Duy Xuyên - “thủ phủ” lừa đảo qua mạng xã hội – Kỳ 2: “Nướng” tiền vào vũ trường và “gái gú”

Thứ Ba, 03/11/2015 14:44  | Xuân Hoài

|

(CAO) Chiếm đoạt tiền từ nạn nhân, các đối tượng ăn chơi thâu đêm tại các vũ trường rồi cặp bồ với “em út” ở khách sạn cho đến sáng. Bình minh ló dạng, bọn chúng tiếp tục hành vi phạm tội của mình.

Các cán bộ điều tra cho biết, do gia đình, địa phương buông lỏng quản lý nên các đối tượng tuổi mới lớn thích ăn chơi đua đòi và được nhiều bạn bè mách nước rồi sa ngã lúc nào không hay.

Cha mẹ vất vả lao động còn con cái là khách VIP của vũ trường

Thượng tá Đặng Hoàng Quang, Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm công nghệ cao, CATP.Đà Nẵng cho hay, các đối tượng này từng học ngành công nghệ thông tin nhưng thích ăn chơi lêu lỏng nên đã bỏ học. Chúng câu kết với nhóm bạn không học hành ở quê rồi kéo ra Đà Nẵng và kiếm tiền nhanh chóng bằng cách lừa đảo trên mạng xã hội để thỏa mãn với các trò tiêu khiển.

“Gia đình các đối tượng rất nghèo khó, từ những đứa trẻ ở nhà chăn trâu, giờ lớn lên thích bỏ nhà đi lang thang, khi có số tiền lừa được trong ngày, tối về chúng “nướng” hết vào vũ trường tại Đà Nẵng “ăn chơi tẹt ga”, thượng tá Quang thông tin thêm.

Các đối tượng bị CATP.Đà Nẵng bắt đầu tháng 10-2015 lừa gần 600 triệu đồng qua mạng chỉ trong thời gian ngắn

Qua xác minh của công an, chúng đến vũ trường được xem như khách VIP và mỗi cuộc ăn chơi tiêu tốn hàng chục triệu đồng. Sau đó, các đối tượng này tuyển cô gái xinh đẹp để đi qua đêm hoặc thuê khách sạn ngủ. Ngày mai lại thực hiện hành vi lừa đảo tiếp rồi đến tối lại đổ tiền vào các cuộc ăn chơi.

“Về địa phương tìm hiểu thì gia cảnh của các đối tượng hết sức khó khăn, hỏi con cái họ làm gì, đi đâu thì các bậc bố mẹ cũng chẳng rõ. Đến khi biết con vướng vào vòng lao lý thì mới biết con cái hư hỏng từ lâu nay mà chẳng hề hay biết”, thượng tá Quang trăn trở.

Theo đại tá Lê Văn Hồng, trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Nam, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội rộ lên hiện nay là do nạn nhân nhẹ dạ, cả tin vào các phần thưởng.

“Bọn chúng đã đánh vào lòng tham, người dùng mạng Internet đa phần là những người trí thức, hiểu biết xã hội nhưng cũng bị mắc phải. Báo chí truyền thông đã nói nhiều, nhiều chuyên án lừa đảo được triệt phá nhưng hàng ngày vẫn có nhiều người bị “dính bẫy”. Đây là điều chúng ta cần suy nghĩ, người dân hãy cảnh giác cao độ với tình trạng lừa đảo này”, đại tá Hồng cho biết.

Trung tá Nguyễn Khánh Thắng, điều tra viên của phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam tâm sự, khi triệu tập, tiếp xúc với gia đình của các đối tượng lừa đảo qua mạng, họ hết sức bất ngờ. Nhiều người tin tưởng rằng, con đi học, đi làm ở Đà Nẵng và các tỉnh, về nhà vẫn thấy bình thường nên họ tin con, nào ngờ… Điều đó họ cũng rất khổ tâm, vận động con cái khai báo thành cẩn để mong được sớm ra tù, làm lại từ đầu.

“Trong chuyên án của chúng tôi có trên mười đối tượng thì chỉ một đối tượng có bố làm giáo viên, đa phần làm nông, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Họ thừa nhận suốt ngày tất bật làm lụng kiếm tiền cho con cái học hành, chứ cũng ít khi quan tâm đến việc học, việc làm của con nên hết sức sốc khi biết tin con phạm tội”, trung tá Thắng nói.

Lãnh đạo địa phương “rất khổ tâm”

Đại tá Lê Văn Hồng nhìn nhận, điều đau đớn là các đối tượng hầu hết là tuổi trẻ, nhiều em chưa đến 18 tuổi. Vì thấy “dễ hái ra tiền” nên đã truyền miệng, bày cách lừa đảo cho nhau nên tập trung tại huyện Duy Xuyên nhiều là như vậy.

“Bên cạnh việc gia đình thiếu quan tâm con cái thì đoàn thể địa phương, nhà trường, xã hội cũng có trách nhiệm trong việc này. Cần giáo dục, trang bị kỹ năng sống của các em, không nên sa vào con đường ăn chơi, lừa đảo để khiến cả thời niên thiếu đã dính vào pháp luật, ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp về sau”, đại tá Hồng đề cập.

Thấy lừa trên mạng dễ kiếm tiền, hàng trăm thanh niên Duy Duyên dính vào con đường tù tội

Ông Nguyễn Công Dũng, Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên “tâm tình” rằng ông cũng như lãnh đạo địa phương “đang rất khổ tâm” về việc hàng loạt thanh niên địa phương liên quan đến các vụ án công nghệ cao, lừa đảo trên mạng xã hội trên cả nước.

“Nó dường như trở thành phong trào, hội chứng lan rộng trong con em của địa phương. Các cháu tuy hộ khẩu ở địa phương nhưng đã đi học, đi làm ở các tỉnh thành khác làm những điều xằng bậy, thú thật rất khó quản lý, tuy nhiên, trách nhiệm địa phương cũng không thể ngồi im được”, ông Dũng nói.

“Vừa rồi, chúng tôi chỉ đạo đưa ra nhiều giải pháp, chỉ đạo công tác tuyên truyền về từng tổ đội, thôn xã, các ban ngành đoàn thể để cùng với các gia đình, nhà trường giáo dục con cháu để có sự quan tâm, ngăn chặn kịp thời, chứ không để tình trạng này thì khiến không ít thanh thiếu niên của huyện Duy Xuyên nữa sẽ vướng vào vòng lao lý ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình mà cả xã hội, địa phương”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang