Tiếng gọi đồng bằng: Khát!

Bài 3: Vì đâu nên nỗi?

Thứ Năm, 09/04/2020 14:53

|

(CATP) Theo các chuyên gia, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là hạ lưu của dòng Mê Kông. Thời gian gần đây, không chỉ các tỉnh ĐBSCL đang phải đối mặn với hạn, mặn khốc liệt, mà các nước Lào, Thái Lan và Trung Quốc cũng đang trong thảm cảnh tương tự. Nếu ở vùng thượng nguồn sông Mê Kông "có nước mà không có cá" thì vùng hạ lưu khu vực ĐBSCL "không có nước" lẫn "không có cá". Nguyên nhân chính do sự tác động quá mức của con người làm thay đổi dòng chảy.

SÔNG MÊ KÔNG ĐANG "HẤP HỐI"

Sông Mê Kông được nhiều chuyên gia thế giới thừa nhận là "dòng sông hùng vĩ", với độ dài đứng thứ 12 trên thế giới và thứ 7 tại châu Á này. Hằng năm, sông Mê Kông có lưu lượng nước đạt khoảng 475 tỷ mét khối, lưu lượng trung bình là 13.200m³/ giây, vào mùa nước lũ có thể lên tới 30.000 m³/giây. Sông Mê Kông xuất phát từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải, băng qua Tây Tạng theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi vào Việt Nam. Lúc trước, nơi nào con sông này đi qua đều là làng mạc hoang sơ, hùng vĩ. Trên bờ, cây trái xanh um; dưới nước cá, tôm nhiều vô kể.

Theo ông Brian Eyler (chuyên gia nghiên cứu nổi tiếng của thế giới, có hàng chục năm đã đi dọc dòng Mê Kông), mỗi năm, Biển Hồ của Campuchia thu hoạch khoảng 570 - 625 ngàn tấn cá. Tổng trị giá các loại thủy sản trên dòng sông Mê Kông mỗi năm ước đạt khoảng 600 triệu USD. Đó là chưa tính lượng cá mà hơn 1 triệu người tiêu thụ.

Nhiều con sông ở Cà Mau nhiễm mặn

Vào mùa khô, Biển Hồ sẽ hút nước từ các hồ lớn, đẩy nước vào chính lưu của Mê Kông tại khu hợp lưu. Đến tháng 6, nhịp chảy của nước vào dòng Mê Kông từ Lào và 3 dòng sông Sesan, Srepok và Sekong mạnh lên, đảo chiều hướng chảy của Biển Hồ. Và chính nhịp điệu kỳ diệu của tự nhiên này đã giữ cho Biển Hồ tồn tại hàng ngàn năm qua.

XIN GIÚP ĐỒNG BÀO MIỀN TÂY QUA CƠN HOẠN NẠN

Mong con nước, con nước chưa về. Mong một cơn mưa, cơn mưa chưa đổ. Đất và người ở miền Tây đang quay quắt trong đỉnh điểm của cơn hạn mặn. Tình trạng này theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn còn kéo dài trong hai tháng tới. Thương đồng bào sẽ kiệt sức giữa cơn hoạn nạn.

Báo CATP kêu gọi người dân, các Mạnh thường quân, cơ quan, doanh nghiệp... mở rộng tấm lòng, chia sẻ cùng đồng bào miền Tây, giúp bà con vượt qua cơn bĩ cực. Báo CATP xin trân trọng ghi nhận mọi đóng góp của quý vị và sẽ triển khai thành chương trình Tiếp sức miền Tây vượt qua hạn mặn.

Mọi sự đóng góp xin gửi về: Báo CATP, số 110 Nguyễn Du, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM, tài khoản: Báo Công an TPHCM (XH-TT), số 0071001983085, Ngân hàng Vietcombank TPHCM.

Trân trọng.

BAN BIÊN TẬP

Khi mùa mưa đến, Biển Hồ sẽ mở rộng gấp 5 lần diện tích hồ so với mùa khô, từ 2.500km2 lên hơn 15.000km2. Mực nước tăng cao trung bình khoảng 1m, có vùng nước dâng cao hơn 9m, lượng nước trữ tăng hơn 60 lần. Biển Hồ là nơi sống của hơn 800 chủng cá, chim chóc, bò sát, động vật có vú và lưỡng cư. Trong đó, có 17 loài chim nằm trong Sách Đỏ. Vùng rừng ngập nước này là vành đai bảo vệ hệ sinh thái của hồ. Khi mùa khô đến, nước rút đi, chất dinh dưỡng sẽ được rừng giữ lại, bồi đắp cho thảm thực vật quanh hồ.

Từ những năm 2011, đập thủy điện ở Trung Quốc bắt đầu hoạt động thì đời sống người dân ven sông Mê Kông gặp khó khăn. Nhiều người phải dời khỏi ngôi làng của mình, nhường đất cho công trình thủy điện. Cá, tôm không còn sinh sôi nảy nở như trước. Một số nơi hạ nguồn sông Mê Kông khô cạn, người dân có thể đi bộ qua sông.

Thượng nguồn sông Mê Kông dự kiến có 467 thủy điện, khoảng một phần tư đang trong quá trình xây dựng hoặc dự kiến xây dựng, gia tăng nguy cơ gây sạt lở, xói mòn ở hạ lưu. Những năm gần đây, thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đua nhau xây dựng. Trung Quốc, Lào và Campuchia đã quy hoạch hơn 20 đập thủy điện. Trong đó, Trung Quốc đã xây được 8 đập ở thượng nguồn, Lào và Campuchia có kế hoạch xây 11 đập ở hạ nguồn. Gần đây nhất, Lào tuyên bố xây dựng đập Pak Beng (đập thủy điện lớn thứ ba, sau 2 đập Xayaburi và Don Sahong), bất chấp sự phản đối của các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông.

Các chuyên gia cho rằng, việc xây hàng loạt đập thủy điện trên dòng Mê Kông là yếu tố làm xảy ra thiếu nước, hạn hán. Cạnh đó, lượng phù sa bị suy giảm đến biến mất vì hệ thống đập đã chặn lại khoáng chất và dinh dưỡng từ thượng nguồn. "Hơn 3000 năm qua, mỗi năm dòng Mê Kông đều tải khoảng 150 triệu tấn trầm tích về đồng bằng hạ lưu để bồi đắp. Khối lượng lớn trầm tích kẹt lại ở các con đập là các chất "nặng" hơn, làm xảy ra hiện tượng sông bị "đói" và nước "đói", trở nên "nhẹ" hơn. Nước càng "nhẹ" thì càng chảy mạnh và nhanh, có thể cuốn phăng đất đá hai bên bờ gây sạt lở, kèm với nước biển xâm nhập sâu vào trong sông" - Ông Brian Eyler nhận định.

Hoa màu chết khô do thiếu nước tưới 6

BẤT CHẤP CÁC CẢNH BÁO

Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, mùa khô năm nay hết sức khốc liệt, hơn cả năm hạn, mặn lịch sử 2016. Thông thường giữa tháng 2-2020, ĐBSCL mới bắt đầu mùa khô. Nhưng năm nay, vào thời điểm này, nhiều địa phương đã bị ảnh hưởng nặng nề. Theo Tổng cục Thủy lợi, mùa khô năm nay, toàn bộ thượng nguồn sông Mê Kông thiếu khoảng 65% tổng lượng mưa và các đập thủy điện lại gia tăng trữ nước. Do thiếu nước, độ mặn 2,9% trên sông Tiền đã vào sâu cách biển 81km. Còn sông Vàm Cỏ độ mặn 7,6% đã vào cách cửa biển tới 75km.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã có kết quả Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Theo đó, các bậc thang thủy điện dòng chính dự kiến sẽ gây nhiều tác động bất lợi ở mức lớn tới nghiêm trọng, nếu không có các biện pháp giảm thiểu. Đó là các vấn đề về suy giảm dòng chảy mùa cạn trong thời đoạn ngắn hạn; suy giảm phù sa, bùn, cát. Tổng lượng phù sa, bùn, cát và dinh dưỡng bị giảm tới 65%; nếu tính chung cả các thủy điện thượng nguồn phía Trung Quốc, lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn lại khoảng 15 triệu tấn (chưa đến 10% so với điều kiện tự nhiên); xâm nhập mặn sẽ gia tăng tại hầu hết các vùng ven biển. Nếu tính thêm tác động của bậc thang 11 công trình thủy điện dòng chính ở hạ lưu vực sông Mê Kông và các công trình thủy điện dòng nhánh sông Mê Kông, tổng lượng phù sa, bùn, cát hàng năm giảm tới 80%.

Người dân Bến Tre thuê sà lan mua nước ngọt ở Vĩnh Long về cứu vườn cây ăn trái

Ngoài nguyên nhân đắp các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông, các chuyên gia nhiều lần cảnh báo về việc khai thác cát lòng sông ồ ạt và sử dụng nguồn nước ngầm quá mức gây nên hạn, mặn. Từ năm 1995, mỗi ngày khu vực ĐBSCL có hơn 2,5 triệu mét khối nước ngầm được rút lên khỏi lòng đất. Sau 25 năm, ĐBSCL đã lún xuống trung bình hơn 18cm. Tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau độ lún hơn 30cm.

Đất đồng bằng lún xuống thì nước biển xâm nhập, làm đất đai nhiễm mặn. Chuyên gia Brian Eyler nhận định, ĐBSCL được xếp vào danh sách các khu vực đồng bằng sông dễ tổn thương nhất thế giới. Mặc khác, sông "đói" phù sa, nhưng lượng khai thác cát quá mức làm xói mòn lòng sông, dẫn đến sạt lở.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập về sinh thái) cho biết: "Hệ thống sông ngòi ở ĐBSCL đã bị xáo trộn, thay đổi nhiều. Cụ thể, đê bao khắp nơi làm mùa nước nổi không thể hấp thu nước vào ruộng đồng, mà chảy thẳng ra biển, chưa kể phần chảy vào các đô thị gây ngập lụt. Đến mùa khô, đồng bằng không có nước nhiều, giống như tấm bông lau bảng không nhúng nước mà đem ra phơi nắng nên bị khô cháy".

Các chuyên gia cho rằng, thời gian qua, tại các cuộc họp đã nhiều ý kiến tâm huyết gởi đến lãnh đạo các địa phương. Nhưng việc thực hiện thì biết đến bao giờ?

(Còn tiếp...)

Trả lời báo chí xung quanh tác động của đập thủy điện trên dòng Mê Kông, ông Trần Hồng Hà (Bộ trưởng Bộ TNMT) cho biết: Ngoài quá trình tự nhiên, địa chất kiến tạo và phát triển kinh tế - xã hội không phù hợp, những tác động do hoạt động khai thác của các thủy điện ở thượng nguồn, với những con số thực tế cho thấy nguyên nhân chính đe dọa đến việc phát triển lâu dài, bền vững ở ĐBSCL. Nếu phát triển đủ các thủy điện bậc thang trên lưu vực sông Mê Kông ở thượng nguồn, có tới hơn 90% lượng bùn, cát bị giữ lại. ĐBSCL từng phát triển màu mỡ nhờ phù sa bồi đắp, nhưng nay lượng lớn phù sa đã mất. Đó là vấn đề lớn đe dọa sự phát triển củ avù ng nà y.

Bài 1: Đi qua vùng đất
 
Bài 2: Những dòng sông không chở phù sa
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang