Viết tiếp loạt bài "Tiếng gọi đồng bằng: Khát!":

Tình người trong mùa hạn, mặn

Chủ Nhật, 12/04/2020 16:55

|

(CATP) Sau khi Báo Công an TPHCM đăng loạt bài "Tiếng gọi đồng bằng: Khát!", Tòa soạn nhận được nhiều cuộc gọi của độc giả. Có người hỏi xin địa chỉ những nơi đang diễn ra hạn, mặn khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có người gom góp số tiền dành dụm lâu nay để hỗ trợ đồng bào miền Tây.

Trở lại những nơi bị hạn, mặn gay gắt ở Tiền Giang, Bến Tre… Chúng tôi ghi nhận tấm lòng của các nhà hảo tâm đang chung tay chia sẻ khó khăn với các vùng quê đang khốn khó, tiếp sức cho bà con vượt qua mùa hạn mặn.

BỒN CHỨA NƯỚC BÊ-TÔNG CỦA BÀ DẬU SÀI GÒN

Ngay đầu mùa hạn mặn, người dân miền đồng bằng Sông Cửu Long điên đảo dưới cái nắng thiêu đốt và cái đắng mặn chát của nước biển xâm thực, chúng tôi nhớ ngay đến những chiếc bồn chứa nước bằng bê-tông mà trước đây Báo CATP đã xây cho bà con một số địa phương ở tỉnh Bến Tre. Đây là những chiếc bồn do bà Nguyễn Thị Dậu (còn được gọi với cái tên thân thương là Bà Dậu Sài Gòn) tài trợ vào năm 2016. Có khoảng 200 chiếc như vậy ở Giồng Trôm và Mỏ Cày.

Chúng tôi đã kiểm tra bằng cách đề nghị cán bộ địa phương khảo sát ngay. Kết quả thật đáng mừng. Những hộ dân nhận được chiếc bồn bê tông này trong những năm qua đều phấn khởi. Khi mùa mưa đến, người dân hứng mưa chứa đầy trong bồn để dành nước qua mùa khô dùng. Nhờ vậy, mùa hạn mặn năm nay các hộ dân này đỡ vất vả nhiều hơn trước nạn hạn mặn kinh hoàng.

Ông Trần Văn Hai (hộ nghèo ở xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc) bày tỏ: "Tôi rất vui mừng vì được nhà tài trợ quan tâm, cấp cho tôi bồn chứa nước. Nếu không được hỗ trợ, tôi không biết chừng nào mới xây được. Cả nhà tôi bảo quản rất kỹ bể chứa nước. Vào mùa mưa, tôi chứa đầy nước nên mấy năm nay không bị thiếu nước trong mùa khô, vì chỉ sử dụng trong ăn, uống". Nhiều người khác cũng gửi lời cảm ơn bà Dậu Sài Gòn, vì nếu không có bồn chứa nước, họ không biết lấy tiền đâu ra để mua nước ngọt sử dụng trong mùa khô năm nay. Nhớ ơn người giúp đỡ, bà con gọi bằng "bồn nước Dậu Sài Gòn"

Bồn nước bê-tông Dậu Sài Gòn, được tặng từ năm 2016 vẫn được bà con bảo quản sử dụng tốt

Cũng trong mùa hạn mặn năm nay, sau khi Báo CATP khởi đăng loạt bài Tiếng gọi đồng bằng: Khát!, bà Dậu đã tặng hàng ngàn bình nước uống tinh khiết cho người dân trong vùng hạn mặn ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre. Những bình nước ân tình góp phần giải con khát cho người dân miền châu thổ đang quay quắt trong cơn hạn mặn.

Cũng trong mùa khô năm nay, bà Dậu cũng gửi tặng 5 tấn gạo cho người dân nghèo miền Trung để có cái ăn qua mùa hạn hán.

NHIỀU NGHĨA CỬ CAO ĐẸP

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo tỉnh bến Tre, Tiền Giang cảm ơn báo chí. Thông qua những thông tin thiệt hại về hạn mặn của các cơ quan báo chí, nhiều đơn vị cùng cá nhân đến hỗ trợ đồng bào. Báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam Bến Tre, tính đến nay, đơn vị đã tiếp nhận trên 34 tổ chức, cá nhân hỗ trợ gồm: 5.652 bồn chứa nước, 22.600 bình nước uống, 19 máy lọc nước mặn, 200 máy lọc nước sạch, 8 điểm cấp nước, 18 điểm nước uống miễn phí, 10.000 can nhựa; 36 chuyến tàu, sà lan, ghe cấp trên 41.000m3; khoảng 500 lượt xe của các Hội Bạn hữu đường xa cấp khoảng 6.280m3 nước ngọt, nước sạch... Tổng trị giá quy thành tiền khoảng trên 17,4 tỷ đồng.

Ngay khi đồng bào gặp khó khăn, một số cá nhân ở địa phương hết lòng hỗ trợ theo đúng tinh thần lá lành đùm lá rách, sẵn sàng chia sẻ những giọt nước quý giá của gia đình mình cho người khác. Anh Trần Phước Hòa (ngụ ấp Nhơn Nghĩa, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, Bến Tre) đầu tư gần 200 triệu đồng để mua máy lọc nước mặn thành nước ngọt cấp phát cho dân nghèo sử dụng miễn phí.

Bà Nguyễn Thị Dậu cùng BBT Báo CATP trong một lần trao quà cho dân nghèo Trà Vinh

Giáp ranh với tỉnh Bến Tre, Tiền Giang cũng là một trong những địa phương chịu hậu quả nặng nề do hạn mặn. Từ tết nguyên đán, địa phương nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Hiện nay, Công ty TNHH Thương mại xây dựng Đại Phước Thành (Tiền Giang) đã tổ chức nhiều chuyến xe chở nước ngọt vượt gần 80km đến ủng hộ cho bà con nghèo vùng bãi ngang, khu vực ven biển của tỉnh Tiền Giang như: Tân Phước, Gia Thuận, Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông), Thạnh Trị, Bình Tân (huyện Gò Công Tây)...

Chỉ trong 10 ngày đầu chở nước ngọt, có hơn 1.300 người dân gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt đã được cấp nước. Hiện, đơn vị này tiếp tục thực hiện công việc chở nước ngọt về hỗ trợ người dân nghèo các huyện, thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang đến hết mùa khô hạn. Ngoài ra, doanh nghiệp nàycòn vận động các nhà hảo tâm, đối tác ủng hộ hàng nghìn bình nước lọc mỗi ngày cho dân nghèovùng ven biển Gò Công.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), từ ngày 8 cho đến 15-4, xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL sẽ tăng theo kỳ triều cường. Ranh mặn 4g/lít ở các cửa sông Vàm Cỏ xâm nhập sâu từ 110-120km, cao hơn 24-25km so với mức cao nhất tháng 3-2020; sông Cái Lớn từ 60-65km, cao hơn 8-13km so với mức cao nhất tháng 3-2020; trên các sông cửa Tiểu và cửa Đại xâm nhập mặn sâu khoảng 50-55km; sông Hàm Luông từ 70-75km; sông Cổ Chiên 45-50km; sông Hậu (Cửa Định An và Trần Đề) khoảng 45-50km... Sau thời gian xâm nhập mặn lên cao này thì từ nửa cuối tháng 4-2020, xâm nhập mặn ở vùng các cửa sông Cửu Long khả năng giảm nhanh; đến đầu tháng 5-2020, xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ và Cái Lớn bắt đầu giảm…

Bình luận (0)

Lên đầu trang