đã ký séc rút số tiền trên để gửi 05 sổ tiết kiệm người hưởng thụ là Đỗ Bích Thủy.
Tại cơ quan điều tra, bị cáo Vũ Bích Thủy cho rằng, sự thành đạt của Phan Sào Nam làm cho Thủy tin tưởng tuyệt đối nên đồng ý cho Nam mượn pháp nhân Công ty Nam Việt. Chính sự tin tưởng đó đã tước bỏ quyền hỏi và quyền được biết của mình.
“Trong quá trình cho Nam mượn pháp nhân kinh doanh đánh bạc, thời điểm đó, bị cáo cũng có một công ty kinh doanh, công việc bận rộn. Bị cáo giúp Nam ký một số hợp đồng, và chi phí cho công ty. Bị cáo không hiểu gì về game bài Rikvip cả. Bị cáo vô tình giúp cho Phan Sào Nam thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Làm việc với cơ quan An ninh điều tra thì bị cáo mới hiểu được bản thân đã giúp sức cho hành vi phạm tội của Nam.
Phải đứng ở đây, tại thời điểm này, bị cáo thấy mình kém hiểu biết về pháp luật, để xảy ra những sai lầm, vi phạm pháp luật. Bị cáo rất hối hận. Dù vậy, bị cáo không hận gì Phan Sào Nam cả.
Bị cáo Thủy nói thêm, hôm thứ 6 tuần trước bị cáo phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Trước đây bị cáo có một khối U ở phía bên trái phổi, bệnh tình thường xuyên tái phát. Thời gian gần đây, bác sĩ chẩn đoán bị cáo bị lao thủy phổi bên phải. Sức khỏe bị cáo rất yếu”.