Ngày làm việc thứ 5 của phiên tòa, HĐXX chủ yếu thẩm vấn các bị cáo trong nhóm công ty trung gian bị truy tố tội “đồng phạm tổ chức đánh bạc và mua bán hóa đơn trái phép”. Phần lớn thời gian xét hỏi dành cho bị cáo Lê Thị Lan Thanh với việc liên quan đến hơn 160 hóa đơn khống giá trị 5.135 tỷ đồng.
Tháng 2-2016, Phạm Tuấn Anh và Nguyễn Quốc Tuấn báo cáo Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) cho kết nối thêm với cổng thanh toán “NetViet” của Công ty Cổ phần viễn thông và giải trí số Việt Nam (GTS) do Lan Thanh điều hành nhưng không ký hợp đồng.
Để hợp thức số tiền thanh toán không có hóa đơn cho công ty CNC, bị cáo Thanh và Nguyễn Thị Dung (nhân viên của Công ty GTS) đã mua 160 tờ hóa đơn GTGT khống với tổng doanh số hơn 5.135 tỷ đồng.
Cách thức hợp thức hóa được thể hiện trên hóa đơn là thẻ cào có mệnh giá từ 10.000 đồng đến 500.000 đồng do các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone phát hành của 4 đơn vị tại Hà Nội để kê khai thuế đầu vào tại 5 công ty của Lê Thị Lan Thanh.
Để hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn khống đã mua, Thanh chỉ đạo Nguyễn Thị Dung chuyển tiền từ tài khoản của 5 công ty do Thanh quản lý. Số tiền sau khi Thanh chỉ đạo Dung chuyển vào tài khoản của các đơn vị bán hóa đơn nêu trên được rút ra trả lại cho Thanh.
Phiên xét xử đường dây đánh bạc gần chục ngàn tỷ đồng bước vào ngày làm việc thứ 5.
Toàn bộ 160 tờ hóa đơn khống với doanh số 5.135 tỉ đồng đã được Lê Thị Lan Thanh và Nguyễn Thị Dung sử dụng làm chứng từ kê khai, khấu trừ thuế đầu vào các công ty: Công ty CP Viễn Thông và Giải trí số Việt Nam; Công ty CP truyền thông BiBo; Công ty CP công nghệ dịch vụ NetViet…
Trả lời HĐXX, Lê Thị Lan Thanh thừa nhận hành vi phạm tội “Mua bán trái phép hóa đơn” nhằm hợp thức số tiền thanh toán không có hóa đơn cho Công ty CNC. Tuy nhiên, về hành vi “Tổ chức đánh bạc”, Thanh đã phủ nhận dẫn đến tranh luận giữa bị cáo và luật sư bào chữa cho bị cáo với viện kiểm sát cùng điều tra viên.
Cơ quan điều tra xác định, Lê Thị Lan Thanh được hưởng lợi bất chính từ hành vi giúp sức tổ chức đánh bạc là 182,8 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo khai trên thực tế bị cáo không được hưởng số tiền lớn như thế nhưng cũng “không nhớ” mình đã được hưởng lợi bao nhiêu tiền từ việc làm cổng trung gian thanh toán cho các nhà mạng và mua bán hóa đơn trái phép.
Khi được HĐXX hỏi về game bài Rikvip, bị cáo Thanh nói mình không hề biết game bài Rikvip là game cờ bạc, bị cáo cũng không hề biết Nguyễn Văn Dương. Thanh nói tại phiên tòa này là lần đầu tiên bị cáo gặp Dương, trước chỉ biết mặt qua báo chí khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án.
Trước lời khai của Thanh, chủ tọa phân tích bị cáo là đại diện của công ty GTS ký hợp đồng với các nhà mạng. GTS ký hợp đồng dịch vụ gạch thẻ, nối trực tiếp vào cổng thanh toán của CNC.
Tiếp đó, tòa cho bị cáo Thanh đối chất với điều tra viên Nguyễn Đình Trung.
Bí cáo Lê Thị Lan Thanh.
Điều tra viên Trung đặt vấn đề: Bị cáo khai không biết game bài Rikvip/Tipclub là game bài đánh bạc, vậy tại sao khi ký hợp đồng với các nhà mạng lại khai là cung cấp dịch vụ cho game Ngọa hổ tàng long mà không để đúng tên game bài Rikvip.
Cơ quan điều tra chỉ ra bị cáo có thể biết đó là game đánh bạc nhưng sau đó để che giấu nên kê khai với nhà mạng là game Ngọa hổ tàng long. Tuy nhiên, Thanh giải thích mình “không che giấu” mà nhận thức đây không phải game phi pháp.
Thanh đối chất: “Game Ngọa hổ tàng long, vì theo thủ tục để cung cấp dịch vụ thanh toán thì phải hợp tác với đơn vị được cấp phép. Bên bị cáo còn nhiều dịch vụ khác mà cũng kê khai chung là Ngọa hổ tàng long”.
Tiếp đó, điều tra viên cho rằng với những tài liệu thu thập được, nội dung chát giữa Thanh với Tuấn Anh thì thể hiện Thanh biết game tài - xỉu là game đánh bạc của Rikvip.
Cơ quan điều tra cũng thu thập tư liệu cổng thanh toán GTS trao đổi với trung tâm chăm sóc khách hàng về việc khách hàng sử dụng thẻ vào game bài Rikvip/TipClub.
Cơ quan điều tra đã đề nghị GTS xác minh thông tin liên quan hành vi sử dụng internet chiếm đoạt tài sản của Lê Văn Huy (con bạc) thì GTS cũng xác minh cho kết quả Huy sử dụng 110 thẻ cào chiếm đoạt này vào việc chơi bài trên Rikvip/TipClub.
Điều tra viên cũng khẳng định GTS đã chuyển cho Phạm Tuấn Anh (nhân viên CNC) số tiền 4.600 tỉ đồng và nêu cụ thể từng tài khoản ngân hàng đã thực hiện giao dịch chuyển tiền, rồi rút ra đưa tiền mặt.
Thanh tiếp tục giải thích: “Vì là công ty của riêng bị cáo nên không tính toán được hưởng lợi bao nhiêu, vì thời gian ngồi tính toán xem mình hưởng lợi bao nhiêu thà làm việc còn hơn!”.
Thậm chí, Thanh còn nói mình “Không có đủ thời gian để suy nghĩ xem người ta có khả năng hay không mà phải hợp tác với mình”. Sau khi được hỏi có bao giờ đặt câu hỏi "Tại sao không đặt câu hỏi đối tác tự làm mà phải làm thông qua trung gian?”.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra thu thập chứng cứ lịch sử đoạn chat Skype vào ngày 10-1-2017 giữa nick name có tên “simdephoguom” được cho là của Lê Thị Lan Thanh và Nguyễn Tuấn Anh (Công ty VTC Online). Viện Kiểm sát đã trình chiếu đoạn chat Skype cho Thanh xem.
Nội dung đoạn chat liên quan đến việc đối soát vận hành game bài Rikvip thông qua cổng thanh toán của Công ty GTS (do Thanh điều hành); nội dung trao đổi phù hợp với số tiền hơn 2,442 tỷ đồng mà Thanh và các nhân viên đã chuyển vào tài khoản cá nhân đứng tên Đào Đình Luận, Bùi Minh Huệ, Đoàn Thị Thu Hà, Nguyễn Ngọc Thịnh.
Do đó, có căn cứ xác định Thanh biết rõ việc kết nối cổng thanh toán với Công ty CNC là để vận hành, đối soát cho game bạc Rikvip. Thậm chí, bị cáo còn biết game bài RikVip chưa được cấp phép, bị cáo chỉ sợ game “bị đóng” và “bị truy thu” hoặc “tạm dừng thanh toán”.
Viện kiểm sát chất vấn: Rõ ràng bị cáo biết nhưng vẫn cung cấp dịch vụ cho VTC Online.
Tuy nhiên, Thanh còn cho rằng nick “simdephoguom” là nick dùng chung ở công ty nên có thể người khác đã chat. Do đó, Thanh phủ nhận vai trò giúp sức cho người khác tổ chức đánh bạc.
Trước lời phủ nhận này, điều tra viên Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, tại CQĐT, bị can Thanh đã khai báo việc đối soát với Phạm Tuấn Anh qua nick chát viber xác định nick “simdephoguom” là của bị can.
Đồng thời, điều tra viên cũng thông tin việc cơ quan điều tra đã làm việc với Tổng công ty viễn thông Viettel và các nhân viên Trung tâm hỗ trợ giải quyết các khiếu nại của khách hàng.
