"Khát" ở vùng giáp biển
Ngay trong thời điểm này, những địa phương ven biển đang trong tình trạng khan hiếm nước ngọt; trong đó có xã Phú Mỹ (huyện Giang Thành, Kiên Giang). Theo thống kê của chính quyền địa phương, tính riêng 2 ấp Thuận Án và Trà Phô đã có gần 600 hộ đang thiếu nước ngọt và nước sinh hoạt với nhu cầu khoảng 100m3/ngày. Gần một tuần qua, để có nước ngọt, bà con phải đổi nước từ các xe bồn tự chế với giá từ 60 - 100 ngàn đồng/m3. Những gia đình hoàn cảnh quá khó khăn không có khả năng đổi nước thì phải chia nước với các gia đình khác.
Không để người dân thiếu nước sinh hoạt
Theo dự báo, trong tháng 4-2021 sẽ còn tiếp tục xảy ra một số đợt xâm nhập mặn gia tăng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 11-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở đồng bằng sông Cửu Long; kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Trước tình trạng này, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước tỉnh Kiên Giang tổ chức cung cấp, hỗ trợ nước sinh hoạt để giảm bớt khó khăn cho bà con. Hai ngày 7 và 8-4, hơn 30 cán bộ, chiến sĩ của Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang và Ban CHQS huyện Giang Thành, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn bộ binh 519 cùng chính quyền địa phương cấp hơn 70m3 nước cho các hộ gia đình tại 2 ấp trên.
Tại các xã ven biển thuộc 2 huyện An Biên, An Minh (Kiên Giang) chưa có công trình cấp nước, giếng khoan nhiễm mặn, đời sống người dân khó khăn bội phần. Để có nước ngọt sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, bà con tích trữ nước bằng mương, đìa, lu, khạp nhưng hết mưa vài tháng là tất cả trơ đáy, phải đổi nước với giá cao. Người dân ở các xã đảo của huyện Kiên Hải, Kiên Lương, Hà Tiên còn "bi kịch hơn". Xã An Sơn (hòn Củ Tron) có hồ chứa 30.000m3 nhưng nắng kéo dài đang trong tình trạng cạn kiệt. Còn các xã như: Hòn Tre, Lại Sơn, Sơn Hải, Hòn Nghệ, Tiên Hải, đặc biệt là Nam Du (hòn Ngang) nhu cầu về nước ngọt của người dân đang rất cấp thiết.
Hiện hệ thống cống đập ở Cà Mau phát huy hiệu quả giữ nước
Tại đỉnh hạn mặn tỉnh Bến Tre, đầu tháng 3-2021 có hơn 16.600 hộ dân ở huyện Giồng Trôm sử dụng nước máy sinh hoạt từ nhà máy nước Lương Qưới (xã Lương Qưới, huyện Giồng Trôm) phải trả với mức phí 51.500 đồng/m3, tăng gấp 5 lần so với bình thường. Theo lãnh đạo nhà máy, trước đây chỉ 9.600 đồng/m3 nhưng nguồn nước máy tại khu vực Nhà máy nước Lương Qưới bị nhiễm mặn, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre phải thuê hơn 10 chiếc sà lan (tải trọng trung bình 700 tấn/chiếc) vận chuyển nước ngọt từ thượng nguồn bơm về để phục vụ người dân.
Việc thu tiền áp dụng đơn giá nước sạch theo Quyết định 03 của UBND tỉnh quy định là 51.500đ/m3. Đối với khách hàng trên địa bàn TP.Bến Tre, huyện Châu Thành, huyện Mỏ Cày Nam, huyện Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách hiện công ty vẫn áp dụng đơn giá nước sạch như giá cũ. Nếu thời gian tới nguồn nước tích trữ bị cạn kiệt thì công ty sẽ thuê sà lan vận chuyển nước ngọt thô cấp cho các nhà máy nước nêu trên. Khi đó khu vực cấp nước này sẽ được điều chỉnh theo quy định.
