Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia (gọi tắt Trung Tâm Gaia, địa chỉ P.Thảo Điền, Q.2, TPHCM) lại đứng ra kêu gọi gây quỹ ủng hộ trồng rừng, khiến nhiều chủ rừng… bất ngờ.
Ồ ẠT VẬN ĐỘNG “QUỸ TRỒNG RỪNG”
Ngày 15-3, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin, năm nay, tình trạng xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt mức kỷ lục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân trong khu vực. Kèm theo đó là kêu gọi: “Chỉ với 15.000 đồng, bạn sẽ trồng được 1 cây mắm trắng tại VQG Mũi Cà Mau”, góp phần chống xâm nhập mặn, và cải thiện các giá trị kinh tế, sinh thái của rừng…
Theo thông tin của trang website: http://gaiavn.org, tổ chức Gaia sẽ tiến hành trồng rừng đợt 1 tại VQG Mũi Cà Mau vào tháng 8-2020, người ủng hộ sẽ nhận được tin tức về khu rừng trong 4 năm liên tiếp. Website này cũng hướng dẫn 2 cách để người dân góp tiền. Cụ thể là chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng của Trung tâm Gaia hoặc qua ví momo bằng cách quét mã QR.
Theo ghi nhận đến ngày 24-3, tổng số cây đã ủng hộ là 58.740. Tính ra mỗi cây 15 ngàn đồng thì số tiền vận động được đã trên 880 triệu đồng. Mục tiêu vận động 100.000 cây và trồng trên diện tích 50 héc-ta bãi bồi. Ngoài ra, thông tin của trang website nêu trên còn vận động trồng “rừng sếu đầu đỏ” tại VQG Tràm Chim với khoản đóng góp là 100.000 đồng/cây. Cách ủng hộ và nhận tin tức về cây cũng tương tự như VQG Mũi Cà Mau. Theo ghi nhận đã có 198 cây đã được ủng hộ.
Trung tâm Gaia còn giới thiệu trên website của mình: “…chỉ với 65.000 đồng bạn sẽ trồng được 1 cây rừng tại VQG Bến En, mua được sức khỏe của chính mình và con cháu mai sau…”. Tổng số cây đã được ủng hộ gây quỹ là 823. Mục tiêu của Trung tâm Gaia là trồng 2.000 cây tại VQG Bến En.
Không chỉ kêu gọi ủng hộ ở các VQG, đơn vị này còn vận động gây quỹ ở Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (tỉnh Thanh Hóa), Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai)…, với mức gây quỹ từ 50.000 – 200.000 đồng/cây rừng. Hiện có nơi số lượng ủng hộ lên đến hàng ngàn cây.
Sau khi thông tin vận động quỹ trồng rừng tại VQG Mũi Cà Mau được báo chí đăng tải, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau có văn bản hỏa tốc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh Cà Mau về việc xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định. Ngày 16-3, Giám đốc VQG Mũi Cà Mau Lê Văn Dũng đã ký văn bản số 40/BC-VQGMCM báo cáo vụ việc đến UBND tỉnh.
Theo đó, ngày 16-2, Trung tâm Gaia có thư ngỏ về việc khảo sát khoanh nuôi môi trường rừng ngập mặn và giáo dục. Ba ngày sau, nhóm công tác của đơn vị này do bà Đỗ Thị Thanh Huyền (Giám đốc điều hành) và bà Phan Thị Tố Duyên (cán bộ cán bộ truyền thông giáo dục môi trường) đến VQG Mũi Cà Mau. VQG Mũi Cà Mau khẳng định, đây là lần tiếp xúc duy nhất với người của đại diện Trung tâm Gaia.
Làm việc với VQG Mũi Cà Mau, người đại diện của Trung tâm Gaia cũng cho biết mục đích của chuyến công tác này là tìm hiểu về tìm năng, thế mạnh, những thuận lợi, khó khăn trong quản lý, bảo vệ phát triển rừng để đề xuất hỗ trợ tử các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Trồng rừng bãi bồi tại VQG Mũi Cà Mau.
Trong báo cáo của VQG Mũi Cà Mau, đơn vị luôn hoan nghênh mọi tổ chức, cá nhân đến tìm hiểu, tham gia học tập, nghiên cứu, hỗ trợ. Tại buổi làm việc với Trung tâm Gaia, đơn vị đã giới thiệu chức năng, nhiệm vụ, những chương trình, dự án đang triển khai. VQG Mũi Cà Mau cũng thông tin rõ việc tác động lên lâm phần rừng đặc dụng phải tuân thủ nghiêm theo Luật Lâm nghiệp và các văn bản liên quan. Theo nguyên tắc chung là tránh tối đa các tác động lên lâm phần, trong đó bao gồm cả hoạt động trồng rừng.
Sau khi nghe đại diện Trung tâm Gaia nói về thế mạnh và kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực truyền thông - giáo dục môi trường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Đơn vị này muốn tìm hiểu về các dự án, chương trình phát triển rừng hiện tại mà có thể tham gia hỗ trợ; đại diện VQG thông tin nhanh việc đơn vị đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch thực hiện phương án trồng rừng thí điểm tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt với loại cây trồng là cây mắm trắng theo mô hình có kè chắn sóng và không kè chắn sóng.
Hằng năm, vườn có thực hiện mô hình khoanh nuôi tái sinh theo mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Trung tâm Gaia cho rằng VQG Mũi Cà Mau có tiềm năng rất quan trọng, quý giá về môi trường và nghiêm cứu khoa học, giáo dục nên sẽ tích cực hỗ trợ.
Du khách đến tham qua VQG Mũi Cà Mau sẽ được xuyên rừng.
HOÀN TOÀN BẤT NGỜ
Ông Lê Văn Dũng cho biết: “Buổi làm việc dừng lại ở mức độ trao đổi thông tin, chưa ký bất kỳ văn bản hoặc thỏa thuận nào. Chúng tôi cũng bất ngờ khi trên mạng xã hội xuất hiện việc huy động tiền hỗ trợ trồng rừng tại VQG Mũi Cà Mau. Vườn cũng thấy việc huy động trên gây ra những thông tin dư luận nhiều chiều đối với công tác quản lý của mình”.
Theo ông Dũng, đơn vị đã liên hệ với bà Huyền bày tỏ quan điểm không đồng tình với phương thức huy động tài chính như trung tâm đang tiến hành do chưa có chủ trương cho phép thực hiện từ cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Cà Mau. Hai bên chưa có bản ghi nhớ hoặc kế hoạch phối hợp thực hiện mà trung tâm sử dụng địa danh tỉnh Cà Mau để thực hiện việc huy động.
“Qua trao đổi, bà Huyền thừa nhận sơ xuất do không nắm rõ quy trình, thủ tục đối với hoạt động bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, vì theo chủ quan đã có tiền lệ thực hiện ở các nơi khác trong nước” – Ông Dũng nói.
Cây bản địa như: trâm, cà na, ô môi trồng ở khu vực VQG Tràm Chim.
Liên quan đến thông tin vận động “quỹ trồng rừng” tại VQG Tràm Chim, ông Nguyễn Thế Hanh (Phó giám đốc VQG Tràm Chim) cũng tỏ ra bất ngờ. Ông Hanh cho biết, vườn có phối hợp với Tổ chức Bảo vệ thiên nhiên thế giới (gọi tắt WWF) để thực hiện dự án “Kỳ thú Tràm Chim” gồm các hạng mục như: phục hồi sinh cảnh (trồng cây bản địa), giáo dục môi trường… Trong quá trình thực hiện, WWF có thuê Trung tâm Gaia tư vấn và tham gia trải nghiệm.
“VQG thống nhất với WWF giao cho Khu du lịch (KDL) Tràm Chim tiến hành triển khai trồng 3.600 cây bản địa như: trâm, cà na, ô môi tại hoạt động trên. Sau khi tham gia hoạt động, bà Huyền có đặt vấn đề với KDL để thực hiện trồng cây (không phải trồng rừng vì đất rừng đã hết) nhưng đơn vị này từ chối. Đến tháng 11-2019, bà Huyền tiếp tục đặt vấn đề là có cây bản địa nên muốn cho một số tình nguyện viên Gaia trồng” – Ông Hanh thông tin.
Theo ông Hanh, thời điểm trồng cây là không phù hợp vì trái mùa nhưng trung tâm này vẫn kiên quyết thực hiện. Do vậy ông đã giao cho Đoàn thanh niên của VQG lên kế hoạch triển khai nhằm hưởng ứng kỷ niệm 60 năm Ngày lâm nghiệp Việt Nam. Theo đó, 300 cây cà na, trâm, ô môi được trồng dọc theo lộ, bờ đất. “Việc thực hiện này là trồng cây phân tán phục hồi sinh cảnh chứ không phải trồng rừng. Chi phí 60 ngàn đồng/cây gồm cây giống, phân bón, chăm sóc… Do trồng không đúng thời điểm nên tỉ lệ sống chỉ đạt 50%. Đến nay, tổ chức Gaia không có trở lại. Việc vận động kinh phí của tổ chức này chúng tôi không hề hay biết” – ông Hanh khẳng định.
Trồng trái mùa nên trong số 300 cây đã có 50% cây chết.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Gaia xác nhận với phóng viên về việc vận động gây “quỹ trồng rừng” tại VQG Mũi Cà Mau, Tràm Chim và nhiều nơi khác trên cả nước. Bà Huyền nói: “Các VQG này không phải vùng lõi nên tự quyết định được, còn riêng VQG Mũi Cà Mau là trồng rừng vùng lõi nên cần phải có sự đồng ý của UBND tỉnh. Đối với việc vận động quỹ trồng rừng ở VQG Tràm Chim theo kiểu trải nghiệm chứ không phải như VQG Cà Mau. Hiện đang trong giai đoạn vận động quỹ, khi nào đủ kinh phí sẽ tiến hành làm việc với VQG Tràm Chim để có kế hoạch thực hiện cụ thể. Đối với VQG Mũi Cà Mau đơn vị cũng đang làm việc với các bên để có quyết định đồng ý của tỉnh”.
Tình hình hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và đại dịch Covid-19 đang diễn ra nghiêm trọng. Thời gian qua, xuất hiện nhiều lời kêu gọi trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội cùng đóng góp, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên người dân cần tìm hiểu kỹ và chỉ nên ủng hộ các đợt vận động hợp pháp, đúng chức năng do cơ quan nhà nước tổ chức, tránh đóng tiền không đúng địa chỉ, thậm chí tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo.
Ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Sau khi nhận được thông tin, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT làm việc với VQG Mũi Cà Mau. Theo báo cáo của Sở, đơn vị vận động “quỹ trồng rừng” từng thực hiện cho nhiều VQG khác, nhưng không có văn bản hoặc xin chủ trương các VQG và các cơ quan cấp tỉnh. Do đó, họ đến VQG Mũi Cà Mau thực hiện như vậy thì bị tỉnh “thổi còi”. Qua báo cáo của Sở NN&PTNT và VQG Mũi Cà Mau, UBND tỉnh nhận thấy, việc vận động “quỹ trồng rừng” là việc nên làm, nhưng phải thực hiện theo đúng trình tự, minh bạch về số tiền vận động. UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh xác minh những VQG, nơi có đơn vị cho rằng đã hỗ trợ trồng rừng, xem có đúng như giải thích của đơn vị không. Từ đó, UBND tỉnh sẽ cho ý kiến giải quyết. T.Thảo |