Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trao 270 triệu đồng giúp người dân vùng hạn mặn

Thứ Sáu, 08/05/2020 07:53

|

(CAO) Chiều 7-5, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đến Tòa soạn Báo Công an TPHCM trao 270 triệu đồng hỗ trợ đồng bào các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vượt qua khó khăn trong thời điểm hạn, mặn khốc liệt kéo dài.

Một phần trong số tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ nước ngọt (100 triệu đồng) nhằm giúp người dân vùng hạn mặn tại Bến Tre, Tiền Giang. Số tiền còn lại (170 triệu đồng) sẽ triển khai xây một cây cầu tại một miền nông thôn nghèo của huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long giúp cho người dân và các em học sinh tránh được cảnh lụy đò khi mùa mưa đến.

Cho đến nay, tình hình khô hạn và xâm thực mặn ở ĐBSCLvẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Đặc biệt, tại Bến Tre, các con sông Hàm Luông, sông Tiền, sông Ba Lai… vẫn đầy nước mặn. Những dòng nước chát mặn theo hệ thống kênh rạch xâm thực vào ruộng vườn của nông dân gây hư hại trên diện rộng.

Tại các huyện Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày… nông dân phải chặt bỏ hàng ngàn hecta vườn cây ăn trái đặc sản (chôm chôm, măng cụt...). Nghiêm trọng hơn, nguồn nước uống, nước sinh hoạt của người dân vẫn phải đi mua từ các sà lan và từ nguồn nước do các nhà hảo tâm giúp đỡ. Cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trao 270 triệu đồng hỗ trợ bà con miền Tây vượt qua khó khăn

Tại Tiền Giang, các huyện duyên hải như Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông… tình trạng hạn mặn cũng rất nghiêm trọng. Người dân phải đi xin từng lít nước ngọt để uống. Chính quyền, công an tại những địa phương này đã nỗ lực hết sức để chia sẻ với người dân trong việc vận động nguồn nước từ thiện để giúp người dân dịu cơn khát.

Trước tình hình trên, ngay từ đầu mùa hạn mặn, Báo CATP đã thực hiện loạt phóng sự "Tiếng gọi đồng bằng: Khát!", qua đó kêu gọi sự chung tay sẻ chia của các nhà hảo tâm trong chương trình Tiếp sức đồng bằng vượt qua cơn khát.

Đến nay, chương trình đã nhận được hàng vạn thùng nước ngọt dùng và đã trao tận tay cho hàng ngàn hộ dân trong vùng hạn mặn.

Cùng tiếp sức cho hoạt động ý nghĩa đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, đại diện thương hiệu Vua Biển và êkíp của anh đã tài trợ kinh phí giúp người dân miền Tây. Như vậy, sẽ có hàng ngàn thùng nước ngọt chất lượng của Vua Biển - Đàm Vĩnh Hưng sẽ về với bà con vùng hạn mặn của Bến Tre và Tiền Giang trong thời gian sớm nhất.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, tình trạng hạn mặn của miền Tây sẽ còn kéo dài đến cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Hy vọng với tấm lòng tương thân tương ái của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và nhiều nhà hảo tâm khác, người dân nghèo ở miền Tây sẽ dịu cơn khát, đủ sức vượt qua cơn hạn mặn này.

Tình trạng hạn hán và ngập mặn khốc liệt vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm đã khiến một số địa phương quá sức chịu đựng dù đã huy động mọi nguồn lực ứng phó.

Tại Bến Tre, mặn xâm nhập nhanh đột ngột và rất sâu, diễn biến phức tạp khiến toàn tỉnh phải căng mình giải cứu diện tích lớn cây ăn trái, đặc biệt là tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng đe dọa đời sống, sản xuất, sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân.

Hiện nay, hồ Kênh Lấp - hồ nhân tạo trữ nước ngọt lớn nhất xứ Chín Rồng với sức chứa gần 1 triệu m3 nước, vốn đầu tư 85 tỷ đồng cũng đã bị nhiễm mặn trên 2‰. Mặn sâu và lan nhanh đến cả vùng cách xa biển nhất như huyện Chợ Lách. Độ mặn hiện đo được trên nhiều tuyến sông, kênh sạch chính yếu nơi đây đã cao từ 4-6‰, lập cảnh báo. Một số nguồn cung nước ngọt từ ban ngành địa phương đang dần cạn khiến bà con phải mua nước ngọt bên ngoài với giá đắt đỏ.

Theo GS Nguyễn Ngọc Trân (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Chuyên gia cao cấp của Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia): Hiện nay và trong thời gian tới, miền Tây phải đương đầu với ít nhất 4 thách thức cấp toàn cầu, khu vực và chính trong sự khai thác của đồng bằng.

Người dân miền Tây đang phải gồng mình chống hạn mặn

Theo đó, biến đổi khí hậu - nước biển dâng và toàn cầu hóa kinh tế - hội nhập quốc tế là các thách thức toàn cầu. Trái đất càng ấm lên, băng tan càng nhanh, đồng bằng sông Cửu Long đối đầu với ngập, lún chìm, bờ biển xâm thực và mặn càng xâm nhập sâu. Trong bối cảnh bị đe dọa như vậy, thách thứ từ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa kinh tế buộc nền kinh tế đồng bằng sông Cửu Long phải có sức cạnh tranh cao hơn, có chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thách thức khu vực là việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ. Trong đó có việc chuyển nước sang lưu vực sông khác và nhất là việc khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mekong từ cao nguyên Tây Tạng trở xuống trong khi nhu cầu về nước ngày càng gia tăng.

Theo Ủy hội sông Mekong, 6 đập thủy điện của Trung Quốc cùng với 11 đập ở hạ lưu vực và 30 đập trên các chi lưu sẽ tích lại một lượng nước của sông Mekong vào năm 2030 là 65,5 tỷ m3 trong khi nhu cầu về nước trong hạ lưu vực tăng 50% so với năm 2.000.

Bình luận (0)

Lên đầu trang