Cần điều tiết nước mặn
Trước tình hình hạn mặn đang ở mức đỉnh điểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo, các địa phương ven biển trong vùng ÐBSCL cần đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong vùng; đề phòng khả năng thiếu nước cho khoảng 40.000ha vườn cây ăn trái (trong đó Tiền Giang khoảng 19.000ha, Bến Tre 15.000ha, Vĩnh Long 1.800ha, Sóc Trăng 3.400ha) và khoảng 5.000ha lúa của tỉnh Trà Vinh... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng nguyên nhân gây ra xâm nhập mặn ở ĐBSCL năm 2020 - 2021 là do thiếu hụt lượng mưa, nguồn nước trên thượng nguồn sông Mê Công trong mùa lũ năm vừa qua.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, mùa khô năm nay địa phương một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất. Mùa khô 2019 - 2020, Cà Mau xảy ra 1 đợt hạn hán, 21 cơn bão cùng với 5 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, đã tác động không nhỏ đến đời sản xuất của người dân nơi đây. Qua đó làm hư hỏng 58 tàu cá, thiệt hại gần 64.000ha lúa, hơn 800ha hoa màu, 400 cây ăn quả, 21.000ha nuôi trồng thủy sản, với tổng thiệt hại 1.110 tỷ đồng.
Ông Trần Quốc Nam, Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, đối với vùng ngọt Cà Mau, trong đó các tiểu vùng hầu như đã khép kín nhưng chưa đủ. Để giải quyết những khó khăn do hạn mặn xảy ra, tỉnh tăng cường xây dựng các ô thủy lợi trong tiểu vùng để chủ động mùa vụ, chống thiếu nước cuối vụ; đồng thời dự trữ được nước nhằm phát huy được hiệu quả sản xuất nông nghiệp, địa phương thích ứng với hạn mặn. Rút kinh nghiệm hạn mặn những năm trước, các địa phương thực hiện phương châm "giữ nước ngọt, điều tiết nước mặn". Đầu tháng 3-2021, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu triển khai điều tiết mạnh nước mặn vào tiểu vùng chuyển đổi để phục vụ nuôi tôm. Song song với việc điều tiết nước, địa phương sẽ vận hành Cống âu thuyền Ninh Quới để ngăn mặn xâm nhập qua Sóc Trăng.
UBND tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương thi công đắp 8 đập thép để bảo vệ 2 vùng ngọt hóa là Bảo Định và Gò Công, khoan 16 giếng để tìm nguồn nước cấp tạm cho bà con tại một số khu vực hẻo lánh. Chính quyền địa phương liên tục khuyến cáo, hướng dẫn cho bà con nông dân những giải pháp giảm thiệt hại cho cây trồng nếu bị nước mặn tấn công. Ngoài đập thép tạm ngăn mặn nêu trên, UBND tỉnh Tiền Giang cũng xây dựng 7 đập ngăn mặn khác trên các tuyến kênh, rạch thông qua tuyến đường huyện 35, gồm: Ông Hổ, cầu Sao, rạch Me, Mỹ Long, Chín Tương, Bà Trà và Ông Mười thuộc H.Châu Thành và H.Cai Lậy. Tại Bến Tre, tỉnh đã hợp long được 3 đập tạm bằng cừ Larsen trên 3 nhánh chính của sông Ba Lai chảy qua địa bàn các xã Thành Triệu, Tường Đa và An Hiệp thuộc H.Châu Thành để vào khu vực Cái Cỏ - Trạm chính cấp nước nước thô của Nhà máy nước Bến Tre. Hiện nước mặn trên các sông chính của tỉnh là Hàm Luông, Cổ Chiên, Ba Lai đều đang tăng cao nhưng địa phương vẫn làm chủ được nguồn nước thô cho nhà máy nước quan trọng nhất.
Phải có giải pháp đồng bộ
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mùa khô năm nay ÐBSCL cũng được chủ động điều tra, khảo sát thăm dò, tìm kiếm và tổ chức khai thác hợp lý nguồn nước để cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trong mùa khô, trong các đợt xâm nhập mặn; triển khai 35 công trình khai thác nước ngầm có tổng lưu lượng 33.000m3/ngày đêm, cung cấp cho trên 333.000 người dân sử dụng; bàn giao bản đồ nước ngầm cho tất cả các địa phương vùng ÐBSCL cùng hàng chục giếng khoan để các địa phương đầu tư, xây dựng thành các công trình cấp nước tập trung; xây dựng 10 điểm nguồn cấp nước khẩn cấp với tổng công suất 3.700m3/ngày đêm, cung cấp cho 62.000 người ở 7 tỉnh chống hạn, mặn vùng ÐBSCL sử dụng...
Báo CATP hỗ trợ nước ngọt cho bà con mùa hạn mặn 2019 - 2020
Ông Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi cho rằng, để giải quyết hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, cần thực hiện nhiều giải pháp tổng thể và đồng bộ. Trước hết, xem xét chuyển đổi những diện tích lúa ven biển không hiệu quả, thường xuyên bị mặn uy hiếp sang nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, để tránh gây xáo trộn lớn và ảnh hưởng đến các vùng trồng lúa khác, cần có quy hoạch và tính toán kỹ. Hoàn thiện hệ thống đê biển và cống kiểm soát mặn khép kín ở từng khu vực canh tác ổn định là cần thiết. Tăng khả năng tiếp cận nguồn nước ngọt cho các vùng ven biển bằng kênh dẫn và cống lấy nước từ các nguồn ngọt ổn định. Xem xét tỷ lệ diện tích sản xuất vụ Thu - Đông và Hè - Thu ở vùng ngập lũ ở mức hợp lý nhằm tăng khả năng trữ nước trong vùng ngập lũ. Diện tích này được sử dụng cho nuôi trồng thủy sản mùa lũ.
"Giảm diện tích lúa Đông - Xuân muộn và Hè - Thu sớm nhằm tránh sử dụng nhiều nước vào thời gian kiệt nhất trong năm, đặc biệt từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5, chuyển sang trồng màu. Để cấp nước sinh hoạt cho các vùng ven biển, dịch chuyển các điểm lấy nước trên sông, rạch có nguy cơ bị mặn lên các vùng có nguồn ngọt ổn định. Về lâu dài, cần xem xét các giải pháp công trình quy mô lớn ở vùng cửa sông nhằm chủ động trữ và giữ nước ngọt với khối lượng lớn trong mùa khô ở cấp vùng và liên vùng. Đây là giải pháp cơ bản lâu dài nhằm ứng phó hiệu quả nhất đối với sự mất ổn định của dòng chảy từ thượng lưu và gia tăng của nước biển dâng", ông Anh đề nghị.
Vay nguồn vốn quốc tế 2 tỷ USD để phát triển ĐBSCL
Chính phủ đã nghe thảo luận báo cáo về chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách cho mục tiêu phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó Thủ tướng nêu rõ: nhất trí về nguyên tắc cho việc vay nguồn vốn quốc tế với tổng số khoảng 2 tỷ USD (của World Bank, của Đức, Pháp) cho mục tiêu phát triển đồng bằng sông Cửu Long và giao Bộ Kế hoạch và đầu tư sớm hoàn thiện quy hoạch, phối hợp với các bộ, địa phương liên quan tách ra các dự án đầu tư cụ thể, xác định dự án đầu tư nào thuộc nhiệm vụ ngân sách trung ương thì cấp phát 100%, dự án nào thuộc trách nhiệm của tỉnh thì địa phương vay lại theo quy định hiện hành. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ sửa nghị định 97 theo hướng có tỉ lệ vay lại hợp lý hơn nhằm tạo thuận lợi cho các tỉnh khó khăn, trong đó có các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhất là giai đoạn bị tác động của dịch Covid-19 còn kéo dài.