DỰ ÁN NHIỀU NHƯNG HOẠT ĐỘNG ÍT
Bộ Công thương vừa có văn bản gởi Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch các DA điện gió. Theo đó, tính đến ngày 15-3-2020, bộ nhận được đề xuất của UBND các tỉnh về việc bổ sung gần 250 DA điện gió, tổng công suất khoảng 45.000 MW.
Trong đó, khu vực Bắc Trung Bộ có 3 địa phương (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) đề nghị bổ sung 51 DA, tổng công suất 2.919 MW; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có 4 địa phương (Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận) đề nghị bổ sung 10 DA, tổng công suất 4.193 MW; khu vực Tây Nguyên có 5 địa phương (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) đề nghị bổ sung 91 DA, tổng công suất là 11.734 MW; khu vực Đông Nam Bộ có 1 địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung 2 DA, tổng công suất 602,6 MW; khu vực Tây Nam Bộ có 7 địa phương (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) đề nghị bổ sung 94 DA, tổng công suất 25.541 MW.
Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu đạt doanh số 1 tỷ KW sau 7 năm hoạt động
Thời gian qua, báo chí thường nhận được thư mời dự lễ khởi công DA điện gió, nhiều dự án đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Địa phương nào cũng tự nhận có tiềm năng nguồn năng lượng sạch, là nơi đem đến nguồn điện cho cả nước và khu vực. Báo cáo của tỉnh Cà Mau thể hiện phát triển năng lượng gió lên 3.600MW.
Sóc Trăng đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung 20 DA điện gió. Trước đó, tỉnh quy hoạch 3 vùng phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 bao gồm: Vùng 1 được phân bổ tại khu vực bãi bồi ven biển thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và huyện Cù Lao Dung có diện tích 21.900ha, công suất dự kiến 860MW. Vùng 2 phân bổ ở khu vực đất liền ven biển thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề có diện tích 7.500ha, công suất dự kiến 295MW. Vùng 3 phân bổ tại khu vực đất liền thị xã Vĩnh Châu có diện tích 7.940ha, công suất dự kiến 315MW. Riêng giai đoạn đến năm 2020, công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 200MW với sản lượng điện gió tương ứng là 470 triệu KWh.
Tại Trà Vinh, quy hoạch 6 DA nhà máy điện gió tại 6 bãi bồi ven biển thuộc huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Trong đó, có 3 nhà máy tại xã Trường Long Hòa, hai nhà máy tại xã Hiệp Thạnh và một nhà máy tại xã Đông Hải. Đến năm 2020, tổng công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 270MW, sản lượng điện gió tương ứng 634 triệu kWh.
Thi công nhà máy Điện gió Sóc Trăng
Tuy nhiên theo thống kê của Ban Thị trường điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trái với những DA khởi công, con số DA chính thức đang triển khai và hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tính đến nay, cả nước có 31 DA với tổng công suất 1.645 MW đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) nhưng chưa có Chứng chỉ Vận hành thương mại (COD), khoảng 60 DA đã bổ sung quy hoạch đến năm 2025 nhưng chưa ký hợp đồng mua bán điện, với tổng công suất khoảng 2.700 MW.
Thực tế, 9 DA điện gió đã đi vào vận hành, với quy mô công suất 350 MW; Trong đó, chỉ tính riêng Nhà máy Điện gió Bạc Liêu công suất 99,2 MW và đạt doanh số 1 tỷ MW. Nhà máy Điện gió Bạc Liêu đang triển khai thực hiện giai đoạn 3 với công suất 142 MW, sản lượng điện dự kiến phát hàng năm là 373 triệu kWh. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 8.900 tỷ đồng. Giai đoạn 3 của dự án hoàn thành, Nhà máy này sẽ có 133 trụ tua bin gió, với tổng công suất là 241,2 MW.
Công ty Cổ phần Super Wind Energy Công Lý Sóc Trăng đang thực hiện giai đoạn 1 Dự án Nhà máy điện gió có quy mô 15 trụ tua bin gió, tổng công suất toàn dự án 30 MW, công suất mỗi tua bin gió là 2MW, điện năng sản xuất toàn dự án khoảng 84 triệu kWh/năm. Tổng mức đầu tư của giai đoạn là 1.684 tỷ đồng, diện tích 370 ha.
HÀNG LOẠT DỰ ÁN NĂNG LƯỢNG SẠCH VỚI VỐN ĐẦU TƯ KHỦNG
Theo Bộ Công Thương, ngoài DA điện gió, các địa phương đang triển khai và xin bổ sung quy hoạch điện mặt trời, điện khí LNG. Tính đến cuối năm 2019, khi đề nghị các tỉnh tạm dừng đề xuất các DA điện mặt trời theo cơ chế giá FiT (sau khi có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời) đã có 135 DA với tổng công suất 8.935 MW được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, khoảng 260 DA điện mặt trời với tổng công suất tới 28.300MW đang chờ để được đưa vào quy hoạch. Năm 2020, 4.400 MW điện mặt trời đã được đi vào vận hành..
Vùng biển xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) như một công trường
So với DA điện gió, điện mặt trời, DA điện khí tự nhiên hóa lỏng có vốn đầu tư khủng. Mới đây, Bạc Liêu chấp thuận đầu tư cho dự án điện khí hóa lỏng LNG có tổng nguồn vốn lên đến 4 tỷ USD. DA nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu công suất 3.200MW do Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte.Ltd (DOE Singapore) chủ đầu tư. Đây là DA tích hợp tổng thể gồm nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200MW trên diện tích đất 40ha tại xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu); trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu có diện tích nổi khoảng 100ha mặt biển; trạm tái hóa khí và 35km đường ống dẫn khí áp suất cao, dự kiến vận hành đạt đủ công suất 3.200 MW trước tháng 12-2027.
Báo cáo của Bộ Công thương đã cho biết, ngoài các trung tâm/cụm điện khí LNG đã được quy hoạch và bổ sung Quy hoạch điện với công suất 9.200 MW, hiện còn có 9 trung tâm/cụm điện khí LNG mới đang được nghiên cứu ở các giai đoạn khác nhau với tổng công suất xấp xỉ 34.000 MW.
Ngoài ra, còn có 2 đề xuất chuyển đổi nhiên liệu sử dụng từ than/dầu sang sử dụng LNG với tổng công suất sau chuyển đổi là 5.700 MW của Nhà máy Nhiệt điện dầu Hiệp Phước và Trung tâm Điện lực Long An vừa được Chính phủ đồng ý. Như vậy, tổng công suất các đề xuất làm dự án điện khí LNG đã lên tới gần 50.000 MW.
NHIỀU KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
Bên cạnh việc đề nghị bổ sung quy hoạch, Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung, đẩy sớm các công trình lưới điện tuyền tải, hạ tầng kỹ thuật. Hiện tổng công suất các DA điện gió, mặt trời và LNG đã lên tới gần 150.000 MW nhưng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp. Viện Năng lượng thuộc Bộ Công Thương cho rằng, ở khu vực Nam Trung Bộ, tỉnh Bình Định, Phú Yên đã tập trung đầu tư khá nhiều DA điện mặt trời và đang đề xuất bổ sung quy hoạch 4 DA điện gió. Thực tế, khu vực này khó có khả năng bổ sung thêm công suất các DA điện gió bởi lưới điện 220 kV khu vực này khá yếu.
Tương tự, tại khu vực Tây Nguyên, kết quả tính toán cũng chỉ ra, trong chế độ vận hành bình thường thì trạm biến áp 500 kV Pleiku 2 và trạm biến áp 500 kV Đắk Nông vận hành đầy tải.
Triển khai dự án điện gió tại Bạc Liêu
Mặc khác, theo quy định hiện nay, các DA điện gió được cấp Chứng chỉ Vận hành thương mại (COD) trước ngày 1-11-2021 sẽ được hưởng mức giá là 9,8 UScent/kWh cho DA điện gió ngoài khơi và 8,5 UScent/kWh cho DA điện gió trên bờ, nên xuất hiện tình trạng nhà đầu tư “xí chỗ” DA bởi không kịp thời gian để mua tuabin và xây dựng DA.
Đối với các DA điện khí LNG, với quy mô vốn đầu tư lớn hàng tỷ USD, nhưng Thủ tướng Chính phủ không cấp bất kỳ bảo lãnh nào, nên nhà đầu tư cho rằng việc triển khai thu xếp vốn cũng là thách thức lớn đối với các nhà đầu tư để biến các dự án thành hiện thực.
Tại cuộc họp với Bộ Công thương về phát triển năng lượng sạch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Phát triển điện mặt trời là một kinh nghiệm đắt giá. Nay điện LNG, điện gió đang có xu hướng tương tự. Nhiều tỉnh thành trong cả nước thời gian qua như một phong trào liên tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch. Công tác quản lý nhà nước và quy hoạch ngành điện đã không theo kịp thực tiễn phát triển.Thường trực Chính phủ chưa đủ cơ sở để họp xem xét chủ trương điều chỉnh mục tiêu phát triển nguồn điện gió đến năm 2025 và năm 2030. Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện Tổng sơ đồ điện 8 với các tính toán khoa học và thực tiễn về cơ cấu nguồn và truyền tải để đảm bảo phát triển hiệu quả và bền vững trình Thủ tướng Chính phủ muộn nhất tháng 10-2020”.