Bóc trần trò lừa "móc tiền" của tội phạm công nghệ cao:

Kỳ cuối: Phanh phui trò lừa... bẩn!

Thứ Tư, 19/05/2021 09:26

|

(CATP) Theo các chuyên gia về an ninh mạng cũng như các cán bộ của An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao CATP, bên cạnh các chiếc bẫy về công nghệ được các đối tượng xấu dày công sắp đặt thì việc đánh vào tâm lý chủ quan cũng như lòng tham của một bộ phận người dân chính là yếu tố quan trọng giúp chúng có thể moi tiền từ người bị hại.

Hiểm họa từ thuê sim trực tuyến

Chiếm đoạt tài khoản (TK) Facebook (FB) thông qua thuê sim trực tuyến là hình thức mới, được các đối tượng tội phạm công nghệ cao (CNC) áp dụng gần đây. Cụ thể, chúng sẽ tạo lập các trang web cho người dùng tạo tài khoản và nạp tiền thuê sim trong khoảng thời gian ngắn để nhận tin nhắn hoặc cuộc gọi xác minh các dịch vụ MXH như FB, Google hay Zalo... Các trang web đăng ký tài khoản này được kết nối với các thiết bị GSM (thiết bị cho phép cắm nhiều sim cùng lúc để nhận tin nhắn, cuộc gọi mà không cần bóc sim) để nhận tin nhắn, cuộc gọi và gửi mã xác nhận cho người dùng qua giao diện web khi đặt yêu cầu. Tên miền máy chủ của các trang web cho thuê sim trực tuyến thường được mua từ nước ngoài, các đối tượng là quản trị, vận hành thường sử dụng MXH để liên lạc nhằm che giấu danh tính, gây khó khăn cho công tác truy tìm của lực lượng chức năng.

Công an TP.Thủ Đức tuyên truyền phòng chống tội phạm công nghệ cao cho sinh viên

Các sim cho thuê có thể là sim mới chưa có người dùng hoặc từng được sử dụng nhưng đã bị nhà mạng thu hồi. Nhằm đáp ứng được nguồn cung cấp sim "khủng" để cho người dùng thuê, các đối tượng đã liên kết với các đại lý sim, thẻ điện thoại để cài đặt thiết bị GSM và vận hành cho thuê. Sau khi hoàn tất các khâu chuẩn bị, để thực hiện thành công vụ chiếm đoạt TK FB, chúng sẽ sử dụng các trang web cung cấp dịch vụ cho thuê sim trực tuyến để thuê số điện thoại nhận mã xác thực TK FB.

Nếu số điện thoại thuê được có kết nối với TK FB từ chủ trước thì chúng sẽ yêu cầu hệ thống gửi lại mã xác thực, từ đó đổi mật khẩu để chiếm quyền quản trị các TK này. Điều này lý giải tại sao thời gian qua nhiều chủ TK FB liên tục thông báo mình bị kẻ xấu chiếm đoạt TK để đi lừa đảo. Đó là do một số trường hợp người dùng sử dụng các sim điện thoại để đăng ký ID sử dụng. Các số này sau khi bị thu hồi vì lý do không chính chủ, không còn sử dụng sẽ được các đối tượng "vịn" vào để thực hiện mưu đồ chiếm đoạt.

Sáng suốt trên không gian mạng

Tất cả những đường đi nước bước mà chúng tôi đã liệt kê như trên chính là lời giải thích cho việc nhiều người vô cớ bị kẻ xấu chiếm đoạt tài khoản trên MXH. Tuy nhiên, bên cạnh các kiến thức cơ bản về thông tin mạng, về kỹ thuật thì người dân cần đặc biệt tỉnh táo trước hàng trăm chiêu lừa được chúng sắp đặt nhằm đánh thẳng vào tâm lý người dân.

Công an TPHCM thông báo người dân nâng cao cảnh giác tội phạm hoạt động trên không gian mạng

Chuyên gia an ninh mạng Đinh Duy Linh (Học Viện Bưu chính Viễn thông) chia sẻ, hiện nay, lợi dụng tình hình dịch bệnh, các đối tượng giả mạo thư điện tử chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng như: Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế... có đính kèm file tài liệu gắn mã độc để lấy cắp thông tin cá nhân. Nội dung thư yêu cầu bị hại tải tệp tin đính kèm hoặc các liên kết trong thư điện tử để xem nội dung chi tiết. Khi bị hại mở tệp tin, truy cập vào các liên kết hoặc tải ứng dụng theo đường link, virus mã độc sẽ lập tức được tải tự động và cài đặt trên thiết bị cá nhân của bị hại và đánh cắp thông tin để thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, phương thức được sử dụng khá phổ biến và rất nhiều nạn nhân đã bị lừa với thủ đoạn này. Cụ thể, các đối tượng giả danh là cán bộ ngành công an, viện kiểm sát, tòa án để điện thoại, chụp hình các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, rồi gửi qua mạng xã hội để thông báo cho bị hại biết họ có liên quan đến đường dây tội phạm (ma túy, "rửa tiền", buôn lậu...). Bị hại muốn chứng minh mình không liên quan đến vụ án thì phải chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng cung cấp để điều tra, xác minh để không bị bắt giam. Sau đó, các đối tượng này sử dụng chứng minh nhân dân giả để làm thẻ ATM, hay sử dụng sim điện thoại rác, tài khoản Facebook, Zalo, Messenger ảo để liên lạc và cung cấp số tài khoản ngân hàng để bị hại chuyển tiền rồi chiếm đoạt.

Còn về các đối tượng liên quan tới hoạt động tín dụng đen "4.0", Phòng An ninh mạng CATP cho rằng, để không rơi vào chiếc bẫy do chúng giăng, người dân khi cần tiếp cận với nguồn vay cần tìm đến các công ty tài chính hợp pháp hoặc các quỹ hỗ trợ nhân dân, ngân hàng... Còn trong trường hợp vô tình bị kẻ xấu gọi điện làm phiền, cố tình đưa bạn vướng vào một cuộc nợ không rõ nguyên nhân, vướng vào nợ "không chính chủ” cần tỉnh táo xử lý, giải thích ngắn gọn và dứt khoát về việc cá nhân mình không liên quan tới khoản tiền vay nợ trên.

Công an cũng khuyến cáo người dân không nên đôi co với các đối tượng. Song song đó, người dân cũng tự thu thập bằng chứng chứng minh như các hình ảnh chụp màn hình tin nhắn, ghi âm cuộc gọi điện thoại đe dọa... rồi nhanh chóng trình báo tới cơ quan công an để nhận sự trợ giúp.

Kỳ 1: Những phi vụ gạt tiền không tưởng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang