Hành trình quay về từ đất nước châu Mỹ xa xôi với 2 món quà "đặc biệt" đã biến 2 cô thành kẻ gieo "cái chết trắng" của đường dây ma túy quốc tế. Cái giá cho phút sa chân mà 2 cô gái trẻ phải trả bằng chính mạng sống của mình.
TÀN ĐỜI TỪ... 2 HỘP NHANG
Ngày 21-3-2017, TAND TPHCM mở phiên sơ thẩm, xét xử bị cáo Srithambun Amawasri (SN 1985, quốc tịch Thái Lan) về hành vi vận chuyển hơn 1,7kg ma túy.
Theo hồ sơ, giữa năm 2014, Amawasri lúc này đang thất nghiệp có quen một người tên Nasin (chưa rõ lai lịch) sinh sống tại Thái Lan. Qua nhiều lần gặp gỡ, Nasin thường mời Amawasri ăn uống, mua sắm và hứa giới thiệu việc làm nhẹ lương cao. Sau đó, Nasim nói Amawasri tranh thủ thời gian rảnh rỗi khi chưa có việc thì đi du lịch ở Brazil, được tài trợ mọi chi phí.
Nasim đưa cho Amawasri 1.100USD cùng vé máy bay. Xuất phát từ Thái Lan, Amawasri đến Singapore, sang Thổ Nhĩ Kỳ rồi tới Brazil 3 tuần được đài thọ trọn gói. Đến ngày 25-9-2014, một người đàn ông da đen đến khách sạn đưa cho Amawasri một gói quà cùng vé máy bay, nhờ mang về Thái Lan cho Nasim.
Nghi ngờ là hàng cấm, Amawasri định mở ra xem nhưng người này cản lại. Do đã nhận lời và còn được Nasim hứa trả công hậu hĩnh với 200.000 Bahth Thái (khoảng 140 triệu đồng Việt Nam) nên Amawasri bỏ gói quà vào hành lý.
Bị cáo Srithambun Amawasri
Từ sân bay San Paulo (Brazil), Amawasri trở về Thái Lan, máy bay quá cảnh tại sân bay Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Ả Rập). Sau đó, máy bay tiếp tục quá cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất đêm 29-9-2014.
Kiểm tra hành lý của Amawasri, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện gói quà, bên trong là hai chiếc hộp chứa 12 ống đựng nhang, đều phủ lớp chất bột màu trắng nghi là ma túy. Kết quả giám định: Hai hộp quà chứa 12 ống nhang tẩm cocain nặng hơn 1,7kg. Amawasri bị bắt giữ ngay sau đó.
HĐXX nhận định: Amawasri nghi ngờ vật mang theo là chất cấm, nhưng vì hám lợi bị cáo chấp nhận vận chuyển. Tuy Amawasri thành khẩn khai báo, tỏ thái độ ăn năn hối cải, có nhân thân tốt, hoàn cảnh khó khăn nhưng hành vi phạm tội của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, vận chuyển lượng ma túy rất lớn nên cần xử lý nghiêm nhằm giáo dục, răn đe phòng ngừa chung. Từ nhận định trên, HĐXX tuyên phạt Amawasri tử hình về tội "vận chuyển trái phép chất ma túy".
Ngày 27-10-2017, TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên phúc thẩm theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Amawasri. Tại tòa, bị cáo trình bày: Được Nasin hứa qua Brazil làm việc lương cao để có điều kiện phụ giúp gia đình, Amawasri nhận lời. Tuy nhiên, khi qua bên đó, Amawasri chờ nhiều ngày vẫn không nhận được việc nên rất buồn. Liên lạc với Nasin thì người "tốt bụng" này bảo ráng chờ thêm vài ngày nhưng cũng chỉ là lời hứa suông.
Khi Amawasri định quay về nước thì một người đàn ông da đen đem "gói quà" nhờ gửi cho Nasin. Bị cáo từ chối, nhưng Nasim gọi nhờ mang "quà" về Thái Lan sẽ được "thưởng" 200 ngàn Bath để bù đắp cho Amawasri chờ nhiều ngày chưa có việc.
Amawasri thành khẩn: "Bị cáo biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật, bị cáo xin lỗi Nhà nước Việt Nam vì hành vi đã gây ra. Thế nhưng, chỉ vì hoàn cảnh và bị lừa gạt, đã đẩy bị cáo vào con đường chết. Cầu xin tòa cho bị cáo một cơ hội được sống để trở về với gia đình".
HĐXX nhận định: Hành vi phạm tội của Amawasri là đặc biệt nghiêm trọng, bản án sơ thẩm tuyên đúng người, đúng tội. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không đưa ra được tình tiết nào mới để giảm nhẹ hình phạt. Do đó, HĐXX phúc thẩm bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm, y án tử hình đối với Amawasri.
MẤT MẠNG VÌ 2 CUỐN ALBUM
Trước đó, một đồng hương của Amawasri cũng nhận án tử tại 2 cấp tòa vì hành vi tương tự. Theo hồ sơ vụ án, Chaimongkol Suracha (SN 1982, tốt nghiệp đại học) thường lên mạng chat, làm quen với một người tên Fosta giới thiệu quốc tịch Brazil.
Biết cô gái tốt nghiệp đại học nhưng đang thất nghiệp, muốn tìm việc làm, Fosta giới thiệu cho Suracha quen với Mieara (không rõ lai lịch). Mieara hứa xin cho Suracha vào làm việc ở công ty xuất khẩu xe hơi lớn, lương cao.
Tin lời người đàn ông "tốt bụng", Suracha bay sang Việt Nam ngày 12-8-2012 để gặp Mieare. Vừa tới TPHCM, Mieare đặt vé máy bay cho Suracha đi du lịch và làm việc tại Brazil. Mieara thuê căn phòng ở chung với Suracha và cho cô 1.000USD để tiêu xài. Vài ngày sau, Mieara rời phòng trọ, thay vào đó là một người đàn ông da đen thường xuyên lui tới như giám sát Suracha.
Bị cáo Chaimongkol Suracha.
Đến ngày 28-9-2012, nhóm 3 người da đen (1 nữ, 2 nam) đến phòng trọ đưa Suracha đi siêu thị mua chiếc va ly và một số đồ dùng cá nhân. Sau đó, 2 nữ da đen bỏ hai album hình vào valy, nhờ Suracha mang về Việt Nam đưa cho ông chủ công ty xe hơi mà Mieare đã giới thiệu. Trước khi lên máy bay, nhóm người này dặn Suracha khi đến Việt Nam thì thuê khách sạn ở, sẽ có người liên lạc ngay.
Sau chuyến bay dài từ Brazil về Việt Nam quá cảnh Dubai, máy bay chở Suracha hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 21 giờ 30 ngày 1-2-2012. Suracha làm thủ tục nhập cảnh, bị lực lượng Hải quan cửa khẩu Sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện trong hành lý có bốn gói giấy bạc chứa chất bột màu trắng, giấu trong 2 quyển album. Kết quả giám định: Cả 4 gói bột đều là cocain, nặng gần 2kg.
TAND TPHCM đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm ngày 20-8-2013. Bị cáo Suracha khai không biết gì về số ma túy trên. Suracha cho rằng mình chỉ là nạn nhân, tất cả việc này là do những người trong đường dây buôn ma túy bày mưu, sắp đặt. HĐXX nhận định: Dù bị cáo không nhận tội nhưng với gần 2kg ma túy bị bắt quả tang, Suracha phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. Xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, TAND TPHCM xử phạt Suracha mức án cao nhất của khung hình phạt của tội "vận chuyển trái phép chất ma túy".
Suracha làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội đoàn tụ gia đình của mình ở Thái Lan. Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm ngày 4-4-2014. Tại tòa, Suracha khóc như mưa: Bị cáo có con nhỏ chưa đến 4 tuổi, mẹ già, gia đình rất khó khăn. Bị cáo xin tòa giảm án để lo cho gia đình.
Bào chữa cho Suracha, luật sư nêu quan điểm: Bị cáo là người nước ngoài, nhận thức pháp luật Việt Nam còn hạn chế, bị kẻ xấu lợi dụng dẫn đến phạm tội. Đề nghị HĐXX xem xét, giảm án tử cho bị cáo, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam.
Đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm: Vụ án mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, không có căn cứ để đề nghị giảm án cho bị cáo nên cần giữ nguyên mức hình phạt như cấp sơ thẩm đã tuyên mới đủ sức răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội.
HĐXX phúc thẩm nhận định: Bị cáo được hưởng một số tình tiết giảm nhẹ như chưa có tiền án, tiền sự, thành khẩn khai báo, hiểu biết pháp luật Việt Nam có phần hạn chế... Nhưng do số lượng ma túy vận chuyển quá lớn nên cần phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc. Từ nhận định trên, HĐXX quyết định bác kháng cáo, tuyên phạt Suracha tử hình về tội "vận chuyển trái phép chất ma túy". Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày tòa tuyên án, bị cáo làm đơn xin Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tha tội chết.
Án vừa tuyên, Suracha quỵ ngã, nức nở: "Cuộc đời tôi đã chấm dứt tại đây. Tôi không muốn chết, tôi không muốn chết...".