(CATP) * Trong 7 năm (2007-2014), lực lượng Cảnh sát môi trường cả nước phát hiện 53.502 vụ vi phạm; xử phạt tổng số tiền lên đến 65 tỷ đồng, chuyển khởi tố 1.554 vụ, 2.356 đối tượng.
Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường những tháng đầu năm 2015 tại các tỉnh, thành phía Nam diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, tập trung nhiều nhất ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT).
Nổi lên là vi phạm trong lĩnh vực xử lý chất thải tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, lưu vực sông, khu đô thị diễn ra trên diện rộng. Nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý chất thải, khí thải nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành để đối phó với cơ quan chức năng. Do vậy, nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý qua loa “bị” xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Thêm vào đó, tình trạng đổ xả trái phép chất thải xây dựng, chất thải sinh hoạt ra các tuyến đường vắng, sông, hồ, hệ thống thoát nước công cộng, khu vực địa bàn giáp ranh cũng diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản, bảo tồn thiên nhiên cũng là một trong những nguyên nhân gây thất thoát nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời dẫn đến tình trạng mất an toàn lao động, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao đổi với lãnh đạo Cục về pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Đáng chú ý, tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán cát trái phép tại các lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Các đối tượng vi phạm hoạt động rất tinh vi, manh động, thậm chí còn chống đối lực lượng chức năng khi cần thiết.
Trong khi đó, tình trạng vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, quý hiếm và các sản phẩm từ động vật hoang dã vẫn tiếp diễn tại địa bàn thành phố và các tỉnh giáp ranh, đặc biệt xuất hiện tuyến buôn bán xuyên quốc gia như Lào - Việt Nam, các nước châu Phi - Việt Nam, Việt Nam - Trung Quốc...
Một vấn đề cũng hết sức quan trọng đã được đưa ra “mổ xẻ” chính là an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc lợi dụng chính sách “tạm nhập tái xuất” để đưa hàng vào Việt Nam nhưng lại tổ chức trái phép trong nước mỗi lúc một chuyên nghiệp hơn, làm cho người dân ngày càng hoang mang khi phải sử dụng nguyên liệu, các chất phụ gia không rõ nguồn gốc, chất bị cấm để chế biến và bảo quản thực phẩm; buôn bán, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng thiếu kiểm soát.
Cán bộ Cục Cảnh sát môi trường phối hợp kiểm tra, xử lý các đơn vị vi phạm
Từ năm 2007 đến năm 2014, lực lượng Cảnh sát môi trường cả nước đã phát hiện 53.502 vụ (trong đó 20.000 tổ chức, hơn 30.000 cá nhân vi phạm) với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên đến 65 tỷ đồng, truy thu phí bảo vệ môi trường 150 tỷ đồng; chuyển khởi tố 1.554 vụ, 2.356 đối tượng.
Đầu năm 2015 đến nay, Cục Cảnh sát môi trường phát hiện và thụ lý 41 vụ, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 23 vụ với tổng số tiền hơn 6,8 tỷ đồng. Trong số đó, nổi lên là chuyên án về đấu tranh với hoạt động khai thác, kinh doanh cát trái phép tại khu vực biển Cồn Ngựa (giáp ranh giữa BR-VT và TPHCM), lực lượng kiểm tra bắt quả tang 9 tàu có trọng tải từ 7.000 đến 15.000 tấn đang khai thác cát trái phép.
Tháng 1-2015, Cục Cảnh sát môi trường phối hợp với QLTT TPHCM kiểm tra ba cơ sở sản xuất thực phẩm tại P.Tân Thới Nhất (quận 12), phát hiện 43.720kg măng ngâm hóa chất và 15kg hóa chất không nhãn mác, không nguồn gốc. Các cơ sở trên bị đình chỉ hoạt động và phạt 90 triệu đồng. Cty TNHH sản xuất Hòa Thắng (xã Vĩnh Lộc, Bình Chánh) cũng bị kiểm tra bất ngờ với 4 tấn nội tạng heo bẩn chưa kịp tiêu thụ.
Đối với vi phạm trong xử lý chất thải, Đoàn kiểm tra xử phạt hơn 304 triệu đồng khi phát hiện chi nhánh Tổng Cty Thủy sản Việt Nam - cảng cá Cát Lỡ, Vũng Tàu xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép...
Theo đại tá Dương Văn Linh - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường: “Các hành vi xâm phạm gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ngày càng đa dạng trên nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Đối tượng vi phạm càng tinh vi và nguy hiểm hơn. Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần đảm bảo tình hình an sinh - xã hội và trật tự tại các khu vực trọng điểm”.
Ngọc My