Miền Tây: Nhiều nan nhân sập bẫy các đối tượng lừa đảo

Thứ Năm, 13/05/2021 15:44  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Thời gian qua, dù trên các phương tiện thông tin truyền thông cũng như Công an các địa phương đã phản ánh, tuyên truyền nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội nhưng vẫn có thêm nhiều nạn nhân sập bẫy.

Đáng chú ý là tình trạng người nước ngoài câu kết với một số người Việt Nam làm quen với bị hại, tạo lòng tin, hứa gửi tiền, quà tặng có giá trị, sau đó giả mạo nhân viên hải quan gọi điện yêu cầu nạn nhân chuyển tiền, làm các thủ tục thông quan để chiếm đoạt.

Kẻ gian nhắn tin làm quen và ngỏ ý gửi đô-la cho anh N.T.V

Lại sập bẫy “người tình ngoại quốc

Mới đây, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp nhận được đơn trình báo của anh N. (SN 1989, ngụ ấp 3, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh) về việc bị đối tượng nữ tên HyunCastro (quốc tịch Hoa Kỳ) quen qua mạng xã hội WhatsApp lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Ả sử dụng số điện thoại: +1879528910 trò chuyện làm quen với anh N. Được khoảng 6 tháng, người này nói rằng làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp quốc tại Syria đã được 10 năm. Sau đó, người này ngỏ lời muốn về Việt Nam sống chung với anh N. và nói rằng sẽ đem số lượng lớn vàng theo.

HyunCastro cho anh N. địa chỉ mail để gửi thư đề nghị chỉ huy của ả qua địa chỉ: “unitednationsmiltary50@yahoo.com davis faith” và mail: “milirtarybase333@alo.com Military Base”, điện thoại: +18175004437. Người này giả mạo là chỉ huy nói sẽ giúp làm giấy tờ cho HyunCastro về Việt Nam.

Trong thời gian này, các đối tượng trên yêu cầu anh N. đóng tiền mua vé máy bay, làm giấy giải phóng hợp đồng với quân đội, làm hộ khẩu ở Việt Nam. Đối tượng nói với anh N. sẽ về Việt Nam bằng chuyên cơ riêng của quân đội. Sau đó ả hướng dẫn anh N. liên hệ địa chỉ mail: pa833333@yahoo.com.

Trong lúc tin tưởng chờ người yêu về Việt Nam, anh N. nhận được thông tin người tình ngoại quốc bị “nhóm khủng bố Triều Đại Việt” bắt tống tiền, yêu cầu 90 triệu đồng tiền chuộc. Do không đủ tiền nên anh N. chỉ nộp 30 triệu đồng.

Sau khi nộp tiền xong, anh N. không liên lạc được với đối tượng nêu trên. Bất ngờ lúc này có số điện thoại: +18562166031 (gọi điện, nhắn tin qua WhatsApp) và gửi ảnh xưng là bạn gái của anh N. Lúc đầu anh N. không tin, nhưng đối tượng gửi ảnh cũ, số điện thoại cũ, địa chỉ mail và yêu cầu anh N. mua vé máy bay, kích hoạt hộ chiếu để được về Việt Nam.

Ngày 22-3-2021, anh N. nhận được số điện thoại: 0766946339 tự xưng là Hà, cho biết đang làm hải quan ở sân bay Nội Bài, yêu cầu đóng tiền phạt vì bạn gái đem vàng về Việt Nam vượt mức quy định.

Ngoài ra, còn yêu cầu nộp tiền mua bảo hiểm vàng, giấy xác nhận Covid-19... Tin tưởng nên anh N. tiếp tục nộp tiền. Đến ngày 29-3, anh N. nhận được điện thoại của Công an TPHCM cho biết anh là một trong các nạn nhân của bọn lừa đảo.

Còn cách nay 2 ngày, anh N.T.V (ngụ TP.Cần Thơ) được tài khoản Facebook Ella Kim nhắn tin làm quen. Sau đó, đối tượng cho biết người Hàn Quốc nhưng sống ở Hoa Kỳ, là nữ quân nhân Mỹ nhưng làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, với tư cách trung sĩ ở Afghanistan. Sau nửa ngày nhắn tin, người này ngỏ ý gửi ngoại tệ cho anh V. nhưng bị từ chối. Anh V. cho biết không bị sập bẫy vì đã xem được thông tin cảnh báo trên báo, đài.

Phạm Văn Hưng

Chiêu lừa mời làm đại lý thẻ cào

Đầu tháng 4-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hậu Giang đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Phạm Văn Hưng (SN 1988, ngụ ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hình thức bán thẻ cào điện thoại qua mạng xã hội.

Theo điều tra, để có tiền tiêu xài, khoảng tháng 10-2020, Hưng tạo tài khoản Facebook với tên “Nguyễn Nguyễn” và đăng tải nội dung muốn tìm cộng tác viên, đại lý bán thẻ cào điện thoại với chiết khấu cao từ 7-10%, nhưng yêu cầu người tham gia phải chuyển tiền vào tài khoản của y để đăng ký nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Ngày 13-10-2020, Hưng xưng tên là Mạnh nhắn tin trao đổi với ông L.H.A. (ngụ xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp) về việc muốn người này làm cộng tác viên bán thẻ cào điện thoại. Ông A đồng ý, sau đó Hưng yêu cầu chuyển 2 triệu đồng để tạo tài khoản. Cùng ngày, Hưng tiếp tục nhắn tin cho ông A. để nói tài khoản cộng tác viên đã đủ nên yêu cầu chuyển thêm hơn 4,7 triệu đồng nhằm nâng cấp trở thành gói đại lý với chiết khấu cao hơn.

Sau khi nhận được số tiền trên, Hưng nhiều lần nhắn tin cho ông A. để đưa ra hàng loạt lý do như: phải nộp thêm tiền để chạy hệ thống, tài khoản bị khóa do nhập sai password phải đóng tiền để mở… Chưa dừng lại, nhằm tạo lòng tin cho ông A., Hưng mua 2 sim số điện thoại đóng giả làm nhân viên tổng đài nhắn tin cho bị hại thông báo về việc thực hiện thành công các giao dịch khi chuyển tiền. Qua các lần như thế, ông A. chuyển cho Hưng tổng số tiền 81,2 triệu đồng vào các tài khoản ngân hàng và ví điện tử Momo theo yêu cầu của Hưng.

Tại cơ quan công an, Hưng khai nhận toàn bộ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình đối với ông A. Đồng thời còn khai nhận, từ năm 2018 đến ngày bị bắt đã tạo và sử dụng nhiều tài khoản Facebook như: “Hung Cuoc”, “Minh Quang”… để chiếm đoạt tiền của nhiều người khác với thủ đoạn tương tự như trên. Riêng từ tháng 1 đến tháng 3-2021, đối tượng đã sử dụng tài khoản tên “Minh Quang” để lừa 5 bị hại, chiếm đoạt hơn 41,1 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền của các bị hại, Hưng chặn số điện thoại, tài khoản Facebook. Biết mình bị lừa, nhiều bị hại đã đến cơ quan Công an trình báo.

Ngày 25-3, Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Hậu Giang đã bắt giữ Hưng khi đang ở phòng trọ tại ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú, huyện Châu Thành. Tại đây, Công an thu giữ 2 thẻ ATM, 3 điện thoại và một số tang vật có liên quan.

Theo điều tra của Công an, với hành vi trên, Hưng không chỉ lừa hàng chục người trên địa bàn tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Theo Trung tá Lê Quốc Hội (Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Hậu Giang), hiện nay thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng rất tinh vi, ngoài đăng tin tuyển dụng cộng tác viên, đại lý bán thẻ cào, bọn xấu còn lập ra trang web giả mạo với hình thức nạp tiền có chiết khấu hấp dẫn để lừa đảo. Ngoài ra, khi người dân nhận các tin nhắn này hay quảng cáo nạp tiền có chiết khấu cao bất thường thì phải hết sức cảnh giác, không làm theo để tránh sập bẫy.

Bình luận (0)

Lên đầu trang