Quá trình làm việc đã thu giữ các dữ liệu điện tử tại các địa chỉ email của các nhân viên lưu giữ tại trung tâm chăm sóc khách hàng thuộc Tổng công ty viễn thông Viettet, trong đó có 30 email thể hiện nội dung Công ty GTS trao đổi với các nhân viên của Trung tâm chăm sóc khách hàng Viettel về việc khách hàng đã nạp thẻ sử dụng chơi game bài Rikvip.
“Quá trình làm việc bị can Thanh khai nhận: Nội dung trả lời cho Trung tâm chăm sóc khách hàng Viettel là do phía đối tác Phạm Tuấn Anh cung cấp. Như vậy có căn cứ để xác định Thanh biết rõ việc kết nối với cổng thanh toán của Phạm Tuấn Anh (Công ty CNC) là để vận hành game bạc RIKVIP”, điều tra viên nói.
Theo cáo trạng, Lê Thị Lan Thanh được hưởng lợi bất chính từ việc giúp sức tổ chức đánh bạc này hơn 182 tỉ đồng. Ngoài ra Thanh còn được hưởng lợi bất chính 34 triệu đồng từ việc bán 14 tờ hóa đơn khống cho Công ty AHHA.
Trong buổi sáng nay Tòa cũng xét hỏi các bị cáo Châu Nguyên Anh, Nguyễn Đình Chiến, Hoàng Thị Hà… trong nhóm tội mua bán hóa đơn trái phép. Đa phần các bị cáo này thừa nhận hành vi phạm tội.
Cáo trạng xác định năm 2014, Phan Sào Nam và Hoàng Thành Trung phát triển kinh doanh hệ thống phần mềm đánh bạc trên mạng bằng hình thức game bài.
Quá trình tìm pháp nhân để xây dựng và phát triển phần mềm đánh bạc, Nam đề nghị Nguyễn Văn Dương hợp tác và Dương đã đồng ý.
Việc vận hành game đánh bạc của 2 ông trùm Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam được ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện.
Đường dây Rikvip/Tip.club do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu có 25 đại lý cấp 1, hơn 5.800 đại lý cấp 2 và gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc, trong đó hơn 500 tài khoản đặt cược trong một lần từ 5 triệu đồng trở lên.
Có hơn 9.850 tỷ đồng được nạp vào hệ thống game đánh bạc do Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng phạm vận hành. Tuy nhiên, VKSND tỉnh Phú Thọ cho rằng số liệu này chưa đầy đủ vì không có dữ liệu từ 26-6-2017 đến ngày kết thúc là 29-8-2018.
Trong đó: Tiền đối tượng đánh bạc sử dụng thẻ viễn thông, thẻ game là hơn 8.800 tỷ đồng; tiền đối tượng đánh bạc sử dụng thẻ Gocoin là hơn 360 tỷ đồng; tiền đối tượng đánh bạc sử dụng thẻ Vcard là hơn 460 tỷ đồng; tiền đối tượng đánh bạc sử dụng thẻ ATM của các ngân hàng là hơn 180 tỷ đồng.
Số tiền doanh thu tổ chức đánh bạc trực tuyến được phân chia như sau: Các công ty phát hành thẻ được phân chia hơn 1.200 tỷ đồng, gồm: Viettel hơn 900 tỷ đồng, Vinaphone gần 150 tỷ đồng, Mobifone hơn 170 tỷ đồng, Công ty VTC online (thẻ Gocoin) hơn 14 tỷ đồng, Công ty Gate (thẻ Gate) hơn 230 triệu đồng, Công ty VNG (thẻ Zing) hơn 160 triệu đồng; Công ty VTC intercom (thẻ Vcoin) hơn 10 triệu đồng và 33 ngân hàng phát hành thẻ ATM là hơn 960 triệu đồng…
Sau khi trừ chi phí trả thưởng cho đối tượng đánh bạc, chi phí quản lý, trả lương và nộp thuế của các công ty vận hành là hơn 3.700 tỷ đồng, thì các cá nhân còn được hưởng lợi hơn 4.700 tỷ đồng, trong đó: Phan Sào Nam hơn 1.400 tỷ đồng; Nguyễn Văn Dương – CNC hơn 1.600 tỷ đồng; Nguyễn Quốc Tuấn - CNC hơn 20 tỷ đồng; Phạm Tuấn Anh - CNC hơn 18 tỷ đồng; Nguyễn Ngọc Thịnh - CNC hơn 19 tỷ đồng; nhóm Phan Anh Tuấn, Hoàng Thành Trung và Lê Văn Kiên (đang trốn truy nã) hơn 1.500 tỷ đồng.