(CATP) Thời gian qua, do không cập nhật các cảnh báo về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thời công nghệ, nhiều người dân nhẹ dạ cả tin đã rơi vào bẫy của các đối tượng giả danh cán bộ cơ quan nhà nước. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Công an huyện Đắk Đoa (Gia Lai) tiếp nhận đơn trình báo về 8 vụ lừa đảo qua mạng Internet, điện thoại..., với số tiền thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.
Khoảng 7 giờ 30 ngày 13-8-2021, chị L.T.X (SN 1973, ngụ TT.Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa) nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ: +9555243982. Người gọi nói giọng phụ nữ, thông báo chị X. có liên quan đến vụ việc vi phạm pháp luật. Chị X. chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra thì được người này thông báo nối máy cho gặp đối tượng nam. Gã xưng tên Cao Thanh Lâm ("Đội trưởng Đội điều tra Công an tỉnh Gia Lai"). Lâm nói chị X. dính dáng đến vụ sử dụng giấy CMND để mở thẻ nhằm trộm cắp tiền của ngân hàng.
Chị X. phân bua rằng mình không làm việc vi phạm pháp luật thì Lâm trấn an, bảo chị phải hợp tác để điều tra, làm rõ nhân viên ngân hàng hay ai khác đứng sau vụ việc này để lừa chị. Hoảng hốt vì bỗng dưng liên quan đến chuyện phi pháp, chị X. dần sa vào bẫy của kẻ gian, thật thà cung cấp các thông tin về bản thân.
Chị X. kể: "Người đó hỏi tôi có tiền không, tôi trả lời trong nhà giờ chỉ còn 30 triệu để đóng học phí cho các con. Anh ta bảo tôi phải gửi hết số tiền đó vào ngân hàng và không được cho ai biết. Công an sẽ giữ số tiền này để điều tra, khi điều tra xong sẽ trả lại cho tôi. Tôi cũng hơi nghi ngờ nên hỏi: "Nộp tiền vô ngân hàng để làm gì?" thì được trả lời là để phục vụ công tác điều tra, xem nhân viên ngân hàng có dùng thông tin giấy CMND của tôi để vay nợ xấu hay không, có vu oan cho tôi hay không. Lúc tôi kiểm tra thấy trong nhà chỉ còn 29 triệu, hắn nói: "29 triệu cũng được, từ giờ đến lúc nộp tiền không được tắt máy"... ".
Công an huyện Đắk Đoa tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn của các loại tội phạm
Vì nóng lòng muốn được minh oan, chị X. đến ngân hàng nộp 29 triệu đồng vào tài khoản số 217100016328 của Nguyễn Tuấn Anh, mở tại Ngân hàng VietinBank. Sau khi chuyển tiền, chị X. không còn liên lạc được với Lâm nữa. Lúc này, nạn nhân mới nhận ra mình bị lừa.
Thủ đoạn lừa đảo trong trường hợp của chị X. thực ra không mới. Cũng tại huyện Đắk Đoa, ngày 21-6-2021, một đối tượng sử dụng số điện thoại 0567097126 gọi cho chị N.T.M.H (ngụ TT.Đắk Đoa), tự xưng là người của công ty điện lực, thông báo chị H. bị phạt 60 triệu đồng vì tự ý sửa công-tơ điện, đồng thời đã chuyển hồ sơ sang công an. Sau đó, đối tượng bảo sẽ nối máy tới số điện thoại 0693187907 để chị H. gặp tên Tuấn.
Tuấn tự xưng là "cán bộ công an", thông báo chị H. bị công ty điện lực kiện và bị truy nã vì bán hồ sơ cho các đối tượng phạm tội. Gã buộc chị H. cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng để kiểm tra. Thấy chị H. chỉ cung cấp thông tin cá nhân, đối tượng hướng dẫn chị H. tải ứng dụng "Bộ Công an" trên điện thoại, nhập thông tin tài khoản ngân hàng để phục vụ công tác kiểm tra. Do tin tưởng, chị H. nhập số tài khoản ngân hàng, mật khẩu tài khoản và mã OTP vào ứng dụng thì ngay sau đó, tài khoản của chị bị chuyển đi 126 triệu đồng.
Thiếu tá Lê Anh Tuấn (Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đắk Đoa) cho biết: "Khi làm việc với người nào liên quan đến các vụ việc vi phạm pháp luật, cán bộ công an đến gặp trực tiếp hoặc gửi giấy mời đến trụ sở cơ quan công an để làm việc, chứ không bao giờ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền thông qua điện thoại. Khi có yêu cầu thu giữ vật chứng hoặc tài sản, cơ quan công an làm việc với người bị thu giữ vật chứng, tài sản và lập biên bản, có ký nhận rõ ràng. Mong người dân nắm rõ quy trình này để tránh sa bẫy của các đối tượng lừa đảo".