Dốc toàn lực phòng chống dịch ở biên giới Tây Nam

Thứ Ba, 04/05/2021 12:53  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nhiều nước trên thế giới bùng phát mạnh trong cộng đồng, đặc biệt là nước bạn Campuchia - tiếp giáp với nhiều tỉnh biên giới Tây Nam của Việt Nam. Điều này khiến cho công tác phòng chống dịch và nạn xuất, nhập cảnh trái phép tại tuyến biên giới Tây Nam rất phức tạp.

Thời điểm này, tại các chốt chống dịch, các lực lượng đang tập trung vật lực và trí lực ở mức cao nhất, với quyết tâm không cho nguồn bệnh xâm nhập vào nội địa.

Lực lượng chức năng tuần tra trên sông.

Mượn bè cá làm chỗ đóng quân

Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi đến Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Long Bình (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) – nơi được cho là “điểm nóng” về tình trạng xuất nhập cảnh trái phép. Tiếp chúng tôi là trung tá Đinh Quang Điềm - Đồn trưởng Đồn BPCK Long Bình.

Trò chuyện được ít phút, trung tá Điềm liền móc điện thoại gọi chỉ đạo các tổ, chốt chia nhỏ lực lượng để bố trí những điểm có nguy cơ các đối tượng nhập cảnh trái phép sau khi đi khảo sát về.

“Đồng chí chừa lại chốt 4 đồng chí, còn 2 đồng chí bố trí tại cua đó liền, vì tầm quan sát vị trí đó bị hạn chế, nhất là về ban đêm. Chúng ta đề phòng cả trường hợp mình phát hiện nhưng đến nơi các đối tượng đã tẩu thoát”, vị đồn trưởng này lưu ý chốt trưởng và cho biết mỗi ngày tiếp nhận và phát hiện khoảng 20 người nhập cảnh qua khu vực đồn quản lý.

Tuần tra ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép.

21 giờ khuya, chúng tôi xuôi theo sông Hậu và ghé tổ công tác phòng chống dịch Covid-19 số 9 Đồn BPCK Long Bình đóng tại ấp An Hòa, xã Khánh An, huyện An Phú.

Trên chiếc vỏ lãi, thượng úy Bùi Trí Thức (tổ trưởng) chia sẻ: “Tổ công tác mình phụ trách quản lý đoạn biên giới đường sông dài khoảng 300m, lòng sông rộng khoảng 70m, tiếp giáp với xã Prek Chrey, huyện Koh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia.

Hiện đang chuẩn bị vào mùa nước nổi, lục bình trên sông rất nhiều, cho nên nhiều trường hợp lợi dụng đêm tối, lẫn trong đám lục bình để bơi qua sông, nhập cảnh trái phép vào nội địa. Do vậy anh em chiến sĩ phải thay phiên nhau tuần tra liên tục 24/24 bất kể ngày đêm, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp này”.

Theo thượng úy Thức, khi chưa có dịch, người dân Campuchia qua đây khám bệnh, mua bán. Bây giờ việc cấm nhập cảnh khiến hoạt động sinh hoạt của người dân 2 nước thay đổi rất lớn. Từ đầu năm 2020 đến nay, tổ công tác đã phát hiện 12 trường hợp nhập cảnh trái phép. “Ở đây cán bộ chiến sĩ lúc nào cũng trong tâm thế “chống dịch như chống giặc”", vị tổ trưởng nói.

Được biết, khu vực tuần tra kiểm soát là địa hình sông nước nên các tổ, chốt không thể dựng lều trại như trên bờ. Do vậy các chiến sĩ biên phòng đã vận động các chủ bè cá cho mượn chỗ để đóng quân. Hơn 22 giờ, chúng tôi cùng các chiến sĩ biên phòng đã dùng vỏ lãi để luân phiên tuần tra trên dòng sông chung.

0 giờ, lúc người dân 2 bên biên giới chìm vào giấc ngủ thì lại là thời điểm trung úy Trần Văn Hùng (tổ trưởng tổ công tác phòng chống dịch Covid-19 số 12) thay ca trực với đồng đội. Vừa đưa đèn rọi xung quanh và không phát hiện gì bất thường, trung úy Hùng tâm sự: “Khu vực phụ trách có gần 300 bè nuôi cá trên sông nên việc kiểm soát và phát hiện các trường hợp nhập cảnh rất khó khăn.

Đặc biệt là thời điểm này chuẩn bị vào mùa nước nổi, lục bình trôi kín cả mặt sông nên việc kiểm soát vô cùng vất vả. Mỗi tổ phải chia từng tốp nhỏ, dùng võ lãi chạy xuyên lục bình để ngăn chặn các trường lợi dụng lòng sông hẹp, lẫn trong đám lục bình để nhập cảnh”.

Thành viên trong chốt biên phòng liên tục soi đèn giám sát tình hình.

Cùng đóng quân trên bè cá, đại úy Đặng Hữu Tường người vừa được tăng cường từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên cho tổ công tác phòng chống dịch Covid-19 số 12 cho biết: “Hơn 20 năm quân ngũ, từng đi tăng cường cho nhiều địa phương từ Phú Yên cho đến Tây Nguyên, giờ đi An Giang.

Khi nhận nhiệm vụ, dù ở Phú Yên có tuyến biên giới trên biển những khi vào An Giang lại rất bỡ ngỡ. Người dân 2 nước chỉ cách nhau có con sông chưa đầy 100m, cũng hay thường xuyên qua lại. Mình chỉ cần mất tập trung chút xíu là người dân đã bơi qua lẫn vào các bè nhanh như chớp”.

Ngăn dòng người nhập cảnh trái phép

Cũng tại xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, bất kể trời nắng hay mưa, cứ mỗi chiều sau giờ lên lớp, nhiều giáo viên vùng biên luôn có mặt tại trụ sở ấp để phối hợp với các lực lượng tuần tra vòng trong, ngăn các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép.

Đại diện Đồn BPCK Vĩnh Hội Đông cho biết, đơn vị được giao quản lý gần 6km đường biên giới. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, các chiến sĩ luôn túc trực 24/24 cùng với đó có sự hỗ trợ, phối hợp của lực lượng Công an, dân quân tự vệ và giáo viên trên địa bàn.

Để giữ bình yên cho người dân, giấc ngủ của các chiến sĩ thường rất thất thường.

Tham gia tổ tuần tra nhiều tuần qua, thầy Nguyễn Văn Cấn (giáo viên Trường THCS Vĩnh Hội Đông) cho biết: Trước tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, Đảng ủy, UBND xã cũng như Ban Giám hiệu trường vận động “mỗi người dân là chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài trong phong trào chống dịch”. Qua phát động, từ ngày 27-3 đến nay, hơn 20 giáo viên của trường đăng ký tình nguyện tham gia tuần tra.

“Tôi sắp xếp công việc tham gia tuần tra để không làm ảnh hưởng đến việc dạy học. Một tuần tôi tham gia từ 1 – 2 lần và các giáo viên trong trường sẽ luân phiên với nhau. Ca trực của chúng tôi bắt đầu từ 19 giờ đến 0 giờ. Mỗi đợt có 2 giáo viên của trường phối hợp với các lực lượng địa phương.

Đây việc làm rất có ý nghĩa, nhằm góp một phần nhỏ công sức của mình để động viên, chia sẻ những khó khăn, vất vả với anh em chiến sĩ, tạo thêm động lực để các anh hoàn thành nhiệm vụ, vượt qua cuộc chiến không tiếng súng”, thầy Cấn chia sẻ.

Làm nhiệm vụ tuần tra tuyến trong không chỉ có giáo viên mà còn nông dân tham gia. Ông Nguyễn Văn Trí – Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình, huyện An Phú chia sẻ: “Đối diện với địa phương là các casino, trong khi đó địa hình là đất nối đất, nhiều đường mòn lối mở nên nhiều trường hợp qua lại biên giới để đánh bạc, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn.

Cách nay khoảng 1 tháng, xã thành lập 4 tổ để chia nhau tuần tra địa bàn vòng trong từ 19 giờ khuya đến 5 giờ sáng. Mỗi tổ có 12 – 16 người tham gia gồm: ban ấp, các hội đoàn thể, nông dân, công an… Hiện nay ý thức của người dân biên giới được nâng lên rất cao”.

Theo lực lượng chức năng các tỉnh thuộc biên giới Tây Nam cho biết, thời điểm chưa có dịch, người dân Việt Nam qua bên Campuchia để làm ăn, sinh sống. Hiện tình hình dịch bệnh nước bạn bùng phát nên để tránh dịch họnhập cảnh trái phép trở về nhà.

“Thời gian gần đây, tình trạng người dân nhập cảnh trái phép qua đường sông bằng ghe, vỏ lãi đang ở mức báo động”, một cán bộ biên phòng cho hay.

Một gia đình nhập cảnh trái phép bị phát hiện.

Ngày 3-5, lực lượng chức năng huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết, rạng sáng ngày 2-5, Đồn BPCK quốc tế Thường Phước kết hợp với Đồn BPCK quốc tế Vĩnh Xương phát hiện và ngăn chặn 3 vụ với 27 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào nội địa thông qua tuyến sông Tiền.

Lực lượng biên phòng đã tuyên truyền, vận động những người này quay trở lại nước bạn. Đây là 5 hộ gia đình Việt kiều đi trên 9 xuồng máy từ tỉnh Compung Chnăng, Campuchia vào Việt Nam. Khi đến thủy phận thuộc xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự thì bị lực lượng biên phòng phát hiện.

Tương tự, vào khoảng 0 giờ 45 phút đến 2 giờ 30 phút ngày 1-5, tại biên giới thủy phận sông Tiền (thuộc ấp 5, xã Vĩnh Xương, TX.Tân Châu), tổ công tác Trạm cửa khẩu Đồn BPCK quốc tế Vĩnh Xương phối hợp với tổ công tác Trạm cửa khẩu Đồn BPCK quốc tế Thường Phước tuần tra và ngăn chặn kịp thời 3 vụ (6 hộ, 28 người Việt kiều) đi trên 14 ghe gỗ, võ lãi di chuyển từ tỉnh Kompong Chnang, Campuchia đến biên giới để nhập cảnh trái phép theo đường sông về Việt Nam.

Ngoài việc ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép, lực lượng Công an cũng đã khởi tố nhiều đối tượng có hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.

Theo đó, ngày 3-5, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Đồng Tháp đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khởi nơi cư trú đối với Nguyễn Văn Bời (SN 1967, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự) về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.

Trước đó, vào lúc 1 giờ 10 phút ngày 25-1, Đồn Biên phòng Cầu Muống tuần tra, phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng là Ngô Văn Khai (SN 1984) và Trần Văn Chót (SN 1961, cùng ngụ xã Thường Lạc) có hành vi tổ chức cho 1 đối tượng xuất cảnh trái phép từ Việt Nam sang Campuchia.

Quá trình điều tra mở rộng, Cơ quan ANĐT đã có đầy đủ tài liệu, chứng cứ xác định Bời là đối tượng đã cùng với Khai, Chót tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép…

Đại tá Đinh Văn Nơi – Giám đốc Công an tỉnh An Giang:

Từ đầu năm đến nay, Công an toàn tỉnh đã tăng cường 4 đợt cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng các lực lượng quân sự, biên phòng kiên trì bám trụ, chốt chặn tất cả các tuyến đường mòn lối mở trên tuyến biên giới, với quyết tâm không để dịch bệnh “thẩm lậu” và lây lan trong cộng đồng.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, Công an toàn tỉnh đã phát hiện 50 vụ, với gần 150 đối tượng; khởi tố 8 vụ, 13 bị can về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; đưa đi cách ly tập trung trên 100 đối tượng...

Bình luận (0)

Lên đầu